“Squid Game” được xem là tác phẩm xuất khẩu văn hóa mới nhất của Hàn Quốc, thu hút khán giả toàn cầu bằng cách khai thác cảm xúc sâu sắc về sự bất bình đẳng và cơ hội ở nước này.
“Tôi tự hỏi sẽ có bao nhiêu người tham gia nếu ‘Squid Game’ được tổ chức ngoài đời thực”, Koo Yong Hyun, một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Seoul, nhấn mạnh về bất bình đẳng và khát vọng đổi đời của nhiều người trẻ ở Hàn Quốc hiện nay. Koo đã xem hết bộ phim Squid Game dài 9 tập chỉ trong một đêm, theo New York Times.
Bộ phim – có tựa tiếng Việt là Trò Chơi Con Mực – kể về một sân chơi mà trong đó 456 người ở Hàn Quốc. Đối mặt với nợ nần chồng chất và sự tuyệt vọng, họ đánh cược mạng sống để giành giải thưởng 38 triệu USD.
Koo chia sẻ tuy mình chưa bao giờ bị đặt trong hoàn cảnh sinh tử như vậy, anh đồng cảm với các nhân vật và cuộc đấu tranh của họ để tồn tại trong xã hội bất bình đẳng sâu sắc của đất nước.
Anh Koo hiện làm việc tự do và nhận được một số trợ cấp thất nghiệp của chính phủ sau khi mất việc làm ổn định. Anh cho biết mình “hầu như không thể sống thoải mái với mức lương của một nhân viên bình thường” trong một thành phố với giá nhà cao ngất ngưởng.
Giống như nhiều người trẻ ở Hàn Quốc, Koo nhận thấy anh phải cạnh tranh gay gắt để có được bát cơm manh áo, giống như các thí sinh trong Squid Game.
New York Times nhận định có lẽ chính hàm ý về sự bất bình đẳng đang diễn ra trong xã hội Hàn Quốc, áp lực lên thế hệ “thìa đất” ở nước này và nhiều nơi khác, là một trong những yếu tố giúp bộ phim nổi tiếng quốc tế.
Các nhân vật trong “Squid Game” tham gia một loạt trò chơi sinh tử để giành giải thưởng 38 triệu USD. Ảnh: Netflix. |
Từ “kỳ tích sông Hán” đến “đấu trường sinh tồn”
Squid Game đang trên đường trở thành một trong những chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử của Netflix.
Giống như The Hunger Games, Squid Games của Hàn Quốc thu hút khán giả bằng những tình huống cạnh tranh mang tính sống còn và cốt truyện chuyển biến khó lường.
Tuy nhiên, bộ phim cũng đã khai thác một thực trạng quen thuộc đối với người dân Hàn Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới, rằng những người bình thường ngày càng chật vật ở những quốc gia được cho là giàu có, khi mà sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.
“Những câu chuyện và vấn đề của các nhân vật được cá nhân hóa cực kỳ cao, nhưng cũng phản ánh các vấn đề và thực tế của xã hội Hàn Quốc”, Hwang Dong Hyuk, biên kịch bộ phim, cho biết trong một email.
Hàn Quốc phát triển vượt bậc trong thời kỳ hậu chiến, trở thành một trong những quốc gia giàu nhất châu Á. Một số nhà kinh tế thậm chí đã gọi sự trỗi dậy của nước này là “kỳ tích sông Hán”. Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng trở nên tồi tệ khi nền kinh tế này dần trưởng thành.
Quốc gia này hiện xếp thứ 11 trong thang đo Gini – một thước đo về chênh lệch giàu nghèo – trong số 38 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. (Mỹ xếp thứ 6).
Thủ tướng Kim Boo Kyum cũng đã thừa nhận rằng tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở Hàn Quốc ngày càng gia tăng, theo Financial Times.
Sự bùng nổ của những gã khổng lồ về công nghệ, ôtô và tàu thủy đã giúp Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.
Tuy nhiên, các dữ liệu có vẻ lạc quan này đã che lấp những vấn đề kinh tế kinh niên của nhiều người dân ở xứ sở kim chi: nghèo khó ở người già, tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên, giá bất động sản vượt quá tầm với, nợ hộ gia đình và chi phí giáo dục tăng cao.
Yun Suk Jin, nhà phê bình kịch và giáo sư văn học hiện đại tại Đại học Quốc gia Chungnam, tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990 đã làm suy yếu câu chuyện tăng trưởng tích cực của Hàn Quốc và “buộc mọi người phải chiến đấu cho chính mình”.
Squid Game không phải là tác phẩm duy nhất của Hàn Quốc gây được tiếng vang bằng cách khai thác về sự bất bình đẳng và cơ hội của đất nước. Trước đó, Parasite (2019) đạt giải phim hay nhất tại lễ trao giải Oscar. Bộ phim miêu tả hai thái cực của của xã hội Hàn Quốc khi kể về câu chuyện một gia đình nghèo lừa gạt một gia đình giàu có ở Seoul.
Trong phim, các nhân vật nhận được lời mời tham gia “Trò chơi con mực”. Ảnh: Netflix. |
Nợ hộ gia đình đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, lên mức kỷ lục 1.540 tỷ USD trong quý thứ hai năm nay. Thu nhập của nhiều chủ hộ kinh doanh – chiếm gần một phần ba lực lượng lao động – đã bị cắt giảm sau khi các hạn chế về Covid-19 kéo dài nhiều tháng.
Giá nhà ở Seoul tăng gần gấp đôi kể từ khi Tổng thống Moon Jae In lên nắm quyền vào năm 2017, mặc dù có ít nhất 20 sáng kiến và quy định chính sách mới nhằm kiềm chế sự tăng giá.
Thế hệ “thìa đất”
Shin Yeeun, người tốt nghiệp đại học vào tháng 1/2020 – ngay trước khi đại dịch xảy ra ở Hàn Quốc, cho rằng Squid Game đặt ra một tình huống trớ trêu giữa áp lực xã hội về việc phải thành công ở Hàn Quốc với khó khăn để làm được điều đó.
Giờ đây, ở 27 tuổi, cô cho biết mình đã dành hơn một năm để tìm kiếm một công việc toàn thời gian.
Cô nói: “Ngày nay, những người ở độ tuổi 20 thực sự khó tìm được một công việc toàn thời gian”.
Hàn Quốc cũng bị giảm mạnh về tỷ lệ sinh, một phần do ý thức của giới trẻ rằng việc nuôi dạy trẻ em quá đắt đỏ.
Cô Shin nói: “Ở Hàn Quốc, tất cả bậc cha mẹ đều muốn cho con mình đến những ngôi trường tốt nhất. Để làm được điều đó, chúng tôi phải sống trong các khu phố tốt nhất”.
Điều đó đòi hỏi phụ huynh phải tiết kiệm đủ tiền để mua một ngôi nhà, một mục tiêu viển vông “đến nỗi tôi thậm chí còn chưa bao giờ bận tâm đến việc tính toán xem mình sẽ mất bao lâu”, Shin chia sẻ.
Các nhân vật trong phim phải đánh cược mạng sống của mình khi tham gia “Trò chơi con mực”. Ảnh: Netflix. |
Tình cảnh tương tự có thể được thấy trong Squid Game, trong đó, nhân vật chính Seong Gi Hun không có đủ tiền để mua cho con gái một món quà sinh nhật thích hợp hoặc chi trả chi phí y tế cho người mẹ già của mình.
456 thí sinh đã nói lên những lo lắng của đất nước.
Trong phim, một người từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul – trường đại học hàng đầu của đất nước – bị truy nã vì xử lý sai quỹ của khách hàng. Một nhân vật khác là người đào tẩu từ Triều Tiên, đang phải chăm sóc anh trai và giúp mẹ cô trốn khỏi Triều Tiên. Nhân vật gợi sự đồng cảm khác là một lao động nhập cư bị ông chủ quỵt lương. Các nhân vật này đã gây được tiếng vang đối với giới trẻ Hàn Quốc, những người không nhìn thấy cơ hội thăng tiến trong xã hội.
Giới trẻ thường dân ở Hàn Quốc thường được ví von là thế hệ “dirt spoon” (tạm dịch: thìa đất), với ý nghĩa đối lập với “gold spoon” (thìa vàng). Nhiều người bị ám ảnh bởi những cách làm giàu nhanh chóng, như đầu tư vào tiền điện tử và xổ số. Hàn Quốc là một trong những thị trường tiền ảo lớn nhất thế giới.
Giống như tiền thưởng trong Squid Game, tiền điện tử và xổ số mang đến cho mọi người “cơ hội đổi đời”, Koo, nhân viên văn phòng, nhận xét.
Nghèo đói hiện ảnh hưởng đến hơn 40% người Hàn Quốc trên 65 tuổi, trong khi gần 1/10 thanh niên Hàn Quốc không có việc làm.
Lo lắng về tốc độ tăng nhanh của nợ chính phủ càng trở nên trầm trọng hơn do dân số già nhanh và tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới, điều này có nguy cơ làm tăng gánh nặng tài chính của Hàn Quốc.
Nếu nợ quốc gia tiếp tục tăng với tốc độ này, mỗi em bé sơ sinh Hàn Quốc sẽ nợ hơn 100 triệu won (hơn 83.720 USD) khi trở thành học sinh trung học, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc.
Nguồn: News.zing.vn