Chiến thuật của Trung Quốc có thể đã giúp bà Mạnh được tự do, nhưng nó dường như đã tạo ra tâm lý tiêu cực ở Canada và lo ngại cho nhiều nước.
Tối 25/9 giờ địa phương, bà Mạnh Vãn Châu đặt chân trở về Trung Quốc trong sự chào đón của Bắc Kinh.
Cùng ngày bà được tự do, Michael Spavor và Michael Kovrig, hai công dân Canada bị bắt giam tại Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt hồi năm 2018, cũng được phóng thích và trở về Canada.
Sự kiện trên đã giải quyết được một trong những mâu thuẫn khiến căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chạm mức đỉnh điểm trong hàng chục năm qua.
Nhưng điều này ít có khả năng giải quyết được những vấn đề sâu xa trong căng thẳng giữa hai nước, cũng như nỗi lo của Bắc Kinh rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo New York Times.
Máy bay chở bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, hạ cánh xuống Thâm Quyến, Trung Quốc vào ngày 25/9. Ảnh: Reuters. |
Ba cuộc phóng thích trong một ngày
Tốc độ các bên phóng thích công dân của nhau là một cảnh báo về chiến thuật của Bắc Kinh trong việc dùng công dân nước ngoài để đàm phán, theo ông Donald C. Clarke, giáo sư luật chuyên môn về Trung Quốc tại Trường Luật, Đại học George Washington (Mỹ).
“Họ thậm chí còn không thèm giả vờ như đây không phải là một vụ bắt con tin”, ông Clarke nhận định khi nói về hai công dân Canada.
Vị chuyên gia không ủng hộ cách tiếp cận này trong thương lượng giữa các quốc gia.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyến bay hồi hương của bà Mạnh nhưng không đề cập tới việc bà đã thừa nhận sai phạm hoặc chỉ cho rằng đó không phải lời nhận tội chính thức.
Trên không gian mạng Trung Quốc, bà Mạnh được tung hô là biểu tượng yêu nước.
Một người ủng hộ cầm biển báo dán ảnh hai công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc chỉ ít ngày sau khi bà Mạnh bị bắt giam tại Vancouver. Ảnh: Canadian Press. |
Báo chí Trung Quốc cũng gần như không nhắc tới việc hai công dân Canada được phóng thích, qua đó tạo cảm giác Bắc Kinh không phải đánh đổi gì trong vụ bà Mạnh.
Theo New York Times, các chuyên gia nhận định còn quá sớm để cho rằng “vụ trao đổi” giữa hai bên là tín hiệu cho thấy sự tan băng trong quan hệ hai nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đánh giá Trung Quốc là thách thức chính đối với vị thế vượt trội của Mỹ.
Khi bà Mạnh và hai công dân Canada lần lượt được trả tự do, ông Biden chủ trì cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Bộ Tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia. Cũng trong tháng 9, ông Biden cho ra mắt liên minh an ninh mới với Australia và Anh có tên AUKUS.
Đàm phán ở hậu trường
Giới chức Canada và công tố viên Mỹ khẳng định vụ việc của bà Mạnh thuần túy là vấn đề pháp lý. Nhưng yếu tố chính trị vẫn thấp thoáng đằng sau vụ việc kể từ khi bà Mạnh bị bắt giữ tại sân bay Vancouver, Canada vào ngày 1/12/2018.
Chín ngày sau, lực lượng an ninh Trung Quốc bắt giam ông Kovrig, nhà cựu ngoại giao người Canada, tại Bắc Kinh. Ông Spavor bị bắt cùng ngày tại Đan Đông. Hai người cùng ra tòa về tội gián điệp và bị tạm giam trong tù, trong khi bà Mạnh được cho phép tại ngoại ở một biệt thự tại Vancouver.
Tổng thống Biden đón tiếp cuộc gặp với lãnh đạo các nước khác trong nhóm Bộ Tứ, gồm Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia vào ngày 24/9. Ảnh: New York Times. |
Giới chức Trung Quốc phủ nhận việc ông Kovrig và Spavor là con tin. Nhưng giới chức và các nhà bình luận Trung Quốc đôi lúc vẫn ngụ ý rằng các bên có thể trao đổi để bà Mạnh được tự do, theo New York Times.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cáo buộc bà Mạnh vào năm 2013 từng lừa dối ngân hàng về việc liệu tập đoàn Huawei có sở hữu một công ty kinh doanh tại Iran trái với lệnh trừng phạt của Mỹ hay không. Luật sư biện hộ khẳng định bà Mạnh nói thật.
Dù đều cứng giọng tuyên bố, cả phía Mỹ và bà Mạnh đều muốn tìm tiếng nói chung. Một phần là bởi không bên nào cảm thấy chắc chắn 100% họ có thể chiến thắng trong vụ dẫn độ bà, theo hai nguồn thạo tin khác.
Luật sư của bà Mạnh lập luận rằng vụ án mà thân chủ phải đối mặt có sự lạm dụng quy trình tố tụng. Trong đó, đáng chú ý là việc ông Trump từng nói có thể can thiệp để có được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
“Trong một số lần, ông Trump đã làm xấu thêm tình hình khi ngụ ý rằng Huawei có thể đơn giản là quân bài trong quá trình đàm phán thương mại”, John Bolton, người từng là cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump, viết trong hồi ký.
Vụ bắt giữ bà Mạnh xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Trong lúc tòa án Canada lắng nghe lập luận của hai bên, có dấu hiệu cho thấy Washington và Bắc Kinh đã cố gắng tìm tiếng nói chung. Công tác đàm phán giữa đội ngũ của bà Mạnh và Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu từ hơn một năm trước, một nguồn thạo tin nói với New York Times.
Tuần trước, Tổng thống Biden có buổi điện đàm với người đồng cấp Tập Cận Bình. Hai bên không cung cấp chi tiết, nhưng lời bình luận công khai của ông Tập cho thấy ông muốn giảm căng thẳng.
Cụ thể, ông Tập nói hai bên nên “đưa quan hệ Mỹ – Trung trở lại con đường phát triển ổn định sớm nhất có thể”, theo thông cáo phía trung Quốc.
Tương lai có thể còn những vụ việc khác
Chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc có thể đã thành công giúp bà Mạnh được tự do, nhưng nó dường như đã tạo ra tâm lý tiêu cực ở Canada.
Hơn 70% người Canada tham gia một khảo sát năm nay của viện chính sách Pew Research Center (Mỹ) bày tỏ thái độ không hài lòng với Trung Quốc. Tâm lý không mua đồ Huawei tại Canada cũng đã trở nên lớn hơn.
Giới chức Trung Quốc trong giai đoạn gần đây đã bạo dạn hơn khi bác bỏ những chỉ trích của phương Tây. Họ cho rằng vụ bắt giữ bà Mạnh bị chính trị hóa quá mức, đồng thời họ có vẻ sẵn sàng bỏ ra nhiều công sức để đảm bảo bà Mạnh không bị xét xử tại Mỹ.
Người ủng hộ bà Mạnh đứng chờ tại sân bay ngày 25/9. Ảnh: AFP. |
John Kamm, một doanh nhân người Mỹ có nhiều năm đàm phán với giới chức Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh cũng có thể trả tự do cho những công dân Mỹ bị giam giữ tại Trung Quốc như một phần trong việc thỏa hiệp ngoại giao.
Theo New York Times, một số người Mỹ đang bị giam giữ tại Trung Quốc, trong khi một số khác bị cấm đi khỏi quốc gia này.
“Tôi nghĩ lúc này chúng ta có thể hy vọng là sẽ có thêm những động thái mới ở những những vụ việc khác”, ông Kamm nói.
Bà Mạnh được chào đón như người hùng khi trở về nước. Khi còn ở Canada, bà sống trong một căn nhà tách biệt rộng 7 phòng ngủ ở Vancouver. Tuy phải đeo thiết bị định vị ở cổ chân, bà vẫn có thể đi lại.
Trong khi đó, ông Kovrig và Spavor được Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng ngoại trưởng đón tiếp. Hai người sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi điều chỉnh với cuộc sống bình thường, sau thời gian dài bị giam giữ và ít tiếp xúc với người khác, theo New York Times.
“Bị giới hạn di chuyển theo cách nào đi nữa cũng vẫn là tước đoạt tự do. Nhưng sự khác biệt giữa trải nghiệm của bà Mạnh và hai người Canada như đêm và ngày vậy”, Margaret Lewis, giáo sư nghiên cứu tư pháp hình sự tại Trung Quốc thuộc Trường Luật Seton Hall (Mỹ), nhận định. “Họ đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất, nhưng vết thuơng trong họ sẽ còn mãi”.
Nguồn: News.zing.vn