Những đứa trẻ sinh ra từ cằn cỗi núi đá, nhưng lại nhuộm thêm sức sống cho đá. Nay các em ngoài việc đồng áng đã biết làm du lịch thêm rồi, nhưng may sao vẫn giữ được sự bẽn lẽn, đơn thuần như vòng hoa đan chưa chặt nắm hờ trong tay…
Năm cuối đại học, thay vì tìm dần công việc để ổn định sau khi ra trường, tôi lại chọn nghỉ ở nhà, làm một vài công việc freelance và đi du lịch. Cũng có thể nói tôi là kiểu thanh niên đại diện cho thành phần “lười biếng” của giới trẻ lúc bấy giờ, thôi thì cũng vậy, mình vẫn đủ ăn đủ tiêu là được, dư giả vài đồng thì siêng đi cho biết nhiều điều, căn bản khi đó tôi vẫn còn nặng lòng với nhiều nơi ở Việt Nam.
Đó là tháng 11 năm 2017, tôi có chuyến đi đầu tiên về miền Đông Bắc, cụ tỉ ở huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đợt đó tôi tham gia đoàn từ thiện, thăm các em nhỏ ở Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Sà Phìn. Một khu trường mà dạy chung cho cả cấp 1 và cấp 2, thậm chí còn trong cùng một lớp. Cũng không có nhiều từ ngữ để nói về những khó khăn của các em, tôi nhớ hơn những nỗ lực mà chính các thầy cô và học trò ở nơi đây đã bỏ ra để rong ruổi theo các con chữ. Chà, các em còn hồn nhiên và nhút nhát lắm, phải mất một thời gian mới có thể thoải mái nhận những chiếc áo khoác, quyển vở từ chúng tôi, nhưng ấy vậy khi ra về, lũ trẻ lại bịn rịn chẳng rời, thằng cu Sùng lúc ý ôm chặt lấy vai tôi thút thít…
Con đường lên Hà Giang dù đã được đổ bê tông, nhưng vẫn ngoằn ngoèo và lắm đoạn chếnh choáng.
Những thước phim về Hà Giang một trời gió rét và hoa tam giác mạch hồng rực đã cất sâu trong tâm trí, cho đến gần đây khi tôi tình cờ nhìn thấy bộ ảnh về “vườn trẻ” Hà Giang của bạn Hoàng Anh – một cô gái đến từ Đà Nẵng cũng nặng lòng với cao nguyên đá này. Không hiểu sao chẳng chần chừ lấy một giây, tôi bấm ngay vào phần trò chuyện với Hoàng Anh, dù lúc đó đã là 11 giờ hơn.
Hoàng Anh – cô bạn hành nghề nhiếp ảnh gia tự do mà tôi mới quen sau một đêm trò chuyện vu vơ.
Chuyến đi Hà Giang của Hoàng Anh là vào hồi tháng 4 năm 2019, cũng tại huyện Đồng Văn và là chặng đường mà cô đã ấp ủ từ lâu cùng nhóm bạn. Cô cũng là một người chụp ảnh film, nhưng không phải tay chuyên nghiệp. Nhưng cái hay của nhiếp ảnh là ở chỗ đó: Không cần người cầm máy phải là bậc thầy mới có thể kể những câu chuyện, quan trọng là ở cảm xúc. Và cảm xúc thì Hoàng Anh có thừa.
Ta nói nhiều về vẻ đẹp hoang dã đầy thơ mộng của Hà Giang: những ngôi nhà trình tường vách đất, những hàng rào đá được che phủ bởi thảm hồng đào bung, sắc hoa mận trắng, những cung đường hun hút, ngoằn ngoèo đầy gió lộng… Ngồi sau xe máy, chân ghì yên xuống thật chặt, mắt thì mải mê ngắm nhìn và tay bấm chụp lia lịa. Lên xuống mấy quả đồi, là cũng ngần nấy cuộn film được tháo ra, lắp vào. Hoàng Anh kể với tôi là chuyến này cô dùng máy Fujifilm – một dạng máy cơ điện tử để chụp, nhưng nước ảnh ra vẫn khá giống với máy film cổ điển. Cũng không nói đến nhiều chất liệu hay máy móc, vì trước những em bé Hà Giang, có nhiều điều mà cô vấn vương hơn cả.
“Thật ra mình thích trẻ con nên lên Hà Giang để chụp lại ảnh bọn trẻ. Tiện thể cho bọn nhỏ ít bánh kẹo vậy á. Chẳng có gì to tát, nhưng mà thương nên thế á”, Hoàng Anh bộc bạch.
Vùng cao nguyên Hà Giang xa xôi này đâu chỉ hấp dẫn Hoàng Anh bởi cảnh sắc hoang sơ hữu tình, mà điều khiến cô không khỏi lưu luyến khi rời xa đây chính là hồn trẻ trên núi cao.
Nét mê hoặc khách thập phương chính là gương mặt hồn nhiên đến ngơ ngác, cái vẻ nhem nhuốc đến tội nghiệp mà rất đỗi đáng yêu của các em nhỏ.
Mùa đông năm 2017 gió rét đã về miền Bắc Việt Nam, đoàn chúng tôi lên từ thiện ở trường Sà Phìn mà áo trong áo ngoài vẫn còn rét, ấy vậy mà lũ trẻ chân vẫn đi đất, quần ngắn, áo thì hầu như chỉ mặc một cái, vài em mới khoác thêm áo khoác mỏng. Lũ trẻ khi ấy thiếu thốn nhiều lắm, tôi chỉ nhớ vậy, nhớ đến cơn gió buốt còn sộc vào trong tâm trí. Sau giờ đi học ở trường, các em ra đồng áng phụ việc cho bố mẹ. Tôi theo cu Sùng về nhà em, thằng nhóc bé tý mà thoăn thoắt chạy ra đồng, khi ấy mẹ em đang giặt váy hoa còn người bố thì lưng trần dội nước tắm cho em trai em, lũ nhóc miệng cười toe toét thích thú.
Hành trình đến với con chữ của các bé chẳng dễ dàng, nhưng tôi vẫn thấy các em nỗ lực, các em tin vào những điều xa xăm rằng đi học có thể “đổi đời”, được gặp bạn bè, được làm y tá, bác sĩ, được cứu giúp mọi người… Những mong mỏng loé lên trong ánh mắt hồn nhiên đến lạ.
Chiếc khăn quàng đỏ mà hai em gái đeo “vội” vào để khoe với Hoàng Anh về việc đi học, về việc các em yêu lắm được đi học như thế nào.
Tôi đã nghĩ cuộc sống của lũ trẻ khi ấy như một bức tranh – một bức tranh màu xám hồng của nẻo cao Đông Bắc, có những núi đá cằn cỗi, những cánh đồng hoa trắng tinh, những nụ cười bẽn lẽn trên khuôn mặt nhá nhem. Nghĩ đến mà thấy chạnh lòng: Sao các em còn vất vả quá? Sao các em còn hồn nhiên quá? Mà không một bé nào vì khó khăn của gia đình mà buồn rầu, ủ rũ. Và chúng luôn tươi cười, hồn nhiên, vui chơi trên những con đường nhỏ của bản làng, bên những cánh đồng ruộng bậc thang đủ màu sắc trong nắng vàng nhẹ của buổi chiều đông. Chúng không biết đến iPhone, iPad, cũng không cần đến những thiết bị hiện đại này để ăn, để chịu đi ngủ như tụi trẻ dưới xuôi. Chúng vẫn lớn lên, hồn nhiên và yêu đời.
Mùa hè năm 2019, trên Hà Giang nắng sưởi vàng cả con đèo, Hoàng Anh cùng nhóm bạn phóng xe máy từ trung tâm thành phố lên Đồng Văn, đi qua không đếm xuể biết bao ngọn núi, buôn làng. Vùng Đồng Văn này còn vắng khách du lịch, nên lũ trẻ vẫn rất nhút nhát và đơn thuần. Dẫu có thế, chỉ cần nhìn thấy người lạ từ xa là bọn trẻ đã giơ tay lên để vẫy “Hello” hay “Xin chào”, chúng chẳng làm thế để được nhận quà hay cho kẹo, chỉ đơn giản là các em muốn thế. Hoàng Anh kể: “Bọn nhóc còn lạ lẫm với tiếng người Kinh, chỉ có những em được đi học thì mới nói chuyện được”. Nhưng khi cô giơ máy lên hỏi: “Cho chị chụp hình cái nhé”, thì chúng cười toe toét tạo dáng, có bé ngượng nghịu nhưng vẫn nhiệt tình hợp tác. Và như thế, bộ ảnh “Đi hết Hà Giang để gom về cả vườn trẻ” ra đời.
Hai năm trước, những em bé Hà Giang của tôi mắt trong mà sâu vời vợi, tóc cháy vàng, nước mũi chảy ròng ròng, ăn mặc phong phanh trong cái rét cứa da cứa thịt. Bố mẹ bận lên nương rẫy nên bọn trẻ tự chăm nhau. Đứa lớn chừng 8 – 9 tuổi thì đi hái đót làm chổi về bán, cũng có đứa vừa trông em vừa giặt đồ trên suối, bàn tay tím ngắt vì làn nước buốt lạnh. Đứa nhỏ hơn chỉ biết quanh quẩn bên chị hoặc nghịch đất quanh nhà.
Hai năm sau (2019), lũ trẻ của Hoàng Anh áo sống còn phong phanh nhưng đã biết đi dép, biết đan thêm vòng hoa để bán cho khách du lịch, hoặc là đội lên đầu tạo dáng chụp ảnh. Dẫu có cơ cực và bần thần, nhưng trên gương mặt của các em vẫn toát lên vẻ thánh thiện. Đúng, tôi phải dùng từ “thánh thiện” khi nhìn vào những bức ảnh này. Tất thảy sự sợ sệt và nhút nhát, cũng nhoè mờ sau nụ cười tít mắt của các em với hai má ửng hồng. Các em bé Hà Giang, các em tôi…
Hoàng Anh và tôi trò chuyện suốt hơn một tiếng đồng hồ, về những chuyến đi, về lũ trẻ và cả về tương lai xa xăm của các em. Dù chúng tôi chẳng biết nhau, chỉ là kẻ chung chuyến đi và chung lòng. Chỉ mong bọn trẻ dù có ra sao sẽ mãi giữ được vẻ đơn thuần và vô tư này, trước khi có nhiều hơn những “cám dỗ” đến với Đồng Văn, đến với Hà Giang. Thôi xa xăm cũng chỉ biết đến vậy, còn hồn nhiên và trong trẻo mãi vẫn như sương như hoa trong lòng các em.
Một dịp đi hết Hà Giang để gom về cả vườn trẻ, gom về cả yêu thương…
Nguồn: KENH14.VN