Có một Cảnh Dương kiên cường

0
Có một Cảnh Dương kiên cường

Trải mình bên bờ biển quanh năm sóng vỗ, phía trước là núi Phượng cùng dòng sông Loan hiền hòa, duyên dáng, làng Cảnh Dương không chỉ có phong cảnh hữu tình mà còn có truyền thống đánh giặc kiên cường. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương là “Làng chiến đấu kiểu mẫu”, trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương là đơn vị anh hùng LLVT. Lịch sử vẻ vang đó đã được thế hệ hôm nay tiếp nối để xây dựng Cảnh Dương trù phú, giàu đẹp.

 

Từ làng chiến đấu kiểu mẫu

 

“Có ai về Cảnh Dương/Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/Truyền thống đánh giặc, giữ làng mãi mãi còn đây…”. Những câu hát quen thuộc trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi!” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã khắc họa được truyền thống vẻ vang của làng Cảnh Dương xưa.  

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với vị trí chiến lược quan trọng, Cảnh Dương trở thành mũi tấn công của Pháp nhằm ngăn chặn chi viện của quân và dân ta. Năm 1947, thực dân Pháp nổ súng chiếm nhiều nơi ở Quảng Bình.

 

Cảnh Dương đang được xây dựng thành làng văn hóa du lịch.

 

Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Cảnh Dương đã dốc hết tài sản, sức người cho cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Hàng nghìn người đã lên rừng đốn gỗ, dỡ những công trình công cộng để lấy cột kèo, đòn tay rào làng chiến đấu.

 

Cùng với tinh thần chiến đấu quả cảm của nhân dân, nét đặc trưng của làng chiến đấu này là những “pháo đài bằng san hô”. Ở Cảnh Dương, hầu như nhà nào cũng có tường bằng san hô. Khi chiến sự xảy ra, lực lượng du kích đã quần nhau với địch trong những ngõ nhỏ, hai bên là tường đá san hô, khiến giặc Pháp như lạc vào cạm bẫy và hậm hực rút lui khi đã thiệt hại nặng.

 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cảnh Dương đã chiến đấu chống lại 120 trận càn quét lớn nhỏ của địch, làm thất bại âm mưu biến Cảnh Dương thành bàn đạp thôn tính cả vùng Roòn để tiến ra Nghệ Tĩnh của thực dân Pháp.

 

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng chiến đấu Cảnh Dương một lần nữa đã huy động sức người, sức của vừa phục vụ chiến đấu vừa bảo vệ quê hương. Hơn 300 thanh niên lên đường nhập ngũ, người ở lại tham gia dân quân, vận tải hàng hóa trên biển phục vụ chiến đấu. Họ vừa “tay lưới, tay súng” bám biển sản xuất vừa đánh trả không quân Mỹ.

 

Nhiều chiến công của nhân dân Cảnh Dương đã đi vào sử sách như: năm 1967-1968, đội dân quân trực chiến nữ bắn rơi máy bay phản lực RF-4C và F4H; thành lập “Đội cảm tử” rà phá thủy lôi lấy hàng tiếp viện trong chiến dịch Hồng Kỳ; tham gia chiến dịch VT5 với 12 thuyền và 74 người chở vũ khí chi viện miền Nam…  Với những chiến công xuất sắc đó, năm 1976, Cảnh Dương được phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.

 

…đến làng văn hóa, du lịch thời bình

 

Đến Cảnh Dương những ngày này, dù không phải là ngày lễ nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp những đoàn khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước về tham quan. Sức thu hút của làng biển Cảnh Dương đang ngày càng lớn không chỉ với du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế.

 

Giải thích về điều này, ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho hay: “Cảnh Dương vốn là làng biển, đất sản xuất ít nên bao đời nay, kinh tế đều phụ thuộc vào nghề đánh bắt hải sản. Toàn xã có 730 tàu thuyền, trong đó có 170 tàu đánh bắt vùng biển xa.Năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản đạt 4.000 tấn, doanh thu hơn 379 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi ngư dân đạt trên 6,7 triệu đồng/người/tháng. Cùng với nghề đánh bắt hải sản, từ khi UBND xã phối hợp với Sở Du lịch xây dựng Cảnh Dương thành làng văn hóa du lịch thì diện mạo của xã cũng ngày càng khởi sắc hơn”.

 

Đầu năm 2018, dự án làng bích họa giai đoạn 1 được hoàn thành, biến những con ngõ nhỏ của Cảnh Dương thành các bức tranh khổ lớn sinh động, khắc họa những hình ảnh quen thuộc gắn bó với đời sống của người dân nơi đây. Mặc dù chỉ hoàn thành giai đoạn 1 nhưng những con đường bích họa đã thu hút đông đảo khách tham quan.

 

 

Con đường bích họa ở Cảnh Dương là điểm đến hấp dẫn du khách.

 

Trên những con đường bích họa này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những bức tranh kể về truyền thống anh hùng trong kháng chiến, quá trình phát triển của làng biển Cảnh Dương mà còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ và những bức tường cổ bằng đá san hô, đặc trưng của làng biển này.

 

Sau khi được tham quan những con đường bích họa, du khách sẽ được xem khu sắp đặt mới lạ từ công viên thuyền thúng nằm sát ngay bờ biển. Ông Đồng Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương vui mừng thông báo, từ thành công của những dự án làng bích họa và công viên thuyền thúng, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Cảnh Dương đã đón hơn 13.000 lượt khách đến tham quan. Đây là tín hiệu vui để thời gian tới, xã tiếp tục quyết tâm đầu tư vào ngành du lịch, một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

 

Nhờ du lịch phát triển, người dân Cảnh Dương bao đời nay vốn quen với sóng biển mặn mòi giờ cũng góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, “giữ chân” du khách. Bà Trần Thanh Mai, thôn Đông Cảng, một trong những hộ nông dân kinh doanh homestay cho hay: “Với vẻ đẹp và truyền thống lịch sử của địa phương, hai năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến với Cảnh Dương ngày càng đông.

 

Tuy nhiên, nhiều du khách ở xa khi đến đây có nhu cầu lưu trú qua đêm nhưng không có chỗ ở. Sau khi được địa phương động viên, tôi cùng một số người dân trong làng đã lên vùng Phong Nha, Sơn Trạch học hỏi kinh nghiệm và trở về mở homestay để phục vụ du khách”.

 

Vào những mùa cao điểm như lễ, tết, các phòng nghỉ của bà đều được khách đặt kín. Sau hai năm đầu tư, hiện tại, bà Mai đã thu được vốn và đã có lãi từ việc kinh doanh homestay. Hiện nay, ngoài gia đình bà Mai nhiều hộ trong xã cũng đầu tư để phát triển mô hình này.

 

Đ.Nguyệt

 

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn