Hồ Tây không chỉ có lịch sử với những câu chuyện truyền thuyết, sự tích hình thành hồ mà gắn với nó là những danh thắng nổi tiếng đi vào thi ca. Trong tập thơ “Tây Hồ bát cảnh” của Lê Vĩnh Hựu thế kỷ 18 có nói đến 8 cảnh đẹp ở Hồ Tây, đó là:
Chùa Trấn Quốc
1 – Bến trúc Nghi Tàm
Chính là chỉ làng Nghi Tàm xưa có trồng một thứ trúc vàng có tên là trúc ngà ở vùng xung quanh làng. Từ xa trông hàng ngàn, hàng vạn cây đứng trước gió, ánh sáng vàng trông rất đẹp. Chính nơi này chúa Trịnh Giang đã cho mở một bến tắm, hàng năm mùa hè cùng các cung nữ lên đó tắm mát và nghỉ ngơi.
2 – Rừng bàng của Chúa
Thuộc về làng Yên Thái có một núi đất cao 400-500 trăm thước, rộng chừng một mẫu. Chúa Trịnh Giang cho trồng nhiều cây bàng để lấy bóng râm nghỉ mát. Từ trên đỉnh nhìn xuống, hàng ngàn, hàng vạn cây, cây nào cũng tỏa ra cành lá xum xuê, sắc lá theo từng mùa thay đổi. Nhìn từ xa như những chiếc lọng đỏ, lọng xanh rất đẹp mắt, người dân quanh đó quen gọi là rừng bàng.
3 – Đàn thề Đồng Cổ
Được lập trước cửa đền Đồng Cổ trên bờ hồ thuộc làng Thụy Chương dưới thời Lý Thái Tông. Đàn được xây hai tầng, tầng trên thờ thần, tầng dưới vua ngự, mỗi năm hai kỳ xuân thu, nhà vua ra đó làm lễ tế rồi hạ lệnh trăm quan văn võ đứng trước đàn thề rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, bất hiếu bất trung, thần minh giết chết”. Về sau đàn đấy đổi làm nơi công cộng của nhân dân, hằng ngày có nhiều người đặc biệt là thanh niên nam nữ đến trước đàn thề nguyền, xin thần linh minh chứng cho lòng chung thủy của mình.
4 – Tượng Phật say
Trước làng Thụy Chương đời Lê Trung Hưng có ngôi chùa chỉ có mỗi một pho tượng tay chống gậy, chân có vẻ bước liêu xiêu. Một hôm Trạng Quỳnh đến làng Thụy mua rượu vào thăm chùa thấy tượng ông làm mấy câu thơ: “Ông đứng chi mà đứng mãi đây?/ Dập dềnh như tỉnh lại như say?/Vãi nào đã chuốc cho ông rượu?/Còn có cho vay một nậm đầy”. Từ đấy người ta gọi tượng là Phật say làng Thụy, mỗi tháng hai kỳ khách thập phương thi nhau mang rượu đến lễ, sau này tượng cũng bị mất.
5 – Sâm cầm Hồ Tây
Trước kia khoảng tháng Chạp đến tháng Giêng lại có từng đàn chim sâm cầm bay về kín mặt hồ. Chim ấy chỉ ăn sâm nên thịt rất bổ, vì vậy nghề đánh chim đã trở thành một nghề của mấy làng xung quanh hồ.
6 – Cánh đồng hoa Nghi Tàm
Những ruộng dọc bên hồ Tây đều trồng hoa, nhưng chỉ có đồng hoa ở trước chùa Kim Liên, làng Nghi Tàm là đẹp, được chọn làm hoa tiến vào Phủ Chúa và Cung Vua.
7 – Làng Khán Xuân
Là một làng ở bên bờ phía Nam hồ. Đời chúa Trịnh Giang lập một ly cung và những dãy nhà như quán hàng ở xung quanh, hàng năm mùa hè ra đó nghỉ mát. Đêm đến nội thần và cung nữ mở chợ bày hàng mua bán, hát xướng làm vui. Những đêm mở chợ, làng Khán Xuân lại sáng rực một góc thành vì đèn nến thắp sáng trưng. Chính vì vậy mà chợ đêm Khán Xuân trở thành một hoạt cảnh đẹp trong kinh thành Thăng Long.
8 – Tiếng đàn hành cung
Được đặt ngay tại Chùa Trấn Quốc thời chúa Trịnh. Sau này nơi đây hàng đêm vẫn rộn tiếng đàn của các cung nữ làm người trông coi chùa và trở thành nguồn cảm hứng thi ca của tao nhân mặc khách đến vãn cảnh Hồ Tây.
Tám cảnh đẹp vùng Tây Hồ ngày nay chỉ còn trong thi ca văn học cùng với những truyền thuyết về cảnh sắc Tây Hồ, trở thành điểm nhấn cho Thăng Long – Hà Nội thêm linh thiêng huyền ảo. Và biết đâu đó có người đang muốn phục chế lại 8 cảnh đẹp nên thơ của Hồ Tây để du khách được thưởng ngoạn hoài cổ mỗi lần đến Thủ đô.
Chí Cường tổng hợp
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn