Thật dễ để hài lòng khi thấy Hà Lan tấn công và chiến thắng, nhưng để nhận định đó là lối chơi tổng lực hay những tính từ tương tự thì không.
Ghi 5 bàn sau hai lượt trận, giành trọn vẹn 6 điểm để đi tiếp với ngôi đầu bảng, Hà Lan hiển nhiên làm hài lòng những người hâm mộ của đội bóng này ở khâu kết quả. Song, việc định nghĩa lối chơi của Hà Lan tại giải lần này lại không phải câu chuyện dễ dàng.
Định nghĩa lốc cam
Luôn có cảm giác rằng toàn cầu hóa bóng đá làm mờ đi những ranh giới lẫn triết lý túc cầu tưởng chừng như bất khả xâm phạm, như cách Italy tấn công ào ạt, hay giờ đây là Hà Lan với hàng phòng ngự ba trung vệ (thay vì hàng công 3 tiền đạo) làm bản lề cho cả hệ thống chiến thuật.
Chân sút số một của Hà Lan tới lúc này là Dumfries, một hậu vệ. Ảnh: Reuters. |
Song, nếu nhìn nhận kỹ lưỡng, thì Italy và cả Hà Lan chưa từng đánh mất mình. Italy sẵn sàng đổi chiến thuật trước Thụy Sĩ vào những phút cuối, lùi sâu phòng ngự trước khi phản công trừng phạt đối thủ, hay Hà Lan cũng sẵn sàng tăng tốc theo cách đầy tổng lực để bóp nát đối thủ Áo tội nghiệp.
Con số này có thể chỉ ra Hà Lan là đội bóng như thế nào tại Euro 2020: 65% số đường chuyền trong cả trận gặp Áo của đội bóng này được hướng lên. 21,4% hướng thẳng vào khu vực 1/3 sân đối phương.
Những ngôi sao áo cam thắng tranh chấp 10 lần, vượt qua đối thủ 10 lần. Ở những chỉ số tiêu biểu cho tư tưởng tấn công đàn áp, Hà Lan đều làm tốt. Thậm chí nếu Depay chắt chiu hơn, Hà Lan có thể đã vùi dập đối thủ.
Vấn đề duy nhất: Họ kiểm soát bóng ít hơn Áo, chỉ 47%. Và đây có thể là điểm mấu chốt để nhìn nhận trọn vẹn về danh tính mới của “Cơn lốc màu da cam”.
Với đội ngũ nhân sự đang có, Hà Lan không thể đè đối thủ để “đá tổng lực” như mơ mộng của các CĐV. Họ vẫn sẽ tấn công để ghi bàn, nhưng không phải với khí thế ngùn ngụt từ “những gã chạy như điên” của Cruyff trong thập niên 70.
Hà Lan sẽ nhường quyền kiểm soát bóng cho đối thủ để chủ động tấn công vào giai đoạn chuyển trạng thái. Chỉ cần vài chạm, Hà Lan đã có thể đưa bóng sang hai biên cho Depay, hoặc Dumfries băng lên từ cánh phải để tạo thế phản công với sơ đồ 3-4-3.
Đội bóng áo cam rất mạnh trong cách sắp xếp này khi có Frenkie de Jong và Georginio Wijnaldum, những ngôi sao có sức rướn tốt, và nằm lòng tư duy hiện đại này khi áp dụng đều đặn vào mỗi cuối tuần ở cấp độ CLB. Hà Lan cũng không ngại việc đan bóng qua lại bên phần sân nhà với tốc độ chậm rãi để dụ đối phương dâng cao trước khi đột ngột tăng tốc.
Ukraine và Áo, hai bại tướng của Hà Lan, đều đã bị giăng vào cái bẫy này và nhận đòn trừng phạt. Pha bóng nhấn chìm Áo đến từ sự kiên nhẫn khủng khiếp của Hà Lan khi họ dụ hàng phòng ngự đội khách dâng cao tới tận vòng tròn trung tuyến bằng các đường chuyền từ tiền đạo về tới thủ môn.
Cú vỉa mũi giày kiến tạo của Depay cho Malen thoát xuống là kết quả ngọt ngào của một chuỗi những hành động đầy toan tính của “Cơn lốc màu da cam”. Hàng phòng ngự 5 người, vốn là đặc sản của người Italy xuyên suốt lịch sử, giờ là bệ phóng nâng đỡ quốc gia cái nôi của bóng đá tấn công.
Thật nghịch lý, song xét trên góc độ chiến thuật, sơ đồ 3 trung vệ nếu vận hành chuẩn đảm bảo toàn diện về không chỉ cách thức lên bóng từ sân nhà, mà còn cả ở khả năng bọc lót.
Không phải ngẫu nhiên mà một đội bóng có hàng thủ 3 trung vệ đã lên ngôi tại Champions League mùa 20202/21, sau khi quật ngã đối thủ có HLV là môn đệ nổi tiếng nhất của Cruyff ngay trong trận chung kết (Pep Guardiola – PV).
Đường còn dài với Hà Lan
Có những sự tương đồng nhất định giữa đội tuyển Hà Lan của De Boer năm nay với tập thể “Cơn lốc màu da cam” thành công nhất tại Euro trong 20 năm qua – Hà Lan của Marco van Basten tại Euro 2008.
Bản lề trong thành công của Hà Lan tính đến lúc này là hàng phòng ngự 3 người với De Vrij, De Ligt và Blind. Ảnh: Reuters. |
Không đến mức cực đoan như De Boer với hàng phòng ngự 5 người, Van Basten của năm 2008 trình làng Hà Lan với bộ đôi tiền vệ trung tâm lực điền Orlando Engelaar-Nigel de Jong, để làm tấm lá chắn cho hàng phòng ngự.
Cặp tiền vệ phòng ngự này đi ngược với hàng tiền vệ tiêu chuẩn của Hà Lan trong những năm trước đó với Edgar Davids – Clarence Seedorf hay Philipp Cocu. Song, Van Basten không quan tâm. Bất chấp chỉ trích, ông bày tỏ sự lạnh nhạt với báo chí trước, trong và cả sau giải.
Hà Lan năm đó phản công cực nhanh, luôn đánh vào giai đoạn chuyển đổi trạng thái của đối phương, và thống trị tuyệt đối bảng tử thần với Italy, Pháp và Romania với 9 điểm cùng 9 bàn sau 3 trận và chỉ nhận vỏn vẹn 1 bàn thua.
Hà Lan của De Boer hẳn nhiên còn xa mới đạt tới đẳng cấp đó khi con người không chất lượng bằng, song việc lựa đấu chọn đấu pháp chọn lọc để vẫn giữ được chất Hà Lan, và đồng thời chiến thắng, rõ ràng là đã thành công.
Chỉ có điều không rõ Hà Lan của De Boer có đi vào vết xe đổ của Van Basten hay không. 13 năm trước, Hà Lan mất toàn bộ động lực ngay sau vòng bảng và sụp đổ dễ dàng trước Nga ở tứ kết khi cất hầu hết trụ cột ở lượt trận cuối vòng bảng gặp Romania.
Hà Lan sẽ gặp Bắc Macedonia ở lượt trận cuối cùng, và De Boer ngoài việc tính toán cho các trụ cột dưỡng sức còn phải tìm cách để các ngôi sao đang vào guồng như De Jong, Wijnaldum, Dumfries, De Vrij… không bị tuột mất điểm rơi phong độ.
Hà Lan của De Boer có thể không phải Hà Lan tổng lực như mơ ước của nhiều người, song nếu “Cơn lốc màu da cam” làm nên chuyện tại Euro 2020, danh tính mới mẻ này có lẽ cũng chẳng còn quan trọng.
Hà Lan không cần cầm nhiều bóng để chơi áp đảo đối thủ. Đồ họa: Minh Phúc. |
Nguồn: News.zing.vn