Biểu tượng #MeToo ở Trung Quốc: ‘Từ nạn nhân, tôi trở thành tội phạm’

0
Biểu tượng #MeToo ở Trung Quốc: ‘Từ nạn nhân, tôi trở thành tội phạm’

Zhou, nạn nhân của vụ quấy rối tình dục gây rúng động ở Trung Quốc, không khỏi thất vọng trước phán quyết từ tòa án. Tuy nhiên, cô khẳng định sẽ không bỏ cuộc.

bieu tuong #MeToo o Trung Quoc anh 1

Vào một buổi tối tháng trước, Zhou Xiaoxuan (sinh năm 1993) và các luật sư nhanh chóng đưa ra quyết định khi đang ngồi bên ngoài tòa án quận Hải Điến (Bắc Kinh).

Nỗ lực tìm kiếm công lý cho Zhou, nạn nhân của vụ quấy rối tình dục năm 2014 bởi một trong những nhân vật nổi tiếng nhất Trung Quốc, rõ ràng đang không đi đúng hướng. Trong tuyên bố mới nhất, tòa án đã ra phán quyết chống lại nguyên đơn do không đủ bằng chứng kết tội.

“Thất bại không phải điều đáng xấu hổ, và tôi rất vinh dự khi được sát cánh cùng các bạn trong 3 năm qua… Cảm ơn mọi người rất nhiều, tôi nhất định sẽ kháng cáo”, cô chia sẻ với những người ủng hộ mình trên Weibo. Cô đồng thời lên tiếng chỉ trích về phán quyết và quy trình giải quyết của tòa án.

Ngày hôm sau, các tài khoản mạng xã hội của Zhou đều bị khóa.

bieu tuong #MeToo o Trung Quoc anh 2

Zhou trò chuyện với báo giới và những người ủng hộ cô bên ngoài tòa án trước phiên điều trần tháng 9. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images.

“Dường như, chỉ những ai ở phía bị cáo mới được phép lên tiếng. Cảm giác này tương tự hồi năm 2014, khi vụ việc xảy ra, mọi người nói rằng tôi không đủ quan trọng và nên im lặng thì tốt hơn”, Zhou chia sẻ với The Guardian thông qua một thông dịch viên.

“Tôi không phải người thua vụ kiện quấy rối tình dục nữa, thay vào đó là một tội phạm”, cô nói.

Cuộc trò chuyện diễn ra khoảng vài tuần kể từ ngày hầu tòa dài đằng đẵng, và cơn giận dữ xung quanh người phụ nữ trẻ chưa từng muốn nổi tiếng này bắt đầu giảm bớt.

Trong thời gian bị cắt liên lạc với những người ủng hộ và lập kế hoạch cho bước đi tiếp theo, Zhou (hiện 28 tuổi), được biết đến rộng rãi với biệt danh Xianzi, chia sẻ về quyết tâm của mình.

“Đối với những người khác, việc chúng tôi thua kiện thật đáng tức giận. Song đối với tôi, đây là kết quả chung của sự nỗ lực hết mình và khả năng của từng người chúng tôi. Đây là một điều kỳ diệu”, cô nói.

Kể từ khi lên tiếng công khai vào năm 2018, cô thường từ chối danh hiệu “gương mặt đại diện của phong trào #MeToo” mà một số người trao tặng. Nhưng giờ đây, cô cảm thấy có “trách nhiệm”, cần phải tiếp tục vụ kiện.

“Tôi thậm chí không tưởng tượng được rằng làm cách nào mà tất cả chúng tôi có thể trụ vững được lâu như vậy”, Zhou nói.

Bắt đầu từ một bài đăng

Giữa năm 2018, khi nhiều phụ nữ Trung Quốc bắt đầu chia sẻ câu chuyện #MeToo của mình lên Internet, Zhou bắt gặp bài đăng của bạn thân trên WeChat.

“Hồi đó, chúng tôi vẫn còn đầy cảm giác xấu hổ, tủi nhục. Tôi nói với bạn thân rằng cô ấy đã rất dũng cảm. Đồng thời, tôi hy vọng mình cũng sẽ viết một bài để ủng hộ cô ấy và chia sẻ nỗi mặc cảm. Tôi làm vậy để người bạn thân hiểu rằng những gì cô ấy viết không phải vô ích”, cô kể lại.

bieu tuong #MeToo o Trung Quoc anh 3

MC quốc dân Zhu Jun bị tố cáo quấy rối tình dục thực tập sinh kém gần 30 tuổi. Ảnh: Wikipedia.

Zhou chưa từng nghĩ lời buộc tội của mình trở nên nổi tiếng. Thế nhưng, bài viết dài 3.000 ký tự cáo buộc Zhu Jun (sinh năm 1964), người dẫn chương trình nổi tiếng xứ tỷ dân, cùng một bài sau đó của Zhou được lan truyền mạnh mẽ khắp các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc.

Trong bài viết, Zhou kể lại sự việc xảy ra vào mùa hè năm 2014. Khi đó, Zhou còn là thực tập sinh tại đài truyền hình quốc gia CCTV. Cô và một người khác được mời đến phỏng vấn Zhu tại phòng nghỉ của ông.

Sau khi thực tập sinh còn lại đã rời đi, ông Zhu liền chộp lấy bàn tay của Zhou và nói rằng ông ta biết xem tướng số. Sau đó, người này kéo nạn nhân lại và bắt đầu đòi hôn. Sự việc chỉ dừng lại khi có người gõ cửa phòng.

Zhou cho biết khi ấy, cô mới chỉ 21 tuổi, rất hoảng sợ và không biết phản ứng ra sao.

Ngày hôm sau, cô vội chạy đến đồn cảnh sát để trình bày sự việc. Tuy nhiên, các sĩ quan cảnh sát khuyên cô không nên tố cáo vì ông Zhu là “một người có ích cho xã hội”.

Hơn nữa, họ cho rằng vụ việc có thể gây ảnh hưởng đến sự nghiệp của bố mẹ Zhou. Được biết, bố cô là một công chức, mẹ làm việc tại công ty nhà nước.

“Những gì họ làm là phủ nhận sự tồn tại của tôi. Lời họ nói tương tự rằng điều tôi cảm nhận và thứ làm tổn thương tôi đều kém quan trọng hơn người bị tố cáo; rằng tác động xã hội của tôi chẳng quan trọng bằng người bị tố cáo. Năm 2014, tôi mới chỉ là sinh viên đại học, chưa biết gì nhiều và dễ dàng bỏ cuộc”, cô chia sẻ.

Sau bài đăng của Zhou, ông Zhu, người kiên quyết phủ nhận các cáo buộc, đã kiện cô với tội phỉ báng và đòi bồi thường thiệt hại 100.000 USD.

Zhou phản tố ông Zhu với tội danh “vi phạm nhân quyền” – luật duy nhất hiện hành phù hợp với vụ việc của cô do thời điểm đó, Trung Quốc chưa ban hành luật về quấy rối tình dục.

The Guardian cố gắng liên hệ với ông Zhu, người không đưa ra tuyên bố công khai nào về vụ việc kể từ năm 2018, nhưng bất thành.

Không được xét xử công tâm

Vụ án dân sự đã trải qua hai lần bị trì hoãn và một phiên tòa cuối cùng không thành công. Trải nghiệm tại tòa án cũng khiến Zhou rất thất vọng. Cô khẳng định mình bị tước bỏ nhiều cơ hội lên tiếng và bằng chứng hỗ trợ cũng bị từ chối.

Quan sát viên và giới báo chí bị cấm tham dự phiên tòa. Ông Zhu cũng không bắt buộc phải xuất hiện tại tòa. Đơn xin thay đổi nội dung kiện của Zhou nhằm chuyển sang sử dụng luật chống quấy rối tình dục mới ban hành của chính phủ cũng bị tòa từ chối.

bieu tuong #MeToo o Trung Quoc anh 4

Zhou tại nhà riêng vào năm 2018, thời điểm cô khởi kiện chống lại kẻ quấy rồi mình. Ảnh: Iris Zhao/New York Times.

Vụ kiện của Zhou trở thành một trong những trường hợp được theo dõi nhiều nhất ở Trung Quốc, bất chấp các phiên điều trần kín và nội dung trực tuyến bị kiểm duyệt. Nó đồng thời thu hút sự chú ý của quốc tế và thắp sáng phong trào nữ quyền của xứ tỷ dân.

Bất chấp sự xuất hiện dày đặc của lực lượng cảnh sát, những người ủng hộ Zhou đã tập trung bên ngoài tòa án, đem theo các biểu ngữ thể hiện sự động viên, khích lệ.

Yang Ruiqi, một sinh viên đại học năm thứ ba từng tham gia đám đông ủng hộ Zhou tại phiên điều trần trước đó, nói với Guardian rằng phong trào #MeToo là một nguồn cảm hứng với cô.

“Nó khiến tôi nhận ra rằng những điều mà tôi cảm thấy không thoải mái trước đây là sai trái, chứ không phải do tôi quá nhạy cảm”, Yang chia sẻ.

Bị đe dọa, chỉ trích

Bên cạnh sự ủng hộ nhiệt thành từ nhiều người, Zhou cũng bị một bộ phận người dùng mạng lạm dụng, quấy rối và chỉ trích. Họ gọi cô là “kẻ nói dối”, slut-shaming (đổ lỗi dâm đãng), thậm chí buộc tội làm việc cho một thế lực nước ngoài.

Vào ngày cuối cùng hầu tòa, Zhou bị xô đẩy bởi đám đông phản đối mình. Trong đó, một người đàn ông còn đặt câu hỏi rằng liệu việc cô một mình lên tiếng một mình có thích hợp không.

“Dư luận và những cuộc tấn công đương nhiên gây phiền hà cho tôi rồi. Nhưng nó không phải mối đe dọa. Những kẻ tấn công tôi trên Internet có lẽ không dám hành động, làm tổn thương tôi ngoài đời đâu”, Zhou nói.

“Họ tấn công cá nhân tôi. Nhưng càng tổn thương, tôi càng quyết tâm bám trụ với vụ việc. Nỗ lực trong thời điểm tồi tệ sẽ càng có ý nghĩa hơn”, cô chia sẻ.

Một ngày sau khi đơn khởi kiện bị bác bỏ, tài khoản Weibo mà cô sử dụng để giao tiếp với những người ủng hộ và các nạn nhân khác đã bị tạm khóa.

“Khi nói về chủ đề nữ quyền trên Internet, bạn rất dễ bị cấm. Tình trạng này luôn như vậy. Họ thậm chí không cần lý do gì để cấm bạn”, cô nói.

bieu tuong #MeToo o Trung Quoc anh 5

Ông Zhu không đưa ra bất kỳ phản hồi công khai nào liên quan đến vụ việc kể từ năm 2018. Ảnh: SupChina.

Với tỷ lệ bạo lực phụ nữ, nạn phân biệt đối xử về giới, quấy rối tình dục tại nơi làm việc cao, vụ việc của Zhou đang được theo dõi chặt chẽ bởi phụ nữ trên khắp Trung Quốc – những người cảm thấy hệ thống chính quyền không hỗ trợ họ.

Một số chiến thắng đã diễn ra trong thời kỳ #MeToo đỉnh cao ở Trung Quốc, song phụ nữ vẫn còn chặng đường dài phía trước. Trên thực tế, có rất ít vụ việc được đưa ra toàn. Các nhà phân tích pháp lý đã chỉ ra gánh nặng của nạn nhân trong việc đưa ra bằng chứng vật chất.

Zhou cho biết cô không hối hận khi đưa ra các cáo buộc của mình, hoặc theo đuổi hành động pháp lý.

Việc kháng cáo đang tiêu tốn nhiều thời gian của cô. Thế nhưng, những cuộc trò chuyện về phong trào #MeToo và cả vụ án của Zhou dần trở nên đáng giá hơn, ngay cả khi cô không thành công.

“Mọi người sẵn lòng chia sẻ công khai về những gì xảy ra với họ và trải nghiệm cá nhân. Thực tế là việc chúng ta có thể thảo luận công khai đã rất có giá trị rồi. Nó không chỉ an ủi những phụ nữ khác, mà còn khiến công chúng hiểu thêm về vấn nạn quấy rối, tấn công tình dục. Điều quan trọng nhất là các cô gái trẻ không còn thấy mặc cảm và xấu hổ nữa”, Zhou chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn