Điện Biên: Bài toán “chất – lượng” của ngành du lịch

0
141

Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch 5 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Điện Biên ước tính giá trị 432 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch năm, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước. Đón trên 311.000 lượt khách, đạt 55,6% kế hoạch năm, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2016.

Trong đó, khách quốc tế đến 54.655 lượt, đạt 55,8% kế hoạch năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, nâng cao chất lượng ngành du lịch, hay cụ thể hơn là để người làm dịch vụ du lịch ở Điện Biên thực sự “sống” được từ du lịch thì vẫn là một lộ trình dài và không ít khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi về những tín hiệu mừng của ngành du lịch Điện Biên thời gian qua, ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành du lịch trong những tháng đầu năm 2017 tăng đều đặn cả về lượng khách lẫn doanh thu so với cùng kỳ là một tín hiệu đáng mừng cho người làm du lịch tỉnh.

Tuy nhiên, về bản chất, con số thống kê doanh thu từ du lịch ở Điện Biên hiện nay chưa phản ánh đầy đủ bộ mặt cũng như hiện trạng của ngành “công nghiệp không khói” này. Bởi chúng ta mới chỉ tổng hợp được số liệu về lượng khách, chi phí dịch vụ, ăn uống từ các cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn với giá cả, thực đơn “cứng” đã được niêm yết, cứ bao nhiêu khách thì nhân lên là ra. Trong khi đó thu nhập trong các hoạt động mua sắm, vận tải hành khách, hàng hóa, thậm chí uống cà phê, rửa xe, đánh giày… cũng là doanh thu từ du lịch, đặc biệt là mua sắm – loại hình dịch vụ thuộc diện quan trọng nhất tại các trung tâm du lịch quốc tế hàng đầu. Vì sao không thống kê được? Câu trả lời khá đơn giản là: sản phẩm, hàng hóa cung ứng cho du khách tại Điện Biên chưa đảm bảo về tính phong phú, đa dạng; chất lượng sản phẩm còn thấp, thậm chí mai một do chưa xây dựng và bảo vệ được thương hiệu; hàng hóa được bày bán tại các điểm du lịch nhiều khi không có xuất xứ tại địa phương, chất lượng khó kiểm soát, dẫn đến sản phẩm, sản vật địa phương chỉ được tiêu thụ một cách manh mún, nhỏ lẻ… khiến ngành du lịch không thể thống kê được.

Đó là trong góc độ sản phẩm hàng hóa, còn về sản phẩm văn hóa, đặc thù thu hút du khách đến thưởng lãm, trải nghiệm cũng chưa đạt yêu cầu. Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, những nét văn hóa truyền thống ở Điện Biên không những không được giữ gìn, phát huy mà đang đứng trước nguy cơ lai tạp, phai nhạt (tiếng nói, trang phục, ẩm thực), những người làm văn hóa, tâm huyết với văn hóa thực sự đau lòng khi tại một số địa phương, người dân tỏ ra e ngại với chính trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bà con nhiều khi buông xuôi, đánh đổi sự phát triển bằng cách hòa nhập cả về văn hóa mà không biết rằng đây chính là sự hòa tan, đánh mất đi tính nguyên bản của giá trị văn hóa truyền thống quý báu, trong khi người dân chính là chủ thể văn hóa. Cũng chính vì tư duy này, tâm lý “manh mún, cơ hội, mất tự tôn”, chỉ biết hưởng chứ không chịu động não để phát huy có điều kiện phát triển. Chẳng nói đâu xa, trong quá trình phục dựng bản văn hóa Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, ngành chuyên môn đã vận động, kêu gọi đầu tư hỗ trợ từng đôi đũa, cái bát cho đến cây đàn truyền thống đến người dân, tuy nhiên, sau một thời gian, cán bộ văn hóa vào kiểm tra thì đã… không còn gì.

Cũng trong góc độ làm văn hóa để phát triển du lịch, hiện nay hình thức du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đang rất phát triển, du khách đến với mong muốn khám phá nét truyền thống văn hóa nguyên bản của người dân địa phương nhưng bởi đây là hình thức hoạt động trong không gian mở (hiểu nôm na là tại một cộng đồng dân cư đang sinh sống chứ không phải khuân viên khách sạn hoặc khu vui chơi giải trí). Điều này vô tình gây ra sự mất cân bằng trong sinh hoạt của người dân, thậm chí mâu thuẫn giữa hộ làm dịch vụ với hộ không làm, du khách thì luôn sẵn sàng tận hưởng, vui chơi nhưng người già, trẻ nhỏ trên địa bàn thì có giới hạn về thời gian, rồi an ninh trật tự cũng là một vấn đề cần cân nhắc.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm du lịch ở Điện Biên, tạm thời chưa tính đến nguồn nhân lực trong dân (du lịch cộng đồng) bởi những hạn chế, khó khăn chưa có lời giải khả thi thì như chúng tôi được biết, cả tỉnh chỉ có 2 đơn vị có hoạt động kinh doanh chính từ du lịch (Khách sạn Hà Nội – Điện Biên Phủ và  Khách sạn Công đoàn) sử dụng vốn Nhà nước, còn các địa điểm du lịch sinh thái, cơ sở lưu trú lớn còn lại đều mang tính “tay trái” khi chủ đầu tư thường là các doanh nghiệp xây dựng. Chính vì “tay trái” nên chất lượng đội ngũ phục vụ chưa được quan tâm đúng mức khi các đơn vị rất ít tham gia vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng hay các mô hình tham quan, học hỏi trong và ngoài nước, dẫn đến tính chuyên nghiệp còn hạn chế, giá thành, cung cách phục vụ cũng chưa phù hợp. Về lực lượng làm nhiệm vụ dẫn lối cho du khách đến với Điện Biên, tỉnh có 2 đơn vị lữ hành quốc tế nhưng hiện nay hầu như không hoạt động.

Du lịch là một sản phẩm “càng bán, càng đẹp”, đồng thời, trái với công nghiệp hóa, tự động hóa, du lịch càng phát triển thì càng thu hút, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều con người, bởi yêu cầu về chất lượng phục vụ, con người cũng văn minh hơn khi du lịch phát triển. Đó là những ưu việt mà du lịch mang lại và để giải được bài toán phát triển bền vững, biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như mong muốn, đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của cả hệ thống chính trị tỉnh.

Bài, ảnh: Tuyết Anh

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn