Bài học đắt giá cho thế giới vì biến chủng Delta

0
Bài học đắt giá cho thế giới vì biến chủng Delta

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus mới là lời cảnh tỉnh, cho thấy các biện pháp đóng cửa đất nước và hạn chế di chuyển không thể thay thế việc tiêm chủng hàng loạt.

bien the Delta anh 1

Từ Australia cho đến Hong Kong (Trung Quốc), biến thể Delta với nguy cơ lây nhiễm cao đang dần cho thấy tính “dễ bị tổn thương” ở những nơi từng được cho là gần như miễn nhiễm.

Trước đây, nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã kiểm soát đại dịch bằng các biện pháp thắt chặt biên giới gắt gao.

Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Covid-19 nhắc nhở rõ ràng rằng những hạn chế tạm thời này không thể thay thế cho việc tiêm vaccine, theo South China Morning Post.

Nhờ đặt vaccine là trọng tâm hàng đầu trong chiến lược chống dịch, các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh và Israel đã ghi nhận số ca nhập viện vì bệnh nặng và số ca tử vong thấp, mặc dù các trường hợp nhiễm liên tục tăng trong nhiều ngày gần đây.

Điều này đang mang lại hy vọng về một lối thoát mới cho những quốc gia đang dần rơi vào bế tắc với việc đóng cửa, trong khi phần lớn thế giới hướng tới cuộc sống “bình thường mới” sau đại dịch.

Câu chuyện thành công đã lỗi thời

Australia từng được coi là câu chuyện thành công của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, những ngày gần đây, hơn 12 triệu người Australia – gần một nửa dân số, đặc biệt là người dân ở thành phố Sydney, đang ở trong tình trạng phong tỏa khi quốc gia này phải vật lộn để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

“Chúng ta đang ở trong một tình thế bất ổn và dễ bị tổn thương cho đến khi chúng ta đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao. Chúng ta không được quên điều đó”, nhà dịch tễ học Hassan Vally tại Đại học La Trobe ở Melbourne cho biết.

“Biến thể Delta và mối đe dọa gia tăng mà nó gây ra đang làm nổi bật thực tế này”, chuyên gia Vally nói.

Biến thể Delta, có mặt ở ít nhất 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với chủng Covid-19 ban đầu được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Hôm 29/6, thành phố Brisbane, thủ phủ bang Queensland ở Australia bắt đầu phong tỏa 3 ngày sau khi một nhân viên bệnh viện có xét nghiệm dương tính với virus corona. Người này chưa được tiêm phòng.

Trước đó, những thành phố lớn khác như Sydney, Perth và Darwin cũng có lệnh phong tỏa.

bien the Delta anh 2

Cảnh sát đi tuần tra qua Nhà hát Opera Sydney trong ngày đầu tiên bị phong tỏa. Ảnh: CNN.

Tại bang New South Wales, Phó thủ hiến John Barilaro trong tuần này cho biết các nhà chức trách “mất kiểm soát” với đợt bùng phát dịch ở Greater Sydney, bắt đầu từ một tài xế có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Delta vào đầu tháng 6.

Cho đến nay, mới chỉ khoảng 5% dân số Australia được tiêm chủng đầy đủ kể từ khi quốc gia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine vào tháng 2.

Con số này khiến Australia trở thành một trong những nước phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới.

Đóng cửa không còn là giải pháp hàng đầu

Mặc dù được ghi nhận là có tác dụng ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tràn lan, việc đóng cửa biên giới trên khắp châu Á – Thái Bình Dương gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội.

Viện McKell, trụ sở tại Sydney, vào tháng 5 ước tính hạn chế biên giới khiến Australia mất gần 157 triệu USD/ngày vì hoạt động kinh tế bị gián đoạn.

Tại Hong Kong, GDP 6 quý liên tiếp giảm kỷ lục trong năm 2019 và 2020, cùng giai đoạn diễn ra các cuộc biểu tình hàng loạt, trước khi tăng trở lại trong năm nay.

Hôm 29/6, chứng khoán ở châu Á chốt phiên ở mức thấp nhất trong nhiều tháng, khi việc áp dụng các biện pháp hạn chế mới để đối phó với biến thể Delta làm mất hy vọng rằng đợt bùng phát dịch mới sẽ nhanh chóng biến mất.

Tại Hong Kong, nơi chưa đến 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ, các nhà chức trách hôm 28/6 cấm các chuyến bay từ Anh – nơi biến thể Delta hiện chiếm hơn 90% số ca nhiễm.

bien the Delta anh 3

Nhân viên y tế kiểm tra các khu dân cư. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, New Zealand, quốc gia mới tiêm phòng đủ 2 mũi cho khoảng 10% dân số, vừa tạm ngừng thỏa thuận “bong bóng du lịch” với Australia.

Nhà chức trách nước này nâng mức báo động ở thủ đô Wellington sau khi một du khách Australia từng đến Wellington được phát hiện mắc Covid-19.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Michael Baker tại Đại học Otago ở Wellington nhận định giới chức nhiều nước vẫn chưa hoàn toàn đặt việc tiêm chủng lên ưu tiên hàng đầu.

“Điều quan trọng là phải tiêm chủng cho người dân ở tất cả các quốc gia càng nhanh càng tốt, vì tỷ lệ bao phủ vaccine cao sẽ giúp chống lại sự lây truyền của Covid-19”, ông cho biết.

Bức tranh đối lập

Mặc dù có khả năng lây nhiễm và kháng vaccine cao hơn các chủng khác, biến thể Delta cho thấy nó chỉ thực sự là cơn “ác mộng” với những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tại Anh, nơi hơn 80% dân số được tiêm một liều vaccine, tổng số ca tử vong liên quan đến dịch bệnh hầu như không thay đổi, mặc dù số ca mắc tăng gấp 10 lần kể từ cuối tháng 5.

Theo phân tích của Public Health England được công bố vào tháng 6, vaccine Pfizer có hiệu quả 96% trong việc bảo vệ và giúp người bệnh giảm nhẹ các triệu chứng mắc, không phải nhập viện sau mũi thứ hai.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 28/6 cho biết “ngày tự do” sẽ diễn ra theo kế hoạch vào giữa tháng 7, đề cập đến việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh hạn chế, và nhấn mạnh Anh phải “học cách sống chung” với dịch.

bien the Delta anh 4

Thực khách tại một nhà hàng ở London, Anh. Ảnh: Reuters.

Tương tự, tại Israel, nơi 59% dân số được tiêm chủng đầy đủ, cơ quan y tế cho biết mặc dù các ca bệnh tăng hơn 10 lần trong hai tuần qua, nước này có rất ít ca tử vong mỗi ngày.

Ngoài việc ban hành lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang và tăng cường kiểm dịch, Thủ tướng Israel Naftali Bennett bác bỏ ý tưởng về các lệnh hạn chế mới, cam kết “vaccine thay vì phong tỏa”.

Những bức tranh đối lập ấy là lời cảnh tỉnh cho các nơi như Australia, New Zealand và Hong Kong về sự thay đổi mới trong cách chống dịch, theo South China Morning Post.

Nhà dịch tễ học Vally tại Đại học La Trobe cho biết sự lây lan nhanh chóng của biến thể Covid-19 hiện nay là lời nhắc nhở rằng Australia vẫn còn một “chặng đường dài mới có thể thư giãn”.

“Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để triển khai tiêm vaccine, nâng mức độ miễn dịch đến mức có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm Covid-19 ở cấp độ quần thể”, ông nói.

Giáo sư Đại học Quốc gia Australia Collignon cũng cho biết nước này nên có cách tiếp cận khác trong cuộc chiến chống dịch.

“Chiến lược không Covid-19 thực chất là giữ các ca mắc ở mức thấp nhất có thể, người dân vẫn phải sống chung với các đợt bùng phát dịch bệnh lẻ tẻ, cho đến khi thực sự kiểm soát được”, ông Collignon chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn