Dấu tích những hòn đảo nhân tạo giúp các nhà khảo cổ hiểu hơn về cuộc sống của cư dân thời đại đồ đá mới trên quần đảo Anh.
Chris Murray, thợ lặn Hải quân Hoàng gia Anh đã phát hiện những mảnh gốm tương đối nguyên vẹn khi lao xuống vùng nước băng giá trong hồ Hebridean quanh hòn đảo bí ẩn ở Scotland. Bằng phương pháp carbon-14, ông xác định lớp bùn dưới hòn đảo có niên đại 3.600 năm TCN, nghĩa là nền văn hóa này xuất hiện trước cả tượng đài cự thạch Stonehenge hay các kim tự tháp đầu tiên ở Ai Cập.
Vùng đất giữa hồ Hebridean là một ví dụ về dạng đảo nhân tạo được gọi là crannog. Đến nay, các nhà khảo cổ đã phát hiện gần 600 hòn đảo nhân tạo như thế tại Scotland.
Crannog là gì?
Crannog trong tiếng Gael Scotland có nghĩa “cây non”, gợi nhắc nền móng vững chắc của những hòn đảo nhân tạo được xây dựng bằng cách đóng các cọc gỗ dài vào luống gỗ trước khi lấp đầy bằng những tảng đá nặng đến 250 kg và các vật liệu tự nhiên khác. Tộc người bí ẩn đã sống trên những hòn đảo nhân tạo trong hàng nghìn năm, cho đến tận thế kỷ 17.
Crannog, kỳ quan kỹ thuật độc đáo cách ngày nay hàng nghìn năm. Ảnh: Curious Historian. |
Từ những năm 1990, các nhà khảo cổ bắt đầu phục dựng những crannog trên hồ Loch Tay ở Perthshire (Scotland). Những người tham gia dự án sử dụng các công cụ hiện đại để thu thập nguyên liệu và cắt gỗ trong ba năm. Sau đó, họ đóng những cọc gỗ dài từ 7-9 m làm từ cây alder địa phương vào lòng hồ bằng tay. Để xây dựng một crannog – nơi trở thành trung tâm Scottish Crannog – với sự hỗ trợ của giàn giáo bằng gỗ phức tạp cần ít nhất 168 cọc gỗ.
“Dự án là một kỳ công kỹ thuật với chúng tôi. Vì thế tôi rất kinh ngạc trước kỹ năng xây dựng crannog của người cổ đại”, nhà khảo cổ học dưới nước Barrie Andrian chia sẻ.
Andrian hy vọng trung tâm Scottish Crannog mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị về cuộc sống của cư dân cổ đại ở Oakbank Loch Tay cách ngày nay 2.500 năm. Tiếc rằng, trung tâm Scottish Crannog đã bị hỏa hoạn thiêu rụi vào tháng 6.
Bảo tàng crannog mới trị giá 16,5 triệu USD sẽ được xây dựng tại Dalerb trên bờ biển phía bắc, nơi đã phát hiện 18 crannog. Bảo tàng crannog là một phần trong dự án khai quật những kỳ quan kỹ thuật độc đáo trên quần đảo Anh.
“Scotland có rất nhiều hồ nước đang chờ được khám phá”, Andrian khẳng định.
Những câu hỏi chưa có lời giải
Quang cảnh hòn đảo nhân tạo nhìn từ trên cao. Ảnh: sciencealert. |
Hiện nay, các nhà khảo cổ học chưa thể xác định mục đích của người cổ đại khi xây dựng crannog. “Crannog có thể là nơi sinh sống của những người đứng đầu bộ tộc, trạm buôn bán trên các tuyến đường thủy hoặc mang ý nghĩa tâm linh vũ trụ”, Andrian cho biết.
Duncan Garrow, giáo sư tại đại học Reading, cho rằng giá trị sử dụng của crannog thay đổi theo thời gian và địa điểm. Một số đảo nhân tạo được xây dựng nhằm phục vụ cho những nghi lễ đặc biệt. Ngoài ra, crannog có thể được xây dựng trong hồ nước để tăng cường khả năng phòng thủ của bộ tộc.
Tuy nhiên, crannog là bằng chứng hiếm hoi và quý giá giúp các nhà khảo cổ học tìm hiểu cuộc sống của những cư dân thời đại đồ đá mới trên quần đảo Anh. Những đồ gốm được Murray tìm thấy ở Hebridean ở trong tình trạng gần như nguyên vẹn, không bị hủy hoại qua nhiều thiên niên kỷ nhờ lớp phù sa dưới hồ nước tĩnh lặng.
Bức tranh vẽ crannog thời đại đồ đá mới ở Scotland. Ảnh: An Sionnach Fionn. |
Theo Andrian, cư dân thuộc thời đại đồ đá mới canh tác lúa mì Emmer, lúa mạch trên diện tích lớn, trồng cây lanh để làm dây thừng hay sử dụng hạt giống của những loài thảo mộc như cây tầm ma, thuốc phiện để điều chế thuốc. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy mảnh vải lanh dệt thoi tại Oakbank Loch Tay, cho thấy kỹ năng dệt điêu luyện của những cư dân crannog đầu thời đại đồ sắt.
Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu trong dự án khảo cổ vùng đất ngập nước ở Scotland còn phát hiện đồ da, đồ tạo tác bằng gỗ từ hồ Loch Glashan ở Argyll và Buiston crannog ở Ayrshire. Hiện, những những vật phẩm này đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Edinburgh, Scotland.
Nguồn: News.zing.vn