Cách sửa 6 lỗi quản lý tài chính phổ biến khi còn trẻ

0
32

“Chữa bệnh” thường gặp trong quản lý tài chính cá nhân để kiểm soát chi tiêu tốt hơn, tránh thiếu trước hụt sau.

“Chữa bệnh” thường gặp trong quản lý tài chính cá nhân để kiểm soát chi tiêu tốt hơn, tránh thiếu trước hụt sau.

Không phải ai cũng có điều kiện được trang bị kiến thức về tiền từ sớm. Việc thiếu quan tâm đến dòng tiền dẫn đến nhiều trường hợp bị động trước rủi ro, đồng thời khó đạt tự do tài chính sau này.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm hiểu và thay đổi để có cơ hội tạo kinh tế vững vàng hơn. Bài viết này chia sẻ một số lỗi người trẻ hay mắc phải, theo Investopedia.

Không nắm tình trạng tài chính của bản thân

Theo Money Under 30, thường xuyên kiểm tra tình hình tài chính giúp chúng ta điều chỉnh lối sống và chủ động hơn trong vấn đề tiền bạc.

6 câu hỏi kiểm tra sức khỏe tài chính theo Investopedia:

  • Bạn đã chuẩn bị gì cho các tình huống bất trắc?
  • Lấy tổng tài sản sở hữu trừ số tiền đang nợ, bạn có bao nhiêu?
  • Bạn đã đạt được điều cần có trong đời và điều mình mong muốn chưa?
  • Bạn đang có những khoản nợ nào được xem là lãi suất cao?
  • Bạn có đang chủ động dành dụm quỹ hưu trí?
  • Bạn đã có đủ bảo hiểm lo liệu cho rủi ro sức khỏe, cuộc sống?

_____

Chi tiền vào những món không cần thiết

Nhiều người đi làm thường rơi vào tình trạng “sạch túi” khi chưa đến kỳ lương mới, dù không có khoản chi nào đáng kể.

Thực tế, những khoản tiền nhỏ như cà phê, quần áo, ăn tiệm, xem phim online,… khi cộng lại sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của bạn.

Cách tốt nhất để bảo vệ tài chính là có ngân sách chi tiêu cụ thể hàng tháng, gạt bỏ những món lặt vặt.

Cách lên ngân sách cơ bản theo Nerd Wallet:

  • Chi 50% thu nhập cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu
  • Dùng 30% thu nhập cho các hoạt động theo sở thích, giải trí
  • Giữ lại 20% thu nhập trả nợ và tiết kiệm

_____

Sống dựa vào nợ và thẻ tín dụng

Nếu bạn thường sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán những thứ mình không đủ khả năng chi trả, thì lời khuyên của Investopedia là không nên duy trì thói quen này.

Trong một số trường hợp, lãi suất thẻ tín dụng khiến món hàng bị tính thêm chi phí. Điều này có nghĩa là bạn phải trả một khoản cao hơn so với thực tế.

Hơn nữa, việc lấy thu nhập tháng này trả tín dụng tháng trước, rồi tiếp tục tiêu tiền bằng thẻ tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Thay vào đó, bạn chỉ nên xài đúng số tiền mình có, đồng thời dùng credit card với mục đích xây dựng lịch sử tín dụng tốt, tạo tiền đề cho các khoản vay cần thiết trong tương lai, Credit Simple gợi ý.

_____

Đầu tư thiếu tính toán

Đầu tư theo cảm xúc, chưa tìm hiểu thị trường kỹ càng dễ dẫn đến thất bại, hao phí tiền của.

Một khi đã mất tiền, không phải ai cũng đủ vốn và kiên nhẫn để làm lại từ đầu.

Do đó, việc cẩn trọng trong đầu tư là yếu tố hàng đầu để bạn rút kinh nghiệm dần và học từ những sai lầm nhỏ.

“Để chủ động trong quyết định đầu tư, bạn cần hiểu về bản thân và sản phẩm tài chính đủ rõ để xây dựng chiến lược, danh mục đầu tư phù hợp”, chuyên gia Lana Trần viết trên Zing. Mỗi người sẽ có khả năng tài chính và quan niệm về rủi ro khác nhau.

_____

Thiếu quỹ dự phòng khẩn cấp

Emergency fund (quỹ khẩn cấp) là khoản tiền bạn có thể dùng để đáp ứng các chi phí bất ngờ, như thuốc men chữa bệnh, tiền sinh hoạt trong thời gian thất nghiệp hay phí sửa chữa nhà, theo The Balance.

Không ít người bỏ qua khoản dự phòng này vì nghĩ rằng cuộc sống ổn định, những vấn đề trên hiếm khi xảy ra hoặc nếu có, họ sẽ luôn có cách để xoay sở.

Thế nhưng, bạn sẽ suy nghĩ lại khi biết quỹ còn có tác dụng như tấm lưới bảo vệ các khoản tiết kiệm, giúp bạn tiếp tục hướng đến mục tiêu tài chính dù có bất trắc.

Ví dụ, nếu chẳng may thất nghiệp, thì bạn có thể dùng quỹ khẩn cấp để trang trải, thay vì đụng đến những đồng tiền tiết kiệm mua nhà.

_____

Không chuẩn bị cho giai đoạn hưu trí

Đa phần các lời khuyên liên quan đến tài chính cá nhân đều hướng về việc xây dựng quỹ lương hưu, phục vụ đời sống lúc về già.

Lựa chọn phương án tài chính cho hưu trí tùy vào quan điểm của từng người. Nhưng có một thực tế là bạn càng có nhiều tài sản tích lũy, các vấn đề như y tế, giáo dục con cháu, du lịch,… khi ngưng làm việc càng dễ trang trải hơn.

Bạn có nhiều cách để chuẩn bị quỹ hưu. Đơn giản nhất là ngay từ khi còn trẻ, hãy chuyển một phần tiền cố định hàng tháng vào tài khoản hưu trí.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo ý kiến từ các cố vấn tài chính để sắp xếp kế hoạch cụ thể.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn