Đắk Lắk ban hành kế hoạch tiêu thụ nông sản trên địa bàn, trong đó hướng đến xuất khẩu 8.000 tấn bơ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này không khả thi.
Theo số liệu từ UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 40.000 tấn bơ (chủ yếu bơ Booth, Hass) đang bước vào thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên giá bơ hiện xuống thấp, đầu ra bị “tắc nghẽn”, địa phương này đã ban hành kế hoạch tiêu thụ nông sản trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Giá xuống thấp
Được mệnh danh là vua bơ Tây Nguyên, ông Trịnh Xuân Mười, Giám đốc Công ty TNHH Trịnh Mười (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), cho biết giá bơ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
Theo ông Mười, bơ truyền thống năm nay chỉ có 2.000 đồng/kg, thậm chí không bán được. Còn đối với bơ Booth và bơ Hass sắp thu hoạch, dự kiến giá sẽ thấp xoay quanh mốc 10.000 đồng/kg.
“Loại bơ này từng đạt mức 100.000 đồng/kg nhưng do ảnh hưởng của dịch nên giá xuống thấp. Các loại bơ truyền thống do không có đầu mối tiêu thụ nên người dân vứt bỏ”, ông Mười nói.
Giá bơ tại Đắk Lắk xuống thấp hơn mọi năm do thị trường tiêu thụ ảnh hưởng của dịch. Ảnh: T.N. |
Ông Trần Văn Đông, Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Kar, cho biết địa phương có 260 ha bơ các loại, với sản lượng khoảng 4.000 tấn. Trước dịch, người dân đã bán gần 2.000 tấn bơ sáp, bơ thường cho thu hoạch trước. Hiện địa phương còn hơn 2.000 tấn bơ Booth chưa tìm được đầu ra.
Trước dịch, các điểm thu mua xuất đi TP.HCM và một số tỉnh phía nam. Nhưng hiện nay việc xuất hàng gặp khó khăn. Tỉnh đã có cơ chế tạo điều kiện cho xe luồng xanh chở nông sản, nhưng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng vẫn giảm mạnh.
“Bơ chủ yếu đưa vào siêu thị, nhà hàng, quán sá nhưng hiện nay những đơn vị này đóng cửa nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất ít. Trước đây bơ có bao nhiêu thì thương lái mua hết để xuất đi các tỉnh. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch, các điểm thu mua đóng cửa vì không tìm được đầu ra. Tại địa phương cũng có một HTX thu mua bơ về để cấp đông, tuy nhiên chưa có thị trường tiêu thụ nên nhu cầu rất ít”, ông Đông nói.
Còn ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Năng, cho biết địa phương có 3.000 ha bơ Booth đang đến thời điểm thu hoạch, ước tính sản lượng hơn 6.000 tấn.
Theo các HTX và chủ vườn, giá bơ năm nay chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 3.000-4.000 đồng. “Hiện các thương lái cũ vẫn đến các vườn bơ để thu mua nhưng việc vận chuyển đi các tỉnh phía Nam cũng gặp nhiều khó khăn. UBND huyện đang tạo mọi điều kiện để thương lái thu mua nông sản cho người dân để tránh tình trạng ùn ứ”, ông Sự nói.
Xuất khẩu 8.000 tấn bơ?
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch tiêu thụ bơ và sầu riêng trên địa bàn.
Theo đó, Đắk Lắk đề ra 2 phương án là: Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát (tình huống hiện nay) thì 80% sản lượng bơ và 20% sản lượng sầu riêng tiêu thụ trong nước; còn lại sẽ xuất khẩu.
Còn đối với trường hợp dịch bệnh quá phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
Tại Đắk Lắk trồng chủ yếu bơ Booth trong khi nước ngoài yêu cầu xuất khẩu loại bơ Hass. Ảnh: T.N. |
Theo đó, 90% sản lượng bơ và 36% sản lượng sầu riêng sẽ tiêu thụ trong nước; 50% sầu riêng còn lại sẽ xuất khẩu. Tuy nhiên kế hoạch xuất khẩu 20% sản lượng bơ (8.000 tấn) khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính khả thi.
Theo một lãnh đạo Sở Công Thương, kế hoạch xuất khẩu 20% là mục tiêu của ngành nông nghiệp đưa ra để… phấn đấu. Thực tế, việc xuất khẩu bơ không mấy khả quan và xác định tiêu thụ trong nước là chính. Vì quả bơ rất dễ hư hỏng, lại chưa được xuất khẩu chính ngạch nên khó khăn.
Là một trong những người tiên phong xuất khẩu bơ nhưng ông Trịnh Xuân Mười cũng cho rằng khó khả thi.
Theo ông Mười, hiện Đắk Lắk đang trồng chủ yếu là bơ truyền thống trong khi nước ngoài đòi hỏi loại xuất khẩu là bơ Hass.
“Hiện nay sản lượng bơ Hass tại Đắk Lắk rất ít chỉ chủ yếu trồng bơ Booth và truyền thống. Vùng nguyên liệu không có, không có nhà máy chế biến, bảo quản thì việc xuất khẩu là không khả thi. Các nước đa phần đều chuộng bơ Hass vì quả không to nhưng chất lượng. Họ mua bơ Hass có thể làm mỹ phẩm hoặc ăn tươi”, ông Mười nói.
Tương tự, ông Đặng Nguyên Hùng, Giám đốc HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk, cho biết địa phương không có vùng trồng bơ đạt chuẩn. Đắk Lắk cũng chưa xác định được khu vực nào là trồng bơ số lượng lớn, chất lượng để làm đầu tàu xuất khẩu.
“Tôi ví dụ như huyện Krông Pắk được xác định là địa phương trồng sầu riêng nhiều và chất lượng nhất tỉnh, được xem là đầu tàu để kéo các địa phương khác xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay bơ chưa làm được điều này, chất lượng đang còn thả nổi việc vận chuyển, tiêu thụ trong nước còn khó khăn nói chi đến xuất khẩu”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, để bơ Đắk Lắk xuất khẩu được các ngành chức năng cần quan tâm đến vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm. “Địa phương cần hỗ trợ cho doanh nghiệp nào đó để đứng ra làm đầu tàu trong việc trồng bơ xuất khẩu. Từ đó, nếu doanh nghiệp thành công sẽ kéo theo ngành bơ tỉnh nhà có cơ hội đưa ra thị trường nước ngoài”, ông Hùng nói thêm.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn