Di sản vô giá của người làm nghề giáo không chỉ thể hiện qua những công trình học thuật đồ sộ, mà còn nằm ở các thế hệ sinh viên và học giả được họ chỉ đường, dẫn lối.
Ngày Nhà giáo là một dịp đặc biệt để tri ân các thầy cô, là cơ hội mỗi năm một lần để ghi nhớ, tôn vinh và cảm ơn họ vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và cho xã hội.
Nhưng đối với tôi, đó chỉ là một trong nhiều lần tôi nghĩ về những người phụ nữ và đàn ông tận tụy đứng lớp, những người đã ảnh hưởng sâu sắc đến mình.
Có thể do tôi lớn tuổi hơn nhiều bạn, hoặc có thể là do tôi đã dành cả sự nghiệp của mình trong lĩnh vực giáo dục ở Mỹ, Việt Nam và Đức.
Dù tôi may mắn được dìu dắt bởi nhiều giáo viên giỏi từ mẫu giáo đến lớp 12, những người gắn liền với kỷ niệm đẹp nhất của tôi chính là hai giảng viên bậc đại học và sau đại học.
Vị đầu tiên qua đời cách đây gần 35 năm. Tôi vẫn giữ liên lạc với người thứ hai.
Người gieo mầm
Tôi may mắn được trở thành sinh viên của giáo sư Edmund S. Glenn trong khóa học về giao tiếp đa văn hóa tại Đại học Delaware (UD). Sau này, tôi tình cờ tìm thấy một bài báo đăng năm 2018 có nội dung nhắc đến thầy trên tờ báo địa phương ở Virginia, nơi con trai thầy là John đang sống.
“Bố tôi sẽ cảm thấy tự hào vì bạn thích khóa học của ông ấy và vẫn nhớ nó. Ông ấy yêu thích việc giảng dạy và yêu quý học sinh của mình. Ông ấy luôn cố gắng làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn”, John chia sẻ với tôi qua email.
Tiến sĩ Mark A. Ashwill là nhà giáo dục người Mỹ sinh sống ở Việt Nam từ 2005. Ông là người sáng lập và giám đốc công ty tư vấn giáo dục Capstone Vietnam. Ảnh: capstonevietnam. |
Giáo sư Glenn qua đời năm 1987 ở tuổi 72, sau khi hoàn thành mục tiêu khiến thế giới tốt đẹp hơn, cùng nhiều sứ mệnh cao cả khác.
Trước khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, ông từng là thông dịch viên riêng cho các tổng thống Mỹ như Truman, Eisenhower, Kennedy và Johnson, cùng một số ngoại trưởng.
Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Ba Lan, ông còn thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh.
Tôi phát hiện giáo sư Glenn chính là người phiên dịch cho cựu Tổng thống John Kennedy và cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle trong cuộc gặp gỡ định mệnh lịch sử vào tháng 5/1961 ở Paris.
Dưới đây là một đoạn trích liên quan đến Việt Nam từ một bài báo tôi viết vào tháng 4/2020:
“Khi gặp nhau vào tháng 5/1961, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle nói với Tổng thống John F. Kennedy rằng: ‘Ông sẽ thấy việc can thiệp vào khu vực này là một sự sa lầy bất tận. Ông sẽ thấy một khi ý chí quốc gia đã được khơi dậy, không một thế lực ngoại bang nào, dù mạnh đến đâu, có thể áp đặt họ. Ông sẽ tự mình khám phá ra điều này. Ngay cả khi ông thấy các nhà lãnh đạo địa phương vì lợi ích của mình mà sẵn sàng phục tùng ông, người dân vẫn sẽ không đồng ý và thậm chí không muốn sự có mặt của ông.
Ý thức hệ mà ông viện dẫn sẽ không có gì khác biệt. Thật vậy, trong mắt quần chúng, nó sẽ chỉ cho thấy tham vọng quyền lực của ông. Đó là lý do tại sao ông càng chống lại chủ nghĩa Cộng sản, thì những người Cộng sản sẽ càng xuất hiện như những người đi đầu trong công cuộc giành lại nền độc lập dân tộc, và họ sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn”, ông Charles de Gaulle nói.
Cựu tổng thống Pháp sau đó nói rằng “Kennedy đã lắng nghe tôi, nhưng các sự kiện sau đó chứng minh rằng tôi không thuyết phục được ông ấy”.
Và tôi được biết rằng thầy tôi đã đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Kennedy giống hệt như ông Charles de Gaulle.
Giáo sư Glenn là một trong nhiều nhà giáo dục giúp tôi vượt qua khỏi biên giới nước Mỹ để mở rộng tâm trí ra thế giới bên ngoài, gieo mầm cho sự chuyển đổi của tôi từ công dân một đất nước thành công dân toàn cầu.
Di sản lâu đời của những người làm nghề giáo nằm ở các thế hệ sinh viên, học giả và các chuyên gia mà họ đào tạo nên. Đồ họa: Lê Ý. |
Ảnh hưởng lâu đời
Sau khi tốt nghiệp đại học, một vị giáo sư khác có ảnh hưởng lâu dài đối với việc học tập và sự nghiệp của tôi là tiến sĩ Philip G. Altbach. Tôi học với thầy khi theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Đại học ở Buffalo.
Thầy là chủ tịch hội đồng đánh giá luận án của tôi, khi giáo sư hướng dẫn tôi là tiến sĩ Harold J. Noah ở nước ngoài vào thời điểm đó. Cả hai giáo sư đều là những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực của họ, và là một trong những lý do tôi đăng ký học chương trình này.
Tôi hay gọi giáo sư Altbach là thầy Phil kể từ khi chúng tôi trở thành đồng nghiệp. Gần đây nhất, thầy giữ chức vụ giáo sư nghiên cứu và giám đốc sáng lập của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) tại Boston College.
Thầy là một nhà văn ưu tú và giáo viên tài năng. Thầy bắt đầu sự nghiệp lỗi lạc của mình sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chicago ở tuổi 25. Mặc dù năm nay bước sang tuổi 80, thầy vẫn năng động và là hình mẫu cho tôi cùng vô số người khác.
Và dù rất nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục so sánh và quốc tế ở bậc cao, thầy khiêm tốn, thân thiện và dễ gần, không giống như nhiều nhà trí thức cùng tầm vóc.
Tôi nhớ trong một buổi hội thảo, có sinh viên từng hỏi đùa thầy rằng liệu chữ cái “G” ở giữa tên thầy có mang nghĩa là “Chúa” (God) không. Thầy chỉ cười khúc khích và tiếp tục với phần giới thiệu của mình. Không giống như nhiều giáo sư, những người thích nghiên cứu và viết lách hơn là giảng dạy, thầy thực sự thích tương tác với sinh viên.
Nhờ giáo sư Altbach, tôi đã học được những kiến thức quan trọng và cải thiện bài viết học thuật của mình. Với tư cách là một người cố vấn, thầy đã tận dụng mạng lưới quan hệ rộng lớn của mình và mở ra những cánh cửa, tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho tôi.
Nhờ thầy, tôi đã vinh dự được làm việc với cố giáo sư Harold Stevenson tại Đại học Michigan, với tư cách là nhà nghiên cứu chính của Dự án Nghiên cứu Khoa học và Toán học Quốc tế lần thứ ba (TIMSS) vào năm 1994-1995 tại Đức và Mỹ.
Với tôi, những người thầy ấy sẽ sống mãi, không chỉ được nhớ đến bởi con cháu của họ, hay thông qua khối lượng công trình học thuật đồ sộ và sự cống hiến cho cộng đồng. “Sự bất tử” của họ còn nằm ở các thế hệ sinh viên, học giả và các chuyên gia mà họ đã chạm đến tâm trí cũng như tâm hồn, những người được họ chỉ lối.
Tôi tự cho mình là người may mắn khi nằm trong số đó.
Nguồn: News.zing.vn