Cây có tuổi đời hơn 150 năm, từ gốc chính mọc ra hàng nghìn nhánh phụ, tỏa bóng như một khu rừng.
Cây gừa cao khoảng 15 m, tán rộng gần 3.000 m2, bao bọc khuôn viên Cổ Miếu Bà, nằm sát con rạch Bà Thợ (huyện Phong Điền, Cần Thơ). Gừa hay còn gọi Si quả nhỏ thuộc họ Dâu tằm. Ở Việt Nam, cây này thường mọc hoang ở vùng có thủy triều, dọc bờ sông suối, kênh rạch.
Cây gừa là loài có thân gỗ, rễ phụ mọc ra từ thân và các cành trên cao. Các rễ này mọc dài, đâm xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau hơn trăm năm phát triển, cây gừa trong miếu có gốc cái to sần sùi, với rễ chằng chịt tỏa khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Út (84 tuổi, quản lý miếu) cho biết: “Từ lúc tôi còn nhỏ đã thấy cây gừa tỏa tán rộng lắm. Người dân trong vùng rất quý, xem như di sản nên không ai chặt bỏ dù chỉ một cành và còn lập miếu thờ”.
Ngay ở gần gốc chính là tấm bia công nhận cây di sản Việt Nam vào năm 2013. Đây cũng là cây di sản đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long.
Lá gừa mọc so le, có hình chóp nhọn, mùa hoa nở vào tháng 5 hàng năm. Những cành nhỏ trên cây lại tiếp tục phát triển, mọc rễ phụ cắm xuống đất giúp cây lan rộng hơn.
Những bộ rễ to lớn đan xen nhau với hàng nghìn rễ phụ ăn sâu xuống đất, thể hiện sức sống mãnh liệt.
Tán cây tỏa ra cả bên ngoài miếu. Dưới bóng cây từng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy Cần Thơ; là nơi cất giấu vũ khí, tài liệu cách mạng…
“Đây là lần đầu tiên tôi đến khu miếu này để khấn Bà, cầu mong may mắn, duyên lành. Tôi không nghĩ chỉ từ một cây chính có thể tỏa tán rộng, chi chít cành như trong khu rừng vậy”, Diễm Quỳnh (23 tuổi, An Giang) cho biết.
Cổ Miếu Bà thờ bà Thượng Động Cố Hỷ – vị nữ thần được tôn kính như ân nhân của dân làng. Mỗi ngày, nơi đây đón cả trăm du khách tham quan, khấn bái. Hàng năm, vào ngày 28/2 âm lịch, miếu diễn ra lễ cúng bà Thượng Động Cố Hỷ để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Quỳnh Trần
Nguồn: Vnexpress.net