Bảo vệ cán bộ ‘6 dám’, loại bỏ những người chỉ lo giữ ghế

0
Bảo vệ cán bộ ‘6 dám’, loại bỏ những người chỉ lo giữ ghế

Cùng với cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đột phá, Kết luận 14 của Bộ Chính trị giúp loại bỏ cán bộ “an phận thủ thường”, chỉ lo giữ ghế mà không hành động vì lợi ích chung.

co che bao ve can bo dam nghi dam lam anh 1

“Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt hành động vì lợi ích chung” không còn là một khái niệm tượng trưng hay lời kêu gọi chung chung, mà đã trở thành điểm nhấn trong văn kiện cao nhất của Đảng tại Đại hội XIII.

Chủ trương này cũng luôn được các lãnh đạo cấp cao nhấn mạnh mỗi lần đề cập về công tác cán bộ. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính hồi giữa tháng 9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”. Đồng thời, phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ.

Để cụ thể hóa và mở đường cho chủ trương của Đại hội Đảng XIII, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận 14 về việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

“Khi chúng ta phải ứng phó với thực tiễn biến đổi một cách nhanh chóng, khó lường và không thể đoán định như hiện nay, rất cần cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”, PGS.TS. Vũ Văn Phúc (Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản) nói ngay khi bắt đầu cuộc trao đổi với Zing về nội dung này.

Theo ông, việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm một lần nữa trở nên cấp thiết khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, và Kết luận 14 sẽ trở thành “tấm khiên” bảo vệ cho những cán bộ dám “xé rào” trong đại dịch.

Vừa là động lực, vừa là “tấm khiên bảo vệ” cán bộ

– Để ứng phó với đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ, có không ít cán bộ điển hình dám nghĩ, dám làm và mang lại hiệu quả như ở quận 6, quận 7, huyện Củ Chi (TP.HCM) hay ở Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh. Trái lại, nhiều nơi “co mình” và gây tranh cãi. Ông nhìn nhận thế nào về tương quan này, khi cùng một bối cảnh mà cán bộ có những ứng xử khác nhau?

– Trong xã hội hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thường có hai nhóm gần như đối lập nhau.

Một nhóm dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Nhưng ngược lại, có những cán bộ luôn luôn co mình, thực chất chỉ lo “giữ ghế” mà không dám làm gì, họ luôn “dĩ hòa vi quý”, muốn giữ mình để lấy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm.

co che bao ve can bo dam nghi dam lam anh 2

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Hoài Vũ.

Đợt chống dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua như một đợt sát hạch đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhiều cán bộ qua đó cho thấy sự năng động, sáng tạo, kể cả quy định của Trung ương, của Chính phủ chưa ban hành nhưng trên thực tiễn họ thấy cần phải làm khác để đảm bảo tính mạng, sức khỏe nhân dân và ngăn dịch không lan rộng thì họ làm ngay.

Trường hợp Bí thư quận 6, quận 7… ở TP.HCM và lãnh đạo các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh… là điển hình cho việc này. Bởi việc chống dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm nên cán bộ phải căn cứ vào thực tiễn để làm.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa Marx-Lenin vì chủ nghĩa Marx-Lenin nói rằng “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, tức là khi thực tiễn đặt ra vấn đề thì phải giải quyết vấn đề đó trên cơ sở thực tiễn.

Những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung sẽ căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương để tìm ra giải pháp hiệu quả. Khi việc đó đem lại thành công, cán bộ cũng có cơ hội trưởng thành.

Nhưng đáng buồn, bên cạnh những cán bộ giải quyết vấn đề chưa có tiền lệ, cũng có một bộ phận khác chỉ biết “vo tròn”, không dám làm, không dám đột phá. Thậm chí có người biết giữ mình là sai, thực hiện quy định cứng nhắc là sai nhưng họ không thay đổi, họ cứ làm để mình an toàn nhất, giữ ghế của mình vững chắc nhất.

– Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi chúng ta vừa phải đối mặt với đại dịch chưa từng có trong lịch sử, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 với chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung?

– Khi chúng ta phải ứng phó với thực tiễn biến đổi một cách nhanh chóng, khó lường và không thể đoán định như hiện nay, rất cần cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận này có 2 vế. Một là động viên, khuyến khích và hai là bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Khi phải ứng phó với thực tiễn biến đổi một cách nhanh chóng, khó lường và không thể đoán định, rất cần cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Kết luận ra đời đúng vào thời điểm cần thiết và rất có ý nghĩa, thể hiện đột phá tư duy của Đảng. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một một kết luận, dù chỉ gói gọn trong 2 trang, lại chứa đựng tư duy đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt.

Văn bản là cơ sở chính trị và pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ và là động lực, là “tấm khiên bảo vệ” cho cán bộ yên tâm, vững vàng thực hiện mục tiêu dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Nó cũng phát huy được ý chí tự lực, tự cường của cán bộ và đáp ứng nguyện vọng của cán bộ là khát khao cống hiến, khát khao phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước, nhân dân.

Kết luận 14 hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh mới là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi chúng ta đang chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức, xã hội số, nền kinh tế số.

Xác định động cơ trong sáng hay vụ lợi: Cần hội đồng đánh giá

– Thực tế cho thấy, người dám nghĩ, dám làm cũng đối diện với nhiều rủi ro như bị cô lập, mất cơ hội thăng tiến, thậm chí bị kỷ luật. Câu chuyện Bí thư Kim Ngọc với chủ trương “khoán 10” là một ví dụ điển hình. Khi lịch sử nhìn lại và nhận ra giá trị của việc đó thì bản thân cán bộ ấy đã phải chịu thiệt thòi. Ông nghĩ sao?

– Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh người dân Việt Nam rất năng động, sáng tạo, “thắng không kiêu, bại không nản”. Ngay từ những năm trước Đổi mới, rất nhiều cán bộ, đặc biệt lãnh đạo, quản lý, đã dám dấn thân, dám đổi mới vì lợi ích của nhân dân, dù họ biết mình có thể bị kỷ luật.

Điển hình như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với chủ trương “khoán 10” hay sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi quyết định làm đường dây 500 kV. Hoặc có những lãnh đạo như Tổng bí thư Trường Chinh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – những người có bản lĩnh chính trị rất vững vàng và có khả năng tổng kết thực tiễn rất sâu sắc.

Trên cơ sở đó, họ có tư duy rất đổi mới, hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân.

Những cán bộ lãnh đạo này khi thực hiện việc vượt ngoài quy định, họ biết trước cá nhân có thể bị kỷ luật, gia đình có thể chịu thiệt thòi, nhưng họ lại lấy mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân, đất nước để đặt lên trên lợi ích cá nhân, gia đình mình. Đó là những việc làm rất có ý nghĩa mà chúng ta cần xây dựng cơ chế để bảo vệ.

– Thực tế hiện nay, ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo với việc lợi dụng chủ trương này để trục lợi, vẫn mong manh. Chúng ta làm thế nào để phân biệt và có bộ lọc loại bỏ những cán bộ tư lợi?

– Thứ nhất, chúng ta phải xem động cơ của cán bộ đổi mới, sáng tạo xem có trong sáng không, thực sự vì dân, vì nước không.

Thứ hai, trong trường hợp cán bộ thực hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo, đột phá nhưng kết quả đạt được không như mục tiêu đề ra, hoặc thậm chí rủi ro, có thiệt hại thì đòi hỏi cơ quan lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt người đứng đầu, phải đánh giá một cách rất công tâm.

co che bao ve can bo dam nghi dam lam anh 3

Bí thư Quận 7, TP.HCM Võ Khắc Thái (trái) đưa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi thị sát bệnh viện dã chiến ở đường Nguyễn Văn Quỳ, quận 7. Đây là bệnh viện nơi ông Thái sớm đưa oxy bồn công nghiệp về để cứu cho các bệnh nhân F0. Ảnh: Đình Nam.

Nếu người thực hiện việc đó có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì xử lý hợp tình hợp lý, có thể giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm.

Còn ngược lại, người có động cơ không trong sáng, thực hiện chủ trương mới vì vụ lợi, vì tham nhũng, tiêu cực thì phải xử lý nghiêm.

Tôi nhắc lại, việc này đòi hỏi người lãnh đạo, tập thể lãnh đạo khi phân tích, đánh giá phải có tầm trí tuệ và rất công tâm, khách quan để phân biệt đâu là đúng, đâu là sai.

Ví dụ, chúng ta đang chống dịch Covid-19, rất nhiều nhà khoa học muốn nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19, nhưng không phải nhà khoa học nào cũng có thể nghiên cứu thành công.

Bên cạnh người thành công, cũng có người thất bại, không chế tạo được vaccine ngừa Covid-19, nhưng mục đích của họ hoàn toàn trong sáng là để tìm vaccine cứu người, việc không thành công là lý do khách quan. Vậy thì trường hợp đó có thể không xử lý trách nhiệm, không thu hồi tiền đã đầu tư nghiên cứu.

Nhưng việc này cần dựa trên đánh giá khách quan của lãnh đạo, thậm chí, cần thành lập hội đồng khoa học để đánh giá. Nếu chúng ta đánh giá được một cách khách quan, công tâm thì sẽ có cách xử lý tốt.

Việc đánh giá phải trả lời rõ các câu hỏi: Do nguyên nhân khách quan hay chủ quan; động cơ trong sáng hay lợi dụng để vụ lợi, tham nhũng; trong quá trình thực hiện có tuân thủ đúng quy trình đề xuất không hay cố tình làm lệch đi vì lợi ích cá nhân…

Thực ra, việc xác định động cơ không dễ, vì có người lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để trục lợi. Họ che đậy động cơ rất tinh vi bằng những hình thức khó nhận ra. Cần tập thể và người lãnh đạo sáng suốt là vì thế.

Nhưng các cụ nói rồi, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, nếu anh làm việc với động cơ không trong sáng thì sớm hay muộn, việc đó cũng bộc lộ ra ngoài. Một khi bị phát hiện, việc đó sẽ bị xử lý ngay bởi với cơ chế hiện nay, không ai có thể “hạ cánh an toàn”. Đã sai phạm thì dù về hưu vẫn bị xử lý bất kể lúc nào.

– Như ông nói, việc xé rào đổi mới, sáng tạo không phải lúc nào cũng thành công. Vậy chúng ta cần cơ chế gì để có thể chấp nhận hậu quả của đổi mới mà không khiến cán bộ phải chịu hệ lụy tiêu cực về bản thân, sự nghiệp?

– Đúng là đổi mới, sáng tạo, đột phá không phải lúc nào cũng thành công.

Khi cán bộ báo cáo với lãnh đạo và người đứng đầu về ý tưởng đột phá, cách làm sáng tạo thì đầu tiên, người đứng đầu phải xem xét và quyết định để cho cán bộ thực hiện ngay, cái khó thì làm thí điểm.

Hai là tập thể lãnh đạo và người đứng đầu phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn nhân lực, tài chính, cơ chế để họ thực hiện ý tưởng.

Càng khuyến khích, càng bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới thì chúng ta càng có cơ hội loại trừ những cán bộ sợ sai, chỉ lo giữ ghế

Lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát cán bộ thực hiện ý tưởng đổi mới. Nếu có thành tích, thành công thì phải khuyến khích, động viên, khen thưởng ngày. Còn khi phát hiện trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì thì phải chủ động cùng cán bộ tháo gỡ khó khăn, có điều gì không phù hợp thì điều chỉnh ngay.

Nếu cuối cùng kết quả thu được thấp hơn so với mục tiêu hoặc không đạt, thậm chí thất bại, phải có đánh giá công tâm, khách quan, phải bằng nhiều cách thức để có hướng xử lý “hợp tình hợp lý”.

Cụ thể hóa bằng pháp luật để “muốn an toàn cũng không được”

– Trong nhiệm kỳ khóa XII, 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (cả đương chức và về hưu) bị xử lý kỷ luật. Con số này khiến không ít cán bộ có tâm lý sợ sai, không dám quyết, không dám làm. Cùng với cơ chế khuyến khích trong Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, theo ông, cần làm gì thêm để cởi bỏ tâm lý sợ sai?

– Đúng là thực tế có cán bộ sợ sai, không dám làm. Điển hình vừa rồi có 9 bộ ngành trả lại vốn đầu tư công tới hơn 8.000 tỷ đồng. Tức là họ có tiền đầu tư công mà không dám tiêu, không dám làm vì sợ sai. Nếu làm, họ sợ mắc khuyết điểm, thậm chí là sai sót dẫn đến bị truy tố nên cách tốt nhất là không làm, vì không làm thì không thể sai.

Nhưng phải nhớ lại lời dạy của Bác Hồ, rằng đã là con người thì có xấu có tốt, con người khi đã làm thì có đúng có sai. Và điều quan trọng nhất của cán bộ là tự mình phát hiện được cái sai trong việc làm của mình. Cái quý nhất là khi sai thì biết sửa.

Vì vậy, để cởi bỏ tâm lý sợ sai cho cán bộ, tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ phải sớm đưa những nội dung trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị vào pháp luật, thể chế hóa bằng pháp luật thành cơ chế chính sách để buộc tất cả cán bộ, đảng viên phải thực hiện.

co che bao ve can bo dam nghi dam lam anh 4

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, cần sớm đưa nội dung của Kết luận 14 vào pháp luật và xây dựng thành hệ thống chính sách để khuyến khích, bảo vệ tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ảnh: Nguyên Phúc.

Khi đó, cán bộ nào muốn trốn tránh, muốn giữ an toàn cũng không được. Khi thể chế hóa bằng pháp luật thì với những ai chần chừ, ai thiếu quyết đoán, không quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra, chúng ta có thể thực hiện theo phương châm của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là thay thế cán bộ, thay thế người đứng đầu ngay mà không chờ hết nhiệm kỳ hay hết tuổi.

Càng khuyến khích, càng bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới thì chúng ta càng có cơ hội loại trừ những cán bộ sợ sai, chỉ lo giữ ghế.

Tôi nhấn mạnh lại Quốc hội, Chính phủ cần sớm đưa nội dung của Kết luận 14 vào pháp luật và xây dựng thành hệ thống chính sách để khuyến khích, bảo vệ tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tức là phải có cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật để cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương thực hiện theo.

Cơ chế này cụ thể hóa Kết luận 14 với hai nội dung chính là khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám đột phá. Cũng bằng cơ chế này, chúng ta sẽ loại bỏ được cán bộ “an phận thủ thường”, chỉ muốn giữ mình an toàn trong nhiệm kỳ, bảo vệ “chiếc ghế” cá nhân mà không hành động vì lợi ích của dân, của nước.

Nhưng các cán bộ cũng có thể yên tâm vì trong thời gian chờ cụ thể hóa các quy định này trong luật thì Kết luận 14 đủ mạnh để bảo vệ những người dám đột phá và xử lý người lợi dụng chủ trương để vụ lợi.

Vì cao hơn nữa còn có Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Trong đó có bổ sung điểm mới là đảng viên không được lợi dụng “chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

– Xin cảm ơn ông!

Nguồn: News.zing.vn