Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết nhà đầu tư trả tiền phí để được HoSE, các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, khi xảy ra sự cố, nhà đầu tư là bên chịu ảnh hưởng và cần được xin lỗi.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI tại buổi tọa đàm “Nghẽn lệnh HoSE: Thực trạng và Giải pháp” diễn ra ngày 24/6.
Là một trong những người phát biểu sau cùng tại tọa đàm, ông Hưng cho rằng những sự cố diễn ra thời gian qua cũng cho thấy một vài tín hiệu đáng mừng khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc.
Tuy nhiên, Chủ tịch SSI cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cùng các công ty chứng khoán thành viên vẫn nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi, dù những sự kiện xảy ra nằm ngoài mong muốn các bên.
Nhà đầu tư cần được xin lỗi
Ông Hưng cho rằng những sự cố như nghẽn lệnh, hạn chế sửa/hủy lệnh không phải do lỗi điều hành, nhưng bên chịu thiệt hại chính là các nhà đầu tư nên HoSE và các công ty chứng khoán cần gửi lời xin lỗi tới nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư là người trả tiền, trả phí để được cung cấp dịch vụ. HoSE và các công ty chứng khoán là bên cung cấp dịch vụ đó. Vì một lý do nào đó mà nhà đầu tư chưa thỏa mãn với dịch vụ được cung cấp, trong khi lý do lại từ phía chúng ta. Thì chúng ta đang nợ họ một lời xin lỗi”, ông Hưng nhấn mạnh.
Chủ tịch công ty chứng khoán lớn nhất thị trường cũng cho biết có nhiều kiến nghị cần tập trung vào nhà đầu tư nước ngoài xây dựng thị trường, tuy nhiên, ông cho rằng thị trường chứng khoán phát triển được như hiện nay chính là nhờ nhà đầu tư trong nước. “Vì vậy, cần lắng nghe nhà đầu tư trong nước, để họ thấy mọi thứ minh bạch, an tâm giao dịch”, ông nói thêm.
Cũng theo ông Hưng, không nên coi việc nhà đầu tư cá nhân đặt quá nhiều lệnh là nguyên nhân dẫn tới các sự cố thời gian qua. Bởi đây chính là động lực tăng trưởng của thị trường và cần được quan tâm nhiều hơn.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh nỗ lực cải tiến kỹ thuật thuật trên HoSE để nâng năng lực xử lý lệnh, thanh khoản thị trường được xem là tình huống khẩn cấp quốc gia.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán gửi lời xin lỗi tới các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, công ty chứng khoán về sự cố trên sàn HoSE. Ảnh: BTC. |
Trong đó, từ khi xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh vào cuối năm 2020, lãnh đạo Bộ Tài chính đã liên tục đôn đốc, chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán, HoSE xử lý nhanh nhất sự cố.
“Từ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và bây giờ là Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các lãnh đạo Bộ Tài chính luôn quán triệt với các thành viên thị trường rằng, sự cố nghẽn lệnh là trường hợp khẩn cấp quốc gia và cần phải tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực để xử lý nhánh nhất có thể”, ông Dũng chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết các thành viên quản lý, điều hành thị trường không chỉ nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi, mà còn là nhiều lời xin lỗi.
Ông chia sẻ cá nhân nhận được rất nhiều tin nhắn, email, ý kiến đóng góp của nhiều người về tình hình thị trường. Tuy nhiên, ông không có nhiều thời gian để trả lời hết tất cả đóng góp, không tranh luận được tại sao áp dụng giải pháp này mà không áp dụng giải pháp kia, tại sao thị trường gặp sự cố…
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán gửi lời xin lỗi tới các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học, công ty chứng khoán thành viên… trong sự cố thời gian qua đã nhiều lần nêu ý kiến, đóng góp nhằm xây dựng thị trường tốt lên.
Ông Dũng cũng cho rằng xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh là điều đáng tiếc nhưng cũng cho thấy thị trường đã tăng trưởng vượt bậc.
Xây dựng hệ thống xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày
Chia sẻ về thực trạng diễn ra trên HoSE thời gian qua, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE lý giải việc sàn này bị nghẽn lệnh không liên quan tới số tiền vào thị trường, hay số nhà đầu tư tham gia thị trường, mà nguyên nhân trực tiếp đến từ số lượng lệnh vào thị trường và số lượng lệnh tối đa hệ thống có thể xử lý trong một ngày giao dịch.
Lãnh đạo HoSE và FPT IS cho biết hệ thống giao dịch hỗ trợ mới có thể xử lý được 3-5 triệu lệnh/ngày, thay vì 900.000 lệnh/ngày như hiện nay. Ảnh: BTC. |
Hiện tại, hệ thống của HoSE có thể xử lý tối đa 900.000 lệnh/ngày. Bất kể khi nào hệ thống ghi nhận số lượng lệnh vượt quá số này đều dẫn tới tình trạng quá tải. Điều này lý giải có những phiên thanh khoản 7.000 tỷ đồng cũng có thể nghẽn lệnh, nhưng có phiên lại hơn 21.000 tỷ mới nghẽn lệnh.
“Anh đặt mua 100 cổ phiếu là 1 lệnh, 10.000 cổ phiếu cũng là 1 lệnh, mỗi lần huỷ/sửa cũng là một lệnh vào hệ thống và tính vào con số 900.000 lệnh/ngày. Vì vậy, cùng số lượng lệnh được khớp nhưng giá trị giao dịch các phiên có thể khác nhau”, ông Trà lý giải.
Chia sẻ về hệ thống hỗ trợ giao dịch mới FPT đang xây dựng với HoSE, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS cho hay các bên đang xây dựng hệ thống giao dịch hỗ trợ với mục tiêu nâng năng lực xử lý trên HoSE lên 3-5 triệu lệnh/ngày. Cùng với đó, HoSE cũng có thể bỏ cơ chế phân bổ lệnh cho các công ty chứng khoán thành viên hiện nay.
“Điều này sẽ giúp các công ty chứng khoán được đẩy lệnh theo đúng năng lực của mình. Hiện công ty đang kiểm thử ngưỡng đáp ứng lệnh gửi vào mỗi giây, đảm bảo cao hơn rất nhiều so với hệ thống hiện tại”, ông Triều cho biết.
Vị Chủ tịch FPT IS cũng khẳng định không có yếu tố trục lợi khi các công ty chứng khoán hạn chế sửa/hủy lệnh của các nhà đầu tư và việc hạn chế này chỉ nhằm mục đích đảm bảo số lượng lệnh khớp mỗi ngày tạm thời nằm trong ngưỡng 900.000 lệnh mà hệ thống của HoSE đang phân phối.
Nguồn: News.zing.vn