Những ngày đầu hoạt động, tiến sĩ Lương Quang Thùy bối rối nhận hơn 1.000 cuộc gọi xin chuyển F0 đến. Tuy nhiên, ông chỉ nhận được khoảng 100 người do giường bệnh hạn chế.
“Lộp bộp, lộp bộp…”
Hơn 5 phút, điều dưỡng Nguyễn Thị Thân, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, liên tục vỗ đều vào lưng một bệnh nhân Covid-19.
Người đàn ông tiều tụy, đeo oxy mask, gương mặt nhăn nhúm.
“Phải khạc đờm ra ngoài mới dễ thở được, cố hít sâu vào chú ơi”, điều dưỡng Thân động viên ông lão, tay phải vẫn vỗ đều đều sau lưng.
Một lúc sau, ông kéo mặt nạ oxy xuống cổ, lấy khăn giấy đặt ngay miệng trước khi bắt đầu tràng ho sặc sụa. Chị Thân cẩn thận lấy nước, đặt cơm trước giường cho ông, sau đó chạy nhanh đến giường một bệnh nhân khác.
Mới hơn 3 ngày, chị Thân cùng các y bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 huyện Bình Chánh quay cuồng với gần 100 bệnh nhân Covid-19, tất cả đều cùng tình trạng nặng.
Hết giường sau 3 ngày hoạt động
Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội) vận hành được trưng dụng từ Bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), trên lô đất rộng 5,6 ha, ngay cửa ngõ phía Nam thành phố, cách trung tâm khoảng 12 km.
Trong chuyến khảo sát ngày 29/7, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đã chọn các nhà xưởng đang được xây dở dang cho Bệnh viện dã chiến số 13 để thành lập Trung tâm Hồi sức Covid-19.
“Khi bệnh viện đang được xây dựng, chúng tôi đã yêu cầu thay đổi toàn bộ công năng, thiết lập đường một chiều từ lối đi sạch đến khu lây nhiễm. Các phòng quạt trần được thay thế toàn bộ bằng hệ thống thông khí, không sử dụng điều hòa. Mọi cơ sở vật chất tại đây đều phù hợp để thiết lập một khu hồi sức tích cực”, GS Giang nhận định.
Bệnh viện dã chiến số 13 thời điểm chuẩn bị xây dựng. Khu đất này nằm ngay cửa ngõ phía Nam TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Từ ngày 2/8, GS Trần Bình Giang cùng 20 người gồm chuyên gia của Bộ Y tế, cán bộ kỳ cựu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đơn vị xây dựng… bắt đầu lên kế hoạch cải tạo các khu nhà xưởng.
Ngày 5/8, hơn 300 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên của bệnh viện này đáp chuyến bay đến Tân Sơn Nhất, sẵn sàng hội quân.
Trưa 11/8, GS Giang được Phó chủ tịch UBND TP.HCM bàn giao 2 block nhà gồm một khu hành chính, xét nghiệm, phòng đệm và 2 khu điều trị. Đến 14h cùng ngày, hàng chục bệnh nhân Covid-19 nặng được chuyển đến.
“Chưa đến 10 ngày, trung tâm hồi sức tích cực được khai sinh từ khu nhà xưởng một cách thần tốc”, GS Giang nói.
Bệnh viện được trang bị sẵn một bình oxy lỏng 20 tấn chứa 13 triệu lít khí oxy khi hóa lỏng. Theo GS Giang, trung bình, mỗi bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC) cần khoảng 70 lít oxy/phút, khi thở máy cần đến 150 lít/phút.
Dự kiến, bệnh viện sẽ lắp thêm một bình oxy lỏng 20 tấn và nạp oxy mỗi 3 ngày/lần để đảm bảo đủ oxy cho bệnh nhân.
“Với bệnh nhân Covid-19 cần hồi sức, oxy rất quan trọng. Chúng tôi đang chuẩn bị thêm nhiều yếu tố khác nữa. Chúng tôi không dám hứa chữa khỏi được bao nhiêu bệnh nhân nhưng cố gắng tối đa, làm được gì sẽ làm tất cả”, GS Giang nói.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tổng công suất của Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 13 là 500 giường. Dự kiến, đơn vị này bố trí 200 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng phải thở máy xâm nhập và không xâm nhập, HFNC. 200 giường cho bệnh nhân thở oxy và có dấu hiệu diễn tiến nặng. 100 giường cho bệnh nhân sau hồi sức và theo dõi trước khi ra viện.
GS Trần Bình Giang cho biết ngay sau khi đưa vào hoạt động đường dây nóng, bệnh viện đã nhận hơn 1.000 cuộc gọi xin chuyển F0. Chỉ sau 3 ngày, khu điều trị đã đầy bệnh nhân nặng, không còn giường trống. Ông lý giải tổng công suất của bệnh viện là 500 giường nhưng mới triển khai 100 giường và đang dần nâng cấp theo lộ trình.
Bên trong khu điều trị Covid-19 do y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đảm nhiệm tại Bệnh viện dã chiến số 13. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cần có giải pháp phân luồng F0 hợp lý
TS.BS Lương Quang Thùy, Phó giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, cho biết những ngày đầu, hơn 1.000 cuộc gọi dồn dập xin chuyển bệnh nhân Covid-19 đến khiến ông bối rối.
Tuy nhiên, với vai trò điều trị Covid-19 tầng cuối, đơn vị này chỉ nhận bệnh nhân từ Sở Y tế TP.HCM hoặc Trung tâm cấp cứu 115 điều phối. Bên cạnh đó, việc nhận bệnh nhân cần phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo điều trị tốt nhất.
“Chúng tôi luôn cố gắng nhận nhiều F0 nhất có thể vì thầy thuốc không bao giờ từ chối người bệnh. Số bệnh nhân đã kín 2 block nhà và bệnh viện đang nâng cấp dần công suất giường”, TS Thùy cho biết.
Từ ngày 11/8 đến nay, trung tâm này điều trị 98 bệnh nhân Covid-19, trong số 35 bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), trong đó có 10 người chuyển sang thở máy. Đây là tỷ lệ rất cao.
The GS Trần Bình Giang, trước tình trạng số lượng F0 tăng nhanh dẫn đến nhiều bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng tại TP.HCM, cần có giải pháp điều phối người bệnh hợp lý.
Trung tâm Hồi sức Covid-19 tiếp nhận gần 100 F0 nặng, nguy kịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Dù có triển khai tiếp khu hồi sức khác đi nữa, với số lượng bệnh nhân này, vẫn là muối bỏ bể. Chúng ta cần có sự điều phối người bệnh Covid-19 hợp lý. Các trung tâm hồi sức dành cho người bệnh trong tình trạng nặng, nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhân nhẹ hơn điều trị ở cơ sở y tế tầng dưới. Như vậy mới có hy vọng cứu được nhiều tính mạng con người hơn”, GS Giang nhận định.
Chuyên gia này nhấn mạnh việc giảm lây nhiễm, đồng thời phân luồng người bệnh Covid-19 rất quan trọng. Trong đó, cần tránh tình trạng nhiều người nghĩ rằng trung tâm hồi sức mới xây dựng, có trang thiết bị hiện tại và đổ dồn về đây. Ông mong muốn người dân hiểu, thông cảm và đi theo hệ thống phân luồng này để đạt được hiệu quả điều trị chung.
“Khi F0 đến thì thầy thuốc không thể từ chối. Người bệnh nhẹ nằm ở đây thì sẽ không còn chỗ cho những bệnh nhân nặng”, GS Trần Bình Giang lý giải.
Nguồn: News.zing.vn