Nhiều quốc gia khôi phục các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn làn sóng dịch bệnh mới bùng lên, trong khi biến chủng Omicron gieo rắc hoài nghi về hiệu quả của vaccine.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói ông không ngạc nhiên nếu biến chủng Omicron đã xuất hiện tại nước này, theo NBC ngày 28/11.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thừa nhận dù hiện giờ chưa phát hiện ca nào ở nước này, “vấn đề chỉ còn về thời gian”. “Một khi biến chủng đã lan ra Anh, Italy, Bỉ, thì rất có thể nó cũng đã xuất hiện tại đất nước chúng ta. Chúng tôi sẽ nỗ lực xác minh, và sẽ làm chậm sự lây lan xuống thấp nhất có thể”, theo Reuters.
Trong khi đó, Israel là nước tiên phong thực hiện biện pháp ngăn chặn biến chủng mạnh tay nhất, khi cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh chỉ sau một thời gian mở cửa.
Hàng loạt quốc gia khắp thế giới bị đặt trong tình trạng báo động và phải siết chặt hạn chế di chuyển với các quốc gia miền Nam châu Phi, nhưng dường như đã muộn. Hiện tại, những ca nhiễm biến chủng mới được ghi nhận rải rác trên thế giới, từ châu Âu, Trung Đông, đến châu Á, theo Bloomberg.
Không kịp đóng cửa biên giới
Bảy ngày qua, virus corona một lần nữa nhắc nhở nhân loại rằng đại dịch còn lâu mới thực sự qua đi. Số ca nhiễm mới đang tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia, các biện pháp hạn chế đã trở lại, và một biến chủng mới đáng lo ngại tiếp tục xuất hiện.
Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 một lần nữa vấp phải chướng ngại vật, kéo theo những lo lắng về triển vọng sớm khôi phục nền kinh tế toàn cầu.
Tại châu Âu, trước làn sóng ca lây nhiễm tăng cao, chính phủ các quốc gia một lần nữa phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, theo ghi nhận của AP.
Ở Áo, hàng loạt hoạt động kinh doanh đã phải đóng cửa và chỉ còn số ít dịch vụ thiết yếu còn hoàn động. Sau Áo, Hà Lan cũng khôi phục một phần lệnh phong tỏa trên toàn quốc. Phần lớn hoạt động kinh doanh phải đóng cửa sau 17h.
Dòng người xếp hàng lên máy bay rời khỏi Nam Phi từ thành phố Johannesburg. Ảnh: Reuters. |
Đức và Pháp đã siết chặt các hạn chế với người chưa chủng ngừa Covid-19, yêu cầu người dân phải tuân thủ quy định về đeo khẩu trang và thẻ xanh y tế.
Tại Bỉ, các hộp đêm tạm dừng hoạt động, người dân cũng không được tham gia các sự kiện thể thao trong nhà.
Anh, quốc gia tách biệt với châu Âu bởi eo biển Manche, không siết chặt các biện pháp phòng dịch. Tuy vậy, Anh tạm dừng các chuyến bay với 6 quốc gia châu Phi sau khi biến chủng Omicron xuất hiện.
Anh đã học được bài học khi phản ứng chậm trễ trước biến chủng Delta, biến chủng chỉ có số ít đột biến khi so sánh với biến chủng Omicron.
Lệnh cấm di chuyển với người từ Nam Phi có thể bị xem là tiêu cực và ảnh hưởng tới quan hệ song phương, nhưng sẽ đơn giản hơn so với việc một lần nữa tái áp đặt phong tỏa và giãn cách xã hội, theo Bloomberg.
Liên minh châu Âu hôm 26/11 khuyến nghị các nước thành viên hành động tương tự, nhằm hạn chế di chuyển với người từ các nước châu Phi nằm ở khu vực có nguy cơ cao nhiễm biến chủng Omicron.
Australia, New Zealand, Brazil, Canada, Sri Lanka, Thái Lan, Singapore cũng áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh với người đến từ một số nước châu Phi trước nguy cơ từ biến chủng Omicron.
Israel thậm chí đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Công dân Israel từ nước ngoài trở về sẽ phải cách ly bắt buộc. Nhà chức trách Israel cũng phê chuẩn sử dụng công nghệ giám sát điện thoại để truy vết các cá nhân nhiễm biến chủng Omicron.
Bất chấp các phản ứng gần như tức khắc của các chính phủ, biến chủng Omicron vẫn kịp lan đến nhiều quốc gia.
Sau Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc) và Israel, biến chủng Omicron đã được ghi nhận tại hàng loạt quốc gia như Áo, Australia, Bỉ, Anh, Đức, Italy và Cộng hòa Czech. Trong khi đó, Hà Lan và Đan Mạch ngày 28/11 cho biết phát hiện các ca nghi nhiễm biến chủng mới.
Tại Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Tổng thống Joe Biden, cảnh báo biến chủng Omicron nhiều khả năng đã lan rộng ở nước này.
“Chúng ta chưa phát hiện ca lây nhiễm nào, nhưng với một virus có mức độ lây lan cao như vậy, gần như chắc chắn nó sẽ lây lan khắp mọi nơi”, ông Fauci nói trên kênh NBC.
Bảng điện tử ở sân bay quốc tế tại Johannesburg, Nam Phi hôm 26/11 thể hiện hàng loạt chuyến bay tới London bị hủy. Ảnh: Reuters. |
Sống chung với Covid-19
Tại châu Âu, phản ứng của người dân trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron nhẹ nhàng hơn đáng kể so với những tháng đầu đại dịch. Thay vì sợ hãi hay hoảng loạn, người châu Âu dường như đã chấp nhận thực tại của cuộc sống cùng Covid-19, theo Bloomberg.
Trong thời gian trước mắt, những chỉ số như ca nhiễm mới, biến chủng mới, số người cần chăm sóc tích cực, hay thậm chí cả người chết, sẽ có giai đoạn tăng lên và rồi lại giảm đi.
Và tùy vào diễn biến dịch bệnh, những biện pháp ứng phó như đeo khẩu trang, xét nghiệm, hạn chế di chuyển, tiêm mũi vaccine bổ sung, phong tỏa một phần hay toàn bộ, sẽ được điều chỉnh tương ứng.
Italy là một ví dụ. Đây là nước châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc đầu năm 2020. Nhưng hiện tại, đã qua rồi những ngày người dân xịt nước khử khuẩn lên hàng hóa mua ở siêu thị trước khi về nhà. Số ca lây nhiễm, tử vong vì Covid-19 giờ cũng không còn được quá quan tâm.
Ở cao điểm dịch bệnh đầu năm 2020, cả nước Italy nín thở theo dõi những đoàn xe quân sự đến vài đi khỏi thị trấn Bergamo, mang theo quan tài những bệnh nhân tử vong vì Covid-19 do các lò hỏa thiêu tại đây quá tải.
Dân châu Âu đã chấp nhận sống chung với Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Những ngày qua, ngay cả khi số ca nhiễm mỗi ngày tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng, thái độ của người Italy rất khác. Tại một quán bar ở trung tâm thành phố Rome, một nhóm dân thủ đô tổ chức sinh nhật với rượu vang và bánh pizza.
Trong số những người dự tiệc, chẳng ai đeo khẩu trang. Chỉ sau khi tiệc đã tàn, một vài vị khách nhắc nhở nhân viên quán bar rằng họ đã không kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng của khách hàng – vốn là một quy định theo luật mới ban hành.
“Chừng nào chính phủ không có thêm quy định về biến chủng mới, người dân sẽ tiếp tục cuộc sống bình thường của họ”, Simone Schnall, giáo sư tâm lý học thực nghiệm của Đại học Cambridge, nói.
“Người dân lúc này vừa bối rối, vừa tức giận. Nhiều người sẽ không thể chấp nhận có thêm một mùa giáng sinh nữa không được tận hưởng cuộc sống”, ông Schnall nói thêm.
Hãng dược phẩm BioNTech, tập đoàn đồng phát triển vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech, mới đây thông báo dự kiến sẽ có dữ liệu thể hiện mức độ tương tác của biến chủng mới với vaccine sau 2 tuần. BioNTech cũng cho biết phiên bản vaccine mới sẽ được ra mắt từ 100 ngày đến 6 tuần, theo Guardian.
Trong khi đó, thuốc viên uống trị Covid-19 molnupiravir của hãng dược phẩm Merck sẽ được đưa vào thử nghiệm diện rộng trên 10.000 người ở Anh, hứa hẹn có thêm công cụ bảo vệ con người trước dịch bệnh.
“Tôi nghĩ trong một thế giới đa kết nối hiện nay, chúng ta nên cố gắng tận diệt virus tới chừng nào còn có thể”, Sarah Pitt, chuyên gia về virus tại Đại học Brighton, nói về các nỗ lực phát triển các loại thuốc và vaccine ngừa Covid-19.
Sau sự xuất hiện của biến chủng Omicron cùng những thông tin đáng lo ngại về các đột biến của nó, niềm tin của công chúng vào sự bảo vệ do vaccine mang lại đã phần nào sứt mẻ, thể hiện rõ nhất qua biến động của thị trường hôm 26/11.
Chứng khoán châu Âu có phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 1.000 điểm.
Giá dầu thô lao dốc xuống mức 70 USD/thùng trên sàn giao dịch New York lần đầu tiên từ tháng 9, cho thấy sự bất an của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế.
Với hàng không và các ngành kinh tế phụ thuộc vào di chuyển, sự lây lan của biến chủng Omicron đe dọa tình trạng gián đoạn giao thương quay trở lại, tương tự những gì từng xảy ra khi biến chủng Delta lần đầu xuất hiện.
Các chuyên gia y tế cho biết cần có thêm thời gian nghiên cứu để hiểu rõ biến chủng Omicron sẽ tác động thế nào tới cuộc chiến chống Covid-19. Trong lúc này, nỗi sợ hãi trước virus sẽ là tác nhân chính gây ra thiệt hại cho các nền kinh tế.
“Chúng ta cần làm quen với thực tế, rằng sẽ có các biến chủng mới xuất hiện trên thế giới trong thời gian tới. Điều cần làm là giữ bình tĩnh, theo dõi các dữ liệu, tìm cách hiểu rõ căn bệnh này và có phản ứng phù hợp”, John Bell, giáo sư y khoa Đại học Oxford, nói.
Nguồn: News.zing.vn