Nhiều người trẻ cho biết họ không có ý nghĩ mua sắm vì phải ở nhà quá lâu. Thay vào đó, họ mua đồ để phục vụ công việc hay chọn sản phẩm phù hợp với thời tiết.
“Mua sắm trả thù đại dịch” là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều người đi ăn uống, mua quần áo, phụ kiện để thỏa mãn “cơn khát” sau nhiều tháng ở nhà giãn cách. Thậm chí, những hình ảnh chen nhau để mua đồ cũng được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn.
Chia sẻ với Zing, một số người trẻ sống ở Hà Nội cho biết họ không nghĩ đến việc “trả thù” nhiều khi mua quần áo. Họ chỉ đơn giản mua để phục vụ công việc, vì thấy giảm giá hay thiếu đồ đông…
Nơi bán đồ trở thành địa điểm chụp ảnh
Có mặt tại tầng 7 của khu mua sắm nổi tiếng dành cho giới trẻ tại phố Bà Triệu vào khung giờ tối, phóng viên ghi nhận không khí ảm đạm, hành lang thoáng, ít người đi. Tại một số khu vực, vài bạn trẻ tạo dáng chụp ảnh.
Đại điểm mua sắm của giới trẻ vắng khách. |
Không gian tại nơi này thiết kế theo dạng mở. Tại sảnh giữa, mọi người có thể ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện và thích hợp để chụp những bức ảnh chất ngầu. Hơn nữa, địa điểm này cũng không cấm ghi hình nên càng tạo điều kiện cho những ai muốn có ảnh đẹp.
Những gian hàng của các local brand dành cho giới trẻ cũng chỉ có nhân viên đứng trông, khách hàng vào xem đồ, ít mua.
Một nữ nhân viên ngồi từ 15h30 cho hay: “Những ngày trong tuần hầu như vắng vẻ không có ai. Một số bạn đến đây với mục đích đi dạo và chụp ảnh. Cuối tuần, mọi người đi nhiều hơn nhưng lượng khách đến đây cũng lai rai thôi. Đối với số ít khách mua hàng, họ chú ý đến đồ đông”.
Nhân viên cửa hàng đang tư vấn cho những khách hàng hiếm hoi. |
Thùy Dương (22 tuổi) chia sẻ: “Vì Hà Nội bắt đầu lạnh, tôi muốn đi dạo để tìm xem có chiếc nào hợp với mình không. Tuy nhiên, mục đích chính của tôi vẫn là được đi ra ngoài chơi với bạn. Mua sắm nhiều đồ để bù lại khoảng thời gian ở nhà là việc tôi không nghĩ đến”.
Không chỉ địa điểm này, nhiều của hàng thời trang trong nước ở các tuyến phố như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch cũng vắng khách dù dán biển “sale up to 50-70%” hay “mua 1 tặng 1”.
Điều này phản ánh đúng những gì nhà thiết kế Thảo Nguyễn – người có cửa hàng thời trang ở Hà Nội và TP.HCM – nói với Zing: “Dù mở cửa trở lại, sức mua trong nước có lẽ vẫn chưa phục hồi ngay, phải đợi một thời gian nữa. Do đó, tôi mới tính đến phương án bán các thiết kế ở thị trường nước ngoài”.
Chuyên gia truyền thông Thế Anh cũng nhận thấy sau dịch, đa số khách hàng Việt chưa nghĩ ngay đến việc đi mua sắm đồ thỏa thích. Theo anh, đây là thời điểm các thương hiệu “xử lý” bộ sưu tập cũ thông qua những chương trình khuyến mại.
Mua đồ vì thấy giảm giá
Trái ngược với khung cảnh ảm đảm ở các cửa hàng thời trang trong nước, nhiều người xách túi đồ bước ra từ những thương hiệu bình dân quốc tế. Bảng giảm giá 199.000 đồng, 399.000 đồng, 799.000 đồng thu hút nhiều người mua ở một thương hiệu nằm trên phố Bà Triệu.
Vũ Tuấn và Tuyết Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi mua được 5 món đồ sau buổi mua sắm. Sau nhiều tháng ở nhà, cả hai mua sắm quần áo phục vụ nhu cầu đi chơi. Về chương trình khuyến mãi của các hãng, tôi thấy bình thường vì họ chủ yếu xả hàng cũ. Chúng tôi thấy giá ổn nên mua”.
Vũ Tuấn và Tuyết Mai có được 5 món đồ sau buổi sau mua sắm. |
Hà Nội đang vào đông nên ngoài việc mua sắm vì thấy giá rẻ, nhiều người cũng tìm quần áo phù hợp với thời tiết. Một số bạn trẻ cho biết họ chỉ mua chiếc áo phao nên nhìn trông như người mua nhiều đồ. Bên cạnh đó, vài người cho hay họ mua thêm quần áo công sở để sẵn sàng đến văn phòng làm việc lại.
Nhóm bạn Hà Hà, Cẩm Hoa và Hà Trang chia sẻ: “Chúng tôi không biết phải đi đâu nên hẹn ra một cửa hàng của thương hiệu quốc tế để mua đồ. Mua sắm những món đồ cùng bạn bè giúp chúng tôi giải tỏa căng thẳng. Trước dịch, chúng tôi vẫn hay có những cuộc hẹn thế này”.
Nhóm bạn Hoa, Hà, Trang cho biết đi mua đồ là hình thức giúp họ giải tỏa căng thẳng. |
Trên thế giới, việc mua sắm trả thù khá phổ biến. Họ mua thỏa thích để bù lại quãng thời gian ở nhà do đại dịch. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức này có thể chỉ phổ biến ở những người có mức thu nhập ổn định, không bị ảnh hưởng trong mùa dịch.
Như stylist Khúc Mạnh Quân – người hay làm việc cùng các thương hiệu trong nước – nói với Zing: “Giới trẻ Việt chủ yếu mua đồ theo nhu cầu sau dịch. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đi làm tất bật sau khi Hà Nội nới lỏng, tôi nhận thấy dân văn phòng, người có thu nhập khá vẫn quan tâm đến thời trang vì mong muốn mặc đẹp”.
Nguồn: News.zing.vn