Dù Cánh đồng chết đông khách, nhiều người đi qua các hố chôn tập thể vẫn rùng mình.
Vân Phạm, 23 tuổi, hiện công tác tại Tây Ninh. Trong kỳ nghỉ lễ 30-1/5 vừa qua, Vân du lịch Campuchia bằng đường bộ cùng bạn bè. Nhóm xuất phát từ TP HCM qua cửa khẩu Mộc Bài. Dưới đây là trải nghiệm của Vân trong chuyến thăm Cánh đồng chết Choeung Ek.
3h chiều, tôi đặt chân xuống Phnom Penh sau 6 tiếng ngồi xe đường dài từ Siem Reap, Campuchia. Hơi nóng hầm hập tháng 5 thổi rát má cô gái quen cái lạnh ở Hà Nội. Bắt xe tuk tuk, tôi định tới khách sạn nghỉ lấy sức để chơi tối ở thủ đô nước bạn, trước khi bắt chuyến xe sớm quay về Việt Nam.
Song sau cuộc nói chuyện ngắn với tài xế địa phương, tôi quyết định vác cả hành lý để tới thẳng Cánh đồng chết Choeung Ek – dấu ấn về tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ những năm 1970.
Từ đường lớn, tài xế đưa tôi vào trong ngõ nhỏ, đi qua con kênh nước đục ngầu với những túp nhà lụp xụp bên bờ. Qua nhiều ngã rẽ, cuối cùng tôi cũng tới Choeung Ek ở vùng ngoại ô cách trung tâm thủ đô Phnom Penh hơn 15 km.
Bước vào cổng mua vé, hướng dẫn viên hỏi tôi đến từ nước nào. Khi tôi nói mình đến từ Việt Nam, người kia nở một nụ cười lớn: “Việt Nam và Campuchia là anh em”.
Người viết trong chuyến du lịch Campuchia cuối tháng 4. |
Họ đưa tôi một tờ bản đồ với chỉ dẫn chi tiết, tai nghe và máy radio. Ngay khi tôi bật radio, một giọng đọc tiếng Việt vang lên, ám ảnh lấy tâm trí. Những lời đầu tiên giới thiệu về Cánh đồng chết Choeung Ek, nơi chứa đầy hộp sọ của những nạn nhân diệt chủng trong nửa sau thế kỷ 20. Câu nói “người Campuchia giết người Campuchia”, con số 1,7 đến 2,5 triệu nạn nhân trong tổng dân số 8 triệu người Campuchia lúc bấy giờ khiến tôi không kìm được lòng.
Đi khoảng trăm bước trên con đường đất, tôi bước đến điểm được đánh dấu số 1 trên bản đồ. Đây là nơi những chiếc xe tải ma, chở hàng trăm nghìn đoàn người Campuchia vô tội đến điểm cuối cuộc sống của họ. Hiện tại, nơi đây chỉ có một cây xanh với nhiều vết rạch xám xịt. Tòa nhà gác đã bị phá bỏ. Từ máy thu, giọng kể vẫn phát ra đều đều. Tôi có thể hình dung ra trước mắt những đoàn người bị bịt mắt, trói tay, im lặng đón chờ những điều sắp xảy ra.
Sau đó tôi tới các điểm khác trên bản đồ, nơi từng là nhà kho chứa thuốc độc, dụng cụ hành quyết. Quân Pol Pot thường dùng những vật dụng như búa, rìu sắt, cuốc, gậy tre… để sát hại các nạn nhân.
Tôi dạo quanh một vườn nhỏ, nơi được đánh dấu là vườn trái cây trên bản đồ. Hàng rào của khu vườn là rặng cây thốt nốt, với những mố cứng sắc nhọn. Theo thuyết minh, khi không có gì trong tay, những tên lính Pol Pot sẽ cứa cổ nạn nhân bằng những mố cây thốt nốt lẹm như lưỡi cưa ấy.
Tôi bước vào vườn, không gian bị bao trùm bởi sự im lặng. Không có tiếng chim chóc líu lo như những vườn cây ăn quả khác, chỉ có tiếng chân đạp lá xào xạc dưới đất. Tôi vẫn bịt tai nghe, chăm chú từng lời giới thiệu và những câu chuyện liên quan của các nạn nhân. Họ là những người mẹ mất con, những đứa trẻ bơ vơ lạc gia đình. Có những nạn nhân bị ép phải hành quyết đồng bào của họ.
Cánh đồng chết trải dài với những hố đào lồi lõm từng là nơi chôn người. Rải rác trong Cánh đồng chết là những ngôi mộ chôn tập thể đã được khai quật như: “Mộ trẻ sơ sinh”, “Mộ nhiều xác nhất”, “Mộ người không đầu”… Ảnh: Đoàn Loan. |
Khu vườn ăn quả này thực chất là những hố chôn người tập thể. Những hố sâu 5 m đã bị biến đổi sau các trận lũ, khiến chúng trở thành vùng trũng. Song tôi vẫn có thể thấy những dải bịt mắt hay mảnh vải rách từ quần áo của nạn nhân, cả những chiếc vòng tay nhỏ xíu. Điều đó đủ để tôi hiểu rằng, không chỉ người lớn, rất nhiều đứa trẻ đã bị sát hại ở đây.
Đi một vòng ra khỏi khu vườn, tôi đến Cây ma thuật – vốn là cây bồ đề nơi Phật ngồi tu thành chính quả trong truyền thuyết. Quân Khmer Đỏ đã dùng Cây ma thuật để treo loa phóng thanh. Ban ngày, loa phát nhạc thúc giục những nạn nhân lao động chăm chỉ trên đồng, ban đêm, bản nhạc kỳ lạ vang lên như chuông ngân át đi tiếng gào thét của họ.
Mặt trời dần đổ về phía Tây, bầu trời xanh không gợn mây. Không có một cơn gió nào, không khí đặc quánh quanh mũi. Mất vài phút trầm lặng, tôi cởi giày, tiến vào trong đài tưởng niệm. Mua một nhành hoa cúc và nén hương, tôi cúi mình dưới mái tháp với lối thiết kế đậm văn hoá tâm linh của người Campuchia.
Để tưởng niệm các nạn nhân xấu số, Chính phủ Campuchia xây dựng Đài tưởng niệm ở giữa khu di tích và lưu giữ hộp sọ của các nạn nhân. Ảnh: Vân Phạm. |
Đài tưởng niệm chứa hàng nghìn hộp sọ người. Những hộp sọ được phân chia theo từng cách nạn nhân bị sát hại: chiếc thì nứt do gậy gỗ, chiếc bị khoan hoặc lõm vỡ vì búa sắt. Có cả những hộp sọ còn nguyên vẹn, bởi nạn nhân phải uống thuốc độc. Nao lòng, tôi ra ngoài ghế đá ngồi dưới tán cây hoa đại. Ngẩng đầu ngước nhìn trời cao, tôi vẫn nhớ màu xanh ngắt yên bình trong chiều hôm đó.
Nguồn: Vnexpress.net