Chủ tịch NordCham lạc quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm. Ông cho rằng Chính phủ nên hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi chi phí leo thang.
Những “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang cản đường phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không miễn nhiễm.
Nói với Zing, ông Thue Quist Thomasen – Chủ tịch Phòng Thương mại Bắc Âu (NordCham Việt Nam) – tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện trong những tháng tới. Nhưng trong quá trình phục hồi, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng vì chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Ông Thue Quist Thomasen cũng là thành viên Ban điều hành EuroCham Việt Nam và Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam.
Ngoài ra, ông cho rằng Chính phủ và các doanh nghiệp tại Việt Nam đã có được một số bài học sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 để đối mặt với những thách thức mới trong tương lai gần.
Ông Thue Quist Thomasen, Chủ tịch NordCham Việt Nam, kiêm thành viên Ban điều hành EuroCham Việt Nam và Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam. |
Phục hồi hậu Covid-19
– Doanh nghiệp nước ngoài có những biện pháp nào để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh các hạn chế liên quan đến Covid-19 tại Việt Nam, thưa ông?
– Trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các công ty Bắc Âu, đã nỗ lực hết sức, vượt qua vô số khó khăn và thách thức để xây dựng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp sử dụng một cách sáng tạo những công nghệ, công cụ mới để duy trì luồng công việc và năng suất trong thời gian giãn cách. Chẳng hạn, một số công ty đã cung cấp thiết bị cần thiết (Internet, máy in…) hoặc hỗ trợ tài chính, giúp nhân viên làm việc hiệu quả tại nhà.
Trong khi đó, để triển khai các hoạt động tuyển dụng và đào tạo cần thiết, một số doanh nghiệp đã tuyển dụng và hợp tác với hàng trăm freelancer (lao động tự do).
Song song với việc duy trì những hoạt động kinh doanh phù hợp, các công ty Bắc Âu cũng hỗ trợ sức khỏe và tinh thần của nhân viên và gia đình trong thời gian đại dịch.
Một trường hợp đáng chú ý là Orana Việt Nam, công ty vừa nhận giải thưởng “Sáng kiến Quản lý tốt nhất Hỗ trợ Người lao động và gia đình” tại Giải thưởng Doanh nghiệp Bắc Âu năm 2021. Trong khi nhiều công ty tạm dừng tuyển dụng, Orana Việt Nam vẫn trả lương đầy đủ cho các nhân viên.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn thận trọng trong việc tuyển dụng, đầu tư và dự báo lợi nhuận. Họ đang áp dụng cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” để bố trí nhân sự
– Ông Thue Quist Thomasen
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, một số công ty còn cung cấp dịch vụ xét nghiệm Covid-19 thường xuyên, tiêm chủng cho toàn bộ nhân viên, tổ chức lớp học yoga trực tuyến hoặc hội thảo với các chuyên gia y tế.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Bắc Âu cũng đã có vô số đóng góp có ý nghĩa để hỗ trợ người dân Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Chẳng hạn, thành viên của chúng tôi như Home Credit và Carlsberg Việt Nam quyên góp hàng tỷ đồng cho quỹ vaccine của Chính phủ Việt Nam để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng trong nước.
Ngoài ra, các công ty còn triển khai nhiều chiến dịch cung cấp bữa ăn miễn phí và nhu yếu phẩm cho những hộ gia đình khó khăn tại một số tỉnh như TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An.
– Các doanh nghiệp có kế hoạch gì để phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19?
– Các dấu hiệu tích cực và tâm lý lạc quan đã được thể hiện trong Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham quý III/2021 (Business Climate Index – BCI). BCI là một thước đo thường xuyên về nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp của EuroCham.
Tuy nhiên, chúng tôi, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, vẫn thận trọng về việc tuyển dụng, đầu tư và dự báo lợi nhuận.
Các công ty đang áp dụng cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” để bố trí nhân sự. Khoảng 20% dự định thuê thêm nhân công trong 3 tháng tới, tương đương quý trước.
Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc tăng đầu tư trong quý IV (69%) chỉ cao hơn hai điểm phần trăm so với quý III. Dự báo doanh thu cũng chứng kiến mức tăng tương tự.
Trong khi đó, khoảng 50% công ty vẫn đang hoạt động ở mức thấp hơn so với trước đại dịch. Các hạn chế đi lại và tình trạng thiếu hụt lao động tiếp tục ảnh hưởng đến 2/3 công ty.
Điều này cho thấy vẫn còn những vấn đề cần giải quyết nếu Việt Nam muốn phát huy hết tiềm năng của mình trong thương mại và đầu tư sau đại dịch.
Triển vọng tươi sáng
– Ông đánh giá thế nào về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022?
– Khi Chính phủ Việt Nam chuyển từ chiến lược “zero-Covid” (đưa số ca nhiễm mới về 0) sang “sống chung với virus một cách an toàn”, nhiều chuyên gia kinh tế đã đánh giá tích cực về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 và 2022.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã dần hoạt động trở lại nhờ một số hạn chế được nới lỏng hoặc dỡ bỏ. Chính phủ cũng đưa ra một số biện pháp giúp doanh nghiệp và cá nhân phục hồi sau dịch Covid-19, chẳng hạn giảm thuế hoặc tiền thuê đất.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng từng bước mở cửa để đón khách du lịch quốc tế đến một số tỉnh ở Việt Nam kể từ ngày 5/11/2021. Điều này cho thấy tiềm năng phục hồi của ngành du lịch và lữ hành. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng tìm cách thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Ngoài ra, các yếu tố cơ bản của thị trường Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước cũng tăng lên đáng kể. Do đó, không còn nghi ngờ rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong vài tháng tới.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2021. |
– Theo ông, liệu sự tự tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam có thay đổi sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 4?
– Với các chính sách mới đây của Chính phủ Việt Nam, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh và đầu tư của đất nước.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Tetra Pak của Thụy Điển vừa tuyên bố đầu tư 5,86 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất hiện có tại tỉnh Bình Dương.
– Trong những tháng cuối năm, những doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, bị ảnh hưởng thế nào bởi các “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
– Đại dịch đã làm giảm tốc thương mại toàn cầu và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Tại Trung Quốc – nơi được coi là “công xưởng thế giới”, nhiều nhà máy bị đóng cửa, dẫn đến hiệu ứng gợn sóng phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm nguyên liệu đầu vào.
Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến Việt Nam, quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp, cũng như xuất khẩu sang nước này.
Cuộc khảo sát hồi tháng 2 của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho thấy phần lớn thành viên đang gặp khó trong việc tìm nguồn cung ứng và nguyên liệu từ các nhà cung cấp Trung Quốc.
Ngoài ra, 70% doanh nghiệp thành viên cho biết họ đang hoạt động chỉ với 70% công suất.
Bài học từ làn sóng dịch Covid-19 thứ 4
– Theo ông, Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch?
– Để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, Chính phủ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp như Nordcham Việt Nam hoặc Eurocham để xây dựng một chương trình toàn diện.
Một mặt, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần đưa ra hệ thống quy định nhằm xác định mức độ rủi ro của từng khu vực, với tính minh bạch và khả năng dự báo tốt hơn.
Điều này sẽ giúp các công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh, đồng thời ngăn chính quyền địa phương áp dụng quy định một cách tùy ý.
Đồng thời, Việt Nam cần nới lỏng các hạn chế di chuyển đối với các chuyên gia và người lao động nước ngoài.
Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, nhất là khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn
– Ông Thue Quist Thomasen
Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh, nhất là khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn.
-Chính phủ và các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể học hỏi gì sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam?
– Trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, không thể phủ nhận rằng những hạn chế nghiêm ngặt của Chính phủ đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, nhiều công ty đã phát triển các chiến lược sáng tạo để xây dựng doanh nghiệp, đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho nhân viên và cộng đồng.
Sự thành công của những công ty này đã mang đến một số bài học cho Chính phủ và doanh nghiệp khi đối mặt với các thách thức mới trong tương lai gần.
Một mặt, mỗi công ty nên có chiến lược sử dụng công nghệ để kết nối mọi người, duy trì hoạt động và năng suất làm việc.
Mặt khác, việc hỗ trợ người lao động và gia đình về vật chất và tinh thần là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi người lao động là trái tim của mỗi công ty.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam và các chính quyền địa phương cần đối thoại và hợp tác chặt chẽ với những công ty trong và ngoài nước để thiết lập, thực hiện các chiến lược hiệu quả, nhằm đảm bảo vận hành đúng những hoạt động thiết yếu hoặc giảm thiểu tình trạng mất năng suất.
Hơn nữa, việc chuyển đổi sang kỹ thuật số có thể giảm bớt gánh nặng hành chính cho các chủ thể kinh doanh khi một số hạn chế nhất định chưa được dỡ bỏ.
Nguồn: News.zing.vn