Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất cả nước, chuyên gia và đại biểu Quốc hội cho rằng việc Hà Nội buộc người về từ TP.HCM, Bình Dương… phải cách ly tại nhà 7 ngày là cứng nhắc.
Mới đây, trong khi các địa phương đang dần nới lỏng hoạt động và mở cửa để thích ứng an toàn với dịch, Hà Nội lại ra quy định người đến từ khu vực nguy cơ cao, rất cao (cấp độ 3 và 4) và tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… dù đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh vẫn phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày.
Đáng nói, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp này được tự theo dõi sức khỏe.
“Bất hợp lý”
Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), quy định của Hà Nội là cứng nhắc, không linh hoạt và không phù hợp với thực tế khi nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Khi cả nước đã chuyển trạng thái bình thường mới, sống thích ứng an toàn với Covid-19, ông Cường cho rằng chính sách cách ly cần linh hoạt hơn.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng cho rằng khi người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine mà vẫn phải cách ly 7 ngày tại nhà thì không ai dám đến nữa, trừ những người di chuyển về Hà Nội sinh sống.
“Còn với người đi du lịch, làm ăn mà bắt cách ly 7 ngày là quá bất hợp lý”, ông Hùng nói và cho rằng nếu làm như vậy, mọi hoạt động sẽ “tê liệt” trở lại.
Cơ quan chức năng Hà Nội phong tỏa khu vực ghi nhận F0 ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Theo ông Hùng, việc số ca mắc ở Hà Nội tăng lên là bình thường. “Từ vài chục ca một ngày nhưng khi mở cửa cho các tỉnh đi lại, việc tăng lên vài trăm ca không có gì ghê gớm và cũng không ảnh hưởng quá lớn, vì đa số trường hợp mắc đều nhẹ do đã được tiêm vaccine”, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích.
Bởi vậy, chuyên gia này đánh giá quy định của Hà Nội là quá cứng nhắc, không đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Trong khi đó, TP.HCM là một nơi từng chịu tác động rất nặng nề bởi dịch, và số ca nhiễm hàng ngày còn cao, đã quyết định cho mở cửa các hoạt động, kể cả những hoạt động luôn được đánh giá có nguy cơ cao như karaoke, vũ trường…
Việc Hà Nội yêu cầu người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải cách ly, theo ông Hùng, sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến các tỉnh, thành khác vì liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội.
Cách ly tại nhà không thể phụ thuộc ý kiến hàng xóm
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cũng nhắc đến vấn đề gây tranh cãi về việc F1 ở Hà Nội muốn cách ly tại chung cư phải được hàng xóm đồng ý.
Dù mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định thành phố không ban hành quy định nào về việc F1 muốn cách ly tại chung cư cần phải được sự đồng ý của hàng xóm, lãnh đạo CDC Hà Nội vẫn giải thích với F1 ở các khu chung cư muốn được cách ly tại nhà cần phải có sự đồng thuận của hàng xóm cùng tầng.
Việc cách ly F1, thậm chí F0 có triệu chứng nhẹ tại nhà đã được TP.HCM và một số tỉnh, thành áp dụng từ lâu. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, cách ly thế nào là quyết định của chính quyền, của cơ quan chuyên môn dựa trên yếu tố khoa học, không thể phụ thuộc vào ý kiến của hàng xóm.
“Chính quyền phải ra quyết định rõ ràng cho dân thực hiện, đừng đổ trách nhiệm cho hàng xóm vì họ không có chuyên môn. Làm như vậy nghĩa là chính quyền không tin tưởng vào biện pháp của mình”, vị chuyên gia phân tích.
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng nhắc lại quan điểm của Chính phủ và việc Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời trước Quốc hội về việc cách ly, nhiều tỉnh thành cũng đã thực hiện theo chủ trương của Chính phủ nhưng Hà Nội vẫn “một mình một kiểu”.
“Nói chung là quyết định của Hà Nội rất cảm tính, không có căn cứ khoa học. Tôi nghĩ Chính phủ đã ra nghị quyết rồi thì các địa phương cứ thế mà làm theo cho thống nhất”, ông Hùng nêu quan điểm.
Chỉ áp dụng cách ly khi thực sự cần thiết
Là người từng chất vấn về chính sách cách ly tập trung của Hà Nội trên diễn đàn Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng nêu nhiều bất cập liên quan đến việc này.
Ông chỉ ra rất nhiều nguy cơ khác nhau về dịch bệnh ở Hà Nội, như việc trước đó người về từ một số vùng dịch về không cách ly, nguy cơ để hàng trăm người chen nhau đi tàu điện Cát Linh – Hà Đông hay cho đông người vào sân vận động xem bóng đá…
Nhân viên y tế kiểm tra danh sách người đi cách ly tại một ổ dịch thuộc Hà Nội. Ảnh: Đức Anh. |
“Hà Nội đang tập trung vào nguy cơ nhỏ mà bỏ qua nguy cơ lớn ngoài cộng đồng”, vị đại biểu Quốc hội phân tích và nhận định cách làm này là cực đoan.
Với việc vẫn bắt buộc cách ly F1 tập trung như hiện nay ở Hà Nội, ông Cường cho rằng sẽ lặp lại “vết xe đổ” về nguy cơ lây nhiễm chéo trong chính các khu cách ly tập trung.
“Nguy cơ lây chéo trong các khu cách ly tập trung ở TP.HCM đã là một một bài học. Thực tế cho thấy tỷ lệ người bị nhiễm trong khu cách ly tập trung rất cao, trong khi người ở ngoài tỷ lệ bị nhiễm thấp hơn nhiều”, ông Cường nói.
Theo vị đại biểu, vì những bất cập trong quy định cách ly mà nhiều người mong “thà là F0 còn hơn là F1” vì F0 đi điều trị khỏi bệnh sẽ có ngày về, còn F1 đi cách ly không biết ngày nào về.
“Có F1 đến ngày thứ 14 xét nghiệm âm tính nhưng chỉ vì người cùng phòng dương tính mà họ phải cách ly thêm 14 ngày nữa. Tôi biết thực tế có những F1 đi cách ly hơn 2 tháng không về nhà được, trong khi người ta vẫn cứ âm tính”, ông Cường dẫn chứng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh cách ly là biện pháp cực kỳ hãn hữu vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Thẩm quyền ban hành quyết định này là của Quốc hội. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát vừa qua, Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ, rồi Chính phủ phân cấp cho địa phương.
“Với bối cảnh như thế, các địa phương cũng phải rất cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền công dân, chỉ cách ly trong trường hợp bất khả kháng hay thực sự cần thiết, và đặc biệt không được lạm dụng”, vị đại biểu lưu ý.
Nguồn: News.zing.vn