Vịnh Hạ Long – như có người ví giống như một cuốn “bách khoa thư mở” chứa đựng rất nhiều giá trị khoa học để cho du khách hay bất cứ ai có thể tìm hiểu. Bên cạnh vẻ đẹp của đá, nước và bầu trời, những truyền thuyết về lịch sử, tình yêu, những chiều hoàng hôn huyền diệu… ngay cả các góc khuất dày đặc bóng tối của các hang động ở Hạ Long cũng chứa đựng những bí ẩn hấp dẫn…
Vịnh Hạ Long có nhiều hang động. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Tổ chức bảo tồn động, thực vật quốc tế (FFI), khác với thiên nhiên bên ngoài, môi trường sống trong các hang động ở Vịnh Hạ Long rất ổn định, bóng tối bao trùm, độ ẩm cao.
Dế hang – một trong các “cư dân” chính của hang Hồ Động Tiên
Vì thiếu ánh sáng nên trong hang chủ yếu chỉ có động vật sinh sống. Những động vật sống trong hang không những phải thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên mà còn phải sống trong một môi trường khan hiếm thức ăn. Vì thế, số lượng các loài sinh vật cũng như số lượng cá thể của mỗi loài trong hang động thường rất nhỏ nếu so với bên ngoài hang. Căn cứ vào đặc điểm sống của chúng, các nhà khoa học của FFI đã chia các sinh vật trong hang thành ba nhóm cơ bản: “Dân bản địa” của hang động, những sinh vật ưa thích hang động và những “vị khách” của hang động.
Có dịp đến thăm hang Hồ Động Tiên, vào sâu trong hang, dùng đèn pin soi rất có thể du khách sẽ may mắn phát hiện ra một chú cua đỏ au hay 1 con rệp màu trắng. Đây chính là các “cư dân” thực thụ của hang động và bóng tối. Những cư dân này đã có quá trình tiến hoá đặc biệt để thích nghi với bóng tối, chúng không thể sống sót nếu ra khỏi hang. Rệp hang là một trong những “cư dân” phổ biến nhất trong hang động. Chúng có màu trắng sữa, không có mắt. Ở nơi khan hiếm thức ăn, mọi nỗ lực sinh tồn đều hướng vào việc kiếm ăn nên hầu hết các loài không có mắt hoặc có nhưng thoái hoá. Loài cua hang mình đỏ au, mắt đen và rất nhỏ nhưng chân khá dài có lẽ để thích hợp với việc bám vào các vách đá tìm thức ăn. Năm 2003, trong một lần nghiên cứu ở sâu trong hang Đúc Tiền trên đảo Vạn Giò, các nhà khoa học của FFI đã phát hiện loài cá bám đá thuộc phân họ Nemacheilinae, còn gọi là cá niết hang. Loài cá này không có mắt, chúng sử dụng đôi râu trước miệng để kiếm ăn. Cuối năm 2012, khi công bố phát hiện này, nhiều tờ báo dẫn lại từ website của FFI thông tin đây là loài cá chạch mù. Chưa rõ tên gọi nào đúng nhưng một điều chắc chắn, đó là một trong những “cư dân” đích thực của hang động trên Vịnh Hạ Long. Ngoài ra, những động vật thích nghi hoàn toàn với cuộc sống trong hang động còn có tôm hang, những loài động vật đẳng túc, lưỡng túc và một số loại côn trùng.
Khác với những sinh vật thuộc nhóm “dân bản địa”, nhóm những loài ưa hang động có thể sống ở trong và cả ngoài hang. Khi cần thiết, chúng có thể ra khỏi hang để tìm thức ăn. Trong nhóm này có các loài giun đất, bọ hung, dế hang, ếch, kỳ nhông và một số loài giáp xác. Đáng kể là loài dế hang. Loài này không có cánh và có lưng gù. Chúng có hai càng rất dài và có thể nhảy rất xa. Dế hang có đôi râu rất dài, chúng thường sống ở nơi tối tăm, ẩm ướt trong các kẽ thạch nhũ. Thức ăn của chúng là những chất hữu cơ đang phân huỷ.
Nhóm là “khách” của hang là những loài sống tạm thời trong hang động. Dơi, tắc kè, bướm đêm là những “vị khách” điển hình cho nhóm này. Thông thường, các loài này thường lựa chọn hang động làm nơi ngủ đông và nuôi con hơn là tìm thức ăn do chúng ưa thích nền nhiệt độ ở đây.
Hiện nay, hầu hết các hang động ở Vịnh Hạ Long đều được đưa vào khai thác du lịch đón khách tham quan. Theo các nhà khoa học, lượng khách tập trung quá đông sẽ làm gia tăng nhiệt độ, lượng khí cacbonnic ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên của các hang động. Ngay cả hang Hồ Động Tiên được coi là một “lớp học” chuyên về giáo dục cộng đồng về lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long không đưa vào khai thác du lịch nhưng môi trường tự nhiên cũng đã bị tác động đáng kể. Đó là điều cơ quan chức năng cần quan tâm.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn