Nếu Liên đoàn Bóng đá Anh không nhanh tay giành giật vào phút chót, Declan Rice và Jack Grealish giờ đã khoác áo đội tuyển khác.
Bình luận
Vào một buổi của tháng 5/2015, chính xác là ngày 12, cánh phóng viên đang đợi để có bản danh sách chính thức những cầu thủ Ireland sẽ được gọi cho trận giao hữu gặp Anh và trận vòng loại Euro gặp Scotland. HLVMartin O’Neill của tuyển CH Ireland đang ở phòng bên cạnh nói chuyện khá căng thẳng với ai đó.
Những lời từ chối vào phút cuối
Cái tên đáng chú ý nhất trong bản danh sách sơ bộ xuất hiện cầu thủ chưa đầy 20 tuổi, Jack Grealish. Người trên điện thoại nói chuyện với O’Neill có lẽ cũng là Grealish.
Cuối cùng, Grealish bị gạch ra khỏi danh sách. Anh từ chối khoác áo đội tuyển Ireland.
Một cựu quan chức LĐBĐ Anh đứng đằng sau việc này nhớ lại: “Chúng tôi làm mọi cách để ngăn Grealish chơi các trận đó, nếu không chúng tôi sẽ mất anh ta mãi mãi. Jack (Grealish) quá tài năng để chúng tôi bỏ lỡ anh ta”. Trước đó, Grealish khoác áo CH Ireland từ đội U15 đến U21.
Declan Rice, trụ cột hiện tại ở tuyến giữa đội tuyển Anh, cũng là thành quả của việc LĐBĐ Anh giật cầu thủ này khỏi vòng tay của CH Ireland. Rice thậm chí thi đấu cho ĐTQG Ireland 3 trận trước khi chuyển sang màu áo đội Anh. Dù vậy, rất may khi đó là các trận giao hữu nên được phép chuyển, theo luật FIFA.
Gọi là “may”, tuy nhiên các cầu thủ, người đại diện, người của LBĐB cũng biết luật để cân nhắc. Rice khoác áo Ireland chơi các trận giao hữu với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Mỹ trong khoảng thời gian từ 23/3/2018 đến 2/6/2018.
Nhưng đến khi LĐBĐ Ireland gọi tiền vệ này đá các trận thuộc UEFA Nations League vào ngày 6 và 11/9/2018, Rice trả lời “hãy từ từ để tôi suy nghĩ đã”. Nếu vào sân dù chỉ 1 phút ở 1 trong 2 trận đấu vào tháng 9/2018, Rice vĩnh viễn chỉ được khoác áo CH Ireland.
Cũng như Grealish, trước đó Rice khoác áo các đội tuyển trẻ Ireland. Khi lần đầu tiên thi đấu cho ĐTQG Ireland ở trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ, Rice nói đó là khoảnh khắc tự hào nhất trong đời cầu thủ.
Khi ấy, HLV tuyển Ireland (Mick McCarthy – PV) nói công khai rằng Rice sẽ trở thành thủ quân tương lai và đội tuyển sẽ được xây dựng xung quanh nhân tố trung tâm là Rice. Nhưng 6 tháng sau, tiền vệ sinh năm 1999 từ chối cơ hội đó.
Kevin Kilbane, người có 110 lần khoác áo tuyển Ireland, khi đó chỉ trích Rice trên mạng xã hội: “Đội tuyển thà ở hạng 150 thế giới và không bao giờ được dự giải lớn còn hơn là có cầu thủ đã khoác áo rồi, lại còn cần thời gian để suy nghĩ lại”.
Jack Grealish đang chơi tốt tại Euro 2020. Ảnh: Reuters. |
Giành người qua kênh phi chính thức
Grealish được giành lại dưới thời HLV Roy Hodgson, còn Rice dưới thời Gareth Southgate. LĐBĐ Anh không sử dụng kênh ngoại giao chính thức để đòi người, họ có một nhóm chuyên trách làm việc này.
Việc của nhóm là liên lạc với cầu thủ, tiếp cận với gia đình, người đại diện của họ, nói rằng cánh cửa vào đội tuyển Anh luôn mở rộng. Tất cả đều biết khoác áo tuyển Anh danh giá hơn, có cơ hội dự giải lớn và giành cúp. Chưa hết, đó chắc chắn là giá trị trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ cao hơn.
Grealish được bố trí cho gặp ông Hodgson ở sân Villa Park. Do gặp chấn thương, anh xem các đồng đội thi đấu trên khán đài. Sau khi trận đấu kết thúc, Grealish được dẫn vào gặp Hodgson ở khu riêng.
Khi Grealish gặp HLV O’Neill của tuyển CH Ireland, anh đi với cha và người đại diện. Hodgson chỉ muốn gặp riêng Grealish vì không có cuộc thương lượng nào ở đây cần đến người đại diện.
Đó chỉ một cuộc nói chuyện tình cảm. Hodgson cho biết ông không thể đảm bảo một vị trí trong đội hình cho Grealish, cũng như tất cả cầu thủ khác. Đó là sự công bằng, và Jack (Grealish) sẽ đứng vào đội tuyển nếu chơi tốt.
Rice thì nói chuyện điện thoại với Southgate trước khi quyết định. Khi từ bỏ CH Ireland, anh và gia đình nhận nhiều đe dọa tính mạng từ trên mạng Internet.
Grealish sinh ra ở Anh, với cha mẹ cũng sinh ra ở Anh. Giọng nói của anh đặc sệt Birmingham và gia nhập hệ thống đào tạo của Aston Villa khi 6 tuổi. Dù vậy, ông bà ngoại và bà nội của anh sinh ra ở Ireland.
Rice sinh ra ở Tây Nam London, cũng có ông bà người Ireland. Anh gia nhập học viện bóng đá Chelsea năm 7 tuổi, chơi rất thân với Mason Mount từ lúc đó. 15 tuổi, Rice chuyển sang đội trẻ West Ham. Như vậy, Rice và Grealish có nhiều lý do khoác áo tuyển Anh hơn là Ireland.
Declan Rice suýt khoác áo tuyển CH Ireland. Ảnh: Reuters. |
Chiến thuật giành người của Ireland
Ireland ở thế yếu hơn Anh về mọi mặt nhân tài, tiền bạc nên họ có chiến thuật là tiếp cận với các cầu thủ trẻ có gốc gác Ireland rất sớm, tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi thố trong các đội tuyển trẻ. Nếu Rice và Grealish gật đầu với Ireland, thì họ được mời tới ngay. Còn muốn vào các đội “U” của Anh, họ phải cạnh tranh với hàng trăm đứa trẻ khác.
Roy Keane, huyền thoại của Manchester United, đeo bám Grealish rất kỹ trong thời gian ông vừa làm trợ lý của HLV Paul Lambert của Aston Villa cũng như làm trợ lý cho O’Neill ở CH Ireland. Keane tranh thủ cơ hội “dụ dỗ” Grealish.
Nhưng khi Grealish đứng trước ngã ba đường, tức là có quyết định nhận lời O’Neill hay không, thì HLV Aston Villa lúc này là Tim Sherwood, cựu tuyển thủ Anh. Grealish đến hỏi ý kiến từ Sherwood và được khuyên nên đá cho đội Anh.
Ireland không có một giải VĐQG mạnh, nên trước đây, họ không có ĐTQG “đáng gờm”. Từ giữa thập niên 1980, khi Jack Charlton làm HLV tuyển CH Ireland, đội bóng này mới thực thi chính sách đi tìm các cầu thủ tại các CLB Anh. Nhiều cầu thủ khoác áo ĐTQG của CH Ireland được đào tạo tại các đội bóng ở xứ sở sương mù.
Jack Charlton là thành viên đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966. Đích thân ông đi vận động các cầu thủ. Một lần Charlton đến CLB Oxford United thuyết phục tiền đạo John Aldridge vốn sinh ra ở Liverpool. Ông phát hiện ra cha của Ray Houghton sinh ra ở Ireland. Thế là ông bốc cả hai về đội mình. Hai cầu thủ này sau thi đấu cho Liverpool.
‘Chất Ireland’ ở đâu?
Houghton ghi bàn duy nhất giúp CH Ireland hạ Anh ở trận mở màn Euro 1988, nhưng ông vẫn cảm thấy mình “rất ít chất Ireland”. Một cầu thủ khác là Andy Townsend vào năm 1988 còn hò hét cổ vũ cho đội Anh. Nhưng 2 năm sau, ông khoác áo CH Ireland thi đấu với “Tam sư” tại World Cup 1990, trận đấu hòa 1-1.
“Tôi còn nhớ Townsend, Tony Cascarino và nhiều người Anh khác trong đội tuyển Ireland, họ còn nói tiếng London chuẩn hơn tôi”, Sherwood nói.
Kilbane, sinh ra ở Preston, nhưng ông không bao giờ xem mình như người Anh. Cựu cầu thủ chạy cánh trái này từ chối lời mời của đội U18 Anh, khoác áo Ireland là quê gốc của cha mẹ ông.
Matt Holland sinh ra ở quận Bury thuộc Manchester. Ông khoác áo Ireland vì bà ngoại anh có quê Ireland.
Một lần, Holland cùng CLB Ipswich đến sân Wembley đấu trận play-off tranh thăng hạng Premier League. Khi cử quốc ca Anh trước trận đấu, Holland là người hát bài “God Save the Queen” to nhất trong các cầu thủ, trong sự ngạc nhiên quá đỗi của những người Ireland.
Nguồn: News.zing.vn