Là một trong những sản phẩm du lịch mới của Quảng Nam, du lịch sinh thái, trải nghiệm đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân từ vùng đồng bằng, ven biển đến vùng sâu trong đất liền, nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em, được xem là những sản phẩm du lịch độc đáo, giàu tiềm năng của tỉnh.
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) là một trong những làng nghề được chọn để phát triển du lịch
Tuy nhiên, để loại hình du lịch này thật sự là sản phẩm mang sắc thái riêng và phát triển bền vững phải có định hướng phát triển bài bản, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chạy theo số lượng, chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức, khiến nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời đã “chết yểu”.
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chia sẻ: Quảng Nam có nhiều lợi thế về văn hóa cộng đồng, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Đây cũng là xu hướng chủ đạo của địa phương trong xây dựng chiến lược phát triển du lịch xanh và bền vững. Từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng sâu trong đất liền, những sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, thu hoạch nông sản, trải nghiệm với đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư ven biển, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… đã và đang trở thành sản phẩm du lịch thu hút sự hứng thú đối với du khách, nhất là khách quốc tế.
Tuy nhiên, do chưa có định hướng phát triển rõ ràng đối với hoạt động du lịch sinh thái, tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chạy theo số lượng chưa được khắc phục. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm chưa được các làng nghề, doanh nghiệp lữ hành, địa phương quan tâm đúng mức nên thiếu sức hấp dẫn để “níu chân” du khách quay trở lại lần nữa.
Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng làng đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn chia sẻ: Trong những năm qua, làng đúc đồng Phước Kiều đã trở thành địa chỉ quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nếu làng đúc đồng Phước Kiều chỉ đơn độc mà không có sự kết nối với làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế (Hội An); làng chiếu cói Bàn Thạch, làng nghề dệt chiếu An Phước, làng nghề tơ lụa Mã Châu (huyện Duy Xuyên)… để tạo ra mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau trong việc giới thiệu sản phẩm, làm mới sản phẩm thì làng đúc đồng Phước Kiều cũng như các làng nghề khác khó nâng cao được chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Du lịch sinh thái, du lịch làng nghề Quảng Nam có nhiều tiềm năng, song để phát huy được thế mạnh này, cộng đồng ở từng làng nghề phải biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của mình, phải biết lựa chọn những ngành nghề độc đáo, nơi khác không có để vừa xây dựng thành sản phẩm hàng hóa làng nghề có giá trị, vừa xây dựng thành sản phẩm phục vụ du lịch ấn tượng với du khách. Mặt khác, thay vì đơn lẻ phát triển, các làng nghề, các điểm du lịch phải vừa có sự kết nối với nhau, kết nối giữa các công ty lữ hành với các làng nghề trong việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng yêu cầu của du khách. Đây là yếu tố sống còn của du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống, nghệ nhân Dương Ngọc Thắng cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam Võ Văn Vân cho biết: Quảng Nam hiện có hơn 100 làng nghề truyền thống. Để làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo thêm công việc làm, tăng thu nhập cho người dân, trong giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đầu tư hơn 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển 16 làng nghề có tiềm năng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh và các huyện miền núi Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn.
Đây là những làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển gắn với các điểm, tuyến du lịch trải dài từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam. Du lịch phát triển là điều kiện thuận lợi để làm sống dậy các làng nghề. Mặt khác, đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề có chọn lọc sẽ góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam theo mục tiêu phát triển bền vững. Du lịch sinh thái gắn liền với cộng đồng. Do đó, người dân địa phương phải là người giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, cộng đồng phải được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch mang lại.
Cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch gắn liền với việc liên kết giữa các làng nghề, các địa danh văn hóa lịch sử, liên kết giữa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với du khách, trên cơ sở đó sẽ tạo ra chuỗi giá trị lớn là hướng ưu tiên phát triển của ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam. Để đạt được kỳ vọng này, vấn đề cốt lõi là phải nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đồng thời, khắc phục tình trạng chạy đua số lượng làng nghề thiếu trọng tâm, dàn trải, không để lại dấu ấn trong lòng du khách.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn