Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao, các đơn vị điều trị gặp khó khăn khi thiếu xe vận chuyển bệnh nhân, máy thở, thiết bị hồi sức và đồ phòng hộ.
Để chuẩn bị cho tình huống số ca mắc Covid-19 tăng cao, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kịch bản 60.000 người nhiễm và thành lập nhiều bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị. Tính đến nay, TP.HCM có 10 cơ sở thu dung điều trị Covid-19 và 15 bệnh viện điều trị Covid-19 được phân chia thành 4 tầng điều trị.
Tuy nhiên, việc thành lập thần tốc cơ sở tiếp nhận F0 đẩy các bệnh viện vào tình thế khó khăn. Các bệnh viện vừa khẩn trương chuẩn bị phòng ở và tiện nghi sinh hoạt cho F0, vừa trang bị phương tiện phòng hộ, cấp cứu trong tình huống họ chuyển biến nặng.
Chia sẻ với Zing, một số bệnh viện dã chiến và cơ sở y tế điều trị Covid-19 cho hay họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu xe cấp cứu và trang bị phòng hộ
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, cho hay cơ sở này có quy mô 5.000 giường và hiện gần như hết chỗ để tiếp nhận thêm F0.
Với số lượng F0 lớn, khoảng 250 y, bác sĩ luôn túc trực theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân. Khi có biểu hiện mệt, khó thở, nồng độ oxy trong máu hạ thấp, bệnh nhân lập tức được bác sĩ, điều dưỡng đánh giá, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng để chuyển về đơn vị chuyên sâu hơn.
Tuy nhiên, khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay là nhiều F0 có chuyển biến nặng, cần chuyển lên tuyến trên để điều trị. Trong khi đó, cơ sở này chỉ có 2 xe cứu thương thực hiện việc luân chuyển. Để tận dụng thời gian vàng kịp thời chuyển bệnh nhân, các bác sĩ thường cho 3-4 bệnh nhân nặng đi cùng lúc, trên cùng một xe.
Nhân viên lái xe cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 đang chờ F0 chuyển viện. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Chúng tôi mong muốn vận chuyển bệnh nhân đảm bảo đúng giờ, không làm chậm quá trình cấp cứu và điều trị. Do đó, chúng tôi có thêm xe cấp cứu thì quá tốt”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo bác sĩ Hồ Thị Thu Thảo, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong tuần qua, số ca mắc mới tại thành phố liên tục tăng kéo theo nhu cầu về các phương tiện phòng hộ cho nhân viên bệnh viện như đồ phòng hộ, khẩu trang N95, dung dịch sát khuẩn, màng che mặt, găng tay.
Trung bình một ngày, các bác sĩ phải dùng rất nhiều khẩu trang, nhất là N95. Nhân viên y tế rất cần được hỗ trợ thêm các phương tiện này.
“Nhiều người dân đã tiếp sức cho bệnh viện bằng cách cung cấp các phương tiện phòng hộ để nhân viên y tế an tâm công tác. Đây là hành động ý nghĩa và thiết thực trong giai đoạn này. Hy vọng rằng thời gian tới, bệnh viện cũng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng trong cuộc chiến chống Covid-19 lần này”, bác sĩ Thảo chia sẻ.
Tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6, theo tìm hiểu của Zing, cơ sở này hiện chỉ có một xe cấp cứu hoạt động để vận chuyển bệnh nhân. Do đó, một số F0 có triệu chứng chuyển biến nặng phải chờ tại phòng Cấp cứu lưu đến khi có xe cấp cứu.
Nhiều bệnh viện dã chiến thiếu phương tiện phòng hộ đạt chuẩn, nhất là khẩu trang N95. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Một bác sĩ điều trị tại cơ sở này cho biết nếu F0 đầu tiên được chuyển đến cơ sở xa trung tâm như Bệnh viện Điều trị Covid-19 Bình Chánh, những người tiếp theo phải chờ đợi khá lâu mới có xe cấp cứu về đón.
“Nếu có thêm xe cấp cứu, việc vận chuyển bệnh nhân sẽ đảm bảo hơn”, bác sĩ này nói.
Còn tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc bệnh viện, cho biết cơ sở này được phân công điều trị F0 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, vị trí khá xa trung tâm thành phố. Do đó, việc cấp cứu bệnh nhân trong tình huống cấp bách là điều rất cần được quan tâm. Trước đó, bệnh viện này đã mượn được một xe cứu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng chỉ trong 1-2 tháng.
“Chúng tôi mong có thêm một xe cứu thương để đảm bảo việc cấp cứu kịp thời vì xe hiện tại của bệnh viện đã cũ, không thể lắp được hệ thống oxy. Nhiều đêm cấp cứu bệnh nhân đến tuyến trên, chúng tôi chỉ mong xe không hỏng giữa đường”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Thiếu máy thở và phương tiện hồi sức
Bác sĩ Trần Thị Thúy Linh, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, người được tăng cường hỗ trợ Bệnh viện Điều trị Covid-19 Gò Vấp, cho biết đơn vị này được phân công chuyên tiếp nhận, điều trị F0 có triệu chứng. Một số có triệu chứng nặng và kèm bệnh lý nền.
Phòng Cấp cứu đang chăm sóc một số bệnh nhân có diễn biến nặng, phải thở oxy dòng cao (HFNC). Với số lượng hạn chế, các y, bác sĩ phải tận dụng bằng cách ưu tiên bệnh nhân nặng. Sau khi có diễn biến tốt hơn, bệnh nhân được thở oxy mask, oxy gọng kính và cố gắng cai oxy.
“Hiện tại, chúng tôi thiếu máy thở. Các bệnh nhân suy hô hấp nếu có nhiều người cùng lúc sẽ không đủ cấp cứu, chuyển đi thì cũng không còn chỗ để chuyển”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Theo bác sĩ Linh, dù thiếu nhiều phương tiện cấp cứu và hồi sức, các bác sĩ tại đây vẫn tập trung bệnh nhân nặng trước, cân nhắc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, dùng tất cả thuốc điều trị triệu chứng.
“Tuy nhiên, thực trạng hiện tại là thiếu thuốc men, máy xét nghiệm cho bệnh nhân cũng thiếu. Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều nhưng rất lo lắng cho tình trạng của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có diễn biến suy hô hấp rất nhanh từ ngày 5/7 ngày sau khi dương tính”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Gia Thế, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3, cho biết bệnh viện đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân F0, cơ sở vật chất đến nay tương đối ổn định. Tuy nhiên, tình trạng nhiều F0 chuyển biến nhanh, các đơn vị tuyến trên cũng đang căng mình điều trị bệnh nhân nặng hơn.
Nếu được trang bị thêm các thiết bị y tế như máy X-quang, hệ thống xét nghiệm, điện tim, siêu âm…, việc cấp cứu tại chỗ sẽ được thực hiện tốt hơn.
Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức), bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết cơ sở này mới được thành lập với vai trò tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng vừa nguy kịch.
Do được trưng dụng từ bệnh viện chuyên điều trị ung bướu, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 phải thay đổi, bổ sung nhiều phương tiện hồi sức, cấp cứu bệnh nhân nặng, nhân lực chuyên môn và khâu kiểm soát nhiễm khuẩn.
Hệ thống trang thiết bị huy động từ nguồn lực sẵn có của các đơn vị của thành phố gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Gia Định, Bệnh viện Đại học Y Dược và các cơ sở tư nhân như Vinmec, Hoàn Mỹ…, cùng sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Hiện tại, đơn vị này có 4 máy ECMO mang từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Sắp tới, bệnh viện sẽ có thêm máy ECMO chưa sử dụng được huy động từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Vinmec… Dự kiến, nếu số ca mắc tiếp tục tăng, bệnh viện phải dự trù tối thiểu 10-15 máy ECMO.
Số lượng máy thở hiện tại đang phục vụ 100 giường bệnh nhân nguy kịch, đang huy động thêm ít nhất 20 máy thở chức năng cao để phục vụ công tác điều trị ca nguy kịch. Khi không còn huy động được nữa, cơ sở này có thể phải lên phương án mua sắm đầu tư.
“Điều chúng tôi lo lắng nhất, buồn nhất chính là nhân viên y tế xuống tinh thần, thiếu tinh thần. Nhiều ngày qua, những chia sẻ và chỉ trích nhằm vào lực lượng điều trị khiến nhiều anh chị em rất buồn. Không thầy thuốc nào thấy người bệnh nguy kịch mà không cứu cả, nhưng phương tiện hồi sức không đảm bảo, chúng tôi không thể làm gì hơn”, một bác sĩ chuyên hồi sức tích cực đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nói với Zing.
Nguồn: News.zing.vn