Trong lúc các nước khác hành động nhanh chóng để mua vaccine từ hãng Pfizer, chính phủ Australia chần chừ và để vuột mất cơ hội đi đầu trong cuộc đua đảm bảo nguồn cung vaccine.
Ngày 30/6/2020, khi số ca mắc tại bang Victoria tăng gấp đôi, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt nhận được email từ hãng dược Pfizer. Bằng giọng gấp gáp, Pfizer bày tỏ mong muốn được trao đổi về thỏa thuận mua bán vaccine.
Hãy hành động nhanh lên vì các nước khác đang ký hợp đồng với chúng tôi, lá thư của Pfizer ẩn ý.
Nhưng phải hơn bốn tháng sau, tháng 11/2020, Australia cuối cùng mới ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ hãng Pfizer.
Trong khi đó, Anh đã đạt thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine Pfizer từ ngày 20/7/2020. Hai ngày sau, ngày 22/7/2020, Mỹ đặt trước 100 triệu liều Pfizer.
Lô vaccine Pfizer đầu tiên được chuyển đến Australia vào tháng 2, khoảng hai tháng sau khi Mỹ nhận được một phần đơn hàng của mình.
Tới nay, chỉ khoảng 3 trên 10 người dân Australia được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi con số này ở Anh và Mỹ lần lượt là hơn 5 và hơn 6 người.
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại Sydney, Australia vào ngày 16/8. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng các nước gặp Pfizer, Australia cử thứ trưởng
Các tài liệu mới được công khai, gồm email nội bộ của chính phủ, cho thấy Australia có cuộc trao đổi đầu tiên với hãng dược Pfizer vào ngày 26/6/2020. Bốn ngày sau, Pfizer gửi email cho Bộ Y tế và đính kèm lá thư dành cho Bộ trưởng Y tế Greg Hunt.
“Tôi đề nghị gặp mặt sớm nhất có thể”, đại diện Pfizer viết trong thư. Hoàn cảnh đang “thay đổi rất nhanh” và họ cũng đang trao đổi với các quốc gia khác. Pfizer đang di chuyển gấp để vaccine có thể “được triển khai với tốc độ chưa có tiền lệ”.
Tuy lá thư trên được gửi đích danh cho Bộ trưởng Hunt, Bộ Y tế Australia phân công Thứ trưởng thứ nhất Lisa Schofield gặp mặt lãnh đạo Pfizer.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước khác đã liên hệ trực tiếp với CEO Pfizer Albert Bourla. Ông Bourla còn cho biết Israel có được đơn hàng vaccine sớm là nhờ sự kiên trì của cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tất cả điều trên làm nảy sinh câu hỏi tại sao phía Pfizer thúc giục nhưng Australia chần chừ, theo Guardian.
CEO hãng Pfizer Albert Bourla (phải) phát biểu trước tại Cornwall, Anh vào ngày 10/6, ba ngày trước hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Australia Scott Morrison từng nói hãng Pfizer ưu tiên những nơi đang có “hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn người chết”. “Đó là ưu tiên của những công ty ấy”, ông Morrison nói.
Nhưng ông Bourla cho biết họ không đưa ra quyết định theo cách như vậy. Trả lời phỏng vấn Fortune vào tháng 6, vị CEO Pfizer nói theo hệ thống họ đặt ra, nước thu nhập cao sẽ được “tính giá bằng một bữa ăn”, nước thu nhập trung bình được mua với giá bằng nửa mức ấy, và nước thu nhập thấp có thể mua bằng giá sản xuất.
“Chúng tôi mời chào các quốc gia với mức giá khác nhau. Nếu các nước đặt hàng, chúng tôi sẽ sẵn sàng. Mà thực ra chúng tôi còn làm phiền họ vì giục ‘tới ký hợp đồng đi, tới ký hợp đồng đi’”, ông Bourla nói với Fortune.
Thủ tướng Morrison còn nói với việc hãng CSL của Australia sản xuất vaccine AstraZeneca, chính phủ Australia muốn có “vaccine sản xuất trong nước” để không phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Theo Guardian, quan điểm của ông Morrison cũng không giải thích được tại sao chính phủ Australia không thiết lập một chuỗi các biện pháp dự phòng khác.
Một người được tiêm vaccine AstraZeneca vào ngày 25/8 tại Sydney, Australia. Ảnh: Reuters. |
“Đa số quốc gia giảm thiểu rủi ro bằng cách dàn trải vào nhiều lựa chọn, nhưng Australia có quyết định chiến lược là không giảm thiểu rủi ro của mình”, nhà kinh tế học Stephen Duckett thuộc Viện Grattan (Australia) nhận định.
“Bạn không thể trách chính phủ vì trục trặc với các loại vaccine khác. Nhưng bạn có thể trách chính phủ vì họ chỉ bám lấy một lựa chọn rồi chậm trễ với lựa chọn ấy”, ông Duckett nói.
“Nếu hành động sớm hơn, họ có thể mua được nhiều hơn. Nhưng họ đi muộn và chỉ mua được 10 triệu liều Pfizer”, ông Duckett nhận định.
Không thấy tình hình gấp gáp
Tài liệu mới được công khai cho thấy ngày 23/7/2020, khoảng một tháng sau lần liên lạc đầu tiên, hãng Pfizer viết cho Thứ trưởng Schofield và chỉ ra rằng Mỹ và Anh đều đã ký hợp đồng.
Email này tỏ ra lạc quan rằng bất đồng giữa hai bên về thỏa thuận bảo mật thông tin sẽ được giải quyết. Nhưng trong một email trước, bà Schofield cho biết chính phủ Australia đang “cân nhắc” thỏa thuận bảo mật thông tin nhưng vẫn còn chần chừ.
“Khối thịnh vượng chung (tức Australia) thường không ký kết những văn bản như vậy”, Thứ trưởng Schofield nói.
Trong lúc phong tỏa, người dân Australia được phép ra ngoài mua sắm đồ thiết yếu. Ảnh: Shutterstock. |
Trong email, đại diện Pfizer còn cho biết luật sư hai bên đã gần giải quyết xong vấn đề về thỏa thuận bảo mật và đề nghị một buổi gặp nữa. Nội dung các tài liệu được công khai của chính phủ Australia cũng dừng ở đây.
Hãng Pfizer cũng nói cần được Australia phê duyệt vaccine trước khi chuyển hàng. Về việc này, cả Thủ tướng Morrison và Bộ trưởng Hunt đều cho rằng các nước khác dùng quy trình khẩn cấp để phê duyệt Pfizer, nhưng Australia sẽ có cách tiếp cận “cẩn trọng” hơn.
Norman Swan, chuyên gia về virus corona của đài ABC, từng chỉ ra vấn đề giữa Bộ Y tế Australia và Pfizer. Theo ba nguồn tin của ông Swan, nhân viên Bộ Y tế Australia không những thô lỗ với Pfizer trong một cuộc gặp, mà còn kỳ kèo về giá cả và quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London, Anh vào tháng 6. Ảnh: New York Times. |
Ông Swan cho rằng nội bộ Bộ Y tế có thái độ kiêu căng và không có cảm giác phải gấp gáp.
“(Họ nghĩ rằng) chúng ta đã có vaccine của Đại học Queensland và AstraZeneca, chúng ta không cần tới cái công ty hám lợi đang thúc giục mua thuốc này”, ông Swan nói với Guardian.
Tuy nhiên, một số vấn đề đã cản trở nỗ lực tiêm chủng của Australia. Tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine AstraZeneca đã làm giảm mức độ sử dụng của loại vaccine này tại Australia.
Ứng viên vaccine của Đại học Queensland cũng bị bỏ dở vì dù an toàn, ứng viên vaccine này cho kết quả xét nghiệm dương tính giả với HIV. Trong khi đó, lượng vaccine Pfizer không đủ, vaccine Moderna và Novavax vẫn chưa được chuyển đến.
Nguồn: News.zing.vn