Đà Lạt ‘hot’ dai dẳng mỗi dịp Tết

0
Đà Lạt ‘hot’ dai dẳng mỗi dịp Tết

Tết Nguyên đán 2025, Đà Lạt chứng kiến lượt tìm kiếm đáng kinh ngạc từ khách nội địa, giữ vững xu hướng nhiều năm liền. Song, thành phố này vẫn cần bước tiến toàn diện, theo chuyên gia.

Tết Ất Tỵ, Đà Lạt tiếp tục là điểm đến được nhiều du khách Việt để mắt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Lượt tìm kiếm nơi lưu trú tại Đà Lạt với ngày nhận phòng 24/1-9/2 tăng đến 300% so với cùng kỳ, theo dữ liệu từ Booking.com. Con số này giúp thành phố ngàn hoa “vượt mặt” các điểm du lịch hàng đầu như Nha Trang, Phú Quốc hay Đà Nẵng để trở thành điểm đến nội địa được quan tâm nhất vào cao điểm Tết Nguyên đán năm nay.

Nền tảng du lịch số Agoda cũng cho kết quả tương tự với tỷ lệ tăng 167% lượng khách quốc tế tìm kiếm phòng tại Đà Lạt trong giai đoạn 25/1-2/2.

Trong khi đó, một số công ty lữ hành cũng ghi nhận tour Đà Lạt nhanh chóng “cháy vé”. Theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt, hiện tour Đà Lạt của công ty có tỷ lệ lấp đầy khoảng 75%, dự kiến tăng mạnh khi cận Tết. Số đoàn đi tour TP.HCM – Đà Lạt bằng xe chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng tour.

Lữ hành Vietluxtour cũng sôi động tour Đà Lạt từ cuối tháng 12/2024. Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị – Truyền thông Vietluxtour, cho biết: “Tết sắp tới, Đà Lạt tiếp tục giữ vị trí cao trong danh sách điểm đến yêu thích của khách nội địa, đặc biệt là khách ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ”.

Tết nào cũng ‘hot’

2022, năm mở cửa du lịch trở lại từ sau Covid-19, Đà Lạt là nơi đón đông đảo du khách với nhu cầu “chữa lành”, du lịch “trả thù” hậu đại dịch.

Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, dịp Tết Nhâm Dần (từ 29 tháng Chạp đến mùng 6 Tết), Đà Lạt đón khoảng 166.000 lượt khách (khách lưu trú đạt 105.000 lượt), tăng 129,3% so với cùng kỳ 2021. Khách quốc tế đạt khoảng 2.000 lượt.

Năm 2023, Đà Lạt trở thành điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam dịp Tết Quý Mão. Lượng khách đạt khoảng 180.000 lượt (khách lưu trú ước đạt 120.000 lượt), tính từ 29 tháng Chạp đến mùng 7 Tết. Trong đó, khách quốc tế vọt lên 10.000 lượt.

Năm 2024, Đà Lạt tiếp tục đứng đầu top 10 điểm đến nội địa được khách Việt yêu thích dịp Tết Giáp Thìn. Từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, Đà Lạt đón khoảng 238.000 lượt khách (khách lưu trú đạt 178.500 lượt), tăng 61,9% so với cùng kỳ 2023. Khách quốc tế đạt khoảng 18.000 lượt.

Tết Ất Tỵ năm 2025, Đà Lạt tiếp tục thống trị 10 điểm đến trong nước được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất tính từ 24/1 đến 9/2, theo các nền tảng du lịch trực tuyến (OTA).

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ từ Du lịch Việt cho rằng sức hút của Đà Lạt vào mùa cao điểm đầu năm đến từ nhiều yếu tố.

  • Thứ nhất, nhiệt độ ở nhiều khu vực thường tăng cao vào đầu năm, điều này khiến Đà Lạt trở thành điểm đến lý tưởng để tận hưởng khí hậu mát mẻ, thời tiết ít mưa. Đây cũng là lợi thế so sánh của Đà Lạt.
  • Thứ hai, Đà Lạt sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp với rừng thông, hồ nước và thác nước, phù hợp với du khách tìm kiếm sự yên tĩnh.
  • Thứ ba, những tháng đầu năm, nhiều loài hoa nở rộ như mai anh đào, phượng tím/trắng… Trong đó, mai anh đào là điểm thu hút chính của Đà Lạt.
  • Thứ tư, vào mùa cao điểm đầu năm, Đà Lạt sôi động hơn với không khí lễ hội và sự kiện văn hóa. Thời điểm này cũng có nhiều hoạt động ngoài trời như săn mây, săn sương, đi bộ, đạp xe…
  • Thứ năm, vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực trung tâm nên lý tưởng cho kỳ nghỉ 2-4 ngày. Dễ di chuyển bằng đường bộ.
  • Cuối cùng, nhiều đường bay kết nối với sân bay Liên Khương, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tăng khả năng tiếp cận nguồn khách.

Bước tiếp theo của Đà Lạt

Đà Lạt hút khách nội địa vì duy trì được bản sắc riêng với không gian yên tĩnh, khí hậu dễ chịu và trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, trên thực tế, thành phố này chưa “tô đậm” được thế mạnh sẵn có, dẫn đến việc du khách không nán lại dài ngày.

Theo thạc sĩ Dương Ngọc Lang, trưởng khoa Du lịch, trường Đại học Yersin (Đà Lạt), sự vắng bóng của sản phẩm du lịch cao cấphoạt động kinh tế đêm là 2 thiếu sót cần khắc phục.

“Đà Lạt chưa có sự đa dạng rõ rệt về phân khúc dịch vụ, điều này hạn chế khả năng hút dòng khách chịu chi. Mặt khác, nhiều sản phẩm du lịch hiện còn trùng lặp. Thay vì chạy theo số đông, thành phố có thể giữ vững sức hấp dẫn bằng cách phát triển sản phẩm du lịch dựa trên giá trị thiên nhiên và văn hóa”, thạc sĩ này chia sẻ với Tri Thức – Znews.

Ngoài khu mua sắm hay hàng quán quy mô lớn, Đà Lạt cần xây khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness), mang đến trải nghiệm thư giãn bằng cách lồng ghép các sản phẩm trị liệu như yoga, thiền, spa… Hơn bất cứ địa phương nào, Đà Lạt thừa lợi thế để khai thác loại hình này.

Việc thiếu “8 giờ vàng” (22-6h) cũng là lý do du khách trở về khách sạn sớm, dù kinh tế đêm có thể mang lại nguồn thu dồi dào. Ở chợ đêm Đà Lạt (phường 1), gian hàng rục rịch đóng cửa lúc 22h, các tuyến phố đi bộ (Hòa Bình, Trần Quốc Toản) chỉ hoạt động 18-22h, hệ thống chiếu sáng tại quảng trường Lâm Viên (phường 1) cũng tắt vào khoảng 22-23h.

“Làm phong phú hoạt động của chợ đêm, tổ chức lễ hội ẩm thực hay mở quán cà phê tối là cách giúp du khách kéo dài thời gian lưu trú và nâng sức hấp dẫn của Đà Lạt như một điểm du lịch toàn diện”, thạc sĩ Ngọc Lang bày tỏ.

Vị thạc sĩ nhận định thêm Đà Lạt cần nhiều hơn những sự kiện âm nhạc để trở thành “thỏi nam châm” hút nhiều dòng khách. Tháng 12/2023, Đà Lạt được công nhận là “Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO”, mở ra cơ hội để tổ chức sự kiện âm nhạc tầm cỡ.

Sự kiện ban nhạc Boney M cùng nhiều nghệ sĩ biểu diễn tại Đà Lạt vào tháng 12/2024 là minh chứng rõ nét cho sức hút của sự kiện âm nhạc tại địa phương khi khán đài hơn 15.000 ghế kín chỗ. Trước đó, các chương trình âm nhạc tại Mây Lang Thang, Lululola cũng thu hút không ít du khách.

Ở phía mình, thạc sĩ Phạm Đức Thiện, giảng viên khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, lại cho rằng việc quản lý chặt chẽ du lịch là điều quan trọng không kém, nhằm tránh tình trạng quá tải vào mùa cao điểm, nhất là kỳ nghỉ dài như Tết Nguyên đán. Đồng thời giữ gìn trật tự đô thị và cảnh quan. Một số cơ sở lưu trú, nhà hàng cũng nên nâng cao chất lượng dịch vụ và bình ổn giá.

“Dù lượng khách đáng mừng, Đà Lạt vẫn còn tồn đọng vài điểm cần cải thiện, cả ngắn hạn (trong và sau Tết Nguyên đán) lẫn dài hạn để tạo dựng thương hiệu du lịch chuyên nghiệp”, thạc sĩ này nói.

Cân bằng khách quốc tế

Số liệu từ UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho thấy khách quốc tế đến Đà Lạt tính từ năm 2022 đến tháng 9/2024 đạt khoảng 888.000 lượt, chỉ chiếm 4,5% so với khách nội địa. Con số này bị bỏ xa nếu so sánh với Hội An (khoảng 6,3 triệu lượt khách), Phú Quốc (khoảng 1,4 triệu lượt khách) hay Đà Nẵng (5,6 triệu lượt khách) trong cùng kỳ.

Lý giải về vấn đề này, thạc sĩ Ngọc Lang cho rằng việc thiếu đường bay trực tiếp đến các quốc gia tiềm năng (Hàn Quốc, Nhật Bản…) và sản phẩm du lịch văn hóa ngăn cản khách quốc tế đến Đà Lạt.

Để khắc phục, Đà Lạt cần mở rộng kết nối sân bay Liên Khương và cải thiện dịch vụ vận chuyển nội địa để tối ưu hóa di chuyển. Đồng thời bổ sung tour du lịch văn hóa, lịch sử và nghệ thuật để tăng sức cạnh tranh với các điểm đến khác.

“Các chiến dịch tiếp thị quốc tế, sự hợp tác của Đà Lạt với công ty lữ hành cũng còn hạn chế. Việc nên làm là tích cực tham gia hội chợ du lịch quốc tế, sử dụng nền tảng trực tuyến để quảng bá hình ảnh thành phố”, vị thạc sĩ nêu quan điểm.

Nhìn xa hơn, thạc sĩ Đức Thiện nhận định Đà Lạt cần cân bằng giữa khách quốc tế và nội địa để nguồn thu không phụ thuộc. Dù tổng khách tăng đều, song doanh thu của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung vẫn chưa nằm ở vị trí cao, do khuyết dòng chi từ khách quốc tế. Việc hút song song 2 thị trường cũng tạo việc làm cho người dân, đóng góp nội lẫn ngoại tệ vào kinh tế địa phương.

Bà Bảo Thu từ Vietluxtour cho biết thêm khách Hàn Quốc là thị trường đang lên của Đà Lạt. Khi nhắc đến Đà Lạt, dòng khách này thường nghĩ đến Lang Biang, làng Cù Lần và chợ đêm vì xuất hiện nhiều trong chương trình truyền hình Hàn Quốc. Ngoài ra, thức ăn hợp khẩu vị, thời tiết mát mẻ và địa hình núi đồi cũng khá giống với quê hương họ.

Nguồn: Znews.vn