Ở các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ đang có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đến tuổi xuất chuồng nhưng tiêu thụ rất khó khăn.
Ngày 3/9, nhiều địa phương tại Đồng Nai ghi nhận giá gà lông trắng công nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục, từ 6.000 đồng/kg đối với gà quá trọng lượng, còn lại dao động 9.000-12.000 đồng/kg.
Thực tế trong vài tháng trở lại đây, ở các tỉnh phía Nam, do đứt gãy chuỗi cung ứng, gà thịt công nghiệp lông trắng xuống giá mạnh, trong khi ở các tỉnh phía Bắc có giá khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5-10% lượng gà công nghiệp lông trắng.
Thống kê ở các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, các địa phương đang có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Trong đó, trên 4 triệu con đã quá tuổi, trong lượng mỗi con trên 3,8 kg.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá gà công nghiệp tại Đông Nam Bộ đang giảm sâu. Ảnh: Lao Động. |
Vẫn tắc khâu vận chuyển
Gia đình chị Ngà (Định Quán, Đồng Nai) có hơn 2.000 con gà trắng đến lứa nhưng vẫn chưa tìm được thương lái thu mua. Trước đây chị có mối quen ở TP.HCM để cung cấp nhưng vì dịch bệnh các cửa hàng, bếp ăn, nhà máy, trường học phải nghỉ nên không có đầu ra tiêu thụ.
“Tôi rao bán gà dưới 3 kg/con giá 12.000 đồng/kg loại nguyên con, 23.000 đồng/kg loại đã làm sạch rất nhiều người hỏi mua nhưng không có xe vận chuyển”, chị nói.
Tương tự, một số người chăn nuôi cũng cho biết vì dịch bệnh, chợ truyền thống đóng cửa và các cửa hàng, bếp ăn đều ngưng hoạt động nên nhiều tháng nay việc tiêu thụ gà của người nông dân rất khó khăn.
Thịt gà vẫn khó vào được các chuỗi bán lẻ do khó khăn về vận chuyển và giết mổ. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo báo cáo từ nhiều địa phương, do áp dụng giãn cách xã hội nên việc thu gom của thương lái bị ảnh hưởng lớn, làm giảm sút nghiêm trọng lượng thực phẩm cung ứng cho thị trường (ước tính giảm khoảng 20-30%). Bên cạnh đó, một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đóng của tạm thời do nhu cầu tiêu thụ giảm.
Trong khi đó, nhiều người kinh doanh tại TP.HCM có nhu cầu mua gà để bán online nhưng không có người giao. Chị Thùy (TP Thủ Đức) tìm được mối mua 100-200 con gà trắng nhưng lại gặp cảnh không có tài xế nhận giao hàng. “Hiện nay, nhu cầu mua thực phẩm online của người dân rất lớn vì không thể đi chợ, siêu thị. Nhưng khó ở chỗ khâu vận chuyển rất khó, người bán thì không thiếu”, chị nói.
Mặc dù, quốc lộ và tỉnh lộ cơ bản thông suốt, một số địa phương khi xe vận chuyển vật tư, sản phẩm đi tiêu thụ đủ điều kiện cho phương tiện vận chuyển và người ngồi trên xe thì vẫn không được vào các huyện, xã, thôn mà phải trung chuyển bằng xe nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn còn 9/62 cơ sở giết mổ đang hoạt động. Chuỗi giết mổ, cung ứng thực phẩm của các doanh nghiệp cơ bản duy trì ổn định nhờ 70% nhân lực đã được tiêm phòng vaccine Covid-19.
Tuy nhiên, ông Sinh thừa nhận việc tiêu thụ gia cầm đang gặp nhiều khó khăn, giá gia cầm giảm sâu. Do nhu cầu tiêu thụ gà lông trắng, gà lông màu trong tháng 8 giảm 30-40% so với bình thường, đặc biệt từ khi các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Bình Dương, Long An siết giãn cách xã hội thì sản lượng giết mổ giảm mạnh, khiến giá gia cầm đang rất bế tắc.
“Hiện, giá gà lông trắng chỉ còn 8.000 đồng/kg, gà lông màu 28.000 đồng/kg, trong khi gà thải loại không bán được”, ông Sinh nói.
Đề nghị mở lại chợ truyền thống để cứu ngành chăn nuôi
Chia sẻ tại Hội nghị sản xuất chăn nuôi, cung – cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020 khoảng 16-36%, dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao và vẫn tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, mọi chi phí cho lưu thông vận chuyển hàng hóa đều tăng, lên lợi ích không hài hòa giữa 3 khâu: Sản xuất – lưu thông – tiêu dùng. Một số nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ, chế biến có người bị Covid-19 nên phải ngừng sản xuất.
Giá trứng gà bán online tại TP.HCM hiện ở mức 35.000-40.000 đồng/chục. Ảnh: Phương Lâm. |
“Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào, cũng như phân phối sản phẩm đầu ra bị gián đoạn, do đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống hay các cửa hàng thực phẩm…”, ông cho hay.
Theo đó, đại diện Cục Chăn nuôi đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như đa dạng hóa kênh phân phối, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đến nay, trong khi các tuyến giao thông tại các huyện, các tỉnh đã thông thoáng thì tại các xã, thôn bản, vẫn còn tồn tại việc áp dụng các biện pháp kiểm soát thiếu linh hoạt các phương tiện vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi, nông sản nói chung. Nhiều nơi vẫn phải san hàng.
Vấn đề này Thứ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong lưu thông. “Đã quy định là xét nghiệm, test nhanh, có kết quả rồi thì cần phải tạo điều kiện để thông xe, thông hàng cho doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng nói.
Nguồn: News.zing.vn