Hàng trăm doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất.
Bình dương đối mặt với ‘cơn bão’ lao động hồi hương
Hàng trăm doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất.
Gánh nặng “3 tại chỗ”
Anh Nguyễn Minh Trung, Trưởng phòng Hành chính Công ty Cổ phần TEKCOM, khu công nghiệp Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh khu sản xuất và khu ở của công nhân. Khi đó đúng vào giờ nghỉ trưa, hàng trăm công nhân đến phòng ăn. Mọi người nhận cơm và ngồi giãn cách nhau, giữa các bàn đều có tấm nhựa chắn.
Khu vực nhà ăn được ngăn bằng những tấm nhựa để đảm bảo giãn cách của Công ty Cổ phần TEKCOM. |
-Dạ, quê em ở Đắk Lắk, làm công nhân ở đây khoảng 1 năm nay ạ.
-Nhớ nhà không nhỉ?
-Dịch mà anh, có nhớ cũng đâu về được.
Anh Trung cười nói với chị Triệu Thị Kim Lan (công nhân) trong lúc người này đã ngồi vào bàn ăn. Đối diện với chị Lan qua tấm nhựa chắn là chị Lương Thị Huyền, quê Đắk Nông, cũng vào làm việc cho công ty khoảng 1 năm nay.
“Tôi và mọi người đã dần quen với việc lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi tại nhà xưởng công ty. Dù có đôi lúc không thật sự thoải mái, chúng tôi thường bảo nhau nên suy nghĩ tích cực để vượt qua đại dịch, xem đây như là nhà của mình”, chị Lan tâm sự.
Chị Lan, chị Huyền là hai trong số hơn 1.000 lao động đang làm việc tại Công ty Cổ phần Tekcom theo mô hình “3 tại chỗ”. Mô hình này được công ty triển khai đầu tháng 6/2021, tức từ lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Bình Dương, toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Chị Lan, Huyền trong giờ nghỉ trưa tại công ty. |
Là doanh nghiệp sản xuất ván công nghiệp, đồ gỗ gia dụng, Công ty Cổ phần TEKCOM chọn duy trì sản xuất “3 tại chỗ” nhằm giữ chân công nhân, tiếp tục sản xuất và cung ứng đầy đủ các đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên cơ sở đồng thuận của người lao động. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký làm việc trong điều kiện này giảm 20% so lúc bình thường.
Rời khu nhà ăn tập thể, anh Trung dẫn chúng tôi đến nơi nghỉ ngơi dành cho công nhân. Đó là một khu nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông, được thiết kế dã chiến thành hơn 1.000 “phòng ở”. Mỗi phòng chỉ khoảng 3,5 mét vuông, được ngăn cách với nhau bằng những tấm gỗ.
Công nhân Công ty Cổ phần TEKCOM nghỉ trưa tại khu vực bố trí “phòng ở” theo mô hình “3 tại chỗ”. |
-Khá thoáng anh ạ, vì trần nhà xưởng cao và rộng.
-Buổi trưa hơi nóng một chút ạ, chiều và tối thì ổn hơn…
Anh Trung tiếp tục chuyện trò, thăm hỏi những công nhân. Anh nói mình và ban quản lý doanh nghiệp thấu hiểu những khó khăn của người lao động khi phải làm việc và sinh hoạt trong điều kiện không dễ chịu như thời điểm trước dịch.
Cách khu ở khoảng vài trăm mét là xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần TEKCOM. Nơi nhiều công nhân tranh thủ tăng ca trưa để hoàn tất một lô hàng kịp giao cho đối tác. Không khí làm việc khá khẩn trương, số lượng lao động được bố trí khá giãn cách.
Khu vực xưởng sản xuất vẫn duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách phòng dịch. |
Trong điều kiện dịch bệnh, việc bố trí ăn nghỉ cho hơn 1.000 công nhân trong nhà xưởng là áp lực lớn, khi lương thực, thực phẩm không thật sự đảm bảo trong thời điểm này. Chưa kể những vấn đề phát sinh liên quan tâm lý người lao động, chi phí duy trì sản xuất, chi phí test Covid-19 định kỳ cho người lao động, phí hỗ trợ bữa ăn… Việc thực hiện “3 tại chỗ” được xem là giải pháp tình thế, gặp nhiều khó khăn.
Cùng quan điểm với Công ty Cổ phần Tekcom, đại diện Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam, thị xã Tân Uyên cho rằng “3 tại chỗ” không thể kéo dài mãi. Mô hình này tuy có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến sức sản xuất và sự phát triển năng động của doanh nghiệp.
Thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 19/6, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam vừa tổ chức vận hành nhà máy vừa bố trí nơi ăn nghỉ cho hơn 150 người lao động. Cũng giống như Công ty Cổ phần Tekcom, số lao động làm việc tại công ty giảm 20% so thời điểm trước dịch.
Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” từ khi Bình Dương bùng phát dịch cho đến nay. |
Trong những tháng qua, sản lượng kinh doanh các sản phẩm hóa chất gia dụng của công ty giảm khoảng 40%. Tuy nhiên, Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam nỗ lực bình ổn quỹ lương, để không gây thiệt thòi cho người lao động.
Bà Phan Thị Phương Linh – Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam, cho biết công ty cũng đã nhiều lần thay đổi kế hoạch phòng dịch để phù hợp với “3 tại chỗ”. Nguyên tắc cơ bản là tạo “vách ngăn” trong môi trường trong nhà xưởng và bên ngoài, qua đó kiểm soát dịch bệnh thông qua việc test nhanh và tạo điều kiện để người lao động được tiêm chủng.
Tăng tốc trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp
Hơn 100 công nhân Công ty Cổ phần Hàn Lâm, khu công nghiệp Phú Chánh, phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) được hỗ trợ test Covid-19 giá rẻ, chỉ bằng một nửa so với mức phí thông thường. Đội ngũ hỗ trợ là nhân viên y tế Trạm y tế lưu động số 2 – cụm công nghiệp Phú Chánh, đặt tại khu phố Phú Bưng, phường Phú Chánh.
Nhân viên Trạm y tế lưu động số 2 – cụm công nghiệp Phú Chánh hỗ trợ test Covid cho công nhân Công ty Cổ phần Hàn Lâm. |
-Mọi người xếp hàng giãn cách.
-Sáng nay test, mai lại tiếp tục.
-Có 1 F0, mọi người cẩn thận!
Anh Nguyễn Hùng, Trưởng ban quản lý Cụm công nghiệp Phú Chánh nói lớn với chiếc loa cầm tay. Anh là người đồng hành xuyên suốt các hoạt động của trạm y tế lưu động này kể từ khi trạm đi vào hoạt động khoảng một tuần trước.
Nghe thông báo đã có F0, những công nhân khẽ nhìn nhau và có chút lo lắng. Mọi người thực hiện giãn cách, không giao tiếp. Nhân viên y tế cẩn trọng dùng cồn sát khuẩn sau khi tiến hành lấy mẫu, mọi thứ diễn ra khá khẩn trương.
Qua test nhanh, lực lượng y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp F0 tại Công ty Cổ phần Hàn Lâm. Người bệnh được đưa về Trạm y tế lưu động số 2 – cụm công nghiệp Phú Chánh theo dõi, điều trị. |
Khoảng 30 phút, toàn bộ 123 công nhân được lấy mẫu xong. Những người có kết quả âm tính quay trở lại nơi làm việc ngay sau đó. Để rút ngắn thời gian test, trạm đã bố trí hai bàn lấy mẫu, thay vì chỉ một bàn như trước đây. Điều này vừa đảm bảo giãn cách, vừa giúp doanh nghiệp chủ động thời gian điều phối công nhân duy trì hoạt động sản xuất.
F0 được đưa về cách ly điều trị tại trạm y tế lưu động này, bóc tách hoàn toàn khỏi doanh nghiệp. Cũng vì thế, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc ứng phó với dịch bệnh, người lao động cũng thấy an tâm hơn.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Đào – Trưởng trạm y tế lưu động số 2 – cụm công nghiệp Phú Chánh trực tiếp thăm khám cho một F0. |
-Sáng nay mình dùng thuốc điều trị triệu trứng mới.
-Dạ, tối qua tôi có sốt nhẹ.
-Không sao, em cứ yên tâm.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Đào – Trưởng trạm y tế lưu động số 2 – cụm công nghiệp Phú Chánh trực tiếp thăm khám cho một F0 vừa thu dung ngày hôm trước. Người này ít triệu chứng, sức khỏe và tinh thần khá tốt so với trước.
“Xương sống của trạm là đội ngũ 13 người gồm bác sĩ, y sĩ và tình nguyện viên. Hiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn này. Trạm phụ trách hỗ trợ y tế cho Cụm công nghiệp Phú Chánh, hiện có hơn 30 doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 5.000 công nhân. Tuy nhiên, nếu sắp tới số lượng công nhân trở lại nhà xưởng đông hơn, đầu công việc của chúng tôi sẽ khá nặng”, chị Đào nói.
Phun khử khuẩn Trạm y tế lưu động số 2 – cụm công nghiệp Phú Chánh trong quá trình tiếp nhận và điều trị F0. |
Nửa tháng qua tính từ thời điểm trạm đi vào hoạt động, đã hỗ trợ test Covid-19 giá rẻ cho hàng nghìn lượt công nhân. Thực hiện việc thăm khám, khám sàng lọc cho hàng trăm lượt bệnh nhân là người lao động đang làm việc trong Cụm công nghiệp Phú Chánh. Trạm cũng thu dung và điều trị nhiều F0 khỏi bệnh, một số F0 được điều chuyển đến các cơ sở y tế khác phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguyện vọng cá nhân.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên, tính đến nay toàn thị xã đã thành lập 19 trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp, đặt tại các phòng khám hoặc tại nhà xưởng doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, hàng chục nghìn lao động được chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19 trong môi trường sản xuất của doanh nghiệp.
Trạm y tế lưu động số 1 trong doanh nghiệp đặt tại Phòng khám Đa khoa tư nhân Phúc Tâm Phúc, phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên hỗ trợ khám sàng lọc và điều trị F0 trên địa bàn thị xã. |
“Thị xã Tân Uyên cũng là địa phương thí điểm triển khai mô hình trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Bình Dương và cả nước. Dù đã trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn duy trì sản xuất “3 tại chỗ” để đảm bảo an toàn. Mô hình trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp vẫn duy trì và mở rộng vì thật sự cần thiết”, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết.
Thiếu hụt lao động sau “cơn bão” hồi hương
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát và Bình Dương thực hiện Chỉ thị 16, hàng loạt doanh nghiệp trong tổng số 1.500 doanh nghiệp của tỉnh phải đóng cửa. Kéo theo đó là hàng chục nghìn lao động mất việc. Họ cũng không thể trở về quê nhà vì quy định giãn cách xã hội. Cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, không có thu nhập. Họ bị kẹt lại trong những xóm trọ đông đúc với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở mức báo động.
Hàng chục nghìn lao động tại Bình Dương thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Ứng phó với đại dịch, hàng trăm doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại theo mô hình “3 tại chỗ”, “3 xanh”, “2 cung đường 1 điểm đến” từ giữa tháng 9, khi Bình Dương dần nới lỏng giãn cách ở các địa bàn vùng xanh. Số lượng lao động đăng ký làm việc trở lại trên 50.000 người. Tuy nhiên trong điều kiện bình thường trước dịch Covid-19, tỉnh có khoảng 210.000 lao động để duy trì sản xuất cho toàn bộ doanh nghiệp.
Nhìn vào số lượng công nhân đăng ký trở lại làm việc so với số lao động thực tế dễ thấy tỷ lệ người không có việc làm trong điều kiện dịch bệnh tại Bình Dương là rất lớn.
Ngày 1/10, Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới thì hàng chục nghìn người lao động trở về quê nhà sau nhiều tháng không thể đi làm. Điều này tiếp tục gây ra những khó khăn, làm thiếu hụt nguồn lao động khi số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại sau dịch tăng theo cấp số cộng.
Công nhân tại Bình Dương ồ ạt về lại quê nhà sau khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới. Ảnh chụp người lao động chờ xin qua chốt kiểm soát trên quốc lộ 13, đoạn thuộc địa bàn phường Vĩnh Phú, TP Thuận An (Bình Dương). |
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, từ nay đến cuối tháng 10/2021, doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động nhộn nhịp, người lao động cũng được phép ra vào nhà xưởng ở các địa bàn không có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Các doanh nghiệp “3 tại chỗ” sẽ từng bước quay về hoạt động bình thường. Đây là cơ hội mới cho cả doanh nghiệp và người lao động sau đại dịch.
Theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, hàng chục doanh nghiệp trong tỉnh chưa thể quay lại sản xuất vì thiếu công nhân, dẫn đến phá vỡ cấu trúc vận hành nhà máy. Cũng vì thiếu hụt lao động mà nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động 50% công suất dù đảm bảo các điều kiện phòng dịch. Hệ quả là nhiều đơn hàng từ đối tác được sản xuất và cung ứng chậm, gây thất thoát cho doanh nghiệp.
Người lao động đổ về quê dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, trong bối cảnh doanh nghiệp tại Bình Dương bắt đầu khôi phục sản xuất. |
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường mới, dự báo lượng lao động cần vào khoảng 50.000 người. Hiện lượng lao động đến trung tâm để tìm việc làm dao động khoảng từ 200 – 300 người/ngày. Con số này được đánh giá khá thấp so với số lượng công nhân mất việc và nhu cầu tuyển dụng sau dịch của doanh nghiệp.
Ngoài việc kết nối việc làm thông qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp, trực tuyến, trung tâm sẽ triển khai ngay các giải pháp kết nối lại chương trình liên kết lao động với các tỉnh, thành. Theo ghi nhận thực tế, những ngày qua vẫn còn khá đông người lao động Bình Dương về lại các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên. Tức “cơn bão” hồi hương vẫn chưa dừng lại.
Trong điều kiện bình thường mới hiện nay, công nhân tại các vùng xanh được phép ra vào làm việc tại các nhà xưởng. Tuy nhiên công tác an toàn, phòng dịch vẫn được chú trọng. |
Người đứng đầu tỉnh Bình Dương khẳng định, đến nay bản đồ Covid-19 của Bình Dương đã “phủ xanh” ở hầu hết xã, phường. Tỉnh cũng đã nới lỏng giãn cách và từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất để sớm phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Các chính sách hỗ trợ sẽ đến tận tay người thuộc diện được hỗ trợ, đồng thời mong muốn người lao động sớm trở lại nhà xưởng Bình Dương.
Nguồn: News.zing.vn