Doanh nghiệp chấp nhận mất lãi để kích cầu du lịch

0
95

Theo đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội, giá nhiều sản phẩm du lịch hiện ở mức quá thấp, không thể thấp hơn, thậm chí một số không đủ hòa vốn.

Đầu tháng 7, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đưa ra 3 viễn cảnh cho thị trường du lịch quốc tế trong năm 2020. Theo đó, trong trường hợp tốt nhất khi các quốc gia dần mở cửa để đón khách trong tháng 7, lượng khách du lịch trên toàn cầu có thể sụt giảm 58% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, điều này khó xảy ra khi đã qua nửa tháng 7 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa lắng xuống. Nếu giao thông giữa các nước tiếp tục trì trệ đến tháng 9 hoặc tháng 12, tỷ lệ này có thể lên đến 70-78%.

Dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch bệnh, hoạt động du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt chương trình kích cầu, xúc tiến du lịch đang được triển khai liên tục. Và các doanh nghiệp từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển đến nhà hàng, chuỗi cà phê… đều nỗ lực đưa ra mức giá trung bình hoặc dưới trung bình.

“Không còn thấp hơn được nữa”

Theo bà Nguyễn Thị Khánh – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đây là những mức giá rất thấp, không còn thấp hơn được nữa.

“Tôi thấy rất nhiều sản phẩm đang bán dưới giá. Những khách sạn 5 sao trước đây có thể bán 5-10 triệu đồng/đêm/phòng, nay chỉ hơn 1 triệu đồng. Còn hàng không thì mức giá về 0 đồng hoặc vài trăm nghìn đồng. Họ đang chấp nhận lỗ để cầm cự qua năm nay”, ông Nguyễn Văn Tấn – Tổng giám đốc Công ty JTB TNT nhận định.

Doanh nghiep chap nhan lo de kich cau du lich anh 1

Du khách hiện chỉ cần chi hơn 1 triệu đồng để trải nghiệm khách sạn 5 sao. Ảnh: Danang Golden Bay.

Đơn cử, khách du lịch chỉ cần bỏ ra 999.000 đồng để trải nghiệm gói dịch vụ 2 ngày 1 đêm lưu trú tại một khách sạn 4 sao ở trung tâm TP.HCM, đưa đón sân bay bằng xe limousine và tham quan bảo tàng Artinus, Bitexco Skydes hoặc xe Hop on Hop off.

Trong khi đó, các khách sạn 5 sao tại TP.HCM như Le Meridien, Liberty, Tân Sơn Nhất… đang giảm giá phòng đến 60%, còn Majestic, Nikko, Sofitel… cung cấp một số trải nghiệm mới như khám phá khách sạn cổ, lớp học nấu ăn, cách dùng dao nĩa, bố trí bàn tiệc…

Theo ghi nhận của Zing, một số khách sạn, resort 4-5 sao ở các điểm đến nổi tiếng như Khánh Hòa, Đà Nẵng… hiện cũng được khuyến mãi chỉ còn khoảng 800 nghìn đến 2 triệu đồng mỗi đêm. Trước khi Covid-19 xảy ra, giá phòng tại những địa điểm này thường ở mức trên 2 triệu đồng, có nơi hơn 10 triệu đồng.

Ở phân khúc vận chuyển, ông Nguyễn Ngọc Tấn – Tổng giám đốc Công ty vận chuyển và du lịch Saco cho biết đã mua được 6.700 vé máy bay ưu đãi từ các hãng hàng không để sử dụng trong các tour du lịch của doanh nghiệp đến hết năm, trong đó có nhiều vé 0 đồng.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Tấn khẳng định: “Không hoạt động kinh doanh nào có thể bán dưới giá như vậy quá lâu”. Trao đổi với Zing về vấn đề này, ông Trần Anh Thi – Giám đốc điều hành của Seahorse Resort (Mũi Né, Phan Thiết) cho rằng, chỉ xét lãi vay ngân hàng hàng tháng đã rất nặng nề với ngành du lịch, đặc biệt là những cơ sở lưu trú mới hình thành, với số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn.

“Hiện tại là giai đoạn rất khó khăn cho các doanh nghiệp lưu trú, khi lượng khách sụt giảm, phải tìm mọi cách kiếm nguồn thu để bù đắp lãi vay, đồng thời chi trả các chi phí hoạt động trực tiếp như lương nhân viên, điện, nước…”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông, việc giảm giá, kích cầu vẫn là cần thiết. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp lưu trú cao cấp, lượng khách nước ngoài hiện chưa có, còn đối tượng khách trong nước có thu nhập trên trung bình chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại. Các chương trình kích cầu hiện nay chủ yếu giúp họ tiếp cận một thị phần khách mới.

Giá cả đi đôi với chất lượng?

Tuy vậy, không phải đơn vị nào cũng chấp nhận lỗ như vậy. Theo phản ánh của một số du khách và công ty lữ hành, có nhiều trường hợp doanh nghiệp bỏ đi một số dịch vụ trong gói sản phẩm chung để giảm giá thành, nhưng không thông tin rõ ràng cho khách.

Do đó, trong thời gian qua, các công ty lữ hành phải thường xuyên khảo sát thực tế các điểm vui chơi, lưu trú, ăn uống trong tour khai thác, nhằm đảm bảo thực hiện đúng cam kết giữa các bên và với du khách.

“Một số sản phẩm rẻ đến mức chúng tôi phải cử bộ phận thu mua đến tận nơi thẩm định lại. Giá rẻ hơn thì có thể một số dịch vụ sẽ không còn. Điều này cũng dễ hiểu, và chúng ta không đòi hỏi, nhưng cần báo trước với khách hàng để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu và ngân sách của họ”, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết.

Cùng chung quan điểm, ông Trần Anh Thi cũng cho rằng cần trình bày rõ cho khách hàng các dịch vụ tương ứng với mức giá đưa ra. “Không được lừa dối khách hàng, đừng để khách đến mà không cảm nhận được những dịch vụ như quảng cáo. Tôi muốn đưa ra những gói kích cầu mà du khách vẫn được hưởng những gì họ phải được hưởng, ngoài sự mong đợi của họ”, ông nói.

Nhận thức được vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khánh cho biết Hiệp hội Du lịch TP.HCM sẽ ký kết hợp tác phát triển du lịch với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phú Yên, Hà Giang và Nha Trang – Khánh Hòa trong ngày 18/7 sắp tới.

Bên cạnh việc triển khai các sản phẩm du lịch chung, ký kết này cũng hướng đến nâng cao năng lực chuyên môn cho các đơn vị du lịch, từ cung cách phục vụ, chăm sóc khách hàng, đến đào tạo cho hướng dẫn viên, đầu bếp, bartender…

“Chúng tôi kỳ vọng hợp tác 3 miền bắc, trung, nam lần này sẽ đem lại sức sống cho hoạt động du lịch ở các địa phương. Đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị để các doanh nghiệp, điểm đến sẵn sàng đón khách quốc tế tới Việt Nam sau khi các đường bay được nối lại”, bà Khánh bày tỏ.

Bà khẳng định, kích cầu không chỉ đơn thuần là giảm giá, quan trọng hơn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để duy trì uy tín của toàn ngành. Bởi vậy, bà khuyến nghị các doanh nghiệp tiến hành khảo sát kỹ bất cứ điểm đến, dịch vụ nào trước khi hợp tác và giới thiệu cho khách hàng.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn