GS Nguyễn Đức Khương cho rằng các địa phương ở Việt Nam không nên vì áp lực thời gian mà làm ảnh hưởng đến quyết định mở cửa. Việc mở hay không phải dựa trên con số dịch tễ.
GS Nguyễn Đức Khương cho rằng việc đặt ra một mốc thời gian cụ thể để mở cửa kinh tế xã hội là rất tốt nhằm tập trung mọi nỗ lực cho kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, cần xem xét các chỉ số y tế và diễn biến thực tế của dịch bệnh để có quyết sách phù hợp.
Thời gian phải giãn cách xã hội ở một số địa phương của Việt Nam đã vượt 2-3 tháng, trong khi sản xuất đình trệ, nền kinh tế có dấu hiệu đứt gãy. Nhiều địa phương đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa trở lại dựa trên tỷ lệ tiêm chủng và các quy định thử nghiệm.
Trước đó, mốc 15/9 được nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… hướng đến với mục tiêu đưa cuộc sống và sản xuất sớm trở lại. Đây đều là những vùng dịch phức tạp nhất với số lượng ca nhiễm chưa thuyên giảm.
Làm thế nào để mở cửa an toàn, bài bản và hiệu quả là chủ đề cuộc phỏng vấn của Zing với GS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School, Paris và Chủ tịch AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu).
Ông được dự án Nghiên cứu Kinh tế RePec xếp hạng thứ 7/200 nhà kinh tế hàng đầu thế giới năm 2016, dựa trên các công trình nghiên cứu xuất bản 10 năm trước đó.
– Theo ông, Việt Nam cần đạt điều kiện gì về kiểm soát dịch bệnh để bắt đầu mở cửa lại?
Đây là một “cuộc chiến tranh” y tế mà cả thế giới phải đối mặt. Đối thủ của chúng ta là một con virus có khả năng lây nhiễm cao và thường xuyên xuất hiện biến thể mới.
Có một mối liên hệ mật thiết giữa kiểm soát dịch bệnh và cho mở cửa đi lại. Một số nước chọn phương án nghiêm ngặt hướng về “không Covid-19” mới cho mở cửa trở lại như Trung Quốc, Australia, New Zealand…
Có nước thì chọn cách dựa trên sức chống chịu của ngành y tế như tỷ lệ lấp đầy số lượng giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU) như ở Pháp và nhiều nước châu Âu. Từ khi có vaccine, tỷ lệ tiêm chủng trở thành một chỉ số quan trọng để ra quyết định.
Theo tôi, có 3 mặt trận chống dịch. Thứ nhất, ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng. Thứ hai, ngăn sự sụp đổ của hệ thống y tế do quá tải bệnh nhân nhập viện và ca cấp cứu ICU. Thứ ba, khủng hoảng kinh tế dẫn đến suy giảm nguồn lực chống dịch cũng như đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay, rất khó để Việt Nam đưa lây nhiễm cộng đồng về mức 0, do đó nên tập trung vào 2 “mặt trận” phía sau: chọn giảm thiểu tỷ lệ tử vong là trọng tâm, đồng thời chăm sóc những yếu tố về tinh thần, an sinh xã hội và khôi phục dần huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chỉ số dịch tễ là những thông số quan trọng để quyết định mở cửa kinh tế xã hội trở lại, trong đó có tỷ lệ lấp đầy giường bệnh chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh nhân Covid-19, số ca nhiễm trên 1 triệu dân, hệ số lây nhiễm thực R nhỏ hơn 1 (một người lây cho ít hơn một người, thông thường được tính trên 1 tuần), và tỷ lệ tiêm chủng.
Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm Covid như người có bệnh nền và người cao tuổi phải được ưu tiên và tiến tới đạt mức tiêm chủng 100% nhanh nhất. Như vậy có thể giảm tải cho hệ thống điều trị và mở cửa sớm hơn.
Ở thời điểm hiện tại, Pháp có tỷ lệ lấp đầy số giường ICU do bệnh nhân Covid-19 là 42%, là mức khá thấp, trong khi hệ số lây nhiễm R đang là 0,79 (thấp hơn 1). Đây là căn cứ để Pháp tuyên bố không có làn sóng Covid-19 lần thứ tư, và xóa bỏ hầu hết hạn chế đã áp dụng trước đó.
– TP.HCM và một số tỉnh phía Nam đang đặt ra mốc 15/9 để từng bước mở cửa trở lại. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì việc mở cửa trở lại cần tiến hành như thế nào?
Yếu tố then chốt quyết định việc mở cửa là các con số dịch tễ chứ không phải là áp lực về ngày tháng. Tôi tin rằng không có ngoại lệ cho TP.HCM hay bất cứ địa phương nào của Việt Nam.
Luôn cần sự đánh giá khách quan từ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế. Ở Vương quốc Anh, họ có khẩu hiệu “Data not date”, nghĩa là số liệu chứ không phải ngày tháng, theo đó họ đánh giá số liệu trước cả tháng để quyết định điều kiện chín cho mở cửa khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt ngưỡng an toàn.
Có 2 cách tiếp cận vấn đề mở cửa: mở cửa hoàn toàn khi an toàn (đạt miễn nhiễm cộng đồng) và mở cửa từng phần ở những khu vực đã an toàn. Cách tiếp cận thứ nhất sẽ cần thời gian lâu hơn, cách thứ hai linh hoạt hơn nhưng mạo hiểm hơn.
Nếu các địa phương chọn cách thứ hai thì cần đảm bảo những tiêu chuẩn quan trọng như tỷ lệ phủ của vaccine, xét nghiệm nhanh, kiểm soát triệu chứng, giãn cách trong môi trường làm việc và không gian đi lại, chuẩn bị nguồn lực y tế đủ để ứng phó cho các kịch bản số bệnh nhân nhập viện gia tăng.
Theo tôi, cần có đánh giá mỗi tuần theo các chỉ số và kịch bản định sẵn… để có những ứng phó phù hợp.
Có một điều chắc chắn là TP.HCM chưa nên mở cửa ồ ạt. Việc thí điểm một số nơi như TP đề nghị là một quyết định đúng đắn. Bên cạnh đó, có thể kết hợp mở cửa theo ngành nghề và các cơ sở sản xuất ưu tiên.
Đặc biệt, TP cần những kịch bản cụ thể dài hơi hơn, tính đến các yếu tố tâm lý, xã hội, kinh tế, và truyền thông rộng rãi để người dân hiểu, đồng lòng thực hiện cùng các cấp chính quyền.
– Nhiều nước trên thế giới áp dụng mở cửa theo từng bước, từng khu vực. Theo ông, Việt Nam nên áp dụng mở cửa từng bước theo lộ trình, thứ tự ra sao?
Có 2 loại hình mở cửa, một là trong phạm vi quốc gia giữa các tỉnh thành hoặc trong phạm vi mỗi tỉnh thành, hai là mở với quốc tế. Mọi người dễ nghĩ là quốc tế là cấp độ cao hơn sau quốc gia. Tuy nhiên, trên thực thế không hẳn như vậy.
Ở trong nước, mức độ mở cửa cao nhất có được là khi Việt Nam tiêm đủ vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng hay có thuốc chữa hiệu quả với giá tiếp cận được. Theo dự kiến các dòng vaccine về Việt Nam, tôi nghĩ nên theo kịch bản thận trọng là phải đến quý II năm sau chúng ta mới tiêm đủ vaccine. Trước đó thì cần phải bám sát các chỉ số về y tế, kinh tế và xã hội.
Cần nhất là một tầm nhìn đồng bộ, chính sách thống nhất trên toàn quốc. Các tỉnh căn cứu vào tình trạng dịch bệnh tại địa phương để quyết định mở cửa theo quy định chung của cả nước. Tránh những quyết định cục bộ địa phương, ngăn sông cấm chợ không cần thiết hay quá ngắn hạn. Tất cả phải tham gia vào bảo vệ những chuỗi giá trị chung, tạo hành lang thông thoáng đảm bảo huyết mạch cho nền kinh tế.
Việc mở cửa với quốc tế nên đẩy mạnh hơn vì nhiều quốc gia đối tác quan trọng của Việt Nam đã bắt đầu bình thường mới và có tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Ưu tiên với đối tượng chuyên gia, nhà đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng dịch chuyển vốn và sản xuất về Việt Nam, và có thể kiểm soát thông qua hộ chiếu vaccine và xét nghiệm âm tính…
– Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến các địa phương của Việt Nam theo những mức độ khác nhau, có nơi phải giãn cách xã hội, có nơi gần như ít bị ảnh hưởng. Theo ông, làm thế nào để Việt Nam tận dụng những “vùng xanh”, “vùng vàng” để phát triển kinh tế và hạn chế thấp nhất đứt gãy ở “vùng đỏ”, “vùng cam”?
Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng chung, thắng lợi của một tỉnh thành không giải quyết được bài toán quốc gia. Những tỉnh vùng xanh, vàng, phải là điểm tựa, vùng đệm và phải phát triển mạnh gấp 2 gấp 3 để cho hỗ trợ các vùng đỏ.
Việc duy trì “vùng xanh” để đảm bảo dịch bệnh không lây lan là một công việc nhiều thách thức. Ngay cả ở những vùng này cũng nên thực hiện các biện pháp sống, làm việc an toàn như như hạn chế tụ tập, quy định khoảng cách tối thiểu là 2 m, bắt buộc đeo khẩu trang, khuyến khích làm việc từ xa, hạn chế di chuyển nếu không cần thiết…
Chúng ta cũng cần áp dụng công nghệ tối đa để truy vết, nâng cao hiệu quả của công tác xét nghiệm, quan trắc phân tích các số liệu dịch tễ để có cảnh báo sớm, phong tỏa sớm, tránh để xu thế dịch bệnh hình thành dài ngày.
Cùng lúc đó, Chính phủ và các địa phương cần tranh thủ tìm kiếm nguồn vaccine để sớm tiêm chủng cho toàn bộ người dân vùng xanh, với một chiến lược ưu tiên tiêm đúng ngay từ đầu.
– Nhiều chuyên gia y tế cho rằng sẽ rất khó để đưa số ca nhiễm về mức 0 trong bối cảnh hiện nay. Kinh nghiệm của quốc tế là gì để Việt Nam chấp nhận sống chung với dịch, từng bước đưa cuộc sống trở lại?
Đúng là rất khó để đưa số ca nhiễm về mức 0 vì biến chủng Delta lây lan rất mạnh và khó có thể kiểm soát. Việt Nam vốn có một nền kinh tế và xã hội cộng đồng, nên việc tiếp xúc thường xuyên là khó tránh khỏi. Ngoài ra, nước ta có biên giới mở với rất nhiều quốc gia khác nhau nên việc đưa số ca nhiễm về 0 sẽ mất rất nhiều thời gian, nguồn lực, và tôi không nghĩ là thực sự cần thiết.
Hiện tại, để sống chung với dịch an toàn thì đa số các nước đều hướng tới tiêm ngừa vaccine với độ bao phủ đủ lớn. Trước khi tiêm được nhiều thì các nước có các biện pháp thích ứng khác nhau. Ví dụ, Đức tổ chức xét nghiệm diện rộng, Dubai (UAE) thì hạn chế áp dụng phong tỏa, Ba Lan đóng mở linh hoạt theo các chỉ số dịch tễ…
Việt Nam cũng không ngoại lệ và cần theo đuổi giải pháp chung về y tế như tiêm chủng vaccine diện rộng với tỷ lệ bao phủ lớn, đảm bảo năng lực phục vụ của hệ thống y tế để giảm số ca nhập viện và số ca tử vong thấp.
Trên hết là phải xác định tâm lý sống chung và kiểm soát dịch bệnh, tránh thái độ kỳ thị với những người nhiễm bệnh, không nên quá tập trung nguồn lực vào F0 không triệu chứng mà nên quan tâm đến các bệnh nhân nặng.
– Muốn kinh tế Việt Nam không bị đứt gãy quá lâu, theo ông, Việt Nam có phải chấp nhận một sự đánh đổi nào đó hay không?
Thế giới đã trải qua những giai đoạn thương đau hơn Việt Nam rất nhiều ở thời điểm hiện tại. Theo tôi, mỗi giai đoạn thì có những ưu tiên nhất định, và các ưu tiên cũng được tính đến trong một tổng thể.
Khi giãn cách xã hội trong một thời gian dài thì cũng cần cân nhắc các yếu tố khác như là sức chống chịu về tâm lý – xã hội của cả lực lượng chống dịch lẫn người dân, và sức “chịu đựng” về kinh tế của người dân, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Ba phương diện y tế, kinh tế và xã hội giống như kiềng 3 chân, cần phải được linh hoạt ứng phó cho đường dài, một kiềng hỏng thì không thể đi tiếp.
– Sau khi từng bước mở cửa trở lại, Chính phủ cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân ra sao để sớm phục hồi? Theo ông, những trọng tâm nào mà chính sách an sinh, xã hội cần hướng đến?
Chính sách an sinh xã hội từ nay đến cuối năm sẽ là vấn đề rất lớn với Chính phủ, bởi số người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh lên tới hàng chục triệu người, trong đó nhiều người thiếu tích lũy hoặc số tiền tích lũy đã dần cạn kiệt sau gần 2 năm chống chịu với nhiều đợt bùng phát.
Việc đầu tiên là phải đảm bảo gói an sinh tối thiểu khi giãn cách hay khi mở cửa lại mà người dân vẫn còn thất nghiệp. Gói này sẽ giúp đảm bảo chi phí cơ bản cho ăn, ở, chăm sóc y tế và giáo dục cho con cái.
Đồng thời có “gói hỗ trợ tâm lý” để người dân yên tâm vượt qua dịch bệnh. Tiếp đến phải có các chương trình hỗ trợ tìm lại việc làm, hoặc hỗ trợ đào tạo nghề để họ có thể làm được những công việc khác.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để tổ chức sản xuất trở lại, an toàn, và gắn kết lại các chuỗi liên kết giá trị, tìm lại nguồn hàng và khách hàng mới.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ tài khóa như giảm thuế phí hay các gói cho vay ưu đãi, cần xem xét một số giải pháp kích cầu, ví dụ như phát phiếu tiêu dùng. Biện pháp này vừa giúp người dân có nguồn tài chính để chi tiêu vừa giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng sản xuất.
Nguồn: News.zing.vn