Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho rằng khi số hóa các cuốn sách đoạt giải, đơn vị xuất bản và chính bạn đọc được hưởng lợi nhiều nhất.
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của toàn ngành xuất bản mà ở đó, phát hành sách phiên bản điện tử giữ vị trí trọng yếu. Khi một cuốn sách giấy được số hóa, trở thành ebook, audio book hoặc multimedia, người đọc sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận tri thức.
Vừa qua, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư (do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức) đã vinh danh 24 tên sách và bộ sách có giá trị thuộc 5 lĩnh vực khác nhau: Chính trị, kinh tế; Khoa học Xã hội và Nhân văn; Văn học và Nghệ thuật; Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Thiếu nhi.
Nhằm lan tỏa những tác phẩm mang nội dung tư tưởng và tính thẩm mỹ cao đến bạn đọc, nhiều ý kiến đề xuất phát hành phiên bản điện tử của sách đoạt giải, đồng thời cũng nhấn mạnh những lưu ý khi lựa chọn sách để số hóa và tính bản quyền của Luật Xuất bản.
Khu vực trưng bày những tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tạo cơ hội tiếp cận sách cho công chúng
Ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM – là người có nhiều năm làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Ông cho biết việc phát hành các tựa sách đoạt Giải thưởng Sách quốc gia trước hết sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho đơn vị làm sách, kế đến là bạn đọc cả nước.
“Nhiều người không có điều kiện thường xuyên đến thư viện, nhà sách để mua hoặc mượn sách. Nếu có phiên bản điện tử, độc giả đại chúng có thể dễ dàng tiếp cận sách hơn”, ông Lê Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, sách đoạt giải là những ấn phẩm có giá trị chuẩn mực, bao quát mọi lĩnh vực trong đời sống. Chúng trải qua khâu chấm và bình xét rất kỹ về mặt chuyên môn, tư tưởng, học thuật và đáp ứng được nhu cầu của độc giả ở từng lứa tuổi, sở thích khác nhau.
Đặc biệt, những ấn phẩm đó đã được tôn vinh tại giải thưởng uy tín của toàn ngành nên sẽ “giúp độc giả bớt được công đoạn chọn sách để đọc”. Xuất bản điện tử dù ở định dạng ebook, audio book hay multimedia, đều giúp tác phẩm được quảng bá rộng rãi đến công chúng hơn.
Càng số hóa và phát hành ở nhiều định dạng, sách càng được giới thiệu dưới nhiều góc cạnh khác nhau, văn hóa đọc nhờ thế cũng phát triển hơn.
Ông Lê Hoàng
“Càng số hóa và phát hành ở nhiều định dạng, sách càng được giới thiệu dưới nhiều góc cạnh khác nhau, văn hóa đọc nhờ thế cũng phát triển hơn. Đặc biệt, đây là các cuốn sách đã được quảng bá rầm rộ bởi tiếng vang của một giải thưởng uy tín, người đọc sẽ càng có mong muốn được tiếp cận chúng”, ông Lê Hoàng nói thêm.
Cũng có nhiều năm làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng những cuốn sách đoạt giải này sẽ giúp người đọc “sàng lọc, từ đó có định hướng cụ thể trong việc chọn sách tốt để đọc”.
So với nhiều sản phẩm khác, sách còn kén người mua, chỉ sở hữu một phạm vi hẹp người biết đến. Vì thế, cần có nhiều hình thức xuất bản để những công trình ấy nhanh chóng phổ biến hơn.
Tác giả, dịch giả và đại diện đơn vị xuất bản, phát hành nhận giải A của Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư. Ảnh: Việt Linh/ Thạch Thảo. |
Xuất bản điện tử phải đảm bảo tính bản quyền
Theo ông Lê Hoàng, thế giới sách của nhân loại được sắp xếp theo hình tháp. Trên đỉnh tháp là những ấn phẩm chuyên ngành, dành cho giới khoa học, chuyên gia nghiên cứu. Loại sách này chỉ dành cho một số đối tượng bạn đọc nhất định. Còn dưới đáy tháp là các mảng sách phổ thông (văn học, thiếu nhi, kỹ năng…) sở hữu đông đảo độc giả.
“Khi nghĩ đến xuất bản điện tử, chúng ta nên tập trung vào những cuốn sách nằm ở ‘đáy tháp’ vì không phải tất cả sách đoạt Giải thưởng Sách quốc gia mọi người đều có thể đọc được. Có nhiều cuốn rất kén độc giả”, ông Lê Hoàng nêu quan điểm.
Ông Phạm Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – cũng cho rằng việc lan tỏa giá trị các sách đoạt giải có thể thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, phải căn cứ theo nhu cầu người sử dụng để tránh phát hành lãng phí. Nếu số hóa ồ ạt, sẽ dễ dẫn đến vi phạm bản quyền.
Theo ông Hùng, có hai khó khăn khi thực hiện số hóa các phiên bản sách giấy. Một là khó khăn về nguồn lực, bao gồm nguồn nhân lực (trình độ, năng lực của người vận hành, xử lý nguồn tài nguyên được số hóa) và cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin (trang thiết bị phục vụ cho công tác xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo mật thông tin và tổ chức phục vụ, phát huy giá trị của thông tin).
Hai là khó khăn về mặt pháp lý, trong đó quan trọng nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số.
Ngoài ra, cho đến nay, “chưa có các quy định thống nhất về quy trình thu thập và phát triển tài nguyên thông tin số bảo đảm tránh trùng lặp cũng như thống nhất quy định của pháp luật về quyền tác giả”, ông Hùng nhấn mạnh.
Là người làm công tác phát triển văn hóa đọc, đồng thời cũng làm sách và từng có sách đoạt giải, TS Ngọc Minh chia sẻ rằng hành trình để tạo ra một cuốn sách rất khó khăn. Bản thân người cầm bút luôn mong muốn lan tỏa những tác phẩm của mình đến đông đảo công chúng. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền vẫn gây nhức nhối trong giới xuất bản suốt thời gian qua.
“Đôi lúc, tôi muốn tìm mua một cuốn sách nhưng không thấy ở các nhà sách, mà lại vô tình tìm được bản điện tử. Điều này có nghĩa là khi tiến hành số hóa các phiên bản sách giấy, cần lên phương án kỹ thuật để đảm bảo tính bản quyền cho tác giả và đơn vị xuất bản”, TS Ngọc Minh nói thêm.
Nguồn: News.zing.vn