Công chúng lập tức chỉ trích hãng đồ chơi nước Mỹ do thiếu búp bê đại diện cho khu vực châu Á trong bộ sưu tập Olympic 2020.
Trong bộ sưu tập búp bê Barbie được phát hành nhằm kỷ niệm Thế vận hội Tokyo 2020, nhà sản xuất đồ chơi Mattel của Mỹ dường như đã bỏ quên khu vực Đông Á, mặc dù Nhật Bản đăng cai Olympic năm nay, theo SCMP.
Công ty lần đầu tiên công bố bộ sưu tập này vào tháng 2/2020 và tái phát hành vào cuối tháng 7 vừa qua. Thông qua bộ sưu tập, nhà sản xuất mong muốn giúp “trao quyền cho các bé gái tham gia vào thể thao” và “tìm kiếm vận động viên tiềm ẩn trong mỗi người”.
Bộ sưu tập Barbie mới của Mattel không có búp bê đại diện gốc Á. Ảnh: Mattel. |
Bộ sưu tập gồm 5 búp bê đại diện cho các môn thể thao mới được thêm vào chương trình thi đấu của Olympic năm nay: bóng chày, leo núi thể thao, karate, trượt ván và lướt sóng.
Bên cạnh trang phục và thiết bị thể thao đi kèm, mỗi búp bê còn có áo khoác Tokyo 2020 và một huy chương vàng bằng nhựa. Chúng là một phần của thỏa thuận cấp phép chính thức với Ủy ban Olympic Quốc tế và Thế vận hội Tokyo 2020.
Tuy nhiên, bộ sưu tập nhanh chóng nhận được sự chỉ trích từ công chúng do thiếu vắng một búp bê đại diện cho khu vực Đông Á, đặc biệt khi Thế vận hội năm nay được diễn ra ở Tokyo.
Jenna Wong, một người Mỹ gốc Hoa sống ở Mỹ, nói với SCMP rằng sự thiếu sót của công ty đồ chơi gây khó chịu cho cô.
“Mattel thực hiện bộ sưu tập tôn vinh Olympic Tokyo mà không có nổi một búp bê có ngoại hình giống như đến từ khu vực đó. Trong khi ấy, họ đưa 2 Barbie da trắng tóc vàng vào bộ sưu tập. Sự thiếu sót này gây đáng thất vọng về nhiều mặt”, cô chia sẻ.
Trước năm 2015, hãng chỉ tập trung sản xuất búp bê Barbie theo tiêu chuẩn sắc đẹp da trắng. |
Wong cũng chỉ ra rằng ở xứ cờ hoa, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng đáng kể nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào đối tượng người Mỹ gốc Á. Việc không có Barbie đại diện khu vực Đông Á trong bộ sưu tập cũng là ví dụ khác về việc người châu Á bị gạt ra rìa xã hội nước Mỹ.
Drue Kataoka, một nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật Bản, chia sẻ trên Twitter rằng: “Mattel khiến biến người Mỹ gốc Á trở nên vô hình dù họ đang quảng cáo ‘dòng búp bê đa dạng nhất từng có’”.
Hãng sản xuất đồ chơi này không trả lời yêu cầu bình luận từ phía SCMP.
Một số khác cho rằng búp bê có mái tóc nâu và đôi mắt dáng quả hạnh trong bộ sưu tập trông hơi giống người châu Á. Tuy nhiên, quan điểm này nhanh chóng bị phản bác bởi Dave Lu, doanh nhân người Mỹ gốc Đài Loan. Anh cho rằng “hơi giống châu Á thôi là chưa đủ”.
Lu chỉ ra rằng búp bê Barbie được thực hiện để kỷ niệm Chloe Kim, VĐV giành được huy chương vàng môn trượt tuyết tại Thế vận hội mùa đông 2018 ở Hàn Quốc, có ngoại hình rất giống cô ấy. Điều đó chứng tỏ rằng Mattel hoàn toàn có thể tạo ra một búp bê đại diện cho người Đông Á.
Chloe Kim, VĐV Olympic người Mỹ gốc Á, có một búp bê Barbie mô phỏng ngoại hình của cô. Ảnh: Chloe Kim, Mattel. |
Doanh nhân này cũng chỉ trích rằng cho tới khi doanh số bán hàng giảm do sự thiếu đa dạng và sản xuất kiểu rập khuôn theo tiêu chuẩn vẻ đẹp da trắng, Mattel mới phát hành các Barbie đa dạng hơn.
Năm 2015, hãng giới thiệu tông màu da và kết cấu tóc mới cho Barbie sau khi doanh số bán hàng giảm 20% từ năm 2012-2014.
Năm 2016, thương hiệu này công bố 3 kiểu cơ thể mới cho dòng búp bê trứ danh. 3 năm sau, họ có thêm Barbie ngồi xe lăn.
Doanh số bán búp bê Barbie phục hồi đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Chia sẻ với The Wall Street Journal, các bậc phụ huynh cho biết họ mua búp bê để “kéo” con cái ra khỏi màn hình điện tử trong thời gian ở trong nhà quá lâu.
Nguồn: News.zing.vn