Trong vòng 5 tuần qua, giá lúa thơm ở miền Tây giảm trên 2.000 đồng mỗi kg, trong khi giá thuê máy gặt đập và vật tư nông nghiệp tăng, khiến nông dân lãi rất ít.
Tối 1/9, gia đình anh Lâm Thanh Tòng (40 tuổi, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) vẫn còn thắp đèn chờ tư thương đưa xe tải vào đường nông thôn ở ấp Thông Lưu B để cân lúa. Trong lúc nhân công làm thuê cho máy gặt đập liên hợp vác lúa lên bờ ruộng, lực lượng kiểm soát Covid-19 đến kiểm tra giấy tờ khi thấy tập trung đông người.
“Tỉnh Bạc Liêu đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc thu mua lúa gặp khó khăn. Thương lái muốn đưa xe vào ruộng của bà con để mua lúa phải đi xin giấy tờ, tài xế âm tính SARS-CoV-2 mới được. Lúa chín lúc này mình phải bán chứ tiếp xúc nhân công thu hoạch và cân lúa cũng sợ lắm”, chị Trịnh Thu Mai (vợ anh Tòng) chia sẻ.
Một tháng giảm 2,3 triệu đồng mỗi tấn
Theo chị Mai, gia đình có 0,5 ha đất trồng lúa, duy trì giống lùa thơm RVT nhiều năm qua. Vụ hè thu năm trước, chị Mai bán lúa được gần 8.000 đồng/kg.
Cuối tháng 5, anh Tòng thấy nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ thuận lợi nên tiếp tục xuống giống lúa RVT. Loại lúa thơm này nếu chăm sóc tốt đạt năng suất 6,5-7 tấn/ha. Anh Tòng có kinh nghiệm trồng lúa nhiều năm nên thu hoạch được gần 5 tấn trên diện tích 0,5ha.
Tối 1/9, gia đình anh Lâm Thanh Tòng ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) vẫn chưa cân được lúa. Ảnh: Nhật Tân. |
Lúa trúng mùa nhưng anh Tòng không vui vì giá quá thấp. Nông dân này bán lúa thơm RVT chỉ được 5.200 đồng/kg, giảm 2.300 đồng/kg so với tháng trước.
“Mỗi tấn lúa gia đình tôi mất 2,3 triệu nên vụ này mất trên 11 triệu đồng. Trong khi đó, giá máy gặt đập tăng mỗi công (1.000 m2) từ 280.000 đồng lên 320.000 đồng. Năm trước 5 công đất tôi tốn tiền phân bón khoảng 8 triệu, năm nay đến 12 triệu đồng vì vật tư nông nghiệp tăng. Nhiều người trồng lúa năng suất thấp đã lỗ vốn”, anh Tòng nói.
Tại phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), nông dân Út Gỡ cho biết anh có nhiều người quen không bán được lúa thơm RVT vì trồng ở khu vực khó vận chuyển.
“Lúa thơm RVT nhưng thương lái mua bằng giá lúa thường, từ 5.000-5.200 đồng/kg. Có vài đám ruộng lúa chín vàng đồng nhưng chưa có người mua”, anh Gỡ nói.
An Giang chuẩn bị thí điểm trồng lúa rải vụ
Trong báo cáo gửi Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Bạc Liêu không đề cập giá lúa nhưng có thống kê sản lượng của 58.909 ha lúa hè thu ước đạt 346.321 tấn (thu hoạch từ 1/8 đến 20/9). Trong đó, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh từ nay đến cuối năm là 128.198 tấn lúa, tương đương 76.920 tấn gạo, còn lại cần xuất bán ra thị trường là 218.123 tấn lúa (có hợp đồng liên kết bao tiêu khoảng 40% sản lượng, còn lại 60% cần thương lái thu mua).
Trong ngày 1/9, nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa hè thu 1.895 ha, nâng lũy kế lên 17.283 ha. Sản lượng lũy kế 99.918 tấn và 100% được thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua.
Chỉ một tháng, giá lúa RVT từ 7.450-7.500 đồng giảm xuống 5.200 đồng/kg. Ảnh: Thanh Thái. |
Với diện tích lúa hè thu còn trên đồng hơn 40.000 ha, UBND tỉnh Bạc Liêu đã gửi UBND tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang để đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho người và phương tiện thu hoạch lúa vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, máy gặt đập liên hợp trong tỉnh chỉ đáp ứng được 50-60% so với diện tích lúa đang chín rộ. Ngành nông nghiệp tỉnh này cần sự hỗ trợ ngoài tỉnh khoảng 40-50% số máy gặt đập liên hợp để đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa.
Là địa phương có đến 230.000 ha lúa hè thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, nói rằng thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long khi thu hoạch rộ thì lúa bị ùn ứ, máy gặt không đủ để cắt lúa, lực lượng công nhân bốc xếp cũng không đủ, ghe chở lúa cũng thiếu.
“Thu hoạch rộ sẽ khiến doanh nghiệp mua lúa chứa lúa đầy kho, lò sấy hoạt động quá công suất và tiền của doanh nghiệp đổ ra mua lúa cho nông dân cũng không đủ. Thu hoạch rộ làm cho mọi vấn đề dồn ứ, gây hiệu ứng giá thấp, nông dân gọi là thu hoạch ‘đông ken’. Tất cả khó khăn trong giai đoạn thu hoạch đông ken này chỉ phục vụ cho câu chuyện né rầy nâu”, ông Thư nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho rằng trồng lúa rải vụ sẽ tránh thu hoạch rộ, giúp giá lúa ổn định. Ảnh: Việt Tường. |
Từ đó, vị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang nghĩ đến việc làm lúa rải vụ trong chương trình hệ sinh thái đồng ruộng. Đó là mỗi tiểu vùng xuống giống đồng loạt chỉ vài nghìn ha, sau đó đến và nghìn ha khác chứ không xuống giống tất cả diện tích trên toàn địa phương.
“Rải vụ sẽ giải quyết được mọi vấn đề khó khăn vì không còn ‘đông ken’. Bù lại, tôi đang lo ngại vòng đời con rầy nâu có hoài. Vì vậy, chúng tôi sẽ cho làm thí điểm, đánh giá luôn rầy nâu thế nào rồi xin phép Bộ Nông nghiệp để làm nhiều hơn. Thực tế 5-10 năm trở lại đây rầy nâu tương đối giảm. Chúng tôi cẩn thận cho thí điểm ở quy mô nhỏ, đánh giá rồi hội thảo để các nhà khoa học bàn với nhau trước khi áp dụng quy mô lớn hơn”, ông Trần Anh Thư chia sẻ.
Nguồn: News.zing.vn