Gia đình có 3 thành viên mắc Covid-19, bà K.H. là người duy nhất vượt cửa tử về nhà. Sự ra đi đột ngột của chồng và con trai khiến bà ngày nào cũng khóc, mắc chứng mất ngủ.
Ngày 15/9, bà K.H. (62 tuổi, quận 5) được về nhà sau 1,5 tháng chiến đấu với Covid-19. Cùng vào bệnh viện dã chiến điều trị nhưng chồng và con trai bà không qua khỏi vì có bệnh nền.
Chia sẻ với Zing, chị H.Q., con gái bà H., cho biết: “Ngày nào mẹ cũng khóc vì ba và em trai tôi ra đi đột ngột. Về nhà phải cách ly ở phòng riêng thêm 14 ngày nên mẹ suy nghĩ nhiều, bị mất ngủ và rụng tóc”.
Chị Q. cho hay mẹ chị đau buồn và khóc nhiều nhưng không có biểu hiện bất thường nên gia đình không liên hệ bác sĩ.
Hiện, sau khi xét nghiệm PCR âm tính, bà H. đã hòa nhập lại với gia đình, tâm lý dần ổn định hơn.
Tương tự bà H., nhiều F0 dù đã âm tính với nCoV vẫn mang di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần nghiêm trọng. Lý do là họ từng chứng kiến người thân ra đi hoặc cảnh mất mát bên trong phòng bệnh.
Nhiều F0 khỏi bệnh vẫn mang di chứng sức khỏe trong thời gian dài. |
Cú sốc tinh thần
Anh Lê Xuyên (quận 7) nhớ như in hôm 31/8, 6 thành viên trong gia đình anh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Sang 1/9, cha anh khó thở, được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 13 điều trị.
Ngày 13/9, anh bàng hoàng nhận tin cha không qua khỏi.
“Từ khi ba mất, không khí gia đình tôi buồn lắm, ai cũng thương tiếc cho ba. Mấy ngày đầu, mẹ tôi suy sụp, không chịu ăn, ngủ không được, cứ ngồi thơ thẩn ngoài cửa đợi ba về. Tôi nghĩ mẹ sẽ không vượt qua được”, anh nói với Zing.
Nhờ bác sĩ quen của gia đình kê toa, mẹ anh Xuyên phải uống thuốc an thần mới ngủ được. Sau đó, con cái và hàng xóm an ủi, động viên, bà phần nào nguôi ngoai về tinh thần.
Trong khi đó, trừ anh Xuyên và 2 con nhỏ, di chứng sức khỏe hậu Covid-19 cũng đeo bám vợ anh. Dù đã âm tính vài tuần nay, chị vẫn mệt mỏi, thở dốc mỗi khi đi lên cầu thang. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của chị.
Đau buồn, khóc nhiều, mất ngủ, nhức đầu, rụng tóc… là một số di chứng của F0 khỏi bệnh khi phải đối mặt với nỗi đau mất người thân vì Covid-19. |
Cơn bão Covid-19 quét qua khiến cả 6 người trong gia đình anh D. (30 tuổi, quận 6) nhiễm bệnh. Trong đó, mẹ anh không may qua đời.
Dù đã khỏi bệnh hơn 1 tháng nay, anh D. vẫn bị sốc tinh thần.
Theo lời kể của người thân, anh khóc nhiều, bỏ ăn, người thẫn thờ cả ngày, đau khổ thường xuyên.
“Cách đây 5-6 năm, anh D. từng mắc bệnh tâm lý nhưng đã hồi phục. Lo bệnh tái phát, gia đình tìm kiếm thông tin bệnh viện, bác sĩ điều trị tâm lý nhưng anh không chịu đi, chỉ ở lì trong phòng. Dù sốt ruột, hiện tại, người nhà cũng không biết phải xử lý thế nào”, người này cho biết.
Cần thời gian phục hồi
Từng chia sẻ với Zing, bác sĩ Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn phụ trách khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8), cho biết di chứng tâm lý là vấn đề rất phổ biến, nghiêm trọng đối với F0 hậu Covid-19.
Rất nhiều bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc. Họ giận dữ, căng thẳng, cảm thấy áp lực nặng nề. Một số người còn gặp tình trạng trầm cảm, thậm chí muốn tự tử.
Theo bác sĩ Thanh, khi chứng kiến cảnh mất mát trong chính gia đình hoặc ở phòng bệnh, nhiều F0 gặp tình trạng kích thích thần kinh, mất ngủ hoặc nhức đầu. Những tổn thương về tâm lý này thường dễ bị bỏ qua, nhưng lại là yếu tố mang đến hậu quả nặng nề, cần mất nhiều thời gian để phục hồi.
Do đó, các y, bác sĩ không chỉ giúp bệnh nhân phục hồi chức năng hô hấp mà còn phải lưu tâm về vấn đề sức khỏe tâm thần và các nhóm bệnh lý khác để họ có thể nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường.
Những tổn thương về tâm lý của F0 hậu Covid-19 thường dễ bị bỏ qua, nhưng lại là yếu tố mang đến hậu quả nặng nề. |
Chia sẻ với Zing, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết với những cá nhân mất đi người thân trong dịch bệnh, sự đau đớn, dằn vặt còn theo đuổi họ nhiều năm tháng, không thể ngày một, ngày hai cứ nói “vượt qua đi” là có thể quên ngay được.
Theo chị, sự đau buồn có thể giúp họ giải tỏa cảm giác trống vắng ở hiện tại. Về lâu dài, những người ở lại cần nghĩ mọi chuyện đều vận hành theo cách riêng.
“Cách tưởng nhớ tốt nhất với người thân đã khuất có thể là cố gắng thay họ viết tiếp ước mơ, thực hiện những điều mà họ mong muốn, khao khát mà chưa làm được. Nỗi đau có thể dần nguôi ngoai khi có điều gì đó tưởng nhớ về người thân”, chị nói.
Nguồn: News.zing.vn