Du lịch hậu Covid-19: Hưởng thụ trong an toàn

0
97

Bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe cho du khách trở thành “nhiệm vụ kép” với việc phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới

Hôm nay, 1-6, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phát động chính thức thực hiện. Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về chương trình.

Phóng viên: Trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, đây được coi là thời điểm vàng để “phá băng”, thúc đẩy du lịch nội địa. Theo ông, điều gì sẽ hấp dẫn du khách nhất ở thời điểm này?

– Ông NGUYỄN LÊ PHÚC: Trước khi chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được phát động, một cuộc khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 đã được thực hiện. Kết quả cho thấy có hơn 53% trong tổng số người được khảo sát đã sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này, 32,5% có dự định đi trong năm nay và hơn 14% còn lại chưa sẵn sàng để đi du lịch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu du lịch đang bắt đầu phục hồi, đặc biệt kể từ sau thời điểm giãn cách xã hội được nới lỏng và Việt Nam chứng minh được thành công trong công tác phòng chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Du lịch hậu Covid-19: Hưởng thụ trong an toàn  - Ảnh 1.

Du khách hiện nay ưu tiên lựa chọn những điểm đến an toàn với dịch bệnh và an ninh tốt. Có đến 49,3% người được khảo sát trả lời rằng họ lựa chọn những chuyến du lịch ngắn hạn, thường từ 2 – 3 ngày, thiên hướng du lịch tự túc dịch vụ cùng gia đình hoặc nhóm bạn bè. Những không gian du lịch gắn với thiên nhiên được nhiều người hướng đến. Trong đó, du lịch biển chiếm tới 67%, tiếp theo là du lịch thiên nhiên với những khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái trên núi chiếm 56%.

Tôi tin là nếu biết nắm bắt xu hướng du lịch của khách nội địa thì đây hoàn toàn là cơ hội để các doanh nghiệp có thể vươn lên. Ngành du lịch sẽ nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới với những thay đổi để thích nghi với xu hướng du lịch mới của người dân.

Vậy làm thế nào để bảo đảm du lịch được an toàn?

– Bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch, các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch cần được các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không… thực hiện triệt để, nghiêm túc. Việc bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân tại các cơ sở, điểm đến du lịch trở thành “nhiệm vụ kép” với việc phục hồi ngành du lịch thời gian tới.

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” ngoài yếu tố khuyến mãi, giảm giá còn đặt ra mục tiêu đẩy mạnh truyền thông với thông điệp “Việt Nam an toàn”: Việt Nam đã khống chế dịch Covid-19 rất thành công và trở thành điểm đến an toàn vượt trội so với bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Du lịch hậu Covid-19: Hưởng thụ trong an toàn  - Ảnh 2.

Tràng An – Ninh Bình là điểm đến được rất nhiều du khách yêu thích Ảnh: LAN ANH

Khi thói quen du lịch của người dân có sự thay đổi rõ rệt sau dịch, theo ông, cần làm thế nào để người dân xách vali lên và đi?

– Khi xây dựng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, chúng tôi đã đặt ra kế hoạch đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; ngành du lịch xây dựng, triển khai các gói kích cầu để giới thiệu đến du khách các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo ưu đãi, cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ.

Bước đầu, tôi cho rằng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã thành công với vai trò định hướng, cầu nối để liên kết các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ hình thành những chương trình du lịch hấp dẫn với nhiều ưu đãi; phát triển nhiều điểm đến mới, sản phẩm mới, tuyến du lịch mới, từ đó thu hút sự quan tâm, tham gia của người dân. Trong tháng 5-2020, các địa phương đồng loạt hưởng ứng sôi nổi kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối doanh nghiệp, hợp tác xây dựng các sản phẩm kích cầu; tổ chức các chương trình phát động, giới thiệu điểm đến như: Khánh Hòa, TP HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam… Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, các nhà cung cấp dịch vụ trong cả nước đều tung ra những chương trình kích cầu với nhiều ưu đãi, giá hợp lý, hướng tới khách du lịch nội địa.

Doanh nghiệp đã tung ra các gói kích cầu với mức giá cực kỳ hấp dẫn nhưng liệu chịu được mức giá “chạm đáy” ấy đến bao giờ?

– Du lịch là kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng. Trong thời gian khó khăn hiện nay, chúng ta đã nhìn thấy sự đoàn kết từ các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương cũng như địa phương, các hiệp hội, các hãng hàng không, dịch vụ vận tải, khách sạn, lưu trú, lữ hành, doanh nghiệp du lịch… cùng đồng lòng chia sẻ và hợp tác để ngành du lịch Việt Nam phát triển trở lại.

Kích cầu du lịch không có nghĩa chúng ta đua nhau về “giá”, giảm đến “sập sàn”. Kích cầu du lịch có nghĩa là tạo ra xu hướng, thu hút, kích thích người dân đi du lịch thông qua các chương trình ưu đãi. Chúng tôi luôn nhấn mạnh về việc có ưu đãi nhưng cần bảo đảm chất lượng. Các doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều cách ưu đãi khác nhau chứ không chỉ là “chạy đua giá rẻ”, như tặng thêm dịch vụ cho khách hàng hoặc có những gói quà tặng cao cấp khác…

Chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn

Ông Nguyễn Lê Phúc nhìn nhận hiện hầu hết các công ty vẫn chấp nhận mức lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn, với mục đích chính là vận hành bộ máy, tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Cần nhận thức rõ rằng ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng còn phải đương đầu với nhiều thách thức khi kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được xem là chấm dứt hoàn toàn trên thế giới.

Nguồn: KENH14.VN

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn