Ẩn ý không phải ai cũng hiểu ở hiện tượng toàn cầu ‘Squid Game’

0
40

Với “Squid Game”, đạo diễn Hwang Dong Hyuk đã gửi gắm những thông điệp về chênh lệch giàu – nghèo cũng như vấn nạn bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc.

hau truong squid game anh 1

Gần một tháng sau khi lên sóng, Squid Game (Trò chơi con mực) vẫn đang “làm mưa làm gió” trên các phương tiện truyền thông. Khán giả các nước không chỉ đưa tác phẩm đứng đầu top trending của Netflix, mà còn say mê với các trào lưu xuất phát từ phim như kẹo đường, bộ thể thao màu xanh, bộ bảo hộ đỏ kèm mặt nạ của ê-kíp tổ chức trò chơi…

Được đón nhận nồng nhiệt khắp thế giới, nhưng khán giả, kể cả khán giả Hàn Quốc, chưa chắc đã hiểu hết các tình tiết và lý tưởng đạo diễn Hwang Dong Hyuk cài cắm trong phim. Theo Money Today, Squid Game vẫn đang nằm trong top phim được xem nhiều nhất vì người hâm mộ tác phẩm có xu hướng xem đi xem lại để hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn những ẩn ý về con người, xã hội trong phim.

Tại sao Sung Gi Hun nhuộm tóc đỏ ở cuối phim?

Là người chiến thắng và giành được phần thưởng 45,6 tỷ won (38,7 triệu USD), Sung Gi Hun không phất lên và cũng không đi Mỹ tìm con gái như khán giả trông đợi. Trái lại, cuộc sống của anh lại quay về điểm xuất phát ban đầu, thậm chí quyết định tham gia trò chơi sinh tồn một lần nữa.

Cuối phim, khi trở lại với trò chơi phải đánh đổi bằng mạng sống, Sung Gi Hun đã nhuộm tóc thành màu đỏ, như lời tuyên ngôn cho vị thế “kẻ mạnh” của mình.

hau truong squid game anh 2

Nhân vật của Gong Yoo chọn giấy màu đỏ, cũng tượng trưng cho việc nắm giữ quyền lực. Ảnh: Netflix.

Trong Squid Game, những kẻ nằm trong bộ máy tổ chức trò chơi mặc bộ đồng phục màu đỏ. Nhân vật của Gong Yoo cũng lựa chọn tấm thẻ màu đỏ khi mời Gi Hun thử sức với trò đập giấy ở tập 1. Nhìn chung, màu đỏ tượng trưng cho quyền lực và mang ý nghĩa của sự chiến thắng.

Theo Money Today, ẩn ý màu đỏ này có ý nghĩa tương đồng với cảnh nhân vật chính Neo của The Matrix phải lựa chọn giữa hai viên thuốc đỏ hoặc xanh.

Do đó, việc Sung Gi Hun nhuộm tóc đỏ có nghĩa anh đã trở thành kẻ mạnh, có kinh nghiệm và sẵn sàng trở lại cuộc chơi với tâm thế mới.

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk nói: “Tôi tới tiệm làm tóc và ngồi rất lâu, cân nhắc xem nếu là Gi Hun, tôi sẽ làm gì với mái tóc của mình”. Theo đạo diễn, màu tóc còn thể hiện sự phẫn nộ với những kẻ coi mạng sống của người nghèo như trò tiêu khiển luôn tồn tại âm ỉ bên trong nhân vật Sung Gi Hun.

hau truong squid game anh 3

Nhân vật Sung Gi Hun nhuộm tóc đỏ ở cuối phim. Ảnh: Netflix.

Ẩn ý đằng sau dãy số 456

Là người tạo ra mọi chi tiết, ẩn ý trong phim, đạo diễn Hwang Dong Hyuk cố tình lặp đi lặp lại con số 456 nhiều lần. Chẳng hạn, có tổng cộng 456 người tham gia vào trò chơi sinh tồn, tổng tiền thưởng của người thắng cuộc là 45,6 tỷ won, Sung Gi Hun cũng từng thắng cược đua ngựa 4,56 triệu won (3.800 USD).

Lý giải vấn đề trên, bài viết của Money Today cho rằng ý tưởng về dãy số 456 có thể tìm thấy trong trò chơi giẫm bước của người Hàn Quốc.

Đây là trò chơi tập thể, thường xuất hiện trong các buổi dã ngoại hoặc team building của người Hàn. Trong trò chơi này, người chơi chỉ được bước từng bước, giẫm lên tờ giấy hoặc miếng ván tự cầm trên tay. Trước khi bắt đầu trò chơi, người chơi sẽ oẳn tù tì hoặc dùng một cách nào đó thể quyết định thứ tự xuất phát.

hau truong squid game anh 4

Có 456 người tham gia trò chơi sinh tử để giành lấy phần thưởng 45,6 tỷ won. Ảnh: Netflix.

Trò chơi bước trên mặt kính xuất hiện trong phim xuất phát từ trò giẫm bước trên.

Khán giả Hàn Quốc nhận xét trò chơi giẫm bước trong phim thể hiện “bản chất của loài vật” trong con người. Bởi người có quyền lựa chọn lượt đi thường sẽ chọn con số ở giữa, đây là lượt thứ tự an toàn, tương tự việc một con thú nào đó sẽ được an toàn nhất khi đứng ở vị trí trung tâm trong đàn.

Trò chơi và cái chết được báo trước

Tình tiết được nhiều người nhắc tới sau khi phim lên sóng là việc toàn bộ trò chơi vốn đã được vẽ sẵn lên tường, nhưng không người chơi nào nhận ra ngay từ đầu.

Người hâm mộ bộ phim đưa ra nhiều giả thuyết xoay quanh vấn đề liệu có thật không một người chơi nào nhận ra hình vẽ trên bốn bức tường hay không. Thực tế là có người nhận ra, nhưng họ không cảnh báo cho nhóm người chơi.

hau truong squid game anh 5

Các trò chơi đã được vẽ lên bức tường ngay từ ban đầu. Ảnh: Netflix.

Chẳng hạn, khi nhiều người phàn nàn vì sao nhân vật thợ kính không báo trước về trò chơi đi trên mặt kính để cùng chuẩn bị tinh thần, người này đã đáp lại: “Vì sao tôi phải làm thế?”. Các trò chơi sinh tử trong Squid Game không phải nơi để phát huy tinh thần hợp tác và tính cộng đồng, bởi càng nhiều người chết, số tiền thưởng càng tăng cao.

Tính nhân văn, vì cộng đồng trong phim được đặt lên người nhân vật chính Sung Gi Hun. Trái ngược với Sang Woo ích kỷ cho đến tận khi chết, Gi Hun thể hiện sự quan tâm giúp đỡ tới những người xung quanh, có ý định cùng chiến đấu để giành “quả ngọt”.

Và cuối cùng Gi Hun thật sự là người chiến thắng. Chiến thắng và số tiền thưởng dành cho nhân vật chính như ẩn ý sâu xa về kết quả tốt đẹp của tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái. Ở mặt này, bộ phim cho khán giả thấy rõ những kẻ vị kỷ không thể tồn tại quá lâu, dù cho khôn ngoan như Cho Sang Woo thì sau cùng vẫn phải kết thúc cuộc đời.

hau truong squid game anh 6

Cho Sang Woo ích kỷ, chỉ suy tính cho bản thân đã phải bỏ mạng ở cuối cuộc chơi. Ảnh: Netflix.

Bi kịch của tầng lớp lao động nghèo

Ngoài đời, khi chơi trò chơi con mực, trẻ em Hàn Quốc thường hô các câu lệnh “sống rồi” hoặc “đã chết”. Từ “chết” trong trò chơi nguyên bản chỉ mang tính tượng trưng, nhưng trong Squid Game, “chết” lại là cái chết theo nghĩa đen.

Trong Squid Game, những gã lính canh luôn mang một chiếc quan tài gắn nơ hồng đến để đựng xác của những người chơi đã mất mạng. Nhìn từ xa, chiếc quan tài trông như một gói quà tinh xảo.

Điều này khiến không ít người xem nghĩ đến ẩn ý cái chết của người này có thể là món quà và niềm vui với người kia, như việc tầng lớp lao động nghèo phải bán mạng làm việc để duy trì cuộc sống, nhưng sau cùng lại chỉ công cụ kiếm tiền cho giới tư bản nhà giàu.

Ngoài ra, đạo diễn còn đưa vào Squid Game những phân cảnh đề cập thẳng thừng vấn đề “bán thân thể lấy tiền”, theo đúng nghĩa đen, của người nghèo.

Chẳng hạn như cảnh nhân vật của Gong Yoo yêu cầu Sung Gi Hun đánh cược với mình, tiền thua cược trả bằng thân thể và những cú tát trời giáng lên mặt. Hay như phân cảnh nhóm cho vay nặng lãi ép Gi Hun ký tên vào giấy chứng nhận từ bỏ thân thể, cho phép lấy nội tạng khi anh không thể trả được tiền nợ.

Hay đơn cử như việc mỗi người chơi tham gia Squid Game đều được định giá 100 triệu won, mỗi mạng người mất đi đều được quy đổi ra “tiền tươi thóc thật”.

Trò chơi giẫm lên kính và những kẻ “hay không bằng hên”

Trò chơi giẫm lên kính còn phản ánh một sự thật bất công của xã hội hiện đại, đó là “hay không bằng hên”.

Đây là câu thành ngữ chính xác nhất cho những người vượt qua thử thách bước trên mặt kính. Bởi chỉ có một người duy nhất có năng lực phân biệt được kính thường và kính cường lực là người thợ kính. Những người chơi còn lại, trong đó có Sung Gi Hun, chỉ có thể vượt qua thử thách bằng vận may.

Điều này tương ứng với xã hội thực tế, khi có năng lực cũng chưa chắc đã đạt được thành tích tốt như những người có nhiều may mắn.

Riêng với nhân vật duy nhất có khả năng phân biệt kính cường lực và kính thường, kẻ đứng đầu trò chơi quyết định tắt đèn để người này không thể dùng mắt phân biệt, lựa chọn đường đi an toàn.

Hành động trên ẩn dụ cho xã hội cường quyền, nơi người giàu có thể tiêu khiển, giải trí bằng nhân phẩm và cả tính mạng của người nghèo. Ở xã hội ấy, tầng lớp giàu có – tức những kẻ đặt ra luật chơi – nắm quyền quyết định mọi việc và có thể đổi ý bất kỳ lúc nào, miễn là đạt mục đích.

Vấn nạn bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc

Không khó để nhận ra những nhân vật nữ xuất hiện trong Squid Game đều có số phận bi kịch, và bị đàn ông coi thường, sẵn sàng buông lời nhục mạ hay đánh đập.

Ngoài ra, trong số những người tổ chức và đứng đầu trò chơi, không có bất kỳ người phụ nữ nào. Việc thiếu vắng phụ nữ trong lớp người cầm quyền được xem là dụng ý của đạo diễn, nhằm ám chỉ vấn nạn trọng nam khinh nữ luôn tồn tại ở Hàn Quốc.

Ở xã hội Hàn Quốc hiện đại, rất hiếm phụ nữ có thể vươn lên đến vị trí cầm quyền của một tổ chức nào đó. Họ có thu nhập thấp hơn đàn ông, ít khi được lên tiếng và được bảo vệ quyền lợi. Thậm chí, đàn ông Hàn Quốc còn chỉ trích và tẩy chay bất kỳ ai ủng hộ phong trào nữ quyền, vì họ tin rằng phụ nữ không có quyền được bình đẳng với đàn ông.

Những tình tiết trong phim không quá trực diện và cũng không đề cập vấn đề thẳng thắn, nhưng việc đạo diễn Hwang Dong Hyuk đưa vấn đề bất bình đẳng giới vào Squid Game cũng là điều khiến tác phẩm được đánh giá cao.

hau truong squid game anh 11

Các nhân vật nữ trong Squid Game đại diện cho vấn nạn bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc. Ảnh: Netflix.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn