Lễ hội Lồng tồng xưa kia được cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mường ở Yên Bái tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm nhưng nay các địa phương còn tổ chức lễ hội này không nhiều và thường từ 2 đến 3 năm mới tổ chức một lần.
Đồng thời, hầu hết các lễ hội Lồng tồng thường diễn ra ngắn gọn, sau khi làm lễ cúng tế trời, đất, tổ tiên, thần hoàng làng rồi cùng nhau vui chơi, ăn cỗ nhưng riêng nghi lễ này của người Thái, người Khơ Mú ở xã Tú Lệ (Văn Chấn) thì lại diễn ra từ đêm hôm trước đến chiều ngày hôm sau với những nội dung nghi lễ khá cầu kỳ, chứa đựng nhiều triết lý dân gian sống động về nhân sinh quan, thế giới quan từ xa xưa.
Vì sao bà con lại chọn ngày rằm để làm lễ? Các thầy mo lý giải rằng, đó là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm nên khí thiêng trời đất hội tụ. Cho nên, làm lễ vào ngày này vừa thể hiện sự trân trọng của người dân với đấng linh thiêng nhân dịp đầu năm mới vừa hội tụ khí thiêng giúp cho cuộc sống mọi mặt sẽ sáng láng, tốt đẹp cả năm. Để chuẩn bị cho lễ hội, trước tết người dân phải lên rừng tìm cho được một dây song (cùng họ với cây mây) thật dài để làm dây kéo co. Tại khu vực tổ chức lễ hội, dây mây được giăng ngang dưới chân cây nêu và cây nêu cũng phải chọn cây tre to, dài nhất. Trên ngọn cây nêu có vòng còn dán giấy trắng, giữa tâm dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời. Chân cột còn được bày một mâm cúng và tất cả những vật thể này cũng chính là biểu tượng mang tính triết lý của lễ hội. Trong đó, cây tre là vật đại diện cho thứ cây mọc cao nhất, nhiều nhất có thể nối được đất với trời và ở đâu có bóng tre thì nơi ấy là đất của người khiến ma quỷ phải lùi xa. Dây song là loài dây đại diện cho sức sống lâu bền, dẻo dai đến sức voi cũng không thể kéo đứt.
Cùng với biểu tượng trên, dân làng còn lấy tre nứa để lập đàn cúng tế gần chỗ cây nêu và phía bên phải có một đàn cúng đặt thấp nhất để cúng thần nước. Sau đó, đàn cúng lại được làm cao hơn và thấp dần từ phải sang trái rồi đặt mâm lễ theo thứ tự trước hết là mâm cúng của hai vị chức sắc cao nhất trong mường nay là bí thư, chủ tịch xã. Tiếp đến là mâm cúng của gia đình thờ tộc trưởng dòng họ tìm ra vùng đất này để đưa dân đến lập nghiệp (Tạo thổ) cùng mâm lễ của người làm tổ mo của mường (Púng mo).
Sau cùng là dãy mâm lễ của từng thôn và mâm lễ cúng những vị chức sắc nhiều thế hệ đã qua đời. Lễ vật là những thứ nông sản, thổ sản ngon nhất được làm chín, vải vóc và không thể thiếu những quả còn đựng hạt bông tượng trưng cho túi hạt giống cây trồng.
Trước khi diễn ra buổi tế, Púng mo cùng các vị chức sắc đến gia đình thờ Tạo thổ để rước ma (vong linh) Tạo thổ và giàn trống chiêng cổ về nơi làm lễ cúng hội. Văn tế của Púng mo ca tụng công đức của ma trời, ma đất, ma nước, ma Tạo thổ, tổ tiên các dòng họ đã luôn phù hộ cho dân được cuộc sống đủ đầy, khỏe mạnh, không bị tà ma, bệnh dịch làm hại đến con người, vật nuôi, mùa màng. Vì thế, dân mường mở lễ hội này để dâng lễ báo đáp công ơn đến các ma. Đồng thời, trong ngày này, Púng mo cũng thay mặt dân mường mời ma người chết tất cả các dân tộc khác ở đất này hay ma đang đến đây chơi cùng ăn cỗ. Púng mo cũng thay mặt dân làng nói lên những ước nguyện trong năm mới của dân mường để các ma nghe thấy lại tiếp tục phù hộ cho mưa thuận gió hòa và mọi thứ trong cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều so với năm trước. Trong lúc các thầy mo làm lễ cúng, già trẻ, gái trai trong mường vui chơi các trò chơi dân gian như: tó mắc lẹ, bắt còn vòng, ném còn, đánh trống chiêng, múa xòe, hát đối, hát ví, thi đấu đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đánh quay.
Ai là chủ của mâm lễ cúng thì không được rời vị trí đặt lễ và phải thắp hương, rót rượu cho đến khi kết thúc buổi lễ. Đến trưa dân làng bày thức ăn và ăn cỗ ngay tại chỗ đàn cúng. Đến giữa giờ Mùi thì Púng mo khấn thỉnh các ma nhận lấy lễ vật, cho dân mường được kết thúc buổi lễ và tiễn các ma về với cõi riêng của mình. Những quả trứng vẽ hoa văn nhiều màu cùng một số lễ vật ở đàn cúng thần nước được mang thả xuống suối Nậm Lùng để ma nước phù hộ cho mưa thuận gió hòa, không bắt người, gia súc. Điều đặc biệt là những quả trứng này phải luộc thì ma nước mới nhận được lễ vật và phù hộ cho người dân. Ngược lại, thả trứng sống thì trứng sẽ nở thành gà và gà sẽ quay trở lại với gia chủ thì ma nước không phù hộ.
Tiếp đó, Púng mo sẽ trở lại mâm cúng cây nêu để cúng xin hạ dây song để kéo co, ném còn. Trai gái trong mường chia hai bên nam nữ kéo co và khi kéo bên nam phải khéo léo giả vờ thua để bên nữ đổ ập vào thì âm dương mới giao hòa. Kết thúc kéo co, trai gái cùng nhau tung còn cho đến khi nào ném thủng vòng còn trên ngọn cây nêu thì lễ hội mới kết thúc vì vòng còn được ném thủng cũng có nghĩa là những ước nguyện thỉnh cầu đã được ma trời, ma đất, ma nước, ma Tạo thổ, tổ tiên chấp thuận. Mọi người ra về với một niềm hân hoan, tin tưởng vào những thuận lợi trong năm mới.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn