Ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM được điều trị tại nhà như thế nào?

0
Ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM được điều trị tại nhà như thế nào?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý mô hình quản lý, điều trị ca nhiễm Covid-19 tại nhà phải áp dụng đúng nơi, có điều kiện đi kèm để đảm bảo hiệu quả và tránh lây nhiễm.

Sáng 13/8, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ đã sửa đổi các phác đồ điều trị để đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc. Sắp tới, ngành y tế sẽ thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà ở TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khác.

Vậy những thay đổi trong chiến lược điều trị sẽ được thực hiện ra sao và các địa phương cần lưu ý vấn đề gì để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh, tránh lây chéo trong cộng đồng?

Cấp túi thuốc an sinh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết theo phân tích diễn biến lâm sàng, 80% người bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Trong số những bệnh nhân còn lại có 5% là nặng và 0,5-1% diễn biến nguy kịch.

Theo mô hình 3 tuyến trước đây, bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện Trung ương, bệnh nhân trung bình và nhẹ được điều trị ở tuyến tỉnh và huyện. Hiện nay, khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh, Bộ Y tế đã bổ sung một số chính sách nhằm giảm tỷ lệ tử vong và để tất cả bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ y tế.

“Dựa theo kinh nghiệm quốc tế và mô hình triệu chứng bệnh học, chúng tôi đã xây dựng hướng dẫn thí điểm điều trị, quản lý ca nhiễm Covid-19 tại nhà”, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Lương Ngọc Khuê cho biết khi đó, mỗi gia đình trở thành “home care” hay một phòng y tế.

Dieu tri ca nhiem SARS-CoV-2 tai nha anh 1

Bộ Y tế sẽ thí điểm quản lý, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà ở TP.HCM và một số địa phương. Ảnh: Duy Hiệu.

Vấn đề sử dụng thuốc ở gia đình cũng rất quan trọng. Bộ Y tế có chiến lược cấp các túi thuốc an sinh cho các gia đình có người nhiễm nCoV điều trị tại nhà, bao gồm thuốc đông y, thuốc kháng virus và thuốc bồi bổ sức khoẻ, tăng khả năng miễn dịch.

“Tăng cường tư vấn cho mọi người trong gia đình và cộng đồng cũng được đẩy mạnh. Điều này sẽ giúp người bệnh an tâm, không bị kỳ thị, người trong gia đình được đảm bảo”, ông Khuê nói.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng lưu ý mô hình quản lý, điều trị ca nhiễm Covid-19 tại nhà phải áp dụng đúng nơi và có điều kiện đi kèm. Ở nước ngoài, mô hình này đã được áp dụng nhưng điều kiện sống của họ khác Việt Nam.

“Gia đình của họ chỉ có 1-2 người, ít thế hệ. Còn ở Việt Nam, nhiều nhà ở khu vực đông dân cư hoặc nông thôn, mô hình gia đình thậm chí có cả tứ đại đồng đường, có cả người cao tuổi và trẻ em cùng sinh hoạt chung. Trong một khuôn viên không rộng, để đảm bảo sinh hoạt riêng rồi điều kiện chăm sóc đáp ứng yêu cầu… là vấn đề cần phải quan tâm, xem xét”, PGS.TS Khuê lưu ý.

Bộ Y tế sẽ tăng cường thí điểm tại TP.HCM và các địa phương có số ca bệnh gia tăng. Ở đó, y tế cơ sở, bác sĩ gia đình, bác sĩ địa phương được giao nhiệm vụ quản lý từng khu vực, thiết lập mạng lưới bác sĩ tình nguyện để tư vấn cho các cụm dân cư qua ứng dụng công nghệ.

“Phải triệt để thực hiện chiến lược 5K + vaccine + thuốc + công nghệ. Các vấn đề này cần đảm bảo lồng ghép, nhuần nhuyễn với nhau”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nói thêm.

Quan tâm tư vấn tâm lý

Về những điểm mới trong chiến lược điều trị, ông Khuê cho biết các bệnh viện trên toàn quốc cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để đón bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân ở các tuyến khi xác định nhiễm SARS-CoV-2 đều được tiếp cận điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân…

Ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, các bệnh viện khác phải tách đôi, thực hiện song song nhiệm vụ kép là vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19.

Dieu tri ca nhiem SARS-CoV-2 tai nha anh 2

Các bệnh viện phải thực hiện song song nhiệm vụ kép là vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Hiện nay, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương phân việc điều trị thành 3 tầng. Trong đó, tầng thứ nhất sẽ quản lý ca nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại cộng đồng, gia đình. “Tầng này không cần các cơ sở y tế khám chữa bệnh, chỉ cần tổ y tế, đương nhiên không cần các giáo sư, tiến sĩ hay trang thiết bị hiện đại như máy thở mà chỉ cần có điều kiện chăm sóc các chỉ số sinh tồn, điều kiện xét nghiệm”, ông Khuê lưu ý.

Thậm chí, các máy xét nghiệm cũng không đặt ở tầng điều trị này mà chỉ cần lấy mẫu xét nghiệm để gửi lên các trung tâm. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho tầng điều trị này, nếu dịch bùng phát ở địa phương, mọi ca nhiễm đều được chăm sóc y tế.

Để đáp ứng việc điều trị ở tầng 2, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đều phải chuẩn bị sẵn sàng 40% giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Riêng tầng 3, nơi điều trị bệnh nhân nặng, cần bác sĩ giỏi, điều kiện chăm sóc tốt, máy móc hiện đại. Các trung tâm này do các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến đầu, các trung tâm hồi sức tích cực đảm nhận. Hiện nay, ngành y tế đang lên kế hoạch xây dựng 30 trung tâm hồi sức tích cực trên cả nước.

“Chúng ta cố gắng không cho bệnh nhân từ tầng 1 lên tầng 2 và 3, mong đợi chuyển ngược lại từ tuyến nặng về tuyến nhẹ và về với cộng đồng”, ông Khuê bày tỏ.

Một điểm đáng lưu ý trong hướng dẫn điều trị là Bộ Y tế đã đưa ra vấn đề tư vấn tâm lý. “Đại dịch cũng như thảm hoạ, người mắc bệnh rất lo lắng, tâm lý xao động khi không biết điều trị thế nào, ở đâu, thuốc gì”, ông Lương Ngọc Khuê cho biết Tiểu ban Điều trị đã yêu cầu các bệnh viện, thầy thuốc cần lưu ý tư vấn cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em. Họ cần được động viên, nếu tâm lý không ổn định sẽ dễ chuyển nặng.

Nguồn: News.zing.vn