Cần làm rõ vụ đề thi Sinh có nhiều chỗ giống phần ôn tập của giáo viên

0
61

TS Phạm Văn Lập cho rằng một đề thi cấp độ quốc gia mà bị đoán trúng với tỷ lệ cao là “rất dở”. Nếu không có tiêu cực, vấn đề có thể nằm ở ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm.

Câu chuyện về sự trùng hợp giữa đề thi chính thức môn Sinh học năm nay và nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) đang gây xôn xao trong cộng đồng giáo viên và học sinh.

TS Phạm Văn Lập – chủ biên sách giáo khoa Sinh học lớp 10 và 12 hiện hành, đồng thời từng có nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Sinh học – cho rằng chưa cần nói đến có tiêu cực trong chuyện này hay không, một đề thi cấp quốc gia bị đoán trúng nhiều như thế là rất dở. Dù nguyên nhân là gì, Bộ GD&ĐT và đội ngũ người làm đề cũng cần xem lại vấn đề biên soạn đề thi và tìm hướng giải quyết, khắc phục.

De thi Sinh hoc anh 1

Sự trùng hợp giữa nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ và đề thi chính thức môn Sinh học được nhiều giáo viên, học sinh quan tâm. Ảnh: Chụp màn hình.

Chưa thể khẳng định chắc chắn có tiêu cực

– Ông nhận định mức độ tương đồng giữa đề thi chính thức môn Sinh học năm nay và nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ như thế nào?

– Tôi đã xem qua những so sánh giữa đề thi chính thức môn Sinh học và nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ. Nếu nói sự tương đồng giữa nội dung ôn tập của thầy Nghệ và đề thi là sự trùng hợp ngẫu nhiên, theo toán học xác suất, tỷ lệ trùng hợp không thể cao như thế được.

Tuy nhiên, trong những câu trùng nhau, có câu trùng hợp về ý tưởng, có câu trùng hợp tuyệt đối đến từng câu chữ. Vấn đề “trùng hợp” này cũng có nhiều nguyên nhân.

Theo suy luận logic, việc ôn tập trúng đề với tỷ lệ cao như thế có thể ngân hàng đề quá hẹp, giáo viên có chuyên môn tốt dễ dàng đoán được. Tất nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng có tiêu cực. Do đó, tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần làm rõ để giáo viên, học sinh có câu trả lời thỏa đáng.

De thi Sinh hoc anh 2

Sự trùng hợp giữa nội dung ôn luyện của thầy Phan Khắc Nghệ và đề thi chính thức môn Sinh học. Ảnh: Đinh Đức Hiền.

– Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề được đưa ra và gây xôn xao là do sự cạnh tranh giữa các giáo viên luyện thi. Ông có nghĩ như vậy?

– Nhiều người có thể nghĩ thế nhưng tôi thì không. Tôi cho rắng thầy Đinh Đức Hiền đã góp ý một cách khách quan. Giáo viên luyện thi bỏ thời gian theo dõi, so sánh, từ đó có cơ sở đặt vấn đề. Khi có giáo viên lên tiếng như vậy, chúng ta phải trân trọng và nhìn thẳng vào vấn đề, không nên “chụp mũ” cho rằng họ cạnh tranh nên có ý đồ xấu.

Dư luận bức xúc khi thấy nội dung ôn tập của một thầy giáo giống đề thi chính thức đến 70-80% là điều dễ hiểu và hoàn toàn chính đáng. Nhưng muốn chứng minh có tiêu cực thì phải có chứng cứ. Đã là giáo viên luyện thi, ai cũng cố gắng dạy, đoán trúng đề, đó không phải lỗi của họ. Không thể vì thầy Phan Khắc Nghệ từng là thành viên trong ban ra đề thi môn Sinh học của Bộ GD&ĐT mà vội nói chuyện này có tiêu cực.

Như đã nói ở trên, nội dung ôn tập của thầy Nghệ và đề thi chính thức có sự tương đồng, có thể nhiều nguyên nhân. Đề thi có 40 câu hỏi, nội dung kiến thức được giới hạn trong lớp 11, 12. Người dạy luyện thi lâu năm có thể đoán được bao nhiêu câu trong đề sẽ rơi vào phần kiến thức A, bao nhiêu câu ở phần B.

Về nguyên tắc, người ra đề giỏi là làm sao để bên ngoài không đoán được đề, nếu có thì cũng chỉ là tỷ lệ rất nhỏ. Cũng có thể là nguồn đề không đủ phong phú nên giáo viên dễ dàng đoán đề.

Nguyên nhân có thể từ ngân hàng đề thi kém phong phú

– Ông đề cập nguyên nhân có thể do ngân hàng đề. Từng có nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Sinh học, ông đánh giá ngân hàng câu hỏi của Bộ GD&ĐT như thế nào?

– Để có một đề thi trắc nghiệm chất lượng, chúng ta phải có ngân hàng câu hỏi rất lớn, từ nhiều nguồn giới thiệu (nguồn đề) khác nhau và phải được cập nhật, thay đổi thường xuyên. Để làm được điều đó, chúng ta phải có kinh phí và nhân lực.

Nhưng hiện nay, kinh phí dành cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi ít, giáo viên giỏi làm đề cũng không nhiều. Đây là vấn đề của các môn thi trắc nghiệm nói chung, không riêng gì Sinh học.

Làm được một vài câu hỏi trắc nghiệm hay đôi khi giáo viên phải suy nghĩ, mày mò cả năm, không đơn giản. Do đó, để có nguồn câu hỏi chất lượng, Bộ phải bỏ kinh phí để trả xứng đáng cho những giáo viên sáng tạo những câu hỏi hay.

Nhưng thực tế, tôi cho rằng kinh phí dành cho vấn đề này chưa tương xứng. Chính vì bỏ nhiều công sức để làm đề nhưng chi phí không bao nhiêu khiến các giáo viên giỏi cũng không mặn mà. Từ đó, ngân hàng đề trở nên kém phong phú.

Mặt khác, nếu cứ lấy nguồn đề từ giáo viên giới thiệu mà không quy định tỷ lệ thì đôi khi người giới thiệu nhiều, khả năng câu hỏi của họ xuất hiện trong đề thi chính thức cũng cao hơn. Giáo viên cũng dễ đoán đề hơn.

Ở các kỳ thi quốc tế, họ quy định mỗi người chỉ giới thiệu tối đa 2-3 câu hỏi. Tôi có nhiều câu hỏi hay hơn họ cũng không nhận nữa. Điều đó nhằm đảm bảo sự đa dạng, khách quan của ngân hàng đề thi.

– Một trong những ưu điểm của thi trắc nghiệm là hệ thống câu hỏi khách quan, đa dạng, hạn chế học gạo, học tủ. Nhưng khi giáo viên dễ đoán được đề thì ưu điểm này có còn hay không?

– Không thể phủ nhận thi trắc nghiệm thì khách quan, hạn chế học gạo, học tủ nhưng làm đề trắc nghiệm khó gấp nhiều lần làm đề tự luận. Những câu hỏi ở mức độ nhận, biết kiến thức thì dễ ra đề. Nhưng các câu hỏi vận dụng cao rất khó làm đề, dễ lặp lại.

Thi trắc nghiệm dễ chấm nhưng rất khó ra đề và khó có những câu hỏi chất lượng cao để đánh giá được năng lực, tư duy của thí sinh.

Do đó, các nước trên thế giới chỉ dùng kỳ thi, đề thi trắc nghiệm như là một phần trong công tác tuyển sinh. Thi trắc nghiệm mới chỉ là “sàng lọc thô” thí sinh. Phỏng vấn, viết bài luận mới được coi là công đoạn “sàng lọc tinh”.

Tôi nghĩ, sắp tới chúng ta đổi mới theo hướng dạy học phát triển năng lực mà cứ thi trắc nghiệm như thế này thì không ổn.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn