Theo tác giả Debora Mackenzie, đại dịch Covid-19 đáng lẽ không xảy ra hoặc ít nhất có thể ngăn chặn được khi chúng bắt đầu manh nha hình thành.
Trong cuốn Covid-19: Đại dịch đáng lẽ không bao giờ xảy ra và làm cách nào để ngăn chặn đại dịch kế tiếp, bằng kiến thức bách khoa về dịch bệnh và mạng lưới tổ chức phòng chống dịch bệnh ở các quốc gia và quốc tế, tác giả Debora Mackenzie đã tổng kết các vấn đề cốt lõi của đại dịch.
Bên cạnh đó, bà phân tích những chiến lược mà lẽ ra chính phủ các nước phải thực hiện, đồng thời, đưa ra một số giải pháp cho các đại dịch của thế giới trong tương lai.
Sách Covid-19: Đại dịch đáng lẽ không bao giờ xảy ra và làm cách nào để ngăn chặn đại dịch kế tiếp do NXB Thế giới và Nhã Nam phát hành. Ảnh: M.C. |
Nguyên nhân khiến Covid-19 không được ngăn chặn ngay từ đầu
Trong cuốn sách, Debora Mackenzie đưa ra phỏng đoán của mình về nguồn gốc của Covid-19.
Bà cho rằng vào năm 2013, hai phòng thí nghiệm ở Trung Quốc và Mỹ đã nghiên cứu một nhóm virus từ dơi. Một phòng thí nghiệm đã gọi nó là “tiền đại dịch” và là “mối đe dọa xuất hiện trong tương lai loài người”. Còn phòng thí nghiệm kia thì viết rằng chúng “vẫn là một mối đe dọa đáng kể ở tầm mức toàn cầu”.
Debora Mackenzie cũng thông tin những gì đã xảy ra ở Trung Quốc trong những tuần đầu bùng phát dịch bệnh và cả những cảnh báo của WHO, đồng thời bác bỏ nhiều tin đồn và thuyết âm mưu xung quanh virus.
Debora Mackenzie cho biết điều duy nhất thực sự gây ngạc nhiên đó là ban đầu, nhiều nơi không nghe theo những cảnh báo khi Covid-19 tấn công.
Bên cạnh đó, “xét ở tầm mức cả một hành tinh, chúng ta không có năng lực tập hợp những hiểu biết khoa học đáng kể về bệnh tật của mình đúng lúc để giảm lực cú đánh mà không cần quan tâm đến việc ngăn chặn nó ngay từ đầu”.
Bà cũng cho rằng chúng ta thất bại bởi chính năng lực trong việc chung tay hành động.
Tác giả Debora Mackenzie. Nguồn: reddit. |
Những bài học cho tương lai
Để chấm dứt đại dịch này cũng như ngăn chặn các đại dịch tiếp theo (hiện có quá nhiều lại khuẩn có tiềm năng gây đại dịch), Debora Mackenzie đã đưa ra những bài học cho tương lai.
Bài học đầu tiên là chúng ta cần có một hệ thống có thẩm quyền ở cấp cao để tập hợp các cơ quan quốc tế cùng chung tay phòng chống bệnh tật; mọi quốc gia đều có thể cùng nhau làm việc ngay từ đầu.
Bài học thứ hai là cải thiện hệ thống theo dõi và ứng phó, trước hết là tăng cường giám sát các căn bệnh mới xuất hiện, tiếp đó là đầu tư vào thuốc điều trị, vaccine, các công cụ chẩn đoán cho mối đe dọa mà chúng ta đã biết.
Bài học thứ ba là bố trí nguồn cung cấp các biện pháp chữa trị hiện có như trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên chăm sóc sức khỏe. Tiếp theo là phát triển các loại thuốc điều trị, vaccine hay các công cụ chẩn đoán mới. Những việc này nên để cho chính phủ làm (tránh thị trường lấn át lợi ích công cộng, chạy theo lợi nhuận).
Bài học thứ tư là cần cho dơi nhiều không gian. Virus Covid-19 được cho là đến từ dơi và rất nhiều virus khác cũng như vậy. Nhưng hệ sinh thái vẫn phụ thuộc vào chúng.
Tiếp theo là cần cố gắng dọn sạch các chợ động vật tươi sống, thịt rừng và chợ động vật hoang dã. Hoặc có thể tìm ra những cách thức cung cấp mặt hàng này một cách an toàn.
Bên cạnh đó cũng nên giám sát các phòng thí nghiệm cho thật chặt chẽ, minh bạch và ở tầm mức quốc tế cao hơn.
Bài học thứ năm là cần có cách thức chế tạo vaccine cúm cho mọi người nhanh chóng hơn. Và nếu có thể, chúng ta cũng cần một loại virus phổ thông.
Bài học thứ sáu là cần yêu cầu các chính phủ phải có trách nhiệm với những gì họ hứa hẹn để thực hiện tất cả điều này.
Bài học thứ bảy: Một trận đại dịch tồi tệ hơn có thể xảy ra và nó có thể gây ra sự sụp đổ khắp các hệ thống toàn cầu. Vì vậy, chúng ta ít nhiều cần phải hiểu biết về cách vận hành của hệ thống toàn cầu, lợi dụng cú sốc do đại dịch gây ra để tăng nguồn dự phòng, đưa tính năng phục hồi vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nền kinh tế và cơ cấu điều hành.
Nguồn: News.zing.vn