Doanh thu không có nhưng phải gánh chi phí hàng tháng khá lớn, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tại Hà Nội mong chờ ngày được phép mở cửa.
Sau nhiều ngày tạm đóng cửa nhằm phục vụ công tác phòng chống lây lan dịch Covid-19, ngày 22/6, thành phố Hà Nội bắt đầu nới lỏng một số dịch vụ, cho phép các cửa hàng ăn uống trong nhà, dịch vụ cắt tóc, gội đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các loại hình quán bar, pub, karaoke, xông hơi, quán net… sẽ vẫn tiếp tục đóng cửa chờ thông báo mới.
Chia sẻ với Zing, đại diện một số cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí trên địa bàn bày tỏ nguyện vọng sớm được hoạt động trở lại, khắc phục những khó khăn, thiệt hại về kinh tế sau dịch, đồng thời cam kết tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Khó chuyển đổi hình thức kinh doanh
Covid-19 là quãng thời gian thử thách khả năng trụ lại thị trường của nhiều hộ kinh doanh. Không riêng áp lực từ giá thuê mặt bằng, các cửa hàng phải đối mặt với nhiều loại chi phí phát sinh khác nhau như bảo quản, bảo dưỡng và nhân viên.
Trước những khó khăn khi phải tạm đóng cửa dài ngày, các cửa hàng đều cố gắng đưa giải pháp duy trì hoạt động, cải thiện tình hình kinh doanh.
Đối với mặt hàng ăn uống, hình thức bán mang về vẫn đang là phương án hữu hiệu giúp hộ kinh doanh bám trụ trước khi mở cửa trở lại. Một số cửa hàng giải khát như trà sữa, chè ngọt, nước hoa quả thậm chí có mức doanh thu khả quan nhờ đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.
Tuy vậy, do không thuộc khung dịch vụ thiết yếu, nhiều quán bar, quán net, karaoke vẫn phải đóng cửa hoàn toàn.
Nhiều quán net đóng cửa im lìm, máy móc bỏ không vì dịch. Ảnh: Phương Lâm. |
Đóng cửa liên miên gần 2 tháng, Đăng Hoàn, chủ một quán game cầm tay trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã phải thanh toán trên dưới 60 triệu đồng chi phí mặt bằng, điện nước, nhân viên và bảo dưỡng. Để giảm bớt gánh nặng, Hoàn cung cấp dịch vụ cho thuê máy chơi game tại nhà với giá 50.000 đồng/ngày, 300.000 đồng/tuần.
“Cửa hàng tôi hiện có 16 máy chơi game. Thời gian đầu nhiều khách họ quan tâm, hỏi thuê. Có lúc cao điểm tôi cho thuê 14 trên 16 máy. Một tháng trở lại đây nhu cầu của người dùng không còn cao nữa, doanh thu giảm khoảng 80% so với trước dịch”, Hoàn nói.
Ngoài việc phải đến tận nơi lắp đặt cho người dùng, hình thức cho thuê cũng khiến máy nhanh chóng hao mòn, tỷ lệ trục trặc cao. Sau một tháng thử nghiệm dịch vụ mới, anh Hoàn quyết định dừng cho thuê. “Tôi không thể giám sát khách chơi hay có va đập vào đâu không. Chuyện thương lượng đền bù với khách cũng rất phức tạp, lằng nhằng”, Hoàn tâm sự.
Theo Tuấn Cương, đại diện một quán bar trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đây là khoảng thời gian cửa hàng dành ra để đào tạo chuyên môn nội bộ hoặc có những hoạt động duy trì tương tác với khách hàng.
“Chúng tôi đang nghiên cứu và thử nghiệm một số sản phẩm mang về. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời nhằm duy trì hoạt động của quán”, Cương cho biết.
Ngoài ra, khách hàng có xu hướng cắt giảm chi tiêu thời điểm sau dịch. Lượng khách sau này thường giảm tới 40%.
Nỗi lo phá sản
“Nếu tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa, chúng tôi sợ không trụ nổi và phải phá sản”, Thu Hằng, chủ một hệ thống karaoke tại quận Cầu Giấy, chia sẻ.
Không giống những dịch vụ khác, karaoke là loại hình kinh doanh có chi phí mặt bằng lớn, số lượng nhân viên đông. Tùy vào diện tích và địa điểm, chị Hằng cho biết một quán karaoke tiêu tốn từ 50-120 triệu đồng/tháng tiền mặt bằng.
“Người thuê thường phải thanh toán trước cho chủ nhà 6 tháng cho đến 1 năm, ước lượng đã gần tỷ đồng rồi. Tính cả chi phí tu sửa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị phòng chữa cháy, điện nước, trợ cấp cho nhân viên, mỗi tháng tôi thiệt hại trên 120 triệu đồng/cơ sở”, chị Hằng kể.
Không được hoạt động những chủ đầu tư vẫn phải thanh toán nhiều chi phí. Ảnh minh họa: PC. |
Nhân viên cũng là một trong những vấn đề khiến chủ kinh doanh đau đầu. Phần lớn quán karaoke có đội ngũ nhân viên cứng, gắn bó lâu dài. Tình hình đóng cửa lâu dài khiến nhiều lao động phải tìm thêm việc làm, không ít người chọn cách rời đi, buộc quán phải tuyển bổ sung, đào tạo lại từ đầu nếu chuẩn bị mở cửa trở lại.
Lỗ triền miên, chị Hằng cho biết sẽ phải tính đến trường hợp chuyển sang loại hình kinh dịch vụ khác trong trường hợp xấu nhất.
Hiện tại, phương án cầm chừng và chờ đợi ngày thành phố cho phép hoạt động trở lại vẫn là ưu tiên đầu tiên. “Ngành hàng nào cũng chịu ảnh hưởng. Dịch bệnh khó lường, không ổn định nên mỗi lần nghĩ đến chuyện thay đổi cũng rất phức tạp”, chị nói.
Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh
Trò chuyện với Zing, chị Hằng hy vọng thành phố sẽ có thêm giải pháp hỗ trợ cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí nói riêng và không nằm trong diện thiết yếu nói chung. So với những dịch vụ khác, chị Hằng tin rằng giải trí là một trong những dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Với mong muốn vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch, một số cơ sở kinh doanh đề xuất phương án hạn chế, kiểm soát hoạt động thay vì tạm dừng hoạt động. “Nhu cầu giải trí karaoke của người dân rất lớn, mỗi ngày tôi đều nhận được hàng chục cuộc gọi hỏi khi nào mở cửa”, chị tâm sự.
“Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng bộ quy tắc phòng chống dịch bệnh dành riêng cho loại hình dịch vụ giải trí, karaoke mà thành phố đưa ra như giới hạn lượng khách, số phòng hát, số khách/phòng hát, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K khi đến hát”, chị Hằng nhấn mạnh.
Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng bộ quy tắc phòng chống dịch bệnh dành riêng cho loại hình dịch vụ giải trí
Thu Hằng, chủ hệ thống karaoke tại Hà Nội
Theo anh Cương, không ít cơ sở kinh doanh đã phải trả mặt bằng vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Do vậy, việc hỗ trợ, tạo điều kiện, nghiên cứu giải pháp cho ngành nghề dịch vụ giải trí là cấp thiết.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ, ưu tiên dịch vụ thiết yếu, đáp ứng điều kiện an toàn. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đánh giá tình hình để nới lỏng thêm một số dịch vụ khác.
“Chúng ta mới bước đầu kiểm soát được dịch. Tình hình diễn biến trên cả nước và tỉnh xung quanh vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi. Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao”, Bí thư Thành ủy nói.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm cộng đồng từ 27/4/2021
11.015Ca nhiễm
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Hà Nội | 0 | 466 |
Bắc Ninh | 0 | 1589 |
Vĩnh Phúc | 0 | 92 |
Đà Nẵng | 0 | 225 |
Bắc Giang | 1 | 5498 |
Hà Nam | 0 | 48 |
Hưng Yên | 0 | 47 |
TP.HCM | 57 | 2291 |
Yên Bái | 0 | 1 |
Quảng Nam | 0 | 4 |
Đồng Nai | 0 | 4 |
Hải Dương | 0 | 51 |
Thái Bình | 0 | 25 |
Quảng Ngãi | 0 | 1 |
Lạng Sơn | 0 | 104 |
Thanh Hóa | 0 | 5 |
Điện Biên | 0 | 58 |
Nam Định | 0 | 7 |
Nghệ An | 0 | 41 |
Phú Thọ | 0 | 5 |
Quảng Ninh | 1 | 2 |
Hải Phòng | 1 | 5 |
Thừa Thiên Huế | 0 | 5 |
Đắk Lắk | 0 | 4 |
Hòa Bình | 0 | 9 |
Quảng Trị | 0 | 3 |
Tuyên Quang | 0 | 1 |
Sơn La | 0 | 1 |
Ninh Bình | 0 | 4 |
Thái Nguyên | 0 | 3 |
Long An | 1 | 26 |
Bạc Liêu | 0 | 1 |
Gia Lai | 2 | 4 |
Tây Ninh | 0 | 3 |
Đồng Tháp | 0 | 1 |
Trà Vinh | 0 | 3 |
Hà Tĩnh | 0 | 84 |
Tiền Giang | 0 | 50 |
Bình Dương | 10 | 201 |
Bắc Kạn | 0 | 3 |
Lào Cai | 0 | 4 |
Vĩnh Long | 0 | 1 |
Kiên Giang | 0 | 1 |
Khánh Hòa | 1 | 2 |
Bình Thuận | 5 | 5 |
Nguồn: News.zing.vn