Theo luật pháp Trung Quốc, cha mẹ nuôi của đứa trẻ bị bắt cóc có thể bị phạt tù 3 năm. Tuy nhiên, các luật sư nói rằng việc truy tố hiếm khi xảy ra vì những ràng buộc tình cảm.
“Liệu rằng cha mẹ nhận nuôi đứa trẻ bị bắt cóc có nên bị trừng phạt hay không?” là câu hỏi đang được dư luận Trung Quốc quan tâm, sau vụ việc một người đàn ông tên Guo Gangtang đoàn tụ con trai, Guo Xinzhen, hôm 13/7 sau 24 năm chạy xe tìm kiếm.
Theo SCMP, tại Trung Quốc, những kẻ bắt cóc trẻ em thường kết nối với các gia đình có nhu cầu nhận nuôi con cái thông qua người trung gian. Sau đó, người nhận nuôi có thể trả một khoản tiền để “mua” những đứa trẻ bị bắt cóc.
Nhiều người cho rằng những gia đình bỏ tiền để “mua” trẻ em đang tiếp tay cho hành vi tội ác và xứng đáng bị trừng phạt.
Guo Gangtang và con trai Guo Xinzhen trong ngày đoàn tụ. Ảnh: CCTV. |
“Nếu không có người mua thì làm sao có kẻ bắt cóc. Những người mua con không nghĩ đến việc cha mẹ đẻ sẽ chịu đau khổ như thế nào hay sao? Không nên gọi đó là ‘cha mẹ nuôi’, họ không khác gì ‘kẻ buôn người'”, một người viết trên Weibo.
Nhưng bất chấp mong muốn của công chúng, thực tế là những người mua trẻ em bị bắt cóc ở Trung Quốc hiếm khi bị trừng phạt.
Ràng buộc tình cảm
Năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã sửa đổi luật và người mua trẻ bị bắt cóc có thể bị kết án 3 năm tù. Tuy nhiên, Ge Ang, luật sư ở Thượng Hải, cho biết mức án thực tế thường nhẹ hơn nhiều.
Theo ông Ge, mặc dù hàng nghìn trẻ em bị bắt cóc đã được xác định, chỉ có khoảng 30 trường hợp bị khởi tố. 6 trong số các bị cáo đã phải ngồi tù khoảng một năm và các trường hợp còn lại đều được giảm án.
Trong trường hợp của Guo Xinzhen, thanh niên bị bắt cóc khi còn nhỏ và hiện 26 tuổi, anh rất thích gia đình nhận nuôi mình.
Guo nói rằng anh muốn tiếp tục sống với cha mẹ nuôi vì họ đối xử với anh rất tốt. Thêm vào đó, Guo có một công việc ở thị trấn nơi anh sống hơn 20 năm nay.
Giống như cha mẹ nuôi của Guo, những người mua trẻ bị bắt cóc thường chỉ nhận các bé trai vì họ không có con trai đầu lòng nhưng không thể đẻ thêm vì các chính sách kế hoạch hóa gia đình trước đây của Trung Quốc.
Guo Gangtang nổi tiếng với câu chuyện 20 chạy xe máy đi tìm con. Ảnh: Weibo. |
Cha mẹ nuôi của Guo, sống ở một ngôi làng nông thôn ở Lâm Châu, tỉnh Hà Nam, có hai con gái nhưng họ luôn muốn có con trai.
Khi đưa Guo về nhà, hai con gái của họ gần như đã lớn. Gia đình yêu thương cậu con trai duy nhất “như ruột thịt”, dân làng cho biết.
Một người hàng xóm nói: “Cả làng đều biết họ nhận đứa trẻ từ đâu đó, nhưng không ai từng hỏi gia đình về điều này”.
Khi Guo trưởng thành, hai chị gái của anh đã giúp anh mua nhà và xe. Bạn bè và hàng xóm cho biết gia đình muốn “sống bình yên và lên kế hoạch cho tương lai”.
Vì mối quan hệ gắn bó của gia đình nhận nuôi với đứa trẻ bị bắt cóc, cha mẹ ruột thường rơi vào tình huống khó xử sau khi đoàn tụ.
Shen Junliang, người tìm thấy con trai Shen Cong vào năm 2020 sau 15 năm thất lạc, nói với giới truyền thông rằng con trai ông không bao giờ cắt đứt liên lạc với cha mẹ nuôi.
Ông Shen từng muốn đưa gia đình kia vào tù, nhưng sau khi tìm thấy con, ông đã nhượng bộ. Con trai ông không muốn hủy hoại mối quan hệ của mình với gia đình nhận nuôi.
Đối với người đàn ông đã dành nửa cuộc đời chạy xe máy khắp đất nước để tìm kiếm con, Guo Gangtang cho biết vợ chồng ông sẽ “đối xử chân thành với cha mẹ nuôi của con trai như người thân”.
Nguồn: News.zing.vn