Trò chuyện với Zing, ông Trần Ngọc Phúc, nhà sáng lập Metran chia sẻ cách suy nghĩ của mình, và lý do ông chọn con đường “khác biệt” so với đa số nhà sáng chế.
Trò chuyện với Zing, ông Trần Ngọc Phúc, nhà sáng lập Metran chia sẻ cách suy nghĩ của mình, và lý do ông chọn trở thành một nhà sáng chế “khác biệt”.
Ông Trần Ngọc Phúc được biết đến tại Nhật từ khi phát minh ra dòng máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird vào năm 1982. Thiết bị này đã mở đường cho ông thành lập công ty Metran Japan tại Nhật Bản, sản xuất ra những máy thở cứu sống hàng triệu trẻ sinh non tại Nhật và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Giữa đại dịch Covid-19, ông Phúc và Metran đã phát minh ra máy trợ thở MV20 từ lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và sự kết nối của Giáo sư Trần Văn Thọ. Hàng nghìn máy thở MV20 đã được một số đơn vị ở Việt Nam tài trợ để Metran thực hiện với giá rất sát chi phí, bàn giao về Việt Nam từ tháng 4/2020 đến nay để hỗ trợ công tác phòng, chữa bệnh.
Tuy nhiên, kể lại với Zing, ông Phúc cũng cho biết chính việc thúc đẩy sản xuất máy thở MV20 khiến một dự án khác của ông phải chậm lại. Đó cũng là một chiếc máy thở, được thiết kế để phù hợp với tình hình của Việt Nam và các nước đang phát triển.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ thêm về dự án máy thở JFlo mà ông ấp ủ, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành hiện nay?
Đây là một dự án mà Chính phủ Nhật tài trợ cho tôi, để phát triển một chiếc máy thở cho Việt Nam. Họ cũng hiểu rằng thiết bị này có thể được dùng cho tất cả quốc gia đang phát triển. Do tôi là người Việt Nam nên họ tán thành, bởi danh chính ngôn thuận thì không ai phù hợp hơn.
Tôi đã làm công tác hỗ trợ cho ngành y từ gần 30 năm trước. Trong 12 năm liên tục, tôi đã mời những giáo sư nổi tiếng ở Nhật, Mỹ về Việt Nam. Tại Việt Nam, ở tuyến trung tâm có những bác sĩ đầu ngành rất tài giỏi. Tuy nhiên, một thực trạng phải ghi nhận ở Chợ Rẫy hay Bạch Mai là sự quá tải.
Nguyên nhân quá tải là có nhiều bệnh nhân bị các bệnh về hô hấp không được chăm sóc, chữa khỏi từ khi còn ở tuyến dưới, và khi bệnh nặng mới chuyển lên viện trung ương. Khi đó, phòng cấp cứu một giường phải 2 người nằm, có khi còn phải nằm dưới đất nữa.
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng việc quá tải như vậy đem đến nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Bệnh nhân có khi tử vong không phải do bệnh gốc của họ, mà là vì bị lây chéo. Do vậy, tôi muốn làm một thiết bị khắc phục được cách suy nghĩ trong hệ thống y tế như Việt Nam hoặc các nước đang phát triển, đó là không thể chữa dứt điểm ở tuyến dưới.
Cỗ máy tôi muốn làm dùng công nghệ mới nhất, gọi là High flow nasal cannula. Nó chỉ là ống thở oxy qua cannula nhưng cho lưu lượng tới 50-60 lít.
Thiết bị này không xâm lấn, nên sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, máy chỉ có một nút điều khiển, do vậy không cần người có kiến thức cao về hô hấp. Ở cấp huyện, cấp tỉnh, những người không có chuyên môn về hô hấp đều có thể dùng được. Thiết bị cũng sẽ hữu dụng khi được trang bị trên xe cấp cứu từ tỉnh, huyện lên trung tâm.
Vì sao ông phải nhấn mạnh sự đơn giản, dễ dùng với thiết bị này?
Trở lại vấn đề máy thở MV20. Mục đích của máy thở MV20 là điều trị viêm phổi nặng, ở bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, với dịch Covid-19 thì việc dễ nhận ra là nhiều bác sĩ có chuyên môn có thể nhiễm bệnh trước, khi đó những người còn lại chăm sóc bệnh nhân sẽ dần chuyển thành bác sĩ không chuyên về hô hấp.
Do vậy, khi thiết kế máy thở JFlo chúng tôi nghĩ đến những người dùng không có chuyên môn về hô hấp. Những chức năng không cần tôi phải loại ra hết để họ không bị nhầm lẫn. Máy càng đơn giản bao nhiêu thì càng an toàn bấy nhiêu. Mục đích của máy rất rõ ràng, đó là chữa bệnh cho những bệnh nhân bị viêm phổi.
Ý tưởng rất rõ ràng, nhờ vậy hệ thống rất đơn giản, chúng tôi có thể sản xuất rất nhanh với giá thành phải chăng để có thể dùng thật nhiều. Hiện nay, một máy thở thật tốt có giá từ 30.000-50.000 USD. Thay vì mua một máy thở phức tạp, tôi có thể trang bị 3-5 máy thở đơn giản, với giá mỗi máy khoảng 10.000 USD. Như vậy, mình có thể cứu được 3-5 lần số bệnh nhân nguy kịch.
Sau khi Covid-19 qua, những bệnh viện cấp tỉnh, huyện không phải chỗ nào cũng có máy thở hoặc bác sĩ có thể vận hành những máy phức tạp. Tôi đã nghe nhiều lời than của các bác sĩ trẻ, ở những bệnh viện vùng quê. Họ muốn tiếp cận máy thở mắc tiền nhưng cuối cùng không được, hoặc chỉ dùng những chức năng rất đơn giản trong đó.
Tôi hình dung khi những thiết bị y tế dễ tiếp cận và sử dụng hơn, chúng ta có thể cứu được nhiều người hơn, như cầu thủ Christian Eriksen được cứu ở Euro nhờ máy khử rung tim?
Hệ thống rất đơn giản, ai dùng cũng an toàn, tôi nghĩ đây là nền tảng y tế cho các nước đang phát triển. Chúng tôi có thể nâng cấp những chức năng của các máy đang có để dần nâng tầm máy phù hợp với chuyên môn. Tôi muốn làm hết sức mình để góp phần nhỏ, giúp toàn bộ hệ thống về hô hấp của Việt Nam được cải thiện dần. Đó là giấc mơ của tôi.
Ví dụ về AED mà bạn nói rất hay. Ngày xưa, dùng AED rất khó khăn, phải nhìn điện tâm đồ rồi mới thao tác được. Giờ đây, tất cả là tự động, nên tỷ lệ cứu sống được người bị ngừng tim rất cao. Máy thở cũng vậy thôi.
Theo ông, việc sản xuất máy thở hiện nay có gặp khó khăn gì không, đặc biệt là trong tình cảnh nhiều ngành cũng đang thiếu chip bán dẫn?
Máy thở khi sản xuất hàng loạt có thể làm như sản phẩm công nghệ. Thực tế Metran đã chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi cho một số công ty, nếu cần nhu cầu lớn thì năng suất có thể đáp ứng hàng nghìn máy/tháng.
Năm ngoái, vấn đề khó khăn nhất của Metran là không mua được những linh kiện chuyên dùng cho máy thở, ví dụ như bộ phận cảm biến (flow sensor) để đo lưu lượng. Chúng tôi dùng công nghệ mới nhất ở Thụy Sĩ. Lúc đó tất cả công ty lớn ở Mỹ, châu Âu đều mua trước linh kiện này rồi. Họ sản xuất số lượng rất lớn, nên được ưu tiên đặt hàng. Những công ty như Metran bị để lại sau hàng.
Chính phủ Nhật hiểu được điều đó, nên mới nhờ những công ty lớn giúp đỡ chúng tôi đặt hàng được hàng chục nghìn đơn vị. Thực ra việc chuyển giao công nghệ không chỉ là chuyển giao văn bản hướng dẫn hoặc kiểm tra quy cách chế tạo. Nó còn gồm những bước thương thảo để mua được linh kiện, rồi kiểm định thật an toàn theo nguồn kiến thức của Metran.
Do đó, việc sản xuất máy thở không đơn giản như iPhone. Apple họ đã có sẵn những quy trình hoặc hướng dẫn rất hoàn mỹ. Những thiết bị mà chúng tôi thiết kế phải hoàn thành thiết kế trong thời gian rất ngắn. Chúng tôi phải đồng hành trong việc đó và theo dõi từng li.
Có điều chúng tôi chủ động về cả kỹ thuật và thiết kế của sản phẩm. Do đó, với những linh kiện không có sẵn trên thị trường, chúng tôi có thể thiết kế lại luôn để phù hợp với những gì hiện có. Có thể giá sẽ cao hơn, nhưng về kỹ thuật chúng tôi nắm được, làm được.
Ngoài máy thở, tôi được biết Metran còn đang phát triển chiếc khẩu trang không khí, hay nói đúng hơn là mặt nạ kèm thiết bị lọc khí có tên O-Pro. Ý tưởng này từ đâu tới?
Năm ngoái, sau khi dịch Covid-19 bùng nổ, tôi đọc được tin tức một cháu nhỏ khoảng 15 tuổi ở Trung Quốc chết vì tập thể dục khi đang đeo khẩu trang.
Người Nhật đã quen dùng khẩu trang từ xưa để giữ ấm, độ ẩm trong khí thở. Do đó, khi đọc tin tôi bị sốc và nghĩ, cái khẩu trang có thể giết người à? Những người sống ở Nhật như tôi thì đeo khẩu trang đã là vấn đề bình thường, nhưng nhiều khi tôi cũng thấy đeo khẩu trang rất khổ sở. Từ nhà tôi ra ga để đi làm cần đi bộ khoảng 6 phút, mà chỉ đeo khẩu trang 3 phút là thở không được.
Tôi tự nghĩ mình làm về hô hấp, vậy phải làm được hệ thống giúp người khác đeo khẩu trang dễ dàng. Khi nghĩ tới đó, tôi chợt nhớ mục đích đeo khẩu trang trong dịch là để giảm lây nhiễm chéo. Nhưng thực sự thì khẩu trang bình thường không làm được điều đó, vì có rất nhiều kẽ hở xung quanh. Những kẽ hở này khiến cho các giọt chứa virus vẫn có thể lọt qua, nhất là khi chúng ta ở trong phòng kín hay bật máy lạnh.
Vậy thì làm sao để giảm thiểu chuyện đó? Chúng tôi thiết kế một thiết bị lọc khí để hút không khí từ ngoài vào. Ở thân máy có hệ thống lọc HEPA với khả năng lọc được 99,9% vi khuẩn. 0,01% còn lại, tôi sử dụng photocatalyst, hay còn gọi là đèn xúc tác quang học với hoạt tính kháng khuẩn được tích hợp để loại bỏ các hạt có hại trong luồng khí, vô hiệu hóa virus. Sau đó, không khí được lọc để đi qua một ống thở theo tiêu chuẩn y tế để dẫn lên khẩu trang.
Do bên trong khẩu trang là áp lực dương, virus không lọt vào, và người ở gần cũng được bảo vệ.
Hiện mặt nạ có 3 phiên bản, để phù hợp điều kiện làm việc khác nhau. Ở phiên bản 2 chúng tôi làm khẩu trang trong suốt bằng silicon, để con người có thể giao tiếp và biểu lộ cảm xúc với nhau. Hiện nay, khẩu trang bị che kín khiến cho mọi người khó khăn trong kết nối cảm xúc. Bên kia của khẩu trang, tôi cùng đồng sự tạo ra một đầu lọc những khí con người thở ra, để đảm bảo không khí sạch cho môi trường xung quanh, nghĩa là lọc khí 2 chiều.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu loại mặt nạ có thể chụp kín hơn, để sử dụng ở những môi trường nguy hiểm hơn.
Với cái khẩu trang này, chúng tôi đặt ra vấn đề làm sao người dùng hô hấp được thoải mái, không khí tươi được đưa vào đây. Chúng tôi giảm độ ẩm ít nhất 20%, nhiệt độ cũng giảm hơn 3 độ. Đây là những cải tiến mà chúng tôi đang suy nghĩ.
Ông có nghĩ tương lai chúng ta sẽ phải gắn chặt với những chiếc khẩu trang như vậy?
Chừng 10 năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu đã cho thấy bụi mịn PM2.5 cũng có tác hại tương tự như khói thuốc. Khi vào cơ thể rồi, khoảng 20-30 năm sau nó mới bắt đầu phát bệnh, khiến phổi bị tắc nghẽn mạn tính.
Hiện nay tôi phát triển khẩu trang lọc khí để đối phó với Covid-19. Tuy nhiên, con người vẫn đang sống trong môi trường ô nhiễm, thì chắc chắn sẽ bị bệnh.
Cách đây 53 năm, khi mới tới Nhật tôi có thể vặn nước máy để uống. Giờ thì toàn dân Nhật đều phải dùng máy lọc hoặc mua nước đóng chai. Hiện nay ta phải mua nước để uống, thì trong tương lai có lẽ cũng phải bỏ tiền để có không khí sạch, nếu muốn bảo vệ sức khỏe của mình.
Ở trong nhà, chúng ta có thể dùng máy lọc không khí. Tuy nhiên mình không thể ở trong nhà mãi được, vẫn phải ra ngoài để sống. Việc có bầu không khí an toàn là bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.
Bằng công nghệ, chúng tôi cũng nghĩ tới nhiều tính năng cho khẩu trang, như tích hợp Bluetooth để theo dõi tình trạng không khí, điều khiển từ xa, đồng bộ dữ liệu lên đám mây. Về sau, nó có thể dùng cho các công ty dịch vụ muốn biết nhân viên có đảm bảo an toàn không, hay đo lượng CO2 trong không khí để biết môi trường có bao nhiêu người xung quanh. Giờ mọi thứ đều kết nối cả, nên các hệ thống của chúng tôi cũng phải có Wi-Fi, Bluetooth.
Ở tuổi 73, ông vẫn còn muốn làm những cái mới, muốn startup?
Thực ra tôi còn ấp ủ 2, 3 thiết bị nữa mà chưa biết chọn cái nào. Một là chiếc máy thở không cần bỏ ống nội khí quản, để những người bị teo cơ có thể thở được thoải mái hơn. Hai là máy thở nhỏ bằng bàn tay, để trong túi áo, để giúp những người có bệnh trong nội tạng. Mình không phải là ông trời để chữa cho họ, nhưng tôi muốn thay thế được chức năng của những nội tạng mà họ đã bị hỏng.
Tuy nhiên, nếu chỉ làm ra cái máy để họ sống được nhưng khổ sở về sau thì đó không phải là mục đích của tôi. Tôi muốn thiết bị phải mang lại cho họ một cuộc sống thật thoải mái. Đó mới là cái đích mà tôi muốn hướng tới.
Suy nghĩ của ông có ảnh hưởng gì từ văn hóa của nước Nhật không?
Tôi có may mắn là sống ở đây hơn nửa thế kỷ. Khi đã thỏa mãn những đòi hỏi về vật chất ở một mức nào đó, thì chúng ta bắt đầu nghĩ làm sao đạt được những thứ thật tinh túy. Ví dụ như chuyện làm Sushi. Tại sao khi làm Sushi đầu bếp phải giơ tay cao hơn tim của họ? Đó là để nhiệt độ của tay thấp hơn, không truyền qua miếng cá để gây ra mùi.
Làm bất cứ việc gì cũng thế, quan trọng là mục tiêu của mình. Ngày xưa, làm ra cái máy thở để cứu người bệnh khỏi tử vong, ra được viện là thành công. Nhưng tôi từng nghĩ với trẻ sơ sinh, phổi của chúng chưa hoàn thiện. Nếu mình dùng áp lực thật cao đẩy không khí vào gây tổn thương cho phổi, thì sau đó em bé vẫn sống và ra viện được, nhưng cả cuộc đời sẽ bị yếu đuối vì để lại di chứng. Đó là lý do tôi làm máy thở cao tần số áp lực dương, vì tôi không muốn làm hư phổi của trẻ em khi dùng máy thở.
Tôi vẫn thường nói với những công ty lớn, chiến lược kinh doanh của họ rất rõ ràng. Họ chỉ cần chinh phục khoảng 80% thị trường thôi, và họ làm điều đó không khó. Công việc của tôi là nhắm tới 20% còn lại của xã hội, vì tôi nghĩ rằng để đáp ứng được 20% đó, những người không được ai nhìn vào, mới cần những tinh túy. Đó là suy nghĩ, cách sống của tôi.
Ông thường nói suy nghĩ của mình hơi khác biệt. Làm thế nào ông thuyết phục được những cộng sự của mình theo đuổi suy nghĩ khác biệt đó?
Làm việc với tôi sẽ rất khổ sở, vì luôn phải đương đầu những thử thách. Thông thường, khi cứu được những bệnh nhân trong số 80% thì đó là chuyện thường, bác sĩ hay bệnh viện không ai nói cảm ơn hết. Tuy nhiên, khi cứu được những đứa trẻ mà khả năng sống rất thấp với máy của Metran, không để lại di chứng gì, thì chúng tôi nhận được những lời cảm tạ từ các bác sĩ, cha mẹ của cháu đó. Và điều này chỉ có thời gian mới kiểm chứng được.
Nhân viên Metran luôn cảm nhận được điều đó, và họ nghĩ đây là sứ mệnh của mình. Làm việc gì cũng phải bỏ công, đầu óc để cố gắng thôi, nhưng khi họ thấy họ cứu được một sinh mạng mà trong xã hội đã bị bỏ rơi, thì họ thấy cái tự hào trong đó để tiếp tục làm việc.
Làm việc để kiếm tiền cũng rất tốt, nhưng làm việc để lấy được một lời cảm tạ của người khác thì sẽ mang lại trải nghiệm rất khác về tâm lý.
Ông có lời khuyên gì cho những người muốn khởi nghiệp, sáng chế?
Những khi đi nói chuyện, tôi luôn nói cái cần nhất để làm việc là sức khỏe, thứ nhì là sức khỏe và thứ ba cũng là sức khỏe. Sau đó mới là những thứ như đam mê, chiến lược.
Tôi nghĩ công việc gì cũng vậy, quan trọng là mình đam mê và đặt ra mục đích từ đầu. Đối với tôi, làm việc ngày đêm không phải điều khổ sở, mà là sở thích.
Tất nhiên, khi startup thì kinh doanh là vấn đề quan trọng để công ty tồn tại. Mỗi người có một cách khác nhau. Sự khác biệt sẽ nằm ở mục đích của bản thân: có nhiều tiền, hay làm ra thứ có thể khiến nhiều người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, nên không dám khuyên các bạn trẻ cái gì. Những gì tôi từng làm cũng hơi khác biệt, nên tôi cũng không muốn lôi kéo các bạn trẻ theo con đường khổ sở của mình. Tất nhiên, nếu có đam mê thì khi thất bại mình cũng sẽ không tức giận vì điều đó.
Nguồn: News.zing.vn