Ngoài những sản phẩm du lịch được khai thác thường xuyên, Huế vẫn còn thiếu những sự kiện văn hóa, lễ hội có tính định kỳ hàng tuần, hay hàng tháng để tạo những “cú hích” thu hút khách du lịch.
Festival Huế thu hút những nền văn hóa đặc sắc trên thế giới về tham dự (Trong ảnh: Đoàn nghệ thuật Hàn Quốc tham gia lễ hội đường phố)
Hướng đi riêng
Đầu năm, ba địa phương Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam phát hành một ấn phẩm chung, liệt kê tất các sự kiện văn hóa, lễ hội được cả ba tỉnh tổ chức trong năm 2017. Nhìn vào danh sách, khá “chạnh lòng” vì số lượng sự kiện, lễ hội của Huế được tổ chức trong năm chỉ bằng hơn một nửa so với hai địa phương còn lại. Trong khi đó, tổng số lượng lễ hội ở hai địa phương này sao có thể sánh bằng Huế. Cũng từ danh sách này cho thấy, các lễ hội của Huế chủ yếu tập trung ở những tháng đầu năm, càng về cuối năm càng ít. Xét về phương diện tổ chức các lễ hội nhằm thu hút khách du lịch thì Huế làm chưa được tốt lắm. Chẳng hạn như vào các tháng 10, 11, trời Huế nhiều mưa, lại không có những hoạt động, lễ hội để hút khách.
Sở Du lịch nhìn nhận, sự khác nhau cơ bản giữa Huế và một số địa phương có thế mạnh về du lịch trong khu vực chính là tính định kỳ của các sự kiện, lễ hội để kích cầu du lịch. Ở Đà Nẵng, cứ cuối tuần có cầu Rồng phun lửa, có lễ hội đường phố. Hay lễ hội bắn pháo hoa 2017, họ tổ chức 5 đêm, kéo dài trong hai tháng liền, nhờ đó, khách đổ về cũng tỷ lệ thuận với số lượng đêm diễn. Ở Hội An, “đêm rằm phố cổ” cũng được tổ chức hai tuần một lần. Hàng tháng, hai địa phương này “bỏ túi” khoảng 20 ngàn lượt khách đến tham gia các hoạt động định kỳ này. Lãnh đạo Sở Du lịch thừa nhận, hoạt động định kỳ sẽ giúp du lịch có một lượng khách ổn định hơn.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương thu hút khách địa phương là chính
Huế được biết đến với nền tảng văn hóa, lễ hội phong phú, bề dày lịch sử, cái nôi của Phật giáo… Trên thực tế, các lễ hội vẫn được tổ chức hàng năm. Nhưng có quy mô nhỏ, hoặc khi có quy mô lớn thì khả năng quảng bá còn khá hạn chế, khiến các lễ hội ở Huế vẫn ở ngang mức “địa phương”. Thường, phải đến gần ngày diễn ra lễ hội mới có các thông tin chính thức. Với thời gian đó, để hút khách từ bên ngoài đến Huế thì rất khó vì du khách thường lên kế hoạch cả vài tháng trước đó, ít hơn cũng vài tuần.
Sở Du lịch cho rằng, các sản phẩm du lịch vào ban đêm đang dần hoàn thiện hơn, nhưng một số sản phẩm có tính phân loại cao, chủ yếu phục vụ một nhóm đối tượng khách nào đó. Như ca Huế trên sông Hương. Điều mà Huế cần là một lễ hội được tổ chức hàng tháng, ai cũng tham gia, nhất là chính người địa phương. Ở các địa phương khác, thế mạnh của họ có thể là các lễ hội hiện đại, hoạt động thể thao tầm cỡ… Riêng với Huế, có văn hóa đặc sắc, hàng trăm lễ hội truyền thống thì không “dại” gì tổ chức các hoạt động nằm ngoài phạm trù đó. Cần chọn vài lễ hội thật tiêu biểu và tập trung thực hiện hiệu quả.
Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch – Trần Đình Minh Đức cho rằng, Huế cần xây dựng hướng đi riêng, mỗi tháng mỗi lễ hội, như: tháng 5 mùa sen nở, làm lễ hội hoa sen. Với sen thì có thể làm áo dài sen, nón lá sen, trà sen, chè sen, các món ăn liên quan đến sen… gộp lại là đã thành một lễ hội; tháng 6 lễ hội bia; tháng 7 lễ vu lan; tháng 8 lễ hội thanh trà; tháng 9 lễ hội múa lân; các tháng khác có thể lễ hội ẩm thực, lễ hội trà…
Những cách làm mới
Festival Huế lần thứ 10 đang trong giai đoạn chuẩn bị và sắp cán mốc 20 năm tuổi. Thương hiệu đã có, cứ mỗi lần tổ chức, Festival Huế thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch về tham dự. Hơn thế, những ngày Festival nhiều người sẵn sàng móc hầu bao chi tiêu mạnh hơn. Nhưng xét về phương diện kích cầu du lịch có tính thường xuyên, hai năm cho một “cú hích” là quá lâu.
Cách đây độ ba năm, nhiều ý kiến góp ý nên làm festival bốn mùa cho Huế. Điều này hợp lý ở chỗ là sẽ tăng tần suất thu hút khách, dĩ nhiên quy mô tổ chức sẽ nhỏ lại so với các kỳ festival chính. Mặt trái là khi quy mô nhỏ, sự giao thoa giữa các nền văn hóa khắp 5 châu như vừa qua làm được sẽ không còn. Điều này làm mất đi ý nghĩa ban đầu và thương hiệu của lễ hội. Gần đây, lại có ý kiến cho rằng nên giãn thời gian tổ chức festival ra 3 – 4 năm. Phương án này có vẻ hợp lý hơn, bởi hai lý do, vẫn có thể tổ chức một lễ hội có quy mô lớn, có sự góp mặt của nhiều nước trên thế giới. Thời gian còn lại sẽ tổ chức những lễ hội có quy mô nhỏ hơn, mang tính trải nghiệm, cộng hưởng cho người dân và du khách cùng tham gia nhiều hơn.
Lãnh đạo Sở Du lịch nhìn nhận, việc hệ thống lại các lễ hội và tổ chức định kỳ rất cần thiết để thu hút khách trong thời gian đến. Sở Du lịch đang nghiên cứu lập một đề án tổ chức các lễ hội định kỳ hàng tháng để thu hút khách trong năm 2018. Điều lo lắng là, đơn vị nào sẽ chủ trì tổ chức các lễ hội này nếu được thông qua. Bởi lẽ, số lượng cơ quan quản lý về văn hóa, lễ hội ở Huế không phải ít, thống nhất đơn vị cầm trịch trong tổ chức là vô cùng quan trọng.
Công tác xã hội hóa lễ hội là điều gần như bắt buộc trong thời điểm hiện tại và tương lai. Nếu làm lễ hội chỉ dựa vào ngân sách là không thể. Như đã nói, đơn vị nào sẽ đứng ra tổ chức phải đủ khả năng kêu gọi xã hội hóa. Nếu không thì có thể kêu gọi một doanh nghiệp nào đó đứng ra tổ chức. Doanh nghiệp sẽ có quyền lợi khi tổ chức, tất nhiên phải dựa trên nguyên tắc, yêu cầu đảm bảo các yếu tố văn hóa, thuần phong mỹ tục… Cách làm này đã nhiều nơi khác áp dụng và đạt hiệu quả.
Theo Sở Du lịch,tổ chức các lễ hội định kỳ hàng tháng là kế hoạch lớn cần thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể, tạo những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Khi thực hiện sẽ có sự liên quan của nhiều cơ quan, đơn vị, vì thế các bên liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện, khi kế hoạch được lãnh đạo tỉnh ký thông qua.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn