Nhiều người dân e ngại mua bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi do không gian kín, mở điều hòa. Chuyên gia nhận định chợ dân sinh có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn siêu thị.
Hơn một tháng kể từ ngày TP.HCM bùng dịch, ngành y tế liên tục phát hiện chuỗi lây nhiễm xuất phát từ các chợ, siêu thị. Số lượng chợ, siêu thị phải đóng cửa ngày càng nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân.
Sở Công Thương cho biết tính đến 2/7, 105/234 chợ truyền thống tại TP.HCM phải tạm ngưng hoạt động, chiếm tỷ lệ gần 45%. Từ ngày 1/7, Sở Công Thương có văn bản khẩn gửi các địa phương về phương án nhằm đưa chợ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng có hướng dẫn cụ thể để địa phương sớm mở cửa các chợ.
Sau hai thông báo này, các quận, huyện, TP đã rục rịch tiến hành nhiều biện pháp nhằm đưa các chợ, siêu thị đang tạm đóng cửa sớm hoạt động trở lại.
Chuẩn bị mở lại chợ truyền thống
Quận 11 hiện có 2/3 chợ truyền thống phải tạm ngừng hoạt động do phát hiện F0 là chợ Phú Thọ và chợ Bình Thới; chỉ còn chợ Thiếc vẫn mở cửa.
Trao đổi với Zing, bà Trần Thị Bích Trâm, Phó chủ tịch quận 11, cho biết sau khi phát hiện ca nhiễm tại chợ, lực lượng chức năng đã tiến hành đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch như phun khử khuẩn, truy vết, phong tỏa, cách ly. Hiện, tất cả tiểu thương tại chợ Phú Thọ và chợ Bình Thới đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bà Trâm cho biết sau văn bản của Sở Công Thương và HCDC, quận đang tiến hành các biện pháp để chuẩn bị đưa hai khu chợ truyền thống kể trên hoạt động trở lại.
Người dân đi chợ phải đảm bảo thực hiện 5K. Ảnh: Chí Hùng. |
Phó chủ tịch quận cho biết quận đã tiến hành tiêm vaccine cho hầu hết tiểu thương tại chợ Phú Thọ và chợ Thiếc, chỉ còn sót lại những trường hợp kinh doanh mặt hàng không thiết yếu hoặc không có mặt tại TP.HCM thời điểm tiêm. Riêng chợ Bình Thới do phát hiện ca F0 vào đúng ngày tiêm nên phải tạm dừng. Quận đang lên kế hoạch ưu tiên tiêm chủng cho nhóm này trong thời gian sớm nhất.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống, quận 11 đã có các phương án phân luồng, giới hạn số người ra vào chợ. Đây cũng là địa phương đầu tiên tại TP.HCM tiên phong sử dụng thẻ ra vào chợ.
Cụ thể, bà Trâm cho biết các chợ tại quận đều có ít nhất 4-5 lối vào. Quận đã chỉ đạo Ban quản lý chợ chặn hết các lối phụ và kiểm soát người ra, vào tại cổng chính, phân luồng đảm bảo một lối vào và một lối ra.
Người dân khi vào chợ sẽ được cấp một thẻ ra vào, trong đó có họ tên, năm sinh, địa chỉ liên hệ và số điện thoại. Đằng sau thẻ có mã QR. Mỗi lần đi chợ, người dân chỉ cần đưa thẻ này cho Ban quản lý chợ quét mã. Thông tin sẽ được cập nhật vào hệ thống. Cách làm này giúp ngành chức năng dễ dàng truy vết khi cần thiết.
Ngoài ra, lực lượng chức năng làm một số lượng thẻ đi chợ nhất định tùy theo quy mô từng chợ. Ví dụ, chợ Bình Thới làm 200 thẻ để giới hạn 200 người vào chợ một lượt. Khi vào, người dân được phát thẻ và phải trả lại thẻ khi trở ra. Phó chủ tịch cho biết chợ Bình Thới có không gian rộng, mỗi ngày có thể có 600-700 lượt người mua bán nên cần giới hạn.
“Lúc đầu cũng có tình trạng người dân đi cùng khung giờ, phải xếp hàng chờ bên ngoài. Quận cũng chỉ đạo phường điều phối người dân giãn cách hoặc thông báo để mọi người quay lại chợ sau 30 phút, tránh tụ tập đông người”, bà Trâm cho hay.
Người dân được phát thẻ ra vào chợ có mã QR để dễ dàng truy vết khi cần thiết. Ảnh: Chí Hùng. |
Chợ Bình Thới là chợ lớn nhất quận 11 và đã thực hiện tốt mô hình này. Chợ Thiếc hiện đã làm thẻ có mã QR, do lượng người ra vào ít nên chưa triển khai thẻ đi chợ. Còn chợ Phú Thọ có quy mô nhỏ nên tạm thời chỉ kiểm soát qua khai báo y tế.
Bà Trâm cho biết 2 chợ truyền thống mới đóng cửa trong thời gian ngắn nên người dân chưa gặp khó khăn lớn. Tuy nhiên, quận cũng sẽ sớm đưa các chợ hoạt động trở lại để đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm.
Theo vị phó chủ tịch, hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị của quận không nhiều. Hơn nữa, người dân có tâm lý e ngại khi mua bán tại các địa điểm này do không gian kín, sử dụng máy lạnh.
Nguy cơ lây nhiễm tại chợ thấp
Ở góc độ dịch tễ học, TS Nguyễn Thu Anh cho rằng các hệ thống siêu thị tiềm ẩn nguy cơ bệnh truyền nhiễm bởi trong không gian kín, nồng độ virus tăng lên rất nhiều, đặc biệt là những nơi sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm. Bà nhấn mạnh nguyên tắc để tiêu diệt mầm bệnh là phải đảm bảo thoáng khí.
Do đó, chuyên gia cho rằng các địa phương cần ưu tiên hoạt động cho dịch vụ ngoài trời hơn là các dịch vụ trong nhà. Ví dụ, ưu tiên chợ dân sinh ngoài trời để có độ thông khí tốt và sắp xếp giãn cách hơn là siêu thị kín, sử dụng điều hòa trung tâm.
Người dân xếp hàng vào đi chợ tại chợ Bình Thới, quận 11. Ảnh: Chí Hùng. |
Bà gợi ý các chợ có thể chỉ hoạt động 50% công suất để đảm bảo giãn cách; giữa các gian hàng có thể làm miếng nilon che chắn; lắp thêm quạt điện để tăng thông khí.
“Nếu mọi người đều đeo khẩu trang, cách xa nhau, đảm bảo thoáng khí, có miếng che thì nguy cơ lây nhiễm rất thấp”, bà phân tích.
Với các siêu thị, TS Thu Anh cho rằng nên có hệ thống lọc khí để giảm nồng độ virus trong không khí và trên bề mặt. Cụ thể như sử dụng hệ thống lọc không khí di động có màng lọc HEPA để tăng cường làm sạch không khí (đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ cao); lắp đặt hệ thống hút gió trên trần nhà (nếu có điều kiện); những nơi có không gian kín có thể lắp đặt bộ lọc khí trung tâm; sử dụng hệ thống chiếu tia cực tím (UVGI) ở những khu vực thông gió, thoáng khí kém.
Nguồn: News.zing.vn