Trang chủ Du lịch trong nước

Du lịch trong nước

Du lịch trong nước, tin tức du lịch trong nước, các tour du lịch trong nước, các địa điểm du lịch trong nước hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đưa tin hàng ngày đến cho khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước có được thông tin du lịch trong nước để có những thông tin hữu ích nhất cho mình và gia đình khi quyết định chọn chuyến du lịch trong nước cho mình và người thân

Long An phát huy di tích, phát triển du lịch bền vững

Long An khai thác 127 di tích và làng nghề truyền thống để phát triển du lịch. Tỉnh đẩy mạnh quảng bá, đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ bảo tồn di sản, kết nối văn hóa – lịch sử với sản phẩm OCOP, thu hút du khách trẻ, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và giữ gìn bản sắc dân tộc.


Long An đang sở hữu 127 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh, cùng nhiều làng nghề truyền thống. Tỉnh đang từng bước phát huy tiềm năng du lịch, gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển kinh tế địa phương.

Du khách đến với Khu di tích Xứ ủy Nam kỳ tại huyện Tân Thạnh

Bên cạnh việc trùng tu, bảo tồn các công trình lịch sử, tỉnh Long An cũng tích cực lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia cho nhiều địa điểm như: Nhà Long Hiệp (huyện Bến Lức), Khu vực Cầu Kinh (huyện Cần Giuộc) và đưa các lễ hội tiêu biểu như Chùa Cổ Sơn, Đền Long Khốt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Nguyễn Tấn Quốc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, du lịch địa phương không chỉ hướng đến giáo dục truyền thống mà còn tập trung phát triển kinh tế bằng cách mời gọi đầu tư, mở rộng hạ tầng dịch vụ. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản, số hóa dữ liệu để phục vụ khách tham quan hiệu quả hơn.

Phát triển du lịch gắn với làng nghề

“Nếu như năm 2022 các điểm đến đón khoảng 150 đoàn với khoảng 14.000 lượt khách, thì đến năm 2023 tăng lên gấp đôi, khoảng 260 đoàn với 40.000 lượt khách. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã có trên 120 đoàn với trên 21.000 ngàn lượt khách tìm đến các điểm di tích lịch sử tại Long An”, ông Quốc nói.

Dù còn nhiều khó khăn, ngành du lịch Long An vẫn nỗ lực đẩy mạnh hoạt động quảng bá, thu hút du khách bằng các chương trình trải nghiệm, tham quan gắn với lịch sử và văn hóa bản địa. Năm 2024, tỉnh đón hơn 340.000 lượt khách đến các khu di tích và lễ hội.

Cùng với đó, ngành du lịch Long An chú trọng hỗ trợ làng nghề, nâng cao năng lực sản xuất và giới thiệu sản phẩm OCOP – chương trình mỗi xã một sản phẩm. Hiện Long An đã có 139 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (40 sản phẩm đạt 4 sao, 99 sản phẩm đạt 3 sao), với nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại Tân An, Đức Hòa và Cần Đước.

Đông đảo du khách đến với Đền thờ Nguyễn Trung Trực

Với định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững và gắn kết cộng đồng, Long An đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn, giàu giá trị văn hóa – lịch sử, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Nguyễn Quang

Nguồn: Dulichvn

Mèo Vạc (Hà Giang): Mỗi người dân là một “di sản sống” kể chuyện bản, chuyện làng

Trong hành trình đến với Mèo Vạc (Hà Giang), du khách dễ dàng bắt gặp các nghi lễ dân gian, phong tục truyền thống được đồng bào thực hành ngay trong thôn bản. Không ồn ào, không phô diễn, lễ hội nơi đây là một phần gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng. Người dân là nghệ nhân, là người kể chuyện, là chủ thể sáng tạo và gìn giữ văn hóa.


Từ nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, giữa những dãy đá tai mèo xám dựng trời, huyện Mèo Vạc đang từng bước đánh thức tiềm năng du lịch bằng chính những giá trị văn hóa sống động của cộng đồng. Không sân khấu hóa, không tái dựng cầu kỳ, những lễ hội nơi đây vẫn hiện hữu trong đời sống thường nhật, mộc mạc, chân thực và đầy sức cuốn hút.

Người dân tộc Lô Lô thực hành Lễ hội Cầu mưa tại Nhà sinh hoạt cộng đồng.

Tại thị trấn Mèo Vạc, đồng bào dân tộc Lô Lô vẫn đều đặn tổ chức Lễ hội Cầu mưa vào mỗi dịp đầu mùa gieo cấy. Lễ hội diễn ra ngay tại sân nhà truyền thống sinh hoạt cộng đồng, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng nông nghiệp và tâm linh. Từ việc chuẩn bị lễ vật đến các điệu múa cổ, nhịp trống thiêng; tất cả đều do chính bà con thực hiện, bằng niềm tin và niềm tự hào về nguồn cội.

“Tổ chức lễ hội là cách để thế hệ trẻ hiểu gốc gác dân tộc mình, thấy được cái hay cái đẹp mà gìn giữ, trân trọng. Lễ hội giúp bà con gắn bó với làng bản, với nhau hơn”, ông Lò Sì Páo, Trưởng thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc chia sẻ.

Không chỉ có Lễ hội Cầu mưa, người Lô Lô còn bảo tồn các hình thức nghệ thuật dân gian như múa sạp, đánh trống đồng, hát dân ca… Tất cả như dòng mạch ngầm văn hóa chảy qua từng thế hệ, nuôi dưỡng hồn cốt bản sắc một cách bền vững và tự nhiên.

Chợ tình Phong Lưu Khâu Vai – nơi hội tụ sắc màu văn hóa các dân tộc và lưu giữ những nghi lễ truyền thống đặc sắc.

Mèo Vạc là nơi hội tụ hơn 17 dân tộc cùng sinh sống, mỗi cộng đồng mang theo kho tàng lễ hội, nghi thức và phong tục riêng biệt. Những lễ hội truyền thống như Gầu Tào của người Mông, múa kiếm của người Giáy ở Nậm Ban, hay phiên chợ tình Phong Lưu Khâu Vai – nơi đá cũng “nở hoa” đã và đang góp phần định danh Mèo Vạc trên bản đồ du lịch văn hóa Việt Nam.

Đồng chí Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: “Chúng tôi xác định rõ hướng đi, phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa. Không làm lễ hội để trình diễn, mà để du khách sống cùng cộng đồng, cùng trải nghiệm và cảm nhận văn hóa bản địa một cách chân thực nhất”.

Từ tầm nhìn đó, huyện Mèo Vạc đã phối hợp với các ngành của tỉnh, các xã trên địa bàn phục dựng nhiều nghi lễ cổ đang dần mai một, xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa dân gian. Những mùa hội ở Mèo Vạc nay không chỉ có lễ mà còn có hội, nơi du khách được hòa mình vào các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực vùng cao, tham quan không gian nghề truyền thống.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng không chỉ là nơi lưu giữ phong tục, mà còn là những điểm đến trải nghiệm đậm chất bản địa.

Ở các làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc như: Xã Pả Vi (người Mông), thị trấn Mèo Vạc (người Lô Lô), xã Tát Ngà (người Giáy)… du khách không chỉ đến tham quan mà còn được trải nghiệm đan lát, thổi khèn, dệt lanh, gói bánh giầy, múa dân gian. Những trải nghiệm gắn với đời sống thực ấy khiến du lịch Mèo Vạc không bị thương mại hóa mà vẫn đậm đà tính bản địa.

Anh Nguyễn Trường Huy, du khách từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi ấn tượng không chỉ bởi cảnh quan Mèo Vạc, mà còn vì được hòa mình vào đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây”.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức hơn 20 lớp truyền dạy văn hóa dân gian, mời các nghệ nhân đứng lớp để phục dựng nghi lễ cổ, bảo tồn tiếng nói, làn điệu dân ca… Đây không chỉ là hoạt động giữ gìn di sản mà còn là bước đi trao quyền cho cộng đồng để người dân thực sự làm chủ văn hóa và làm chủ cả hành trình phát triển du lịch của chính mình.

Những lễ hội ở Mèo Vạc thu hút du khách.

Cách làm ở Mèo Vạc khác biệt ở chỗ: Người dân không làm văn hóa để phục vụ du lịch, mà làm du lịch trên nền văn hóa đã có. Chính vì vậy, mỗi lễ hội không trở thành “sản phẩm trình diễn” mà sống cùng nhịp sống thường nhật. Mỗi người dân là một “di sản sống”, mỗi thôn bản là một “bảo tàng sống”; nơi du khách không chỉ đến để xem, mà đến để kết nối, để thấu hiểu và để đồng hành cùng cộng đồng.

Không chạy theo xu hướng ngắn hạn, Mèo Vạc đang đi con đường riêng, một hành trình lặng lẽ mà bền vững. Giữa bạt ngàn đá xám, những lễ hội thắp sáng niềm tự hào dân tộc. Văn hóa được sống trong đời thường, không trưng bày, ấy là lúc du lịch trở thành hành trình đồng hành cùng cộng đồng.

Bài, ảnh: Hà Linh

Nguồn: Dulichvn

Làng rượu nước nóng Vĩnh Thạnh – Bình Định

Mùa hè này, nếu bạn đang tìm một điểm đến mát lành, gần gũi thiên nhiên và đậm đà bản sắc địa phương, điểm đến làng rượu nước nóng xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) chính là lựa chọn đáng lưu ý. Với gói trải nghiệm chỉ 700 nghìn đồng cho nhóm 3 – 4 người, du khách sẽ có một ngày hè thật trọn vẹn với nhiều hoạt động hấp dẫn.


Tại đây, bạn sẽ được hít thở không khí trong lành của núi rừng, tự tay hái những trái cây như xoài, mít, thơm, dừa… từ khu vườn trù phú. Dòng suối mát lạnh bên làng là nơi lý tưởng để thư giãn, bắt ốc, nghịch nước, đặc biệt phù hợp với các gia đình có trẻ nhỏ.

Tham quan lò rượu đá độc đáo. Ảnh: Hải Yến

Đến làng, du khách còn có thể câu cá thư giãn bên chòi nghỉ mát, thưởng thức “chiến lợi phẩm” tại chỗ và khám phá quy trình nấu rượu truyền thống từ ủ men đến đóng chai dưới sự hướng dẫn tận tình của người dân địa phương. Đặc biệt, những lò rượu đá độc đáo là nơi được nhiều bạn trẻ thích thú check – in.

Bữa trưa tại làng là sự hội tụ tinh hoa ẩm thực địa phương với các món đặc sản như: Gà nước nóng, trứng luộc suối khoáng, rau rừng chấm muối mè, cơm bảy đồng, canh chua lá giang… Mỗi phần ăn đều mang đậm hương vị quê nhà, tươi ngon và an toàn.

Ngoài ra, du khách còn được tặng 1 bình rượu Springchi, miễn phí chòi nghỉ trưa, và nhận ngẫu nhiên các phần quà nông sản quê nếu đặt trước ít nhất 1 ngày.

Làng rượu nước nóng không chỉ là điểm đến du lịch sinh thái, mà còn là nơi lưu giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống của người dân Vĩnh Thạnh. Hãy lên kế hoạch khám phá và trải nghiệm mùa hè ý nghĩa tại đây cùng người thân, bạn bè!

Hải Yến

Nguồn: Dulichvn

Khám phá ẩm thực vùng quê Nam Định khi ghé thăm nhà thờ Phú Nhai

Vương cung thánh đường Phú Nhai tọa lạc tại tỉnh Nam Định, là một trong những nhà thờ nổi bật của Việt Nam, mang đậm kiến trúc Gothic kiểu Pháp đặc trưng. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây vào mùa hè, du khách có thể kết hợp tham quan công trình tôn giáo độc đáo này với hành trình khám phá ẩm thực địa phương.


Theo đó, ở vùng quê như Nam Trực, Trực Ninh, đặc sản ẩm thực thường là những món ăn truyền thống như bún, phở, bánh đa, miến dong. Trong khi đó, tại TP Nam Định, nổi bật là các món ẩm thực đường phố và đặc sản làm quà như bánh mì, bánh cuốn, bánh gai, bánh nhãn, kẹo sìu châu, bánh xíu páo, bún đũa…

Chính sự phong phú và đa dạng ấy đã khiến nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức đặc sản trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để du khách lựa chọn khi khám phá và trải nghiệm du lịch Nam Định. Sau đây là một số món ăn truyền thống nổi bật của địa phương.

Phúc An tổng hợp

 

Nguồn: Dulichvn

Tháng 5 thăm Trường Dục Thanh

Nằm yên bình giữa lòng TP Phan Thiết (Bình Thuận) náo nhiệt, Khu di tích Trường Dục Thanh như một nốt trầm lắng đọng mời gọi du khách bước chân vào không gian xưa cũ. Về thăm Trường Dục Thanh là hành trình ngược dòng thời gian, chạm vào những dấu son lịch sử và cảm nhận hơi thở của một thời kỳ sục sôi lòng yêu nước.


Với diện tích hơn 4.000 m², dù bao thăng trầm, trường vẫn giữ dáng hình kiến trúc độc đáo, nơi giao thoa giữa nét cổ kính và hơi thở hiện đại, hiên ngang với những hàng mục nhà Ngư trầm mặc, nhà Ngọa Du Sào ẩn mình dưới bóng cây, nhà Thờ cụ Nguyễn Thông uy nghiêm. Và đó còn có cây khế cổ thụ tỏa bóng mát, giếng nước trong veo, khu vườn lưu niệm xanh tươi. Đặc biệt hơn, những hiện vật gốc nơi đây vẫn lặng lẽ kể câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học tại

Phan Thiết vào năm 1911. Đó là bộ trường kỷ bóng loáng, bộ ván gõ ba tấm mộc mạc, án thư cũ kỹ, tủ đứng trầm tư, nghiên mài mực, tráp văn thư nhuốm màu thời gian. Tất cả đã tái hiện chân thực không khí học tập thuở ấy, từ ngày trường thành lập, những người đặt nền móng, những môn học được truyền thụ, đến hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành giản dị mà khí phách.

Trường Dục Thanh không chỉ là một di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia để tham quan, mà còn là chiếc cầu nối đưa du khách trở về những năm đầu thế kỷ 20, khi những sĩ phu yêu nước với khát vọng mở mang dân trí đã gieo mầm tri thức tại nơi này. Văn hóa và lịch sử tại trường không hề khô khan, cũ kỹ. Với sự đổi mới trong cách tiếp cận, những mã QR-code tiện lợi, những hình ảnh trực quan sinh động, di tích ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với giới trẻ. Những chuyến đi về “địa chỉ đỏ” không chỉ là hành trình khám phá, mà còn là cách thế hệ trẻ lan tỏa và sẻ chia những giá trị truyền thống theo cách riêng.

Tháng 5 này, khi cả nước hướng về Người, một chuyến ghé thăm Dục Thanh không chỉ là để tưởng nhớ những bài học vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là dịp để tri ân những người đã gieo những hạt mầm yêu nước và ý thức dân tộc đầu tiên cho bao thế hệ học trò. Hãy đến và cảm nhận, để lịch sử không chỉ là những trang sách, mà còn là một phần sống động trong trái tim mỗi người.

Bài và ảnh: Thanh Thanh

Nguồn: Dulichvn

Nét đặc sắc dân tộc Dao ở Cao Bằng

Cao Bằng có 27 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, người Dao chiếm 10.08% dân số toàn tỉnh. Bà con thường sống ở vùng núi cao và thung lũng tương đối bằng phẳng, tập trung thành các bản gọi là “lũng” với khoảng từ 15 đến 20 nhà. Văn hóa của dân tộc Dao có ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca… trong đó có nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ.


Người Dao ở Cao Bằng phân bố ở các huyện: Hà Quảng, Thạch An, Hòa An, Bảo Lạc, Bảo Lâm, nhưng tập trung đông nhất tại huyện Nguyên Bình. Dân tộc Dao được chia thành 2 nhánh chính: Dao Đỏ và Dao Tiền.

Phụ nữ Dao đỏ xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình.

Trang phục người Dao đỏ thường là màu đen và đỏ làm chủ đạo, điểm đặc biệt của bộ trang phục phụ nữ chính là vòng bông màu đỏ được làm thủ công bằng len màu đỏ, gọi “pờ ki nhòng”, “pờ ki nhòng” có kích thước 30 cm, được treo đối xứng phía hai bên ngực, trải dài từ cổ áo tới thắt lưng. Trang phục phụ nữ dân tộc Dao Đỏ đặc sắc từ khăn đội đầu đến các hoa văn, họa tiết thêu ở áo, quần, túi đeo tạo nên các điểm nhấn hài hòa và ấn tượng. Phần ngực áo được trang trí họa tiết bằng bạc, những họa tiết này gắn đầy trên 2 mảnh vải vòng qua cổ tựa như chiếc áo nhỏ nhưng không có tay áo. Chiếc áo nhỏ này có hai thân trước và sau, cả hai thân đều được đính hoa bằng bạc. Quanh viền cổ là vải đỏ và đính lên trên là các hàng hoa bằng bạc song song với nhau. Ngoài ra, trên bộ quần áo của người phụ nữ còn có “thít” (thắt lưng) và “hấu” (quần). Quần của người phụ nữ là vải chàm được nhuộm đen, phía ống quần được trang trí các ô hoa văn đỏ, vàng, trắng xen kẽ. Họa tiết thêu tỉ mỉ, cầu kỳ tạo nên sự đối xứng, hài hòa với chiếc áo thân trên của bộ trang phục. Thông thường, một bộ trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ cần 1 – 2 năm để may hoàn chỉnh.

Trang phục của người Dao Tiền màu chủ đạo là màu trắng. Điểm nhấn của bộ trang phục chính là khăn quấn đầu, là mảnh vải trắng trước khi đem đi nhuộm chàm, dài khoảng 1,5 – 2 m, rộng khoảng 30 cm. Hoa văn được thêu trên khăn quấn đầu chủ yếu là cây cỏ, hoa lá, chim, ngựa và hình người đang giã gạo. Khi đội lên đầu, người Dao Tiền vắt chéo hai đầu khăn trước trán tạo nên hình sừng ở hai bên đầu rồi gấp hai hình thêu lên đỉnh đầu. Hoa văn trên áo của người Dao Tiền được vẽ trước khi thêu. Riêng áo trong (lùi ton) được làm bằng mảnh vải trắng, trơn không có hoa văn. Áo khoác ngoài (lùi đao) được làm bằng vải chàm. Các họa tiết được thêu ở phần cổ áo, phía trước vạt áo và thân sau. Các hoa văn có đường thẳng, đường gấp với tông màu chủ đạo là xanh chàm, trắng và vàng được gọi chung là “ghển”. Hoa văn dưới vạt áo hình con chó, con chim, con dê được xếp xen kẽ xung quanh nhau gọi là “tào chô”. Chiếc đai lưng (lùng sin) là những sợi vải dài màu trắng và xanh chàm, được tết lại với nhau theo phương pháp thủ công, mỗi chiếc đai lưng có khoảng 7 – 9 sợi vải dài, mỗi sợi dài từ 2 – 2,5m (tùy vào vòng bụng mỗi người), mỗi người quấn 3 vòng quanh eo. Phụ nữ Dao tiền mặc váy in hoa văn sáp ong, áo, yếm, chân quấn xà cạp. Mảnh vải quấn chân (lùng pang) được trang trí chủ yếu bằng các đường thẳng hoặc đường gấp khúc với màu sắc chủ đạo là trắng và xanh. Phụ nữ Dao quấn mảnh vải với 3 vòng mỗi chân bắt đầu từ cổ chân đến trên gấu váy.

Về trang phục nam giới Dao thường là chiếc áo ngắn xẻ ngực, cài cúc trước ngực. Nhìn chung, trang phục phụ nữ Dao giữ được nhiều nét hoa văn trang trí truyền thống cầu kỳ. 

 Trang sức của người Dao phong phú, đa dạng, gồm: vòng tay, vòng cổ, xà tích, cúc bạc… được chạm khắc công phu, tinh xảo như rồng, phượng, chim muông, hoa lá, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày… Một bộ trang phục cưới theo truyền thống kèm trang sức bạc của người Dao Đỏ có giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài việc làm đẹp, trang sức của người Dao còn mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng như đeo bạc sẽ trừ được tà ma, tránh trúng gió độc và thậm chí được thần linh phù hộ.

Người Dao có nền văn hóa và lịch sử lâu đời, nhiều tín ngưỡng về thần linh, ma quỷ, có một số tục lệ thờ cúng phức tạp và tốn kém. Người Dao có quan hệ họ hàng chặt chẽ và thông qua tên đệm để xác định dòng họ, vai vế của người đó trong quan hệ dòng họ. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ H’Mông – Dao, không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán được Dao hóa, gọi là chữ Nôm Dao. Tuy cư trú ở núi cao, xa xôi, còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Dao có truyền thống văn hóa phong phú và giàu bản sắc, như: Hát giao duyên, thổi kèn Phàn tỵ, múa trống… trong các Lễ Cấp sắc và Lễ cưới. Hiện người Dao vẫn giữ gìn, phát huy nhiều nghề thủ công, như: nghề làm giấy bản ở xã Yên Lạc, nghề chạm bạc của nhóm Dao đỏ xã Thái Học (Nguyên Bình), nghề in hoa văn sáp ong của người Dao tiền xã Quang Thành (Nguyên Bình)…

Nhà ở của người Dao có ba dạng: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất. Trong đó nhà đất (nhà trệt) với cấu trúc tường trình ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Người Dao có những tín ngưỡng về thần linh, ma quỷ với những tục lệ thờ cúng phức tạp. Tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” tồn tại rộng rãi trong cộng đồng người Dao Cao Bằng. Đó là quan niệm đa thần (thần mưa, thần gió, thần trông coi lúa gạo, hoa màu, thần chăn nuôi)… Bên cạnh đó, còn có các nghi lễ, như: lễ cúng Bàn Vương, cúng cơm mới, cúng thóc giống, cúng hồn gia súc… Trong đó, cấp sắc là một nghi lễ truyền thống và quan trọng bậc nhất trong tín ngưỡng cộng đồng dân tộc Dao. Nam giới đến tuổi trưởng thành phải làm lễ cấp sắc để có vị thế trong xã hội và cũng nhằm đặt tên âm cho người con trai đó. Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào cuối năm, trước khi làm lễ cấp sắc, người được làm lễ phải giữ mình trong sạch, không nói tục, chửi bậy, không để người khác chạm vào, phải mặc y phục mới… Người Dao quan niệm, những người đàn ông trải qua lễ cấp sắc mới được coi là trưởng thành, có địa vị trong xã hội. Cấp sắc được chia làm nhiều cấp độ: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Lễ Tẩu Sai (cấp sắc 12 đèn) là đại lễ quan trọng nhất, được chuẩn bị công phu với sự tham gia của tất cả các thành viên trong dòng họ.

Hiện nay, trong cộng đồng người Dao ở Cao Bằng vẫn còn lưu giữ được những cuốn sách cổ; có cuốn ghi chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể, như: tín ngưỡng thờ cúng, ma chay, tổ chức lễ hội, cấp sắc, nắm bắt quy luật thiên nhiên, địa lý, tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh em hàng xóm… nhưng rất ít người biết đọc.

Nông nghiệp vốn là ngành sản xuất truyền thống, nguồn thu nhập chính của người Dao. Do điều kiện tự nhiên nơi địa bàn cư trú, người Dao thích nghi với các hình thức canh tác phù hợp, tận dụng từng tấc đất để gieo trồng các loại cây lương thực, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày có hiệu quả. Về chăn nuôi, người Dao có truyền thống chăn nuôi trâu, bò để lấy sức kéo và phân bón, nuôi lợn, gà, vịt để làm nguồn thức ăn, cải thiện đời sống.

Tết cổ truyền của người Dao diễn ra cùng dịp với Tết Nguyên đán. Vào những ngày giáp Tết (tháng 12 âm lịch), dân bản tập trung tại nhà trưởng bản hoặc một nhà nào đó theo phiên để cùng nhau tiến hành “Tết Nhảy”. Từ bao đời nay, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. “Tết Nhảy” của người Dao là nét sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp của các loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ…  tất cả đã làm nên vũ điệu sắc màu độc đáo riêng của người Dao.

Đối với việc cưới hỏi, trong Lễ ăn hỏi, nhà trai mang gà, rượu, thịt sang nhà gái đưa đồng bạc trắng. Số bạc này nhà gái dùng để chuẩn bị quần áo, tư trang để cô dâu về nhà chồng. Từ khi ăn hỏi đến khi cưới khoảng 1 năm để cô gái phải thêu thùa quần áo cưới. Đối với Lễ cưới, người Dao thường tổ chức cưới chủ yếu là bên nhà trai. Ngày cưới, đoàn nhà gái đưa dâu sang nhà trai gọi chung là đoàn (săn cha), từ trẻ đến già ăn mặc chỉnh tề theo trang phục truyền thống của dân tộc mình. Sau khi ăn uống, đoàn đưa dâu đứng trước bàn thờ tổ tiên, hai ông quan lang hai bên thưa với tổ tiên việc cưới xin của gia đình và xin phép được đưa đón dâu sang nhà trai. Đến nhà trai, đoàn săn cha dừng chân cách nhà trai một quãng. Nhà trai đưa bàn ghế ra, thuốc, trà, rượu ra mời đoàn săn cha đang dừng chân (đợi giờ vào nhà). Đội nhạc lễ nhà trai gồm: trống, thanh la, kèn, hai chũm chọe gồm một to và một nhỏ. Trước khi ra cửa đón dâu, đội nhạc lễ thổi những bài ca mừng cưới vòng ba lần trong nhà rồi ra ngoài đón đoàn săn cha nhà gái. Người thổi kèn đôi bên thổi bài chào đón khách và đưa cô dâu cùng đoàn săn cha vào nhà.

Có thể nói, đồng bào Dao ở Cao Bằng có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc. Dù xã hội có nhiều sự thay đổi, xáo trộn bởi văn hóa hiện đại, nhưng bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn, nguyên vẹn những giá trị, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện được nét đẹp riêng có, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

P.V

 

Nguồn: Dulichvn

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý

Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2024, đang từng bước được bảo tồn và phát huy, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa và kinh tế biển Bình Định.


Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý.

Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý được tổ chức thường niên vào các ngày mùng 9, 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, không chỉ là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính với cá Ông – vị thần biển thiêng liêng, mà còn là hoạt động mang ý nghĩa cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, ra khơi thuận buồm xuôi gió, hải sản đầy khoang, ngư dân bình an. Theo sử liệu và ký ức dân gian, lễ hội này có nguồn gốc từ những năm đầu thế kỷ XIX, gắn liền với quá trình hình thành Trường Lăng vào năm 1815, và chính thức được tổ chức tại vũng Nồm – đầm Hưng Lương từ năm 1839.

Lễ hội này đã nhiều lần được trùng tu, tái thiết, đặc biệt là sau năm 2014, khi địa phương chú trọng khôi phục đầy đủ nghi lễ truyền thống, tổ chức quy mô hơn, gắn kết cộng đồng và mở rộng không gian văn hóa. Nghệ nhân Đinh Văn Quang, người đã gắn bó hơn 30 năm với lễ hội, chia sẻ: “Lễ hội cầu ngư tại Vạn đầm Xương Lý diễn ra theo nghi lễ cổ truyền. Phần lễ được thực hiện trang nghiêm, tôn kính, còn phần hội thì sôi nổi, vui tươi với các hoạt động dân gian như biểu diễn hò bả trạo, hát bội, bơi thúng, chèo thuyền, chơi bài chòi… tạo nên không khí rộn ràng đầu năm mới”.

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh tín ngưỡng, lễ hội cầu ngư còn góp phần lớn trong việc gắn kết cộng đồng ngư dân, nhắc nhớ truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân biển cả, nơi mang lại cuộc sống cho bao thế hệ. Với sự tham gia đông đảo của bà con ngư dân, du khách gần xa, lễ hội trở thành điểm nhấn văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc vùng biển Bình Định. Ghi nhận giá trị to lớn đó, ngày 10/12/2024, Bộ VHTTDL đã chính thức ghi danh Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Nguyễn Kim Chức, thành viên Ban quản lý Vạn đầm Xương Lý chia sẻ, người dân nơi đây luôn tâm niệm rằng bảo tồn lễ hội không chỉ là gìn giữ một nghi lễ truyền thống mà còn là giữ lại niềm tự hào, giữ lấy ký ức văn hóa cho thế hệ mai sau. “Hiện nay, Ban quản lý đang củng cố lại các hoạt động như đội chèo bả trạo, phục dựng các sách nghề biển, nghiên cứu nghi thức truyền thống để truyền dạy bài bản. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để lễ hội được lan tỏa sâu rộng và sống mãi trong đời sống ngư dân” – ông Chức nói.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị TP Quy Nhơn chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, với các ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết không gian thiêng của lễ hội, nhất là khu vực Lăng ông Nam hải Vạn đầm Xương Lý, bến cá Xương Lý nói riêng, Vạn đầm Xương Lý nói chung bảo đảm tính kế thừa, bảo đảm tiêu chí về môi trường, cảnh quan. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu thúc đẩy kết nối lễ hội với du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn khách trong và ngoài nước có thể tham gia, tìm hiểu giá trị văn hóa, qua đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý.

Mới đây, Bộ VHTTDL đã có quyết định phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Các nhiệm vụ được đề ra trong dự án gồm nghiên cứu và khảo sát về Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, tổ chức lớp tập huấn – truyền dạy cho cộng đồng tri thức, kỹ năng thực hành di sản, tổ chức luyện tập, trình diễn, giới thiệu một phần nghi thức trong lễ hội, hỗ trợ trang bị đồ dùng, công cụ, lễ vật… thực hành lễ hội cho cộng đồng, xây dựng phim, bộ ảnh và tài liệu về việc triển khai dự án tại địa phương, phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, giới thiệu lễ hội, xây dựng báo cáo kết quả dự án.

T.Trang – D.Phúc

 

 

Nguồn: Dulichvn

Ngon ngọt canh chua cá kình

Cá kình thân dẹt, da trơn lốm đốm, vây cứng, sống từng đàn ở vùng nước lợ gần bờ, nhất là ở đầm, phá, lạch và các cửa sông giao hòa với biển. Cá kình có tốc độ sinh sản rất nhanh, chóng lớn, thức ăn chủ yếu của chúng là rong, rêu và các loài sinh vật biển.


Bằng nhiều cách đánh bắt như giăng câu, thả lưới, cất rớ, ngư dân các làng chài cung cấp cá kình cho các chợ quanh năm. Cá kình được bày bán nhiều nhất ở các chợ từ phố đến quê vào độ mùa hoa gạo bung cháy đỏ rực cả góc trời cho đến khi mùi hoa sữa nồng nàn trong từng con hẻm nhỏ. Theo những lão ngư làng chài, vào khoảng thời gian này, cá kình thích nghi với nguồn nước ấm, thức ăn phong phú, dồi dào nên thân mập ú, thịt trắng, săn chắc, giàu dinh dưỡng hơn.

Canh chua cá kình nấu khế.

Cá kình ít có mùi tanh, ít chất nhớt nên có thể chế biến thành nhiều món ngon như: cá kình kho rim tiêu sọ, kho ngọt nước và nấu canh với các loại rau, quả. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng hầm hập bủa vây, không còn gì bằng khi có tô canh cá kình nấu với trái sấu xanh, thơm, cà chua hoặc khế chua.

Để có nồi canh chua cá kình nấu khế như ý, ta chỉ cần ghé vào chợ lựa mua vài lạng cá kình cặp mắt óng ánh sắc vàng xanh còn tươi rói mang về cắt đầu, dùng dao rạch dọc bụng cá làm sạch ruột, để nguyên con, không cắt vây, cắt đuôi, rửa sạch bằng nước lạnh, khỏi cần ướp tẩm; kèm theo các thứ gia vị nấu kèm như khế chua xanh xắt lát mỏng, một số rau thơm, hành lá, ngò, ớt xanh, tiêu sọ, mì chính, nước nắm…

Đặt nồi cá kình ngập nước lên bếp vặn to lửa, đợi cho nước sôi, cá kình vừa chín thì chỉnh lửa bếp liu riu, đổ tô khế đã chuẩn bị sẵn vào nồi, chừng hai phút, khế chuyển màu xám lợt thì cho nước nắm, bột nêm vừa ăn. Vài phút sau, ta tắt lửa chứ đừng để lâu bởi khi nhiệt độ cao, cá kình sẽ rục, thịt nhão mềm, không còn trắng, dai như khi vừa chín tới. Ta tiếp tục cho các loại rau thơm, gia vị vào nồi canh, khuấy đều rồi múc ra tô.

Được xì xụp, húp tô canh cá kình nấu khế chua cay, ngọt mát thì chẳng có gì hấp dẫn hơn trong tiết trời nóng nực. Ăn cá kình kiểu này thường kèm thêm chén nước mắm “rin” dằm ớt để chấm thịt mới đậm đà khẩu vị. Theo dân gian, sau khi dùng bữa canh chua cá kình, giấc ngủ sẽ được sâu hơn, người sảng khoái, dễ chịu vô cùng…

Thái Mỹ

Nguồn: Dulichvn

Thì thầm từ gốm Yang Tao – Đắk Lắk

Nhờ may mắn làm cái nghề viết lách nên tôi từng có dịp đến nhiều trung tâm gốm của cả nước. Nghề gốm mỗi nơi mỗi kiểu, sản phẩm đơn giản có, tinh xảo có; quy trình tạo tác thủ công lẫn công nghiệp hóa vài ba công đoạn cũng có.


Mỗi nơi đều cho tôi những ấn tượng khác nhau. Nhưng khi đến buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, lần đầu thấy những người phụ nữ M’nông Rlăm làm gốm tôi mới giật mình. Có lẽ, đây là cách làm gốm nguyên thủy nhất mà tôi từng chứng kiến, và qua đó đã hiện ra vẻ đẹp thực sự của cái nghề được xếp vào cổ sơ nhất của loài người.

Tôi không muốn nói nhiều về nguyên liệu hay cách thức làm gốm của người M’nông Rlăm. Bởi Yang Tao ở cuối nguồn con sông Mẹ – sông Krông Ana phía Đông Bắc, trước khi hợp lưu cùng sông Cha – sông Krông Nô thành dòng Sêrêpốk hùng vĩ đổ ngược về phía Tây. Nơi đây đất đai khá trù phú nhưng quan trọng là dọc sâu các bãi bồi luôn có các vỉa đất sét dẻo mịn.

Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để các amí dùng làm gốm. Đất sét được các amí đem về dùng chày giã cho đến khi các thớ đất trộn đều, kết dính vào nhau.

Tiếp đến, khối đất sét sau khi giã được kéo đều thành từng sợi thuôn dài như sợi chão, đường kính to nhỏ tùy theo sản phẩm định làm. Những sợi chão đất đó sẽ được cuộn hoặc xếp lại từ thấp lên cao theo hình dạng sản phẩm. Tiếp nữa, không dùng đến bàn xoay, các amí chỉ dùng tay hoặc mảnh vải ướt đi vòng quanh, vừa đi vừa miết để tạo hình, miết đều mặt ngoài, mặt trong cho đến khi sản phẩm định hình thì đem phơi.

Làm gốm ở Yang Tao. Ảnh: Nguyễn Gia

Đến đây coi như xương gốm đã hoàn thành, tùy vào thời tiết, phơi đến khi sản phẩm se lại vừa đủ thì vẽ họa tiết rồi sau đó đem nung. Muốn tạo màu cho sản phẩm, các amí chỉ tạo thêm màu khói đen bằng tro mịn đốt ra từ vỏ trấu. Gốm ở Yang Tao nung lộ thiên bằng củi hoặc rơm rạ, chỉ tầm 1 – 2 giờ là sản phẩm ra lò. Chỉ thế thôi nhưng với tôi, sản phẩm gốm Yang Tao có sức hấp dẫn kỳ lạ. Và quy trình làm gốm Yang Tao cứ như thôi miên người xem vào một trải nghiệm khó cắt nghĩa.

Nhiều sách vở nói rằng nghề gốm xuất hiện đầu tiên khoảng hơn 7.000 năm trước Công nguyên, khởi phát từ vùng Trung Đông. Về sau, người Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng biết làm gốm. Nghề gốm và sản phẩm gốm thịnh hành lan rộng sang cả châu Âu. Giới khảo cổ cũng cho biết, sản phẩm gốm dạng sơ khai nhất khai quật ở vùng Trung Đông có dấu vết của những chiếc nan. Rồi khi nghề gốm phát triển, sản phẩm gốm như ngày nay đã có hàng nghìn quy trình, bí quyết khác nhau để tạo hình, tạo màu, tạo độ bền.

Từ dòng gốm nguyên thủy này, tôi nghiệm ra nghệ thuật nhiều khi chẳng cần cao siêu, chuyên chú. Hãy nhìn các amí khi vẽ họa tiết trên xương gốm, họ dùng cành cây vót nhọn để khắc chạm các đường kỷ hà hoặc motif hoa văn đơn giản. Nếu cần hình tròn họ dùng đồng xu hoặc vòng đeo tay. Tôi đã từng nhìn thấy và thán phục khi có amí dùng vỏ sò, chiếc muỗng… để tạo hoa văn. Nghĩa là bất cứ vật dụng nào có dạng hình học cần dùng là dùng, không câu nệ. Theo tôi, đấy là nghệ thuật đã đạt đến độ tối giản. Tối giản trong đời sống chỉ bằng hai màu, nâu nhạt của gốm và màu khói đen của tro trấu, nhưng lại ẩn chứa một ý niệm nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Nghệ nhân làng gốm Yang Tao. Ảnh: Hữu Hùng

Nhiều nhà Tây Nguyên học còn cho rằng, tuy gốm Yang Tao đơn giản nhưng nó là nơi cất giấu những bí ẩn của dòng chảy văn hóa thời quá vãng. Trong một giai đoạn lịch sử xa xưa, gốm Yang Tao từng được các thương nhân, chủ nhân của dòng gốm này đưa đi giao lưu, mua bán nhiều nơi trên đất Tây Nguyên, thậm chí về tận duyên hải miền Trung.

Gốm Yang Tao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào danh mục Di sản văn hóa quốc gia phi vật thể vào tháng 12/2024. Mới đây, tháng 3/2025, tại Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk có hoạt động trình diễn nghề làm gốm cổ Yang Tao với nhiều nghệ nhân tham gia, được du khách gần xa trầm trồ tán thưởng. Dù vậy, có thể thấy, như nhiều nghề thủ công truyền thống khác, gốm Yang Tao đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Công đoạn vẽ họa tiết trên gốm. Ảnh: Hữu Hùng

Dòng gốm Yang Tao của người M’nông Rlăm quả là đang khó nhọc vươn ra thị trường, nhưng tôi nghĩ đó cũng chỉ là một gấp gãy trong đời sống ngày càng thực dụng. Nói vậy là bởi tôi đã đi và chứng kiến nhiều làng nghề gốm như Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Ninh Thuận)… đã và đang hồi sinh, thậm chí ăn nên làm ra. Tất nhiên mọi việc nhờ vào chủ trương, chính sách đúng đắn của các cấp, các ngành liên quan và quan trọng là sự tâm huyết của những nghệ nhân giữ lửa nghề. Vì lẽ đó, tôi hy vọng lắng nghe được lời thì thầm từ gốm Yang Tao, rằng một ngày không xa sẽ lại được công chúng biết đến, tìm đến và yêu mến một dòng sản phẩm hiện thân cho vùng đất đỏ bazan trên cao nguyên này.

Phạm Xuân Hùng

Nguồn: Dulichvn

Tây Ninh: Nỗ lực bảo tồn làng nghề

Khi công nghiệp hoá, cơ giới hoá ngày càng phát triển, từng bước thay thế dần sức lực con người, các sản phẩm thủ công ngày càng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, do đó, chỉ còn một số người duy trì nghề cũ.


Tại thị xã Trảng Bàng có 3 làng nghề truyền thống được công nhận: nghề rèn ở khu phố Tân Lộc, phường Gia Lộc; nghề bánh tráng ở phường Trảng Bàng và nghề mây tre đan tại phường An Hoà. Theo ông Nguyễn Viết Kiên- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường Thị xã, trước kia, các nghề truyền thống ở Trảng Bàng phát triển rất mạnh.

Tuy nhiên, khi công nghiệp hoá, cơ giới hoá ngày càng phát triển, từng bước thay thế dần sức lực con người, các sản phẩm thủ công ngày càng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, do đó, chỉ còn một số người duy trì nghề cũ. Những năm gần đây, tình hình sản xuất tại một số làng nghề càng khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu vốn và khó tìm nguyên liệu.

Những làng nghề trăm năm

Nghề rèn ở phường Gia Lộc có lịch sử phát triển lâu đời, lúc hưng thịnh có hơn 300 hộ làm nghề tập trung tại khu dân cư gọi Ô Lò Rèn, với đa dạng sản phẩm như liềm, cày, cuốc… phục vụ sản xuất. Khách hàng đến từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nay, tại khu phố Tân Lộc, phường Gia Lộc, những lò rèn vẫn đỏ lửa nhưng không còn rộn rã như xưa.

Ông Trần Văn Thiệp- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố cho biết, hiện tại nơi đây còn 13 hộ làm nghề, trong đó chỉ khoảng vài hộ làm nghề có quy mô tương đối lớn; còn lại chỉ làm nhỏ lẻ, giữ nghề, giảm rất nhiều so với trước. Bên cạnh đó, còn có khoảng 20 hộ chuyên sống bằng nghề buôn bán sản phẩm từ các lò rèn.

Ông Thiệp cho rằng khó khăn là do các lò sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khâu tiêu thụ còn hạn chế; những người thợ cốt cán tại Ô Lò Rèn ngày nào giờ đều từ 60 tuổi trở lên; lớp trẻ không còn nối nghiệp gia đình mà tìm những công việc khác, vào khu công nghiệp lao động.

Dù lò vẫn làm việc mỗi ngày nhưng ông Hà Văn Đạm- một thợ rèn lâu năm tại khu phố Tân Lộc vẫn luôn tâm tư. Bởi vì nghề rèn của gia đình ông đã truyền qua 7 đời, đến đời ông thì các con không nối nghiệp nữa. Ông Đạm cho biết nghề rèn khoảng 7-8 năm trước thu nhập rất khá còn bây giờ thì khó khăn hơn do có nhiều cạnh tranh.

Lò rèn của ông chuyên rèn vật dụng làm nông nghiệp như cuốc, cày… có nhiều công đoạn vẫn phải dùng sức người là chính. Lâu năm trong nghề, ông Đạm có nhiều mối trong và ngoài tỉnh, nhưng cái khó lớn nhất hiện nay là thiếu vốn.

Ông nói: “Nếu đủ vốn mình sẽ đầu tư để làm nhiều hơn chứ không chỉ gói trong lượng hàng được đặt. Có mở rộng thì sẽ có thêm nhiều mối hàng mới vì chất lượng sản phẩm mình bảo đảm. Địa phương cũng có đủ nhân công để làm việc”.

Vui vẻ “khoe” vừa nhận được đơn hàng 100 lưỡi cày từ một mối quen cố định tại huyện Tân Biên, ông nói thêm, trước đây họ chỉ đặt vài chục lưỡi, nay số lượng tăng lên do chất lượng sản phẩm của ông đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Ông Đạm vẫn luôn tự tin làm nghề.

Cùng khu phố Tân Lộc, còn có một lò rèn được hiện đại hoá hơn của ông Lê Văn Mót, năm nay 60 tuổi và có hàng chục năm làm nghề truyền thống của gia đình. Nhà ông có 7 anh em trai thì hết 6 người theo nghề. Có điều, con trai ông Mót đã chọn làm nghề khác dù được truyền nghề, bởi nghề này không còn thịnh vượng như trước.

Ông làm sản phẩm theo đơn đặt hàng. Khi mối có yêu cầu, lò rèn mới “nổi lửa”, còn không thì tạm ngưng. Những năm gần đây, ông mạnh dạn đầu tư máy móc để làm các công đoạn như dập, mài, tiện… “Hầu như các công đoạn tại lò nhà tôi đều làm bằng máy rồi. Có máy hỗ trợ làm việc cũng đỡ mệt hơn rất nhiều”- ông Mót nói và cho biết thêm mình sống được với nghề. Nó như đã “ngấm” vào máu, và ông sẽ làm đến khi không làm nổi nữa mới thôi.

Lò rèn của ông Mót được hiện đại hoá giúp làm việc nhàn hơn.

Bên cạnh nghề rèn ở Gia Lộc, làng nghề mây tre đan cũng tồn tại lâu đời tại đất An Hoà. Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất thương mại Tre (khu phố An Quới, phường An Hoà), nhiều nhân công miệt mài làm việc.

Chị Huỳnh Thị Anh Thư- Giám đốc Công ty cho biết mình đã có hơn 20 năm làm nghề. Công ty của chị sản xuất sản phẩm nội thất xuất khẩu, với quy mô việc làm cho 50 lao động, lương trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng không tăng ca.

“Công ty sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, bên cạnh đó, cũng có tự chế tác sản phẩm mang ra chào hàng. Công ty có đa dạng sản phẩm với phong cách hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng”- Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Tre chia sẻ.

Dù rất tự hào vì giữ được nghề truyền thống; tạo công ăn việc làm cho các nghệ nhân tâm huyết với nghề; tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương làm thành những sản phẩm có giá trị, nhưng chị Anh Thư vẫn băn khoăn vì nghề hiện nay chỉ thu hút lao động lớn tuổi. Tại công ty chị, người trẻ nhất cũng đã ngoài 30 và đang được chị tận tình truyền lửa. Một điểm sáng là các bạn đều yêu nghề, tạo ra sản phẩm ngày càng đẹp, sắc sảo.

Nghề làm bánh tráng phơi sương đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển. Tại khu phố Lộc Du, phường Trảng Bàng, nghề làm bánh tráng được duy trì quanh năm. Thậm chí, trong các dịp lễ tết, sản phẩm làm ra không kịp bán.

Phát triển làng nghề truyền thống: Cần một cái “bắt tay”

Để bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, nhiều năm qua, lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Viết Kiên- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Trảng Bàng, sắp tới, Thị xã sẽ tiếp tục có một số giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề.

Cụ thể, tận dụng các nguồn kinh phí để đào tạo nghề, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh; huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương và địa phương cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác để khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia thực hiện các chương trình, dự án, mô hình để phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tăng cường hợp tác liên kết doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình để phát triển các nguồn hàng có tiềm năng, thế mạnh phát triển; bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi từ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thông qua các hợp đồng liên kết gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia; phát triển vùng nguyên liệu theo hướng gắn với sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị.

Nhân công làm việc tại công ty chị Anh Thư.

Theo chị Huỳnh Thị Anh Thư – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Tre, thời gian qua, công ty đã hai lần được tham gia chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức. Các hoạt động đó đã giúp chị có thêm những khách hàng tiềm năng.

Chị Anh Thư cho rằng thu nhập không phải là nguyên nhân chính khiến nhiều người- nhất là các bạn trẻ không thiết tha với nghề truyền thống, quan trọng nhất là phải có sự yêu thích. Nghề mây tre đan đang tạo được những giá trị riêng, đặc sắc của mình. Và hiện nay, khách có xu hướng chuộng những sản phẩm truyền thống từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Đây chính là cơ hội cho các làng nghề truyền thống- trong đó có mây tre phát triển.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng nhận định, chính quyền, các ngành, các cấp có liên quan đang tích cực bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các làng nghề đã tồn tại từ trăm năm.

Và việc có phát triển được hay không còn phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ sản phẩm từ các làng nghề. Vấn đề là hiện nay một số sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp vì độ sắc sảo không bằng mà giá thành lại cao hơn.

Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Đình Xuân, vẫn có một bộ phận khách hàng theo phong cách “hoài niệm”, ưa chuộng sản phẩm truyền thống. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người thích tham gia các chương trình du lịch trải nghiệm. Nắm bắt xu hướng này, ngành Du lịch có thể “bắt tay” cùng các làng nghề truyền thống tạo ra những tour trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Vi Xuân

Nguồn: Dulichvn

TIN MỚI NHẤT