Côn Sơn cổ kính, thanh bình, là di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất nước như Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi.
Côn Sơn thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương không chỉ là một danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam mà còn là nơi hội tụ các giá trị to lớn về nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Địa danh nổi tiếng này còn gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các bậc tiền nhân có công với đất nước như Tể tướng Trần Nguyên Hãn và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm trong khu Côn Sơn, di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, được khánh thành vào tháng 9/2002. Đền được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc liền với núi Kỳ Lân có kiến trúc theo truyền thống trong một khuôn viên đẹp. Con suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền tạo nên khung cảnh trữ tình. Con đường dẫn vào đền chính qua một chiếc cầu đá, nghi môn nội, nghi môn ngoại trước khi đến tam quan, điện thờ. Ngoài ra, còn có hai nhà tả vu, hữu vu, Nhà Bia, Am hoá vàng… Trong tam quan có pho tượng Nguyễn Trãi đúc bằng đồng. Ngôi đền là biểu hiện to lớn lòng biết ơn, sự trân trọng của nhân dân ta đối với người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Phía sau đền thờ Nguyễn Trãi, về bên phải núi Kỳ Lân là nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học xưa. Nay chỉ còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn được gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá “năm gian” (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách. Đứng dưới tán những hàng thông, tùng xanh râm mát, yên ả, ngẩng nhìn mây trắng, nắng vàng trên bầu trời xanh mới thấm hiểu nguyên do tại sao Nguyễn Trãi chọn nơi thanh cao giữa thiên nhiên này để ở ẩn và đã cho ra đời những thi phẩm có giá trị cho muôn đời sau.
Từ đền thờ Nguyễn Trãi sải bước trên con đường nhỏ về phía bên trái sẽ lên tới đền thờ Trần Nguyên Hãn. Ông là đại công thần nhà Lê và là em con cậu ruột của Nguyễn Trãi.
Nằm phía trên cả đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Trần Nguyên Hãn là đền thờ Trần Nguyên Đán, gần thượng nguồn suối Côn Sơn. Tại Côn Sơn, Trần Nguyên Đán cùng vợ đã nuôi dậy cháu ngoại Nguyễn Trãi trưởng thành. Năm 1390, Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của ông, sắc chỉ cho nhân dân lập đền, tạc tượng thờ tại Côn Sơn. Trải qua năm tháng Đền thờ xưa không còn. Năm 2005, tỉnh Hải Dương xây dựng Đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của ông. Trong đền hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo nghi thức truyền thống. Tượng Quan Đại Tư Đồ thần thái uy nghiêm, nhân từ đặt trong đền. Bên cạnh là một bàn cờ tướng khá to.
Các đền thờ: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Trần Nguyên Đán tại Côn Sơn đều rất đẹp và hợp thành một quần thể hòa hợp với quần thể chùa Côn Sơn.
Côn Sơn cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm vào tháng 2/1965. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun (tên gọi khác của chùa Côn Sơn nằm cách đó không xa).
Nằm cách chùa Côn Sơn khoảng 5km là đền Kiếp Bạc – một di tích lịch sử nổi tiếng – là nơi thờ anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – 3 lần đánh thắng quân Nguyên.
Côn Sơn, địa danh vừa quen thuộc vừa thiêng liêng đối với người dân nước Việt. Về với Côn Sơn, du khách không đơn thuần là thăm một danh thắng, vãn cảnh, mà đây thực sự còn là chuyến hành hương về nơi linh thiêng để tri ân, tưởng nhớ đến Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của đất nước và thế giới.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn