Trong đời sống của người Dao đỏ, tranh thờ chiếm vị trí và có giá trị đặc biệt quan trọng.
Tranh thờ được cộng đồng người Dao đỏ trân trọng, lưu giữ
Tranh thờ do các trưởng dòng họ bảo quản và lưu giữ, số lượng tranh giữa các dòng họ có khác nhau. Tranh thờ thường được sử dụng trong Lễ cấp sắc, Lễ pút tồng (tết nhảy), đám tang, Lễ khoi kìm (cúng rừng), di chuyển làng bản… Ông Chảo Sành Nhàn, trú tại thôn Pờ Xì Ngài, xã Trung Chải (Sa Pa) được người dân tôn sùng, gọi là “họa sĩ dân tộc Dao” cho biết: Vẽ tranh thờ rất khó, đòi hỏi người vẽ phải có năng khiếu về hội họa để khi vẽ hoặc sao chép từ tranh cũ sang tranh mới giữ được thần thái, bộ tranh thờ mới linh thiêng và ứng nghiệm.
Khâu khó nhất trong việc vẽ tranh là pha chế màu và điểm nhãn “khai quang” cho bộ tranh. Thông thường, để vẽ tranh thờ, người Dao pha chế 5 màu (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng) thành 12 màu gồm: Đỏ sậm và đỏ tươi; tím, vàng (vàng đậm, vàng nhạt); xám; đen; nâu; trắng; xanh (xanh lá cây, xanh da trời, xanh nước biển), trong đó màu vàng là màu đẹp để tô vẽ tranh thờ của người Dao. Bộ công cụ vẽ gồm bút lông, giấy bản, mực và dụng cụ bồi (dao, bột sắn hoặc bột gạo, giấy đã vẽ bản mẫu…). Màu đỏ là màu chủ đạo, tượng trưng cho sinh mệnh, sức mạnh, lực lượng và cái đẹp cùng niềm vui trong cuộc sống… Ông Nhàn bảo: Có 3 lý do để người Dao vẽ tranh, một là do gia đình có tai họa cần vẽ tranh thờ để trấn tà; hai là tranh cũ bị hỏng, không còn sử dụng được; ba là vẽ tranh thờ mới để dùng trong các nghi lễ.
Khi vẽ tranh, người Dao đỏ chọn ngày tốt để bắt đầu, thầy vẽ phải mổ gà thắp hương, vái thần linh và gia tiên. Nơi vẽ ở trong buồng riêng; trong thời gian vẽ, thầy vẽ giữ thân thể trong sạch với mong muốn các thần, thánh trong tranh của họ được linh thiêng. Theo quy trình, thầy vẽ lần lượt từng bộ, từng tấm tranh theo vai vế của từng vị thần, thánh trong tranh…
Đặc biệt, khi vẽ xong bộ tranh thờ mới của người Dao, thầy vẽ bàn giao luôn cho chủ tranh đem về, chọn ngày tốt làm lễ cúng gia tiên, cúng thần linh, sau đó mới mời thầy vẽ đến điểm nhãn, khai quang cho tranh (hô thần nhập thánh cho tranh); thời gian làm lễ khoảng một ngày, một đêm. Sau nghi lễ khai quang, bộ tranh thờ bắt đầu được sử dụng trong các nghi lễ…
Có thể thấy, tranh thờ của người Dao đỏ có ý nghĩa về mặt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Tranh thờ là một báu vật được cộng đồng người Dao trân trọng, lưu truyền từ đời này sang đời khác, qua đó góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn